Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris:
QĐND Online- Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (27-1-1973/27-1-2013), sáng 27-1, tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), đã diễn ra cuộc Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, do Hiệp hội Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tới dự. Tham dự buổi gặp gỡ còn có ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng đông đảo đại biểu trong nước và quốc tế.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, giáo dục truyền thống vẻ vang cho thế hệ trẻ, phát động và xây dựng mối quan hệ đoàn kết quốc tế với Việt Nam trong tình hình hiện nay; đồng thời, là dịp để tri ân bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.
Tại cuộc gặp gỡ, các đại biểu đã chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với Việt Nam và bày tỏ lòng khâm phục nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt, khẳng định: “Sở dĩ Việt Nam là một nước nhỏ bé nhưng đã chiến thắng nước Mỹ hùng mạnh là bởi tinh thần quật cường và trí thông minh, khéo léo, bởi sự chính nghĩa nên được nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ. Ngay trong những năm đàm phán tại Paris, đoàn Việt Nam cũng thể hiện rõ khí phách và tài trí ngoại giao kiên quyết và đầy mưu lược. Tôi rất ấn tượng với các bạn Việt Nam, về những thành công của Việt Nam cả trong chiến tranh và sự nghiệp xây dựng hòa bình. Người Việt Nam luôn lạc quan trước mọi khó khăn. Đây là phẩm chất lớn không dễ gì có được. Chúng tôi luôn ủng hộ các bạn”.
Bà Hélène Luc, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp – Việt, phát biểu tại buổi gặp gỡ
Cùng quan điểm và ôn lại những hoạt động phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam, ông Rabin Dep, Bí thư Ban Thường vụ Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn Độ (AIPSO), bày tỏ: “Chúng tôi đã tổ chức những cuộc diễu hành với sự tham gia của hàng trăm sinh viên để yêu cầu Mỹ rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam. Đất nước chúng tôi cũng huy động mọi nguồn lực có thể để giúp đỡ Việt Nam. Năm 1975, khi đất nước các bạn được giải phóng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Ấn Độ đã đọc diễn văn chào mừng sự kiện này và bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Việt Nam. Chúng tôi vô cùng phấn khởi và chung niềm vui chiến thắng với các bạn”.
Không khí của buổi gặp gỡ trở nên thân tình, ấm áp khi ông Rabin Dep đọc lại bài diễn văn năm trước với những lời lẽ tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Ấn Độ dành tặng Việt Nam: “Các bạn thực sự là những người anh hùng, tiên phong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mở ra một thời kỳ mới không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ trên thế giới”.
Chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc của mình, ông Carlos Rey Gomez, du kích quân Caracas (Vê-nê-zu-ê-la), thành viên Nhóm du kích tham gia vụ bắt giữ sĩ quan Mỹ Michael Smo-len để đánh đổi chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi, xúc động: “Chúng tôi đã cố hết sức để có thể cứu được anh Trỗi bằng sự ngưỡng mộ nhưng chính quyền Ngụy Sài Gòn lật lọng nên cuộc trao đổi không thành. Đất nước Việt Nam có được những con người vĩ đại như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và cả Nguyễn Văn Trỗi… nên các bạn giành chiến thắng là điều tất yếu. Dân tộc Vê-nê-zu-ê-la chúng tôi học tập Việt Nam và luôn sát cánh cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển, dựng xây đất nước”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Xuân Hồng đã bày tỏ những tình cảm tốt đẹp của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế và nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít, gắn bó, thủy chung, trước sau như một của Việt Nam với các nước anh em. Nhân dân Việt Nam luôn khắc ghi những tình cảm, sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của các tổ chức hữu nghị quốc tế đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và mong muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ vô tư, trong sáng ấy vì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Những kinh nghiệm, bài học và thắng lợi trong Hiệp định Paris còn nguyên giá trị và sẽ được phát huy trong thời đại mới.
Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu đã tới thăm các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại làng Hòa bình, Bệnh viện Từ Dũ, kết thúc chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris trong tình cảm lưu luyến, thân tình, đầy xúc động.
Tin, ảnh: HOÀNG THÀNH
qdnd.vn