Thứ sáu, 30/10/2009, 02:46 (GMT+7)
Cách đây 64 năm, ngày 30-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thanh niên Nam bộ” với những lời lẽ thống thiết: “Đã hơn một tháng nay, anh chị em đã phấn đấu cực kỳ anh dũng. Toàn thể đồng bào Việt Nam đều cảm động. Tuy máu đã đổ nhiều, nhưng tôi chắc và toàn thể đồng bào cũng chắc rằng anh chị em thanh niên Nam bộ quyết hy sinh kháng chiến để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Trong cuộc chống xâm lăng này, các bạn là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc. Các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết. Hỡi anh chị em thanh niên Nam bộ! Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam… Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam phải toàn thắng”.
Ngày 30-10-1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, sau khi cùng một số bộ trưởng trả lời các chất vấn, Bác đánh giá: “Chính phủ hiện thời mới thành lập hơn một năm, hãy còn thanh niên. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.
Ngày 30-10-1950, Bác viết “Lời khuyên nhủ các chiến sĩ” sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới, trong đó phân tích: “Thắng lợi thứ nhất, chúng ta đã tiêu diệt địch và đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Thắng lợi thứ hai là ta đã thấy rõ những ưu điểm và khuyết điểm của ta” và căn dặn: “Chúng ta chớ thấy thắng lợi mà kiêu căng, chủ quan khinh địch. Chúng ta phải nhớ rằng: trong cuộc trường kỳ kháng chiến thì thắng lợi này chỉ mới là một bước đầu. Chúng ta còn phải đánh và phải thắng nhiều trận gay go hơn, to tát hơn nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 30-10-1958, nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ Văn hóa, Bác nêu vấn đề: “Nói là khôi phục vốn cũ, thì nên khôi phục cái gì tốt, còn cái gì không tốt thì phải loại dần ra… Cán bộ văn hóa nói riêng, cũng như tất cả cán bộ chúng ta nói chung phải rèn luyện tư tưởng, chính trị, ý chí phấn đấu và tinh thần trách nhiệm… Muốn thật sự gần gũi quần chúng thì phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm mới biết sinh hoạt của quần chúng như thế nào, mới biết khó khăn, mới biết ý chí của quần chúng như thế nào, mới biết nguyện vọng quần chúng như thế nào”.
Cùng ngày, Bác đến thăm Trường Mỹ nghệ Việt Nam và nói với thầy trò của nhà trường: “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là phải vì tất cả mọi người trong xã hội mà làm việc mà phục vụ, bởi vì xã hội đã nuôi dạy mình. Thế là mình vì mọi người, mọi người vì mình. Toàn tâm, toàn ý phục vụ chủ nghĩa xã hội. Đó là bên sáng. Bên tối là tư tưởng cá nhân chủ nghĩa với những biến chứng như quan liêu, lãng phí, tham ô, v.v… Hai bên bao giờ cũng xung đột nhau, một mất một còn. Phải trau dồi tư tưởng xã hội chủ nghĩa đến khi nào bên sáng thắng hẳn bên tối”.
D.T.Q và nhóm cộng sự
Bạn phải đăng nhập để bình luận.