Đêm 13 tháng 1 năm 1947, tức là ngày 23 tháng chạp, đúng ngày ông Táo lên chầu trời, Bác Hồ bí mật lặng lẽ rời xã Xuyên Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ), chuyển đến xã Cầu Kiệm, huyện Quốc Oai tỉnh Sơn Tây,tiếp tục chặng đường trường kỳ kháng chiến.
Trên đường đi, ngồi trong xe, Bác trầm ngâm suy nghĩ, Bác đang nghĩ nhiều đến những người con yêu dấu của dân tộc đang chiến đấu giữa vòng vây của thực dân Pháp trong lòng Hà Nội. Quá nửa đêm, Bác mới đến địa điểm mới. Các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh bố trí Bác ở trong một ngôi nhà mới làm xong, nhưng nền đất chưa nện kỹ, các bức vách chưa được trát bùn. Bác ở trong một gian buồng nhỏ cuối nhà đã đặt sẵn một chiếc giường tre lót ổ rơm. Cạnh giường là một cái bàn nhỏ, một chiếc ghế để ngồi làm việc. Đây là ngôi nhà ông Nguyễn Đinh Khuê làm cho người con thứ, nhưng chưa đến ở. Thường ngày, Bác ngồi trên giường vai khoác chiếc áo ba – đờ – xuy cũ, đọc sách báo hoặc viết.
Tối 16 tháng 1 năm1947, tức ngày 26 tháng chạp, Bác chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ ở Chương Mỹ. Trong cuộc họp Bác căn dặn: trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được để các
em đói ăn, thiếu mặc, các cụ già phải khổ sở vì chiến tranh, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới. Khi nhắc đến vấn đề này, cặp mắt Bác rưng rưng như muốn khóc. Tất cả các thành viên Hội đồng chính phủ đều im lặng xúc động.
Tối ngày 21 tháng 1 năm 1947, tức ngày 30 tết, Hội đồng Chính phủ họp phiên tất niên tại phủ Quốc Oai. Ngoài các thành viên Chính phủ đều có mặt đầy đủ, còn có cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban và linh mục Phạm Bá Trực, Ủy viên Ban thường trực Quốc hội khóa I. Có mặt đêm nay ở đây là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của dân tộc ngay trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến. Có người trước đây là thượng thư của triều đình cũ, có người là đức giám mục, có người là tri thức, có người là đảng viên Đảng Cộng sản, có người là Việt minh, có người tóc đã điểm bạc, có người đang lứa tuổi thanh niên… Đây là hình ảnh thu nhỏ của Hội nghị Diên Hồng đời Trần năm xưa. Tất cả đều cùng chung một ý chí: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” theo lời kêu gọi khẩn thiết của Bác Hồ.
Cuộc họp tất niên của Hội đồng Chính phủ được các đồng chí Hoàng HữuNam, Nguyễn Văn Lưu lo chạy được một tí mứt kẹo, thuốc lá và mấy chiếc bánh chưng. Mọi người nhất trí bánh chưng thì để chờ Bác, còn mứt kẹo, thuốc lá thì đem ra dùng trước.
21 giờ, Bác đột ngột bước vào phòng họp. Bác đội mũ cát, cổ quấn khăn che kín bộ râu, chân lấm bùn lên tận đầu gối. Bác bắt tay tất cả mọi người, đặc biệt Bác xiết chặt tay hồi lâu cụ Bùi Bằng Đoàn và linh mục Phạm Bá Trực, và nói: “Tôi chỉ lo hai cụ không đến được. Hôm nay có mặt thế này là thắng lợi! Đại thắng lợi”. Rồi Bác kể chuyện xe bị sa lầy dọc đường. Xe sa bánh ba lần xuống ruộng, phải vận động nhân dân địa phương ra khiêng lên, rồi đẩy cho xe nổ máy. Bác nói vui: “chỉ một việc xe đi thôi, không có nhân dân thì Chủ tịch nước cũng đành chịu. Huống hồ chi việc kháng chiến kiến quốc, một công việc to lớn vĩ đại, nhất định phải dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân mới thành công”. Bác chủ trì cuộc họp tất niên của Hội đồng chính phủ. Kết thúc cuộc họp, Bác đọc cho Hội đồng Chính phủ nghe trước bài thơ “ Chúc năm mới” Đinh Hợi mà lát nữa Bác sẽ đọc tại Đài Tiếng nói ViệtNam đặt ở chùa Trầm.
22 giờ 30 phút, Bác lên xe ra đi trong mưa phùn gió rét.Tất cả các thành viên Hội đồng Chính phủ đều tiễn Bác ra cửa. Riêng đồng chí Võ Nguyên Giáp tiễn Bác ra tận xe. Khi ngồi trong xe, Bác gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến gần,và dặn: “Tối mai, bảo Nhân (đồng chí Trường Chinh) cùng chú đến chỗ Bác nhé!”.
Do đường lầy lội khó đi, gần 12 giờ đêm, Bác mới tới chùa Trầm. Đài tiếng nói Việt Nam đặt trong hang núi đá, điện sáng trưng, máy chuyển ầm ầm. Bác vào buồng thu, đọc trước máy: Chúc năm mới:
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!
Bài thơ như một lời hiệu triệu vang dậy non sông, như một hồi kèn thúc giục quân và dân cả nước xông lên giết giặc lập công…. Trong 24 năm ở cương vị chủ tịch nước, tết năm nào Bác cũng có thơ “Chúc năm mới” gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước. Nhưng có lẽ bài thơ “Chúc năm mới” Đinh Hợi là một trong những bài thơ hay nhất.
Sau đó, Bác nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói ViệtNam.
Bác sắp ra về thì sư cụ chùa Trầm xin yết kiến. Chú tiểu thành kính đội mâm bánh chưng đặt lên bàn. Sư cụ thưa với Bác: “Đây là lòng thành của nhà chùa kính dâng, mong cụ Chủ tịch thu nhận cho”.
Bác cám ơn sư cụ, và chúc nhà chùa sang năm mới càng ra sức cầu Phật cho kháng chiến chóng thành công!
Gần một giờ đêm, trời vẫn mưa to. Bác ra về, cách nhà khoảng hai cây số thì xe tụt cả hai bánh trước xuống ruộng. Giờ này, chẳng còn nhờ được ai khênh xe. Thế là Bác và những người tùy tùng phải lội bùn đi bộ, khi về đến nhà đã gần bốn giờ sáng. Đồng chí lái xe phải ngủ lại trên xe giữa cánh đồng.
Tối ngày 22 tháng 1 năm 1947, tức tối Mồng một Tết, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến chúc mừng năm mới Bác. Lúc này, Bác đang ngồi trên giường, vai khoác chăn, và đang viết bên ngọn đèn dầu. Đồng chí Võ Nguyên Giáp rút trong cặp ra một gói mứt, một gói chè do phu nhân đồng chí gửi, và năm bao thuốc lá ngon mà đồng chí Trần Quốc Hoàn ở trong Liên khu I ra gửi biếu Bác.
Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đưa bánh chưng ra đãi hai đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Cùng dự có đồng chí Trần Đăng Ninh. Đồng chí Trường Chinh báo cáo với Bác về công tác xây dựng đảngở Nam Bộ, một vấn đề mà lâu nay Bác rất quan tâm. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác tình hình khả quan về kháng chiến và kiến quốc ở Liên khu V. Những người có mặt hôm ấy ngồi vây quanh bếp lửa nghe Bác nói về tình hình thế giới, tình hình nước Pháp, triển vọng của phong trào đòi độc lập của các dân tộc thuộc địa.
Một giờ sáng, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp xin phép Bác ra về.
Ngày 27-1- 1947, tức mồng sáu Tết, Bác còn viết thư đầy xúc động gửi đến các chiến sĩ cảm tử quân thủ đô. Cuối thư, Bác viết:” Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em…”
CHÍNH LUẬN (tổng hợp)
xaydungdang.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.