Ngày 3 tháng 10: “Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực”

123th Anniversary of Uncle Ho

Thứ bảy, 03/10/2009, 04:07 (GMT+7)

Cách đây 89 năm, ngày 3-10-1920, mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc đến dự một buổi nói chuyện do hội nghệ thuật tổ chức tại Sở Cảnh sát Paris.

Ngày 3-10-1922, Nguyễn Ái Quốc dự họp Ban biên tập báo Le Paria (Người Cùng Khổ) kiểm điểm tình hình tài chính đang gặp khó khăn và phân công việc trực ban để tiếp bạn đọc, số đông là dân thuộc địa.

Ngày 3-10-1923, tại Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc gặp Tưởng Giới Thạch và Trương Thái Lôi, đại diện cho Trung Hoa Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản đang hợp tác chống Nhật, cùng dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Hoa sang Liên Xô cầu viện.

Đầu tháng 10-1946, trên đường từ Pháp trở về Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho nhà báo Pháp Jean Michel Hertrich, người đã có mặt và chứng kiến thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và là tác giả cuốn “Độc lập hay là chết – Những điều mắt thấy ở Đông Dương”. Bức thư đã đánh giá “tôi phải nói rằng cuốn sách đó là khách quan và chân thật” và nhắc lại nhiều đoạn trích chứng minh điều đó, ví như, “…Việt Minh đang đại diện cho tâm hồn hiện tại của Đông Dương, của Việt Nam… Và cuối cùng, lý tưởng của Việt Nam trước hết là sự thống nhất của Việt Nam, sự thống nhất của cả ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ mà dân chúng ở đây đều cùng chung một nòi giống và nói chung một thứ tiếng…”.

Tuy nhiên, sau khi trích một đoạn viết trong sách nhằm lên án những ý đồ xấu của bọn thực dân: “Nếu bằng những thủ đoạn ít nhiều ranh mãnh, chúng ta định xóa bỏ và tách Nam Kỳ ra khỏi khối Việt Nam, chắc chắn chúng ta không bao giờ có được sự hợp tác của nhân dân Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng Hồ Chí Minh dù có cúi mình trước bạo lực, tình trạng mất ổn định vẫn sẽ xảy ra cho đến ngày mà những nổi dậy mới dẫn đến những hy sinh mới”, thì Bác viết tiếp: “Thưa tác giả thân mến, tôi phải nói với ông rằng… Hồ Chí Minh không bao giờ cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông ta hành động… Và tôi tin chắc rằng chân lý sẽ chiến thắng”.

Ngày 3-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác tiếp tục chủ tọa phiên họp của Hội đồng Chính phủ, tiếp đó, cùng toàn thể Chính phủ đón tiếp đoàn đại biểu từ Nam bộ do ông Phạm Hùng dẫn đầu ra Bắc. Đoàn đã chuyển tặng Bác nhiều món quà của đồng bào Nam bộ, “trong số này, một tác phẩm đã làm cho Hồ Chủ tịch hết sức cảm động là bức họa hình Hồ Chủ tịch và ba em thiếu nhi tượng trưng Trung Nam Bắc, 3 em vây chung quanh Cụ, một em nắm râu Cụ với bao vẻ mến yêu. Bức họa này của một họa sĩ đã lấy máu mình mà vẽ ra, vừa đẹp và chứa đầy ý nghĩa” (Đó là tác phẩm của họa sĩ Diệp Minh Châu)…

Ngày 3-10-1960, Bác đi thăm các lớp bổ túc văn hóa tại 2 trường Trần Nhật Duật và Yên Thành (Hà Nội). Cùng ngày, báo Nhân Dân đăng bài “Một thắng lợi vẻ vang” của Bác, khen ngợi phong trào xóa nạn mù chữ của tỉnh Cao Bằng với kết luận rằng “về mặt văn hóa thì dù ai mù quáng đến mấy cũng phải thấy rằng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta đã thắng lợi vẻ vang”.

D.T.Q và nhóm cộng sự
sggp.org.vn

Advertisement