Ngày 27 tháng 9, Cán bộ phải kết hợp được với quần chúng

123th Anniversary of Uncle Ho

Chủ nhật, 27/09/2009, 01:37 (GMT+7)

Cách đây 84 năm, ngày 27-9-1925, Báo “Thanh Niên” xuất bản ở Quảng Châu đăng bức thư của Nguyễn Ái Quốc “Trả lời bạn nữ sinh viên X của chúng ta” trong đó chia sẻ nhiều quan điểm về cách mạng. Thư phân tích: “Các vua quan, thư lại, thông ngôn, theo chị là phản cách mạng.

Chị đã nhầm rồi, bạn thân mến, bởi vì một ông vua có thể suy nghĩ và biết cảm thông với những bất hạnh chưa từng thấy giáng xuống dân tộc của ông, vì vậy ông ta thà làm một người dân bình thường còn hơn trị vì một dân tộc nô lệ… Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân trong cảnh nô lệ thì họ và con cái của họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó… Điều đó chứng tỏ rằng vì quyền lợi của đàn bà con gái An Nam mà chúng ta làm cách mạng…”.

Ngày 27-9-1946, tiếp tục bàn về “Binh pháp Tôn Tử”, trên Báo “Cứu Quốc”, Bác viết bài “Bàn về kế hư thực”: “Muốn chiến đấu thắng lợi, bao giờ cũng phải chiếm địa vị chủ động… Kế hư thực là một kế rất thần diệu trong tất cả các binh pháp… Nói tóm lại, kế hư thực của Tôn Tử rất mầu nhiệm. Muốn đánh được thắng lợi, hành động phải bí mật, đừng để quân địch biết mà đề phòng. Trái lại, muốn phòng giữ chắc chắn, đừng nên để lộ cơ mưu, hư thực của mình, khiến cho quân địch không biết đánh vào nơi nào, đừng ở nơi nào. Thi hành đúng kế hư thực, thắng lợi sẽ cầm chắc trong tay”.

Ngày 27-9-1947, trong thư gửi nhân Tết Trung thu, Bác Hồ “hứa với các cháu: các bác, các chú, toàn cả đồng bào sẽ ra sức tranh đấu để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến… để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái”.

Ngày 27-9-1951, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 khóa II khai mạc. Bác tham dự hội nghị và đóng góp những ý kiến thiết thực đối với công tác Đảng: “Điều chú ý là cán bộ xa dân và quan liêu, không gần gũi quần chúng, cho nên phải làm thế nào kết hợp được với quần chúng. Công tác trong vùng tạm chiếm cần phải linh hoạt, không máy móc… Học tập cả kinh nghiệm và lý luận ta đều có mặt kém…phải cố gắng chống khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa”.

Ngày 27-9-1954, Bác viết bài “Cái gậy và con gà” đăng trên Báo “Nhân Dân” nhắc đến ý kiến của một người Pháp từng chứng kiến cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã đưa ra lời nhận xét: “Mỗi người Việt Nam yêu nước đều có thể là người tuyên truyền làm cho thế giới kính trọng nhân dân ta”.

D.T.Q. và nhóm cộng sự
bqllang.gov.vn

Advertisement