Thứ ba, 27/10/2009, 04:10 (GMT+7)
Cách đây 88 năm, ngày 27-10-1921, Nguyễn Ái Quốc tham gia một cuộc trao đổi và tranh luận với giới y học về vấn đề siêu hình, vấn đề có hay không sự tồn tại của linh hồn.
Ngày 27-10-1945, chủ trì cuộc họp báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Buổi họp hôm nay là buổi họp báo giới quốc tế đúng với câu “Tứ hải nhất gia” (bốn biển một nhà). Nước Pháp hiện coi là nước địch của Việt Nam nhưng người đại biểu Pháp ngồi đây vẫn là bạn thân của tôi” và khẳng định, phương châm của chính phủ Việt Nam là: “Đoàn kết toàn dân, quyết tâm vì chính nghĩa, quyết giữ độc lập bằng mọi giá”.
Ngày 27-10-1946, tiếp đoàn đại biểu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bác đưa ra quan điểm: “1. Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém; 2. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng; 3. Công đoàn có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng nước; 4. Chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho Công đoàn. Bộ Luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công. Luật lao động sẽ ấn định giờ làm, tiền công, bảo vệ đàn bà, người già và trẻ con; 5. Viên chức và công nhân đều là những người phải làm mới có ăn; 6. Ở Nam bộ không những là công nhân có quyền tổ chức mà tất cả các tầng lớp nhân dân đều có quyền tự do tổ chức và các quyền tự do dân chủ khác đúng như bản Tạm ước”.
Cùng ngày, Bác gặp lại người chị gái ruột thịt của mình là bà Nguyễn Thị Thanh, hiệu là Bạch Liên từ quê hương Nghệ An ra thủ đô thăm em. Đây cũng là cuộc gặp mặt cuối cùng giữa hai chị em sau hơn 30 năm xa cách.
Tháng 10-1947, Bác hoàn thành cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”. Trong đề mục “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, Bác phân tích: “Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng. Vì vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Vì vậy, mỗi khẩu hiệu, mỗi công tác, mỗi chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời. Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên… Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng… Phải đưa chính trị vào giữa dân gian. Trước kia việc gì cũng từ trên dội xuống. Từ nay việc gì cũng phải từ dưới nhoi lên. Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.
Ngày 27-10-1954, báo Nhân Dân đăng bài “Công nhân gương mẫu và gương mẫu của công nhân”, trong đó Bác biểu dương: “Mọi người, mọi ngành gương mẫu cần kiệm như công nhân thì nhất định dân giàu nước mạnh”.
D.T.Q và nhóm cộng sự
bqllang.gov.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.