QĐND – Có mặt trong đoàn đại biểu quốc tế được mời tới Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri, linh mục Thô-mát Găm-bơ-tơn (Thomas J. Gumbleton) đã chia sẻ những tâm sự với tư cách một người Mỹ từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở chính nước Mỹ.
Linh mục Thô-mát Găm-bơ-tơn. Ảnh: Mạnh Lâm
Ông Thô-mát Găm-bơ-tơn, 83 tuổi, đã tham gia phong trào chống chiến tranh tại Việt Nam từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước khi Hội đồng Giám mục Mỹ chính thức công khai đặt vấn đề nghi vấn về cuộc chiến tranh này. Ông cũng chính là người có công lớn trong việc thúc đẩy Hội đồng Giám mục Mỹ thông qua một nghị quyết lên án cuộc chiến tranh tại Việt Nam vào năm 1971. “Theo tôi, các quyền cơ bản của con người cần phải được bảo vệ. Người dân Việt Nam có khát vọng được độc lập, tự do và họ có quyền được như vậy”, ông lý giải cho hành động phản chiến của mình.
Muốn buộc chính quyền Mỹ phải dập “ngọn lửa” chiến tranh do chính mình “châm ngòi”, đòi hỏi phải có sức ép từ chính người dân Mỹ. Nhận thức điều đó, linh mục Thô-mát Găm-bơ-tơn đã lăn lộn nhiều nơi trên khắp đất Mỹ, trình bày những bài thuyết giảng nhằm nâng cao nhận thức, thức tỉnh lương tri, kêu gọi người dân lên tiếng phản đối hành động phi nghĩa của chính quyền. Mọi chuyện hóa ra lại không hề đơn giản bởi khi ấy không phải người Mỹ nào cũng hiểu rõ vấn đề. “Có người còn la ó, phản đối, chỉ thẳng vào mặt tôi mà gọi là “đồ Cộng sản”, ông bộc bạch. Tuy nhiên, không vì thế mà ông nản lòng, bỏ cuộc bởi vì ông không hề đơn độc, sát cánh cùng ông còn có nhiều vị giám mục khác.
Việc chính quyền Ních-xơn không muốn “mất mặt” vì thua Việt Nam nên đã lật lọng, tiến hành ném bom miền Bắc Việt Nam vào thời điểm Giáng sinh-cái dịp đáng lẽ nhiều người dân được sum họp, vui vầy bên gia đình và người thân, đã thôi thúc ông phải tìm mọi cách đến Việt Nam càng sớm càng tốt. “Tôi muốn tìm hiểu chính quyền Mỹ thực sự đã và đang làm gì trên mảnh đất này?”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, vào thời điểm ông có thể đến được Việt Nam thì đã là tháng 4-1973, lúc đó Hiệp định Hòa bình Pa-ri đã được ký kết. Dù vậy, ông vẫn muốn đến, bởi trên thực tế, chiến tranh chưa thực sự chấm dứt.
Trong chuyến đi 10 ngày tại Sài Gòn năm ấy, ông đã có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với một số tù nhân được chính quyền Sài Gòn phóng thích. Họ bị bắt vì phản đối chiến tranh, chống chính quyền. Họ kể cho ông về những chuồng cọp, nơi mà chính quyền ngụy Sài Gòn đã giam giữ họ. Ông cũng được gặp gỡ nhiều người dân Việt Nam khác, những con người mà theo ông là “bình dị nhưng dũng cảm, dám đứng lên đấu tranh vì tự do, độc lập”. Sau khi trở về Mỹ, ông viết báo kể về những gì mắt thấy tai nghe, sự tàn khốc mà chiến tranh đã gây ra với người dân Việt Nam nhằm thúc đẩy phong trào phản chiến.
Nói về cuộc chiến tranh Việt Nam, ông Thô-mát Găm-bơ-tơn thẳng thắn thừa nhận, trên thực tế, Mỹ không có quyền can thiệp quân sự vì Việt Nam đã là một quốc gia độc lập từ năm 1945. “Chính quyền miền Bắc Việt Nam muốn một Việt Nam độc lập, thống nhất nhưng chúng tôi, nước Mỹ lại hỗ trợ đào tạo, thành lập chính quyền Sài Gòn, rồi dùng bom na-pan, chất độc da cam để gây chiến ở Việt Nam”, giọng ông run lên, như tự trách mình.“Chúng tôi đã sai lầm”, ông nhấn mạnh, “và kết quả là phải nếm mùi thất bại nặng nề”.
Vị linh mục Mỹ vẫn còn nhớ như in một thước phim tài liệu ông đã xem, trong đó Cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Mắc Na-ma-ra (Robert McNamara), tại một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam hồi những năm 80 của thế kỷ trước, thừa nhận cuộc chiến tranh tại Việt Nam là một sai lầm khủng khiếp của Mỹ. “Tiếc là ông ấy nhận ra điều đó quá muộn bởi hơn hai triệu người đã thiệt mạng và hàng triệu người khác mất nhà cửa vì cái sai lầm khủng khiếp ấy”, ông Thô-mát Găm-bơ-tơn tiếc nuối.
LÂM TOÀN
qdnd.vn