Ngày 30 tháng 9: “Làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên”

123th Anniversary of Uncle Ho

Thứ tư, 30/09/2009, 01:55 (GMT+7)

Cách đây 89 năm, ngày 30-9-1920, tại Paris, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc đi mua sắm đồ nghề làm ảnh và dự cuộc họp Chi bộ 13 Đảng Xã hội tại một quán cà phê.

Trước đó một năm, tháng 9-1919, được sự giới thiệu của Đại diện Chính phủ lâm thời Triều Tiên tại Paris, một phóng viên Mỹ đã tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc và phỏng vấn: “Hỏi: Anh đến Pháp với mục đích gì? – Trả lời: Để đòi quyền tự do cho nhân dân An Nam – Hỏi: Bằng cách nào? – Trả lời: Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên. – Hỏi: Nhưng đất nước đã sẵn sàng chưa? – Trả lời: Tình cảnh nước Việt Nam thật đáng buồn. Ngoài chúng tôi, chưa có sự chuẩn bị nào và tất cả các hoạt động vũ trang gần đây đã hoàn toàn thất bại và không có tiếng vang nào. – Hỏi: Từ lúc đến Paris tới nay, anh đã đạt kết quả nào rồi? – Trả lời: Ngoài các nghị sĩ, tôi đã gặp tất cả những người chịu giúp chúng tôi…”.

Ngày 30-9-1921, hai bài viết của Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên 2 tờ báo: bài “Tội ác của chủ nghĩa thực dân” trên tờ La Vie Ouvrière (Đời sống Công nhân) và “Sự quái đản của công cuộc khai hóa” trên tờ Le Libertaire. Cả hai đều có chủ đề tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân ở các thuộc địa.

Tháng 9-1943, từ Liễu Châu, Hồ Chí Minh viết vào mép trắng của tờ “Quảng Tây nhật báo” một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán (được dịch ra quốc ngữ: “Núi ấp ôm mây, mây ấp núi/ Lòng sông gương sáng, bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/ Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa”). Kèm theo bài thơ là dòng chữ Hán với nội dung: “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác. Ở bên này bình yên”. Tờ báo được bí mật gửi về nước để báo tin cho các đồng chí biết người viết vẫn an toàn.

Ngày 30-9-1945, Bác tổ chức bữa cơm tiễn A.Patti, người đứng đầu cơ quan tình báo OSS của Mỹ đã hợp tác chống Nhật. Sau bữa cơm, Patti ngồi nói chuyện với người đứng đầu nhà nước Việt Nam tới tận khuya về những vấn đề thời sự. Lúc chia tay, hồi ức của Patti ghi lại: “Ông Hồ tiễn tôi ra tận cửa, cảm ơn tôi đã tới và đã chịu nghe ông “diễn thuyết”. Ông đặt tay lên vai tôi “Bon voyage (chúc lên đường may mắn), mong sớm quay trở lại. Lúc nào ông cũng được chúng tôi hoan nghênh”. Khi xe tôi nổ máy, tôi nhìn lại vẫn thấy bóng nhỏ nhắn của ông ở cửa, vẫy chào tạm biệt. Tôi sực nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi trong một tiệm trà ở Chiu Chou Chieh. Ông hiện ra mong manh, nhưng thực tế, thật là bất khuất”.

Cuối tháng 9-1960, nhân dịp Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1-10), Bác viết cho báo Nhân Dân 8 chữ Hán: “Việt-Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh” (Tình hữu nghị Việt-Trung mãi mãi xanh tươi).

Ngày 30-9-1964, đến thăm và nói chuyện với Đại hội đại biểu thanh niên Thủ đô, Bác căn dặn: “Thanh niên phải ra sức học tập chính trị, văn hóa và khoa học, kỹ thuật. Học có tốt, hành mới tốt. Học và hành tốt mới làm trọn nhiệm vụ người thanh niên cách mạng… Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

D.T.Q và nhóm cộng sự
bqllang.gov.vn

Advertisement