Tổng thống Giê-rôn Pho và tháng 4-1975 “nước sôi lửa bỏng”

QĐND – Đầu tháng 4-1975, nước Mỹ và nhiều nơi trên thế giới ngập vào một thời khắc nguy hiểm. Vua Ả-rập Xê-út, Phai-xan (Faisal) (bạn của nước Mỹ) bị ám sát, các sứ mạng “con thoi” ở Trung Cận Đông của Kít-xinh-giơ (Kissinger) nhằm hòa giải I-xra-en và Ai Cập đã đổ bể thảm hại, chính quyền thân Mỹ ở Phnôm Pênh đang hấp hối trong vòng vây của Khơ-me Đỏ, quân đội của Thiệu ở Nam Việt Nam “đột nhiên” tan chảy dưới sức nóng của đòn tiến công của đối phương…

“Nước sôi lửa bỏng”

Tới giữa tháng 4, lộ rõ là Mỹ đang mất Việt Nam Cộng hòa. Cố đô Huế lại về tay “Việt cộng”. Nước Mỹ kinh hoàng bởi sự kiện các lính thủy đánh bộ (LTĐB) Sài Gòn, “do Mỹ huấn luyện”, “đã cướp bóc, giết, hãm hiếp những người dân tản cư, trong một đám đông hỗn độn chen nhau leo lên tàu Mỹ để chạy thoát thân khỏi Đà Nẵng” (Tạp chí Time, số ra ngày 7-4-1975). Tờ Thời báo Niu Y-oóc (The New York Times) ngày 30-3-1975 tường thuật: Khoảng 300 quan lính Sài Gòn dùng súng “cướp” một chiếc Bô-ing chở thường dân di tản về Sài Gòn…

Tại Lầu Năm Góc, các tướng Mỹ đang so sánh cuộc tháo chạy tán loạn ở Nam Việt Nam với những thảm bại quân sự khác: Na-pô-lê-ông rút khỏi Mát-xcơ-va băng giá năm 1812, cuộc thất thủ nước Pháp năm 1940, sụp đổ của Tưởng Giới Thạch ở Hoa lục năm 1949. Quan trọng là dòng thác quân đội Sài Gòn bỏ chạy với nhiều đơn vị chưa hề chạm súng với đối phương, theo các nhà quan sát, là không có cách gì chặn lại.

Cùng kỳ, báo đăng ảnh Giê-rôn Pho (Gerald Ford), vị Tổng thống Mỹ mới nhậm chức nhưng không được dân bầu, đang dùng gậy cố đẩy trái gôn vào lỗ (?) trên sân Pam Sprinh (Palm Spring), Cali!

“Cú sốc Nam Việt Nam” đối với nước Mỹ đang bị chính quyền làm cho tồi tệ hơn, Time viết. Nhà Trắng đã phản ứng một cách kỳ cục xen giữa sự đổ lỗi và rụt rè.

Kẻ dẫn dắt lạc đường

Cáo buộc của công luận Mỹ quyết liệt nhằm vào Ngoại trưởng, rằng Kít-xinh-giơ từng cố tình dẫn dắt lạc đường trong thời kỳ “Hiệp định Pa-ri”, để đánh bóng cho học thuyết “khoảng cách vừa phải” của ông ta, thực chất là “câu giờ” để có thể rút được quân Mỹ về, để lại một Sài Gòn đủ “mạnh”, đứng được vài năm, để rồi khi sự sụp đổ hoàn toàn, thì cũng không bị nhìn nhận như một thảm bại của Oa-sinh-tơn.

Theo báo chí, các quan chức gần gũi với Kít-xinh-giơ bênh ông này. Họ cho rằng một khi uy tín của Bộ Ngoại giao Mỹ đang bị đặt cược, Pho cần biện hộ cho chính sách của Ních-xơn – Kít-xinh-giơ về Việt Nam, nhờ vào đó mà một ngoại trưởng Mỹ từng giành Giải thưởng Nobel hòa bình. Họ muốn lời buộc tội sẽ được gán cho Quốc hội Mỹ, rằng việc không thực hiện được hiệp định là do Quốc hội đã cắt giảm viện trợ cho Sài Gòn. Các quan chức khác cho rằng mọi sự không đơn giản như thế.

Tổng thống Pho ù té khỏi các nhà báo phỏng vấn về Việt Nam. Tạp chí Time số ra ngày 14-4-1975.

Pho bực bội với quan điểm khá phổ biến, rằng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ mới là người cầm trịch chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mặt khác, cũng có ý kiến đánh giá Pho đã đủ tỉnh táo để điều chỉnh những khẳng định của Kít-xinh-giơ, kiểu như uy tín trên trường quốc tế của nước Mỹ đang bị thử thách một cách sinh tử tại Việt Nam. Các nhận định tỉnh táo hơn chỉ ra, chưa từng “thử lửa” ở nước ngoài, Pho dĩ nhiên phải dựa vào “phù thủy” Kít-xinh-giơ để tạo đà và lấy hướng. Thay ngoại trưởng “giữa dòng” hẳn là không thể, dù theo báo chí, giữa tháng 4, Pho vẫn còn chịu ảnh hưởng của lời khuyên là tìm kẻ chịu báng cho thảm họa ở Việt Nam.

Con dê tế thần?

Báo chí phản ánh Pho đã trốn tránh chất vấn về tình hình “nước sôi lửa bỏng” này. Trong một khung cảnh kỳ cục đầu tháng 4, Pho đã chọn cách “cười trừ” và ù té chạy khỏi các thợ săn làng báo cố vây ông để phỏng vấn về Việt Nam… Ông để lộ sự thiếu quyết đoán trong các tình thế phải đối đáp, không được các mưu sĩ chuẩn bị trước.

Ký giả nổi tiếng chuyên về các tổng thống Mỹ thời “Chiến tranh lạnh” Hiu Xi-đây (Hugh Sidey) ngậm ngùi: Trong suốt 40 năm trở lại đây (1975) chưa bao giờ chính phủ Mỹ lại “sa lầy trong những khốn khó và tự xem thường chính mình đến thế này”.

Nhưng các phe đối lập, theo Time, đã khá đồng thuận nhau ở hậu đài để tạo dựng một hình ảnh khả dĩ cho Tổng thống Hợp chủng quốc trong mắt dân chúng. Trong phát biểu tại Xan Đi-ê-gô (San Diego) ngày 3-4-1975, Pho nhận định tình hình ở Nam Việt Nam là “bi đát”, kêu gọi xây dựng “nhận thức mới về đoàn kết dân tộc tại những thời khắc buồn và hỗn loạn này”. Pho khuyên, “chớ lao vào những cáo buộc lẫn nhau, hoặc cố áp đặt những lời buộc tội”.

Trong cuộc họp báo trên truyền hình cùng kỳ, quả thực Pho đã cố tránh những lời buộc tội, trừ chủ đề như thi hành Hiệp định Pa-ri ở Việt Nam, hoặc trách cứ Thiệu về quyết định “đơn phương” mà không bàn bạc với Hoa Kỳ. Nhưng dù khẳng định ông không “chĩa ngón tay phê phán vào ai”, ông (vốn là thủ lĩnh phe thiểu số trong Hạ viện tới cuối 1973) vẫn cố cáo buộc Quốc hội kiểm soát bởi Đảng Dân chủ là lực lượng chính đứng đằng sau sự sụp đổ của Nam Việt Nam. Pho cho hay đã “nản chí vì hoạt động của Quốc hội”, cụ thể trong vấn đề thông qua khoản viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam. Bị hỏi thẳng là Tổng thống có nghĩ rằng, 56.000 người Mỹ thiệt mạng ở Nam Việt Nam là uổng, Pho đã diễn đạt vòng vèo, vừa phủ định cho rằng Hiệp định Pa-ri đã giúp Hoa Kỳ rút ra khỏi chiến sự, và đưa được các tù binh Mỹ về nhưng lại ngầm khẳng định (là sự uổng phí của những lính Mỹ chết trận đang xảy ra), do viện trợ quân sự đột xuất cho Thiệu không thành hiện thực. Ông ngụ ý đang có một cơ hội để cứu con tàu đang đắm ở Sài Gòn, miễn là trao cho Thiệu một cơ hội (ý nói số tiền viện trợ) để được “chiến đấu vì tự do”!

Nhưng Time, số ra ngày 14-4-1975 lại nghĩ khác: “Pho đang có một cơ hội lớn để giúp nước Mỹ giao hảo với Việt Nam”, bằng cách đưa nước Mỹ rút “chân” nhanh ra khỏi Việt Nam chính vào lúc này.

Vì nếu Pho có “đòi” được Quốc hội dành cho Thiệu khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu USD đi nữa, thì quân đội VNCH, đang “cuống cuồng” (in fenzy) bỏ chạy khỏi miền Trung, quẳng lại sau số phương tiện chiến tranh cũng có giá tới 700 triệu USD. Riêng máy bay, đã có tới hàng trăm chiếc còn nguyên vẹn bị bỏ lại tại các sân bay vùng chiến thuật I. Người ta đều biết quân Sài Gòn đang được trang bị các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thế giới …

Một quan chức Lầu Năm Góc chia sẻ với Time: “Hay là chúng ta gửi thẳng số viện trợ này sang Hà Nội? Ít nhất chúng sẽ không bị phá hủy bởi chiến sự”.

Đến giữa tháng 4, vẫn theo Time, tổng thống thấy rõ việc đổ lỗi cho Quốc hội Mỹ không có lợi gì về chính trị. Xét về lý trí, các nhà lập pháp đang làm đúng chức phận của họ, thay mặt cho lợi ích của người dân Mỹ để quyết định ngân sách. Nhất là sau khi Tướng Uây-en (Weyand), vừa đi Việt Nam về, không thể đưa ra bảo đảm gì là viện trợ quân sự sẽ cứu được chế độ Thiệu.

Thúc đẩy chấm dứt bi kịch

Trong chính giới Mỹ, có những ý kiến, nên chăng, nhờ Mát-xcơ-va và Bắc Kinh gây áp lực lên Hà Nội, để có được một hiệp định ngừng bắn. Nhưng các quan chức cao cấp nhất coi điều này là không thực tế, “nhờ vả họ liệu có xứng khoản nợ mà chúng ta phải gánh?… Nếu cần đàm phán với Hà Nội để đầu hàng, chúng ta chẳng cần họ (Liên Xô và Trung Quốc)”…

Cuối tháng 4, các lãnh tụ Thượng viện tới viếng thăm bất thường Nhà Trắng, phát biểu rõ với tổng thống, rằng Quốc hội sẽ sẵn sàng thông qua một khoản viện trợ nhân đạo nào đó, và làm những gì cần thiết để đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh. Nhưng các Thượng nghị sĩ cũng cho hay: Không có hy vọng nào là Quốc hội Mỹ sẽ thông qua viện trợ quân sự bổ sung cho Thiệu mà Tổng thống Mỹ đang đề xuất.

Thực vậy, trong đề xuất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cuối tháng 4, chỉ có khoản 200 triệu USD viện trợ nhân đạo dành cho Đông Dương, và để di tản người Mỹ khỏi Nam Việt Nam. Sau những bàng hoàng kiểu viện trợ thế này thì “tệ hơn là không có” của trợ lý, Tổng thống Pho đã nghĩ lại và đầu hàng Thượng viện. Ông ra lệnh triển khai chiến dịch di tản người Mỹ khỏi Nam Việt Nam trước khi tháng 4 kết thúc.

Nhưng chính quyền Mỹ, theo báo giới, vẫn cố vớt vát: Một khi viện trợ quân sự chưa được đưa ra cho Quốc hội biểu quyết, thì “vẫn nuôi sống được ở Sài Gòn một tâm trạng chờ đợi (Mỹ sẽ can thiệp)”. Một cố vấn của Tổng thống khuyên: “Nên tránh làm cho người VNCH lo sợ”. Time kết luận: “Đau đớn là sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam chắc sắp kết thúc trong một màn diễn lừa dối, quả là trơ tráo, nhưng chắc là cần thiết”.

Nhưng mọi sự đã không bi kịch như thế. Vì, theo Pho, cuộc điện đàm của ông với Ních-xơn hôm 10-4-1975 cho thấy: Không có một “hiệp định bí mật” nào ký trước đó với Sài Gòn buộc Hoa Kỳ phải quay lại giải cứu chế độ Thiệu.

Nếu khẳng định này có tác động đến việc Thiệu từ chức, đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, thì có thể xem là một trong những đóng góp của Pho, đáp ứng nguyện vọng của nhiều chính khách và dân thường trên báo chí tháng 4-1975, là nước Mỹ nên hành động để cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc càng sớm càng tốt.

LÊ THÀNH (tổng hợp)
qdnd.vn

Advertisement