Vào năm 1941, sau 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước cho dân tộc, vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại tưởng chừng không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước cùng đồng bào đấu tranh của Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Và khi vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, Người đã lặng đi bên cột mốc 108 biên giới Việt – Trung, mặt hướng về Tổ quốc, ngắm nhìn núi rừng trùng điệp Cao Bằng – mảnh đất địa đầu của Tổ quốc, rồi Người cúi xuống cầm nắm đất Tổ quốc lên hôn mà đôi mắt rưng rưng.
Tổ quốc – tiếng gọi thiêng liêng, luôn trong trái tim mỗi người dân. Đối với một con người không có tình cảm nào cao hơn, lớn hơn, thiêng liêng hơn tình yêu Tổ quốc. Lòng yêu nước, yêu Tổ quốc là cốt lõi trong tính cách và bản chất của dân tộc ta, nó là cội nguồn tạo nên sức mạnh, là máu chảy trong huyết quản mỗi người Việt Nam. Lòng yêu nước, yêu Tổ quốc càng sáng ngời qua tấm gương cuộc đời của Bác – một con người với tầm tư tưởng lớn, quyết ra đi tìm đường cứu nước, cả cuộc đời Người dành cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bác đã từng nói “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi ”, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi ”. Giữa lúc kế sách cứu nước của những nhà cách mạng tiền bối còn mờ mịt chưa có đường ra thì Bác đã làm ra điều kỳ diệu. Chỉ với hai bàn tay lao động và ý chí cứu nước mãnh liệt, giấu trong lòng nỗi đau xót, sự quyến luyến, Bác quyết ra đi cho một ngày trở lại. Chính từ nỗi đau dân nước, tình thương nhân loại là động lực bên trong thôi thúc Bác tìm đến lý tưởng cách mạng nhân đạo và khoa học của Mác – Lênin. Có thể thấy trong hành trình đi tìm một con đường mới cho dân tộc, Người đã chèo lái con thuyền sức mạnh của mình bằng tình yêu đất nước tha thiết. Trong cuộc hành trình đó, Người đã phải trải qua biết bao nhiêucông việc cực nhọc như làm bồi bàn, lao công quét tuyết, phụ bếp cho khách sạn… vất vả là vậy nhưng Người chưa bao giờ thôi nghĩ đến vận mệnh của đất nước. Trong tâm trí Người luôn luôn cháy bỏng tình yêu Tổ quốc đến tha thiết, hình bóng quê hương chẳng lúc nào phai mờ. Càng xa quê hương Người càng thấm thía nỗi khổ đau mà đồng bào đang phải gánh chịu.Người ăn không ngon, ngủ không yên mỗi khi nghĩ về Tổ quốc đang chịu nhiều thương đau. Trái tim giàu lòng yêu nước của Người cùng đau với nỗi đau của dân tộc trong cảnh nước mất, nhà tan. Có thấu hiểu tình yêu lớn lao mà Bác dành cho đồng bào, cho Tổ quốc, có đặt mình vào trong hoàn cảnh của Bác lúc bấy giờ mới thật sự hiểu hết tâm trạng bồi hồi, niềm xúc động của Người sau 30 năm xa sứ sở, chịu biết bao gian truân, khổ ải mới được đặt chân về với đất mẹ. Niềm vui ấy không thể nói hết bằng lời. Khi đặt bước chân đầu tiên lên dải đất quê hương, lòng bồi hồi, xúc động Người lặng đi trong phút giây thiêng liêng được về với Tổ quốc, với đồng bào. Phút giây đó, sau này được Người kể lại rằng“Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”. Có niềm xúc động nào hơn niềm xúc động của một người con xa quê, xa đất nước mình hàng chục năm trời lại được trở về trong không khí của ngày Tết cổ truyền của dân tộc, khi tất cả những kỷ niệm, những thương nhớ và những giá trị truyền thống của dân tộc dường như đang sống lại, đang ùa về trong lòng.
Không quan cách, xa hoa, rộn rã, ồn ào, Bác trở về trong hình ảnh rất đời thường, bình dị, vĩ đại mà gần gũi thân thương, toả sáng mà ấm áp hiền hoà. Lúc ấy Bác mặc trang phục của người Nùng (một dân tộc sinh sống ở Cao Bằng), quần áo chàm, đầu thì đội mũ may bằng vải màu chàm, chân đi đôi giày vải đen, quàng khăn vừa che kín râu. Hành lý mà Bác mang theo chỉ vẻn vẹn có một chiếc vali bằng mây nhỏ cũ kỹ đựng quần áo và chiếc máy đánh chữ xách tay. Hình ảnh đơn sơ, giản dị ấy cùng với với tấm lòng, trái tim giàu lòng yêu nước của Bác đã làm cho ta, mỗi người con đất Việt càng thêm mến phục và kính yêu Bác nhiều hơn, cảm nhận được sự hy sinh cao cả của Bác, sự bình dị, gần gũi của Bác. Và cũng thật xúc động khi Bác cúi xuống cầm nắm đất Tổ quốc lên hôn. Đó quả là hình ảnh cảm động, Bác đã trân trọng, đã yêu quý từng tất đất của Tổ quốc đến nhường nào. Bước chân đầu tiên về đất mẹ cũng là giây phút Người lắng nghe sự sống của sinh thể đất nước đang phôi thai trong lòng mình. Nhà thơ Chế Lan Viên đã diễn tả lại hình ảnh ấy bằng những câu thơ đầy xúc động “Kìa! bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Bác về nước đúng vào mùa xuân, mùa tươi đẹp nhất của đất trời, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của lộc biếc chồi xanh, vạn vật như khoác lên mình sắc áo mới hứa hẹn một tương lai tươi sáng ở phía trước.Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cả thiên nhiên đất trời như reo vui “Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về… im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ” (Thơ: Theo chân Bác của Tố Hữu). Sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 là một mùa xuân đặc biệt trong cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân của Người, vì đó là mùa xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động ở nước ngoài, để rồi từ đó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa xuân cho dân tộc, chấm dứt trăm năm nô lệ tăm tối.
Đã bảy mươi hai mùa xuân trôi qua nhưng hình ảnh khi lần đầu tiên Bác trở về với Tổ quốc sau 30 năm xa cách ấy vẫn mãi không phai nhòa trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi chúng ta đều không khỏi bồi hồi xúc động và thành kính tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu đã hy sinh trọn đời mình cho dân tộc, đã dành cả cuộc đời chăm lo cho hạnh phúc nhân dân mà không gợn chút riêng tư để đất nước hôm nay trọn niềm vui độc lập tự do và đổi mới phát triển. Công lao to lớn đó của Bác không có gì có thể so sánh được. Càng nhớ Bác Hồ, mỗi người chúng ta hôm nay càng phải thực hiện tốt hơn Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn dân cùng thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, xứng đáng với lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu “Xây dựng một mước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”./.
Thu Hiền
sgtvt.gialai.gov.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.