Các Mác với con đường cách mạng của dân tộc ta

Kỷ niệm lần thứ 195 Ngày sinh C. Mác (5/5/1818 – 5/5/2013)

TS. Cao Đức Thái
Các Mác là nhà tư tưởng vĩ đại, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tiến trình lịch sử nhân loại trong suốt thế kỷ XX cho đến nay. Thế giới quan – Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; Chính trị – kinh tế học; Chủ nghĩa Cộng sản khoa học mà ông và người đồng chí thân thiết, Ph.Ăngghen dày công nghiên cứu, xây dựng đã trở thành cơ sở phương pháp luận cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cho đường lối, chiến lược cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

C. Mác mất ngày 14-3-1883, thọ 65 tuổi. Trong điếu văn đọc tại nghĩa trang Hai-Ghết (Luân Đôn), Ph. Ăngghen nói: “Đối với giai cấp vô sản đang đấu tranh ở châu Âu và châu Mỹ, đối với khoa học lịch sử, cái chết của con người đó là một tổn thất không sao lường hết được. Sau đây, người ta sẽ cảm thấy nỗi trống trải do cái chết của con người khổng lồ ấy gây  ra”(2).

Nhận xét về nhân cách người Cộng sản vĩ đại đó, Ph. Ăngghen nói: “Mác là người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông. Các chính phủ, cả chuyên chế lẫn cộng hoà, đều trục xuất ông… Và, ông đã mất đi, được hàng triệu người cộng sự cách mạng với ông ở khắp châu Âu và châu Mỹ, từ những hầm mỏ Xi-bia cho đến Ca-li-pho-ni-a tôn kính, yêu mến và khóc thương, và tôi có thể mạnh dạn nói rằng: ông có thể có nhiều kẻ thù, nhưng chưa chắc đã có một kẻ thù riêng nào cả”(3).

Vào năm 1999, năm cuối cùng của thế kỷ XX, trong cuộc thăm dò bình chọn nhà tư tưởng lớn nhất thế kỷ (XX) do Đại học Cambridge(Anh) tổ chức, kết quả là C. Mác đứng đầu, người phát minh Học thuyết tương đối Anh-Xtanh đứng thứ hai.

Đối với dân tộc ta, Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với thiên tài trí tuệ và sự kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc đã sớm tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Người cùng với Đảng ta đã xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo dân tộc ta đi từ cách mạng giải phóng dân tộc, chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Cho đến nay, Chủ nghĩa Mác-Lênin cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn đang soi sáng sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua Đại hội XI viết: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”(4).

Lênin đã từng nói: Cách tốt nhất để kỷ niệm một cuộc cách mạng là tập trung sự chú ý vào những nhiệm vụ mà cuộc cách mạng đó chưa hoàn thành. Tương tự như vậy, kỷ niệm  lần thứ 195 ngày sinh của C.Mác đối với chúng ta ngày nay đó là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) – “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng…, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta.

(1) Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên  cứu  quyền con người, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

(2) (3) Mác, Ăngghen, Tuyển tập, tập V, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1983, tr.661.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXB CTQG, HN, 2011, tr 88

C.Đ.T.
cand.com.vn

Advertisement