“Trộn đấu”, du kích Hải Dương diệt 44 lính Âu-Phi

QĐND Online – Ngày 9-10-1950, du kích xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) đã tổ chức một trận phục kích địch rất táo bạo, đạt hiệu suất cao. Chỉ trong 25 phút, với hình thức đánh gần, đánh “trộn đấu”, du kích của ta đã tiêu diệt 44 lính Âu-Phi, bắt sống 6 tên và thu hơn 20 súng các loại…

Nắm chắc đặc điểm hoạt động của địch…

Nhằm bình định địa bàn tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Tứ Kỳ nói riêng, thực dân Pháp âm mưu chiếm đóng các vùng tuyến theo trục đường 191 (là tỉnh lộ chạy qua xã Văn Tố), lập đồn bốt ở nơi xung yếu, thực hiện chiếm đóng theo chiến thuật “vết dầu loang”.

Từ tháng 8-1949, quân Pháp lập đồn bốt ở thôn An Nhân (xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ), thôn La Tỉnh-thị trấn Tứ Kỳ, xóm Măng- thôn Đồng Kênh (Văn Tố). Chúng bắt phu của xã Quang Phục (Tứ Kỳ) về xây dựng, củng cố đồn bốt. Hàng ngày địch sử dụng một số lính lê dương canh gác cho phu vào xã Văn Tố phá nhà dân, lấy gạch, đá, tre, luồng về xây bốt. Lực lượng làm phu rất căm phẫn vì bị quân Pháp cưỡng ép làm việc cực nhọc.

Xã Văn Tố nằm ở phía Nam huyện Tứ Kỳ, cách trung tâm huyện gần 3km; cách TP Hải Dương 18km về phía Bắc. Phía Tây có sông Tứ Kỳ, phía Đông có sông Thái Bình, rất thuận tiện cho phương tiện giao thông cả thủy và bộ. Trong xã có nhiều đường nhánh quanh co, thuận lợi cho việc đóng quân, bố trí chông, mìn, cạm bẫy.

Thời điểm này, lực lượng du kích của xã Văn Tố đã khá lớn mạnh. Toàn xã có một trung đội du kích cơ động với quân số 60 người. Đầu năm 1950, du kích Văn Tố đã đánh trả thành công một số trận càn của địch.

Qua theo dõi quy luật hoạt động của địch, du kích của ta nhận thấy: hàng ngày dẫn phu từ bốt Măng vào các làng của xã Văn Tố cướp bóc vật liệu, bọn lính lê dương thường đi rải rác trên đường 191, đến khu vực ta rào làng thì dừng lại. Nhiều lần dừng lại nhưng chưa bị đánh nên địch rất chủ quan…

Hình thành cách đánh táo bạo, bất ngờ

Căn cứ vào đặc điểm, quy luật hoạt động của địch, du kích xã Văn Tố quyết định chọn đoạn phục kích trên đường 191, từ khu vực Đông Nam thôn La Giang đến đoạn giáp ranh thôn Đồng Kênh, trên chiều dài khoảng 100m, cách bốt địch 400m.

Địa hình phục kích tuy trống trải, nhưng gần thôn La Giang, thuận lợi cho ta tiếp cận địch; dễ chi viện và dễ rút quân sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Sơ đồ trận phục kích ở thôn La Giang, xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Về cách đánh, ta bố trí lực lượng ở thôn La Giang về phía Tây ngoài bờ đê. Lợi dụng địa hình, địa vật để ngụy trang, chờ địch lọt vào đoạn phục kích sẽ bất ngờ nổ mìn chặn đầu, khóa đuôi, đồng loạt xung phong tiêu diệt địch. Đồng thời kết hợp kiềm chế, ngăn chặn lực lượng địch từ bốt ra ứng cứu; nhanh chóng kết thức trận đánh và rời khỏi trận địa an toàn.

Đội hình chiến đấu của lực lượng du kích xã Văn Tố được chia thành 4 bộ phận, gồm có: Bộ phận chặn đầu có 5 đồng chí, được trang bị 5 quả mìn loại 2kg, bố trí 1 tổ mìn chặn đầu địch; bộ phận khóa đuôi có 5 đồng chí, được trang bị 2 quả mìn ở mép đê, có nhiệm vụ chặn địch rút về bốt; lực lượng diệt địch gồm 9 đồng chí, bố trí ngoài mép đê, trong đoạn phục kích, được trang bị giáo mác, gậy gộc; lực lượng kiềm chế bốt gồm 8 đồng chí, được trang bị súng trường, có nhiệm vụ kiềm chế hỏa lực địch ở bốt Măng và sẵn sàng chi viện lực lượng, hỏa lực tiêu diệt địch, yểm trợ cho lực lượng của ra rút quân. Tín hiệu hiệp đồng được thống nhất là lấy tiếng mìn nổ ở tổ chặn đầu làm hiệu lệnh trận đánh bắt đầu; tiếng mìn nổ thứ hai làm hiệu lệnh cho lực lượng xung phong tiêu diệt địch…

“Trộn đấu”

6 giờ sáng 9-10-1950, đội hình chiến đấu của du kích Văn Tố được triển khai tại các vị trí đã định, ngụy trang kín đáo, sẵn sàng đánh địch. Đến 9 giờ, lực lượng quan sát thấy 50 lính lê dương dẫn phu ra khỏi bốt về phía làng, với đội hình như thường ngày. 9 giờ 15 phút, tốp lính đi đầu đã đến vị trí đặt mìn của ta. Khi tên lính cuối cùng vượt qua tổ mìn khóa đuôi, ngay lập tức, tiếng mìn điểm hỏa ở tổ mìn chặn đầu vang lên làm rung động cả một vùng quê, khiến 4 tên lính lê dương chết tại chỗ, một số tên hoảng loạn bỏ chạy về phía bốt. Ngay sau đó, mìn khóa đuôi tiếp tục phát nổ, làm 2 tên địch tiếp tục phải đền tội. Ngay khi tiếng mìn thứ hai phát nổ, lực lượng xung phong nhất tề lao lên, dùng giáo mác chiến đấu quyết liệt với địch. Những tên địch còn sống sót tuy có súng trong tay, nhưng bị đánh bất ngờ, đánh gần nên tinh thần hoảng loạn, chống cự yếu ớt. Bọn địch ở bốt Măng cách đó chỉ khoảng 300m song không dám bắn vào trận địa phục kích vì ta và địch đang đánh giáp lá cà.

Sau 25 phút chiến đấu, du kích Văn Tố đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch. Kết thúc trận đánh, lực lượng của ta nhanh chóng rút quân,. Cùng lúc đó, lực lượng yểm trợ bắn mạnh về phía địch ngăn chặn không cho địch chi viện ứng cứu. Trên đường rút quân về thôn Mỹ Ân (Văn Tố), một đồng chí du kích đã anh dũng hy sinh.

Chỉ với 27 đồng chí, được trang bị vài khẩu súng trường và 2 tổ mìn, nhưng du kích Văn Tố đã đánh một trận phục kích thắng lợi, hiệu quả cao. Trong 25 phút, bằng cách đánh gần, đánh “trộn đấu”, ta đã hạn chế sức mạnh và ưu thế vũ khí của địch, làm địch đánh giáp lá cà không thể sử dụng hiệu quả vũ khí chúng đang có trong tay, đồng thời khiến địch ở bốt cũng không dám nổ súng vì sợ “bắn nhầm” vào quân của chúng.

Cách đánh táo bạo, bất ngờ, hiệu quả của du kích Văn Tố sau đó đã được phổ biến để LLVT toàn huyện Tứ Kỳ học tập.

Bài, ảnh: Thành Đông (Dựa theo cuốn Một số trận đánh điển hình của quân và dân Quân khu 3)
qdnd.vn

Advertisement