Năm 1968 đánh dấu sự chuyển biến lớn trong thái độ của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) đối với cuộc xung đột. Việc tạo ra một Ủy ban hành động quốc gia ngày 17-1-1968, do Waldeck-Rochet lãnh đạo,để ủng hộ và vì chiến thắng ở Việt Nam, là một tín hiệu rõ ràng nhất. Các cuộc đàm phán ở Paris là cơ hội để PCF kết nối những hình thức cam kết cho nỗ lực mà PCF đang duy trì nhằm tạo áp lực lên các nhà ngoại giao Mỹ, điều mà PCF coi như trận đánh của chính mình: Một trận đánh được thể hiện chủ yếu thông qua chiến dịch tăng cường thông tin và qua tổ chức các cuộc tuần hành quy mô lớn.
Biên bản cuộc họp của Ban Bí thư PCF ngày 7-5-1968 đã chỉ rõ: “Việc mở ra tại Paris các cuộc đối thoại về Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thành quả của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với sự hỗ trợ của tình đoàn kết quốc tế.”
Theo thống kê, từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973, trong 203 cuộc họp của Ban Bí thư PCF, Việt Nam được đề cập đến trong 125 cuộc và các cuộc đàm phán ở Paris là 29 lần. Ở Bộ Chính trị, 41 cuộc họp nói về Việt Nam và 10 cuộc trực tiếp về đàm phán trong tổng sổ 171 cuộc họp. Các con số này đủ nói lên sự quan tâm của PCF với Việt Nam nói chung và với cuộc đàm phán Paris nói riêng. Các cơ quan lãnh đạo Đảng thường xuyên được thông tin về diễn tiến các cuộc đàm phán: Elie Mignot và Raymond Guyot thường xuyên có báo cáo sau các cuộc nói chuyện riêng với các thành viên phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặc biệt là với trưởng đoàn Xuân Thủy hoặc với phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, đặc biệt là với Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình.
Nguyễn Thế Mai
(dịch từ tài liệu ĐCS Pháp và các cuộc đàm
phán tại Paris của Sylvain Pons)