Một tổng thống “bù nhìn”

Quan hệ đồng minh “lục đục”

Cố vấn Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ. Ảnh tư liệu

QĐND – Sau hơn 4 năm đàm phán, từ 15-3-1968 đến 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu thắng lợi hết sức quan trọng của chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Cùng đó, trong quá trình diễn ra đàm phán hiệp định, sự rạn nứt, chiêu bài lợi ích, trò “lá mặt lá trái” trong cái gọi là “quan hệ đồng minh” của Mỹ với chính quyền miền Nam cũng lộ diện hẳn.

Hội nghị Pa-ri 4 bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) là một diễn đàn công khai để trao đổi về những vấn đề chung nhưng không đề cập giải pháp cụ thể. Vì vậy, đã có các cuộc đàm phán bí mật giữa Việt Nam và Mỹ. Đến ngày 12-10-1972, sau những tranh cãi được đánh giá là nảy lửa trong các cuộc tiếp xúc riêng, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Cố vấn an ninh Mỹ Kít-xinh-giơ (H. Kissinger) đã thống nhất được bản dự thảo Hiệp định Pa-ri gồm 9 điểm với những nội dung cơ bản là các bên tham chiến ngừng bắn tại chỗ, quân đội Mỹ và đồng minh nước ngoài rút về nước, tiến hành trao trả tù binh trong vòng 60 ngày, tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam…

Tuy mang tiếng là đồng minh của nhau, nhưng phía Mỹ hầu như không hề thông báo cho chính quyền Thiệu biết về thái độ phải nhượng bộ của mình trong quá trình đàm phán với Chính phủ VNDCCH. Mặc dù chính quyền Thiệu nhấn mạnh cần được nắm rõ thông tin về những cuộc tiếp xúc bí mật giữa Mỹ và Chính phủ VNDCCH và nhận được sự cam kết của Mỹ, thế nhưng cách thức đàm phán của Mỹ, mà cụ thể ở đây là Kít-xinh-giơ, đã biến Thiệu thành một “bù nhìn” không hơn không kém, vai trò của Thiệu bị làm lu mờ.

“Bánh ít đi, bánh quy lại”

Ngày 4-10-1972, Thiệu gửi thư cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn (R.Nixon) nêu rõ: “Nếu chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một quan niệm mới về một giải pháp hòa bình thì chính phủ Việt Nam rất mong muốn được nhận những thông tin cần thiết”. Đáp lại, trong bức thư ngày 6-10-1972, Ních-xơn viết cho Thiệu đã cam kết rằng: “Sẽ không có gì nảy sinh từ các cuộc hội đàm mà không có sự hội ý toàn diện, kịp thời và đầy đủ giữa chúng ta”. Như để xây dựng thêm lòng tin, ngày 14-10, Ních-xơn gửi cho Thiệu một bức thư “không chính thức” dài một trang rưỡi về những nội dung các cuộc hội đàm giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Kít-xinh-giơ tại Pa-ri từ ngày 8 đến 11-10-1972. Ních-xơn khăng khăng với Thiệu rằng đây là những thông tin “chi tiết”, mặc dù thực tế không phải vậy.

Ngày 16-10-1972, Ních-xơn viết thư và giao cho Kít-xinh-giơ chuyển đến tay Thiệu với đảm bảo rằng:“Ngài sẽ được tôi ủng hộ tuyệt đối và tôi muốn Ngài hiểu rằng niềm tin vững chắc của tôi trong giai đoạn mới này, sự tiếp tục lãnh đạo số phận miền Nam Việt Nam của Ngài là không thể thiếu được”. Trong thư, Ních-xơn nói rằng Kít-xinh-giơ sẽ giải thích chi tiết những điều khoản của hiệp định mà “Tôi tin chắc rằng sự thi hành nó sẽ đem lại cho Ngài và nhân dân Ngài khả năng tự vệ và quyết định số phận chính trị của miền Nam Việt Nam”. Mặc dù vậy, Kít-xinh-giơ lại không đi vào chi tiết những gì còn cần phải giải quyết với Hà Nội cũng như không cho Thiệu biết thời gian đã thỏa thuận với Hà Nội để ký văn bản hiệp định dự kiến vào ngày 31-10-1972.

Đến khi biết được mọi chuyện, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu mới “ngớ người” ra, vội vã lên tiếng kịch liệt phản đối bản dự thảo của hiệp định. Không thể chịu nổi trò hai mặt của người đồng minh, Thiệu tuyên bố rằng bản dự thảo là sự “bán đứng” quyền lợi VNCH của Mỹ.

Tới nước này thì Mỹ cũng chơi bài ngửa với Thiệu. Trong bức thư ngày 21-10-1972 gửi cho Thiệu, Ních-xơn đã hối thúc Thiệu chấp thuận ký vào hiệp định và đe dọa sẽ cắt viện trợ nếu không tuân theo: “Tôi nghĩ rằng quyết định của Ngài sẽ gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến khả năng tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ngài và chính phủ miền Nam Việt Nam”. Phản ứng lại, trong cuộc gặp ngày 22-10 với Kít-xinh-giơ, Thiệu tuyên bố không ký vào hiệp định. Và như “vừa đấm vừa xoa”, ngày 29-10-1972, Ních-xơn tiếp tục viết thư cho Thiệu, đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt về giọng điệu và nội dung so với những lá thư trước. Lời kêu gọi thống nhất hành động được đề cập đến 7 lần: “Tôi muốn ông hãy duy trì sự thống nhất đặc trưng cho quan hệ giữa chúng ta trong suốt bốn năm qua, nó là yếu tố cơ bản để thành công từ trước đến nay”. Giờ đây thì không còn cuộc tranh cãi xem có còn tin tưởng nhau nữa hay không mà chỉ còn là một sự trao đổi. “Bánh ít đi, bánh quy lại”, không đồng ý thì không viện trợ: “Sự mất đoàn kết sẽ làm tôi không thể tiếp tục giúp đỡ chính phủ và nhân dân miền Nam trong những ngày sắp tới dù hiện giờ tôi quyết tâm muốn giúp đỡ”.

Tráo trở và lật lọng

Dẫu có những bất đồng sâu sắc giữa Oa-sinh-tơn với Sài Gòn về những điều khoản của hiệp định Pa-ri nhưng Kít-xinh-giơ lại công khai xem những bất đồng đó là “những vấn đề có hai nghĩa, vấn đề ngôn ngữ học” và “những gì đang cản trở thỏa ước hiện nay là những vấn đề tương đối ít quan trọng hơn những vấn đề đã được giải quyết”. Kít-xinh-giơ vẫn luôn muốn nhấn mạnh với Thiệu rằng hiệp định là một thắng lợi của Mỹ và Sài Gòn. Sáng 26-10-1972, Kít-xinh-giơ đã tổ chức một cuộc họp báo tại thủ đô Oa-sinh-tơn, tuyên bố: “Hòa bình đã nằm trong tầm tay” và nhấn mạnh rằng chỉ còn lại những vấn đề tương đối ít quan trọng phải giải quyết. Chính những tuyên bố này của Kít-xinh-giơ đã góp phần không nhỏ đưa đến nhiệm kỳ Tổng thống lần 2 cho Ních-xơn vào ngày 7-11-1972.

Như vậy, xét trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1972 mà Ních-xơn ra ứng cử nhiệm kỳ 2 cũng như cuộc đàm phán kéo dài suốt hơn 4 năm, có thể thấy rõ được chiêu bài lợi ích, “lá mặt lá trái” của chính quyền Ních-xơn. Một mặt, Ních-xơn thúc giục Thiệu đồng ý ký hiệp định vốn thực chất không hề có lợi cho VNCH để phòng khi nếu Ních-xơn không tái cử thì theo hiệp định, quân Mỹ vẫn rút đi êm thấm, bỏ rơi lại Thiệu nhưng vẫn được cái tiếng là tuân thủ những gì đã cam kết.

Mặt khác, song song với đó là việc kéo dài thời gian đàm phán với ta hòng chiếm lòng tin của nhiều cử tri Mỹ, những người mong muốn chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam lúc bấy giờ. Mọi chuyện trở nên hai năm rõ mười khi Ních-xơn, sau khi biết được kết quả bỏ phiếu mang lại cho mình thêm một nhiệm kỳ nữa trong Nhà Trắng, đã ngay lập tức tỏ thái độ lật lọng. Con người nhẫn tâm và tráo trở này đã ra lệnh cho tiến hành một đợt không kích dữ dội và đẫm máu bằng cả pháo đài bay B-52 kéo dài suốt 12 ngày đêm ở Hà Nội, nhằm buộc chúng ta phải chấp thuận những điều kiện ngặt nghèo hơn của Mỹ trên bàn hội nghị.

Thế nhưng, thất bại hoàn toàn của Nhà Trắng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã buộc Oa-sinh-tơn phải tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, quay lại đàm phán và đồng ý ký kết Hiệp định Pa-ri vào ngày 27-1-1973.

VĨNH AN
qdnd.vn

Advertisement