Ký ức về Hội nghị Pari 40 năm đã trôi qua, đất nước đã trải qua biết bao thay đổi, nhưng với những người đã từng có mặt ở Hội nghị Pari từ năm 1968 đến 1973, những diễn biến, những câu chuyện bên trong và ngoài bàn đàm phán dường như vẫn nguyên vẹn. Trong những ngày đầu xuân 2013, chúng tôi tìm gặp ông Lưu Văn Lợi, nguyên thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, nghe ông kể về những kỷ niệm liên quan đến sự kiện lịch sử đặc biệt này.
Bài 1: Tại sao lại chọn Pari?
Trong căn nhà riêng ấm cúng trong một ngõ nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), ông Lưu Văn Lợi (ảnh) đã kể cho chúng tôi nghe những năm tháng đầy cam go trên mặt trận ngoại giao hơn 40 năm trước ở bàn Hội nghị Pari.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Mở đầu câu chuyện, ông đã nói ngay: “Các bạn nhớ tôi là Lưu Văn Lợi, thư ký của Cố vấn Lê Đức Thọ nhé, không được nhầm tôi với cụ Lưu Văn Lợi – cố vấn pháp lý cho Hiệp định Pari năm ấy đâu nhé”. Rồi ông kể, Bộ Ngoại giao hồi đó có hai người cùng tên là Lưu Văn Lợi.
Cụ Lưu Văn Lợi khi đó là trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (sau này là Trưởng ban Biên giới Chính phủ – hàm Bộ trưởng), năm nay cụ Lợi đã tròn 100 tuổi. Cụ rất giỏi, được cử làm cố vấn pháp lý cho ông Lê Đức Thọ cùng với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch hoàn thành văn bản Hiệp định Pari. Còn ông là Lưu Văn Lợi, làm việc ở Vụ Liên Xô, Đông Âu.
Qua câu chuyện với ông, chúng tôi được biết, ông sinh năm 1933, quê ở Duy Tiên, Hà Nam. Năm 1946, khi học hết lớp 3 thời Pháp thuộc, ông theo gia đình lên chiến khu. Sau đó ông vào học trường Thiếu sinh quân. Năm 1951, ông sang Trung Quốc học ở khu học xá Nam Ninh. Ba năm sau, ông được sang Liên Xô học lớp Nga văn đặc biệt. Năm 1956, ông làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô.
Việc ông trở thành thư ký cho cố vấn Lê Đức Thọ cũng thật tình cờ. Ngày 2/6/1968, trên đường tới Pari tham gia đàm phán, cố vấn Lê Đức Thọ đã dừng chân ở Mátxcơva. Khi đó, cố vấn muốn nghe những tin tức xung quanh Hội nghị Pari, cũng như dư luận thế giới về sự kiện này. Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô Nguyễn Thọ Chân đã giao cho ông Lưu Văn Lợi, lúc đó là tùy viên phòng văn hóa – báo chí hữu nghị của Đại sứ quán, trực tiếp làm tin cho cố vấn Lê Đức Thọ. Sau đó, ông Lợi còn đảm nhiệm luôn nhiệm vụ phiên dịch cho cố vấn Lê Đức Thọ trong hội đàm với một lãnh đạo cao cấp của Liên Xô đến thăm và làm việc tại tòa biệt thự trên đồi Lênin. Sau bữa cơm tối, bất ngờ cố vấn Lê Đức Thọ gọi ông tới và bảo: “Cậu thu xếp mai đi với tôi sang Pari. Tôi cần người thông thạo ngoại giao và biết tiếng giúp việc cho tôi”. Từ đó, ông Lợi bắt đầu phục vụ trong văn phòng của Cố vấn Lê Đức Thọ cho tới tháng 10/1989.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể những câu chuyện xung quanh Hội nghị Pari, ông cười và nói: “Một người có trí nhớ rất tốt thì cũng không thể nhớ hết nổi các sự kiện của hơn 40 năm trước, và nếu có nhớ thì nói cả nhiều ngày không hết được đâu. Tôi chỉ có thể kể cho các bạn một vài chuyện mà tôi có ấn tượng sâu sắc thôi…”. Và rồi, bằng một giọng đều đều nhưng đầy cảm xúc của một người đã từng có mặt trong Hội nghị năm ấy, ông Lưu Văn Lợi đã kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thú vị xung quanh những cuộc đấu trí trường kỳ trên bàn Hội nghị Pari hơn 40 năm về trước.
Lợi thế khi chọn Pari
Theo những tư liệu lịch sử, chủ trương kết hợp đánh với đàm trong kháng chiến chống Mỹ đã được Bác Hồ và Đảng tính tới từ cuối năm 1965. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của BCH TƯ khóa III, tháng 1/1967 đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về ngoại giao bây giờ là đúng lúc vì ta đã và đang thắng địch, thế của ta là thế mạnh… Trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc đấu tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động…”. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã làm nhụt ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ chấp nhận thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5/1968, Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber ở thủ đô Pari của Pháp, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Trước khi đi vào đàm phán chính thức ở Pari, chuyện địa điểm họp ở đâu cũng mất hơn tháng trời mới thống nhất được. Có rất nhiều địa điểm được ta và Mỹ đề xuất làm nơi đàm phán nhưng đều không chọn được vì hai bên không đồng thuận. Sau này ta nghiên cứu và đưa ra đề nghị chọn Pari (thủ đô của Pháp). Tám tiếng sau, Mỹ đồng ý, dù chưa thực sự “xuôi”, bởi Tổng thống Pháp lúc đó là Charles De Gaulle lại là người có quan điểm ủng hộ Việt Nam, chỉ trích sự can thiệp của Mỹ và mong muốn chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Ta chọn Pháp không chỉ vì thủ đô Pari là trung tâm thông tin, chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của dư luận Pháp và quốc tế, mà ở đó, ta còn có thể dựa vào sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp (mà Bác Hồ là một trong những người sáng lập) và phong trào hoạt động của cộng đồng Việt kiều ở Pháp khi đó cũng rất mạnh, công tác hậu cần và sân sau sẽ là lực lượng hỗ trợ chúng ta ở Pháp là tốt nhất và rất có lợi cho ta. Khi đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang, tạm thời ở khách sạn hạng sang, nhưng quá tốn kém. Chỉ vài ngày mà đã gần hết kinh phí mang theo. Ta đến nhờ Đảng cộng sản Pháp giúp đỡ và Đảng cộng sản Pháp đã nhường cho ta một trụ sở là trường Đảng mang tên Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp Moris Tores ở Choisy Le Roi, một biệt thự 2 tầng, hai bên là 2 tòa nhà 3 tầng, cả nhân viên, bảo vệ, đầu bếp bạn cũng để lại để giúp ta. Lúc đầu, ai cũng nghĩ cuộc đàm phán chắc khoảng 5-6 tháng, nhiều lắm thì 1 năm là cùng, nào ngờ lại kéo dài tới gần 5 năm, bạn đã phải di dời cả trường học đi chỗ khác, lấy chỗ cho chúng ta ở. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chỗ chỉ có 37 người (năm 1968) sang năm 1969 đã lên đến gần 80 người, sau này, số lượng còn hơn thế. Bên cạnh sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Pháp, các trí thức Việt kiều cũng đã đóng góp rất nhiều công sức giúp chúng ta chỉ với một tấm lòng yêu quê hương, đất nước.
Phương Lan
baotintuc.vn
Bài 2: Cuộc chiến… quanh những “chuyện nhỏ”