Thứ ba, 22/09/2009, 01:44 (GMT+7)
Cách đây 64 năm, ngày 22-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức tiếp tướng E.Galleger, Trưởng phái bộ Đồng minh của Hoa Kỳ. Cùng dự còn có A.Patti, người đứng đầu Cơ quan tình báo OSS ở vùng Hoa Nam, đang có mặt tại Hà Nội.
Cùng ngày, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Bác thông báo về những rắc rối với lực lượng Trung Hoa Quốc dân Đảng và cuộc gặp tướng Lư Hán để dàn xếp; về việc giao thiệp với Mỹ; Chính phủ cần sớm thông báo việc mở lại Trường Đại học Việt Nam.
Ngày 22-9-1946, trên đường về nước, tàu Dumont D’Urville cập bến cảng Port Said. Từ đây, Bác viết thư gửi gia đình Raymond Aubrac, nơi mà Bác đã tá túc trong một thời gian thăm nước Pháp. Bác còn viết thư gửi bà Chossis, người của Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, ngày 14-9-1946 đã gửi thư cho Chủ tịch nước Việt Nam nói lên tâm trạng của những người mẹ Pháp đang có con đi lính tại Việt Nam.
Bức thư viết: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong muốn nước mình được độc lập và thống nhất… Chúng tôi cũng thế, chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, cũng muốn Tổ quốc của chúng tôi độc lập và thống nhất… Người Pháp đã đau khổ vì bị chiếm đóng trong 4 năm. Trong 4 năm ấy, các bà đã tiến hành cuộc kháng chiến và đánh du kích. Người Việt Nam chúng tôi cũng đã đau khổ vì bị chiếm đóng 80 năm, chúng tôi cũng đã kháng chiến và đánh du kích… Nếu những thanh niên Pháp đến Việt Nam như những công nhân kỹ thuật viên hoặc nhà bác học, thì tôi xin bảo đảm với bà rằng họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như những người bạn, những người anh em… Nhưng một khi những người này đến với tư cách là những kẻ đi chinh phục có võ trang… thì sự đối địch là điều không thể tránh khỏi… Trong khi một bà mẹ Pháp thương khóc đứa con của mình thì có biết bao nhiêu bà mẹ Việt Nam vừa khóc thương những người con bị chết lại vừa đau xót vì nỗi nhà tan cửa nát… Phải chấm dứt cuộc huynh đệ tương tàn này. Người Việt Nam và người Pháp chúng ta cùng theo đuổi một lý tưởng giống nhau: Tự do – bình đẳng – bác ái. Chúng ta có cùng một mục đích giống nhau là chế độ dân chủ. Chúng ta cần nhờ cậy lẫn nhau… Nước Pháp công nhận nền độc lập của chúng tôi thì nước Pháp sẽ chiếm được trái tim và tình cảm của tất cả những người Việt Nam… Theo tinh thần bốn bể đều là anh em, tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam… Đối với tôi, sinh mệnh một người Pháp hay sinh mệnh một người Việt Nam đều đáng quý như nhau. Tôi thành thực mong muốn thanh niên Pháp và thanh niên Việt Nam hiểu biết lẫn nhau và yêu mến nhau như anh em”.
Ngày 22-9-1958, trong chuyến thăm 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Bác nói với các cán bộ địa phương: “Phải lấy việc giáo dục làm đầu, phải đánh thông tư tưởng cho quần chúng. Dân hiểu, dân làm, thì việc khó đến đâu cũng làm được”.
Ngày 22-9-1962, Bác nói chuyện với Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc nhấn mạnh đến sự nghiệp xây dựng nền kinh tế đất nước phải nhận thức rằng: “Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của một con người… có quan hệ với nhau rất khăng khít… Thanh niên phải rèn luyện đạo đức cách mạng… tóm tắt trong mấy điểm: trung thành, dũng cảm và khiêm tốn…”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự
sggp.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.