(Tiếp theo và hết)
Thiệu coi thường cả quốc tế
QĐND Online- …Trả lời yêu cầu của Quân giải phóng đề nghị 4 bên tại Ban Liên hợp quân sự cùng ra nghị quyết chung kêu gọi “ngừng bắn” và “thi hành các điều cấm”, Thủ tướng Sài Gòn Trần Thiện Khiêm thẳng thừng ra chỉ thị “quyết định không ra nghị quyết chung” [1]. Trước sức ép của dư luận lên án hành động trắng trợn phá hoại Hiệp định của chính quyền Sài Gòn, ngày 09.02.1973, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm phải ra chỉ thị cho Bộ Quốc phòng “tránh không nên dùng các danh từ tấn công, hành quân, phi xuất, tin chiến trường…” [2].
Toàn cảnh Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam
Ngày 10.02.1973, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ban hành “công điện mang tay” mật – thượng khẩn số 5458/TTM/P345 ra lệnh cho các đơn vị cấm “phổ biến các tin tức chiến sự trên báo chí, đài phát thanh hay vô tuyến truyền hình”, trong đó nêu rõ: “Từ nay cấm không được nói rõ số lượng phi xuất, hải xuất, pháo binh yểm trợ…mà phải thay đổi hình thức giải thích đó là các hoạt động bạn có tính cách phản ứng tự vệ” [3]. Tuân hành công điện của tướng Cao Văn Viên, trong các báo cáo của Trung tâm hành quân của quân đội Sài Gòn bị cắt bỏ, thay vào đó cụm từ “hoạt động an ninh lãnh thổ”. Với ý nghĩa mọi hoạt động quân sự của quân đội Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam đều thuộc phạm vi vùng đất của chính quyền Sài Gòn. Thực tế họ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris về ngừng bắn.
Trong thực thi các điều khoản của Hiệp định Paris và các nghị định thư, chính quyền Thiệu tìm mọi cách né tránh hoặc trắng trợn vi phạm.
Để né tránh thực hiện Điều 6 của Hiệp định quy định “Việc hủy bỏ tất cả các căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác” [4], trước khi Hiệp định được ký kết, quân đội Mỹ tiến hành bàn giao toàn bộ căn cứ, phương tiện chiến tranh cho chính quyền Thiệu. Vì vậy, khi Hiệp định được ký kết, Điều 6 của Hiệp định trở nên “vô hiệu lực”.
Đi ngược lại với tinh thần Hiệp định Paris về giảm quân số các lực lượng vũ trang, chính quyền Sài Gòn thực hiện đôn quân, xiết chặt kỷ luật quân đội và tăng cường cả lực lượng và trang bị cho lực lượng nghĩa quân và địa phương quân của chúng. Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn là 1.086.926 quân. Đến ngày 15.02.1973, mặc dù số quân đảo ngũ là 12.595, nhưng tổng số quân của quân đội Sài Gòn vẫn còn tới 1.076.091 quân [5]. Trong những tháng tiếp theo của năm 1973, quân số quân đội Sài Gòn luôn giữ ở mức trên 1.900.000 quân, dù số quân đảo ngũ hằng tháng nằm trong khoảng 6.000 – 15.000 quân.
Điều 4 của Nghị định thư về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và về các ban liên hợp quân sự, mặc dù Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhiều lần đề nghị nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn ngoan cố, cự tuyệt. Ngày 19.02.1973, Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, ban hành Công văn số 437/PThT/BĐPT/KH “Tuyệt đối không có việc tự động bắt tay giữa các chỉ huy trưởng đơn vị các cấp của ta (chính quyền Sài Gòn) với địch(Quân giải phóng) để chia khu vực và để cho địch tự do di chuyển” [6]. Ngày 26.02.1973, tại Hội nghị quốc tế về Việt Nam ở Paris, chính quyền Sài Gòn vẫn âm mưu thay đổi các điều khoản của Hiệp định Paris. Theo Điều 19 của Hiệp định Paris về Việt Nam quy định: “Các bên thảo luận về việc triệu tập một hội nghị quốc tế trong vòng 30 ngày kể từ khi ký Hiệp định này để ghi nhận các hiệp định đã ký kết” [7]. Nhưng chính quyền Sài Gòn lại dùng Hội nghị để “đòi hỏi các cường quốc bảo đảm những gì mà chúng ta đã không nhận được ở Hội nghị Ba Lê” [8]. Trong đó có những “đòi hỏi” đi ngược lại tinh thần Hiệp định Paris như: “Hội nghị quốc tế cần phải xác nhận và đảm bảo phương thức một dân tộc hai quốc gia Việt Nam”; “Việt Nam cộng hòa phải xác nhận không thừa nhận Mặt trận giải phóng miền Nam như một chính phủ”… “mà chỉ chấp nhận Mặt trận giải phóng miền Nam được quyền tham gia sinh hoạt chính trị tại miền Nam như một đảng phái chính trị…” [9]. Trong diễn văn đọc tại Hội nghị, Trần Văn Lắm, Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn đã trắng trợn tuyên bố : “Tại Nam Việt Nam chỉ có một chánh phủ dân cử hợp hiến và hợp pháp duy nhất đó là chánh phủ Việt Nam cộng hòa” [10].
Tại Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam ở Sài Gòn, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cũng luôn tìm cách né tránh giải quyết các vấn đề theo đúng tinh thần Hiệp định Paris. Mặc dù thừa nhận Điều 10 của Hiệp định “đặt ra một tiên quyết là phải ngững bắn trước đã rồi mới thảo luận được vấn đề hòa bình. Chỉ sau ngừng bắn thực sự, hai bên mới có thể thương lượng với nhau về các giải pháp cho các vấn đề tranh chấp” [11]. Nhưng tại Hội nghị của hai bên miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đưa ra Đề nghị 6 điểm, đầu tiên là tôn trọng ngừng bắn rồi mới giải quyết các vấn đề khác. Phía chính quyền Sài Gòn lại đưa ra Đề nghị 5 điểm, trong đó đưa vấn đề tổng tuyển cử lên trước nhằm đánh lừa dư luận về một “thiện chí hòa bình” của chính quyền Sài Gòn, mà thực chất là nhằm trì hoãn việc thực thi các quy định của Hiệp định Paris, để có thời gian để tiến hành các hoạt động quân sự đẩy lui Quân giải phóng trên chiến trường.
Trước thái độ của chính quyền Thiệu, tại phiên họp thứ 10 ngày 09.5.1973, ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã gay gắt lên án: “Nếu mà sau khi ký Hiệp định đã có hòa bình thì ở đây chúng ta cần gì phải bàn cãi nữa. Nhưng mà chúng ta đang đứng trước một cái thực tế là từ khi Hiệp định có hiệu lực đến nay, chiến sự chưa chấm dứt. Thế thì chúng tôi muốn nêu vấn đề này với các ông, bây giờ các ông nêu vấn đề là phải tiến hành tổng tuyển cử, thế thì tổng tuyển cử trong khi còn bắn nhau thì tổng tuyển cử như thế nào, do đó mà trong bài phát biểu của chúng tôi, chúng tôi cho rằng các ông như là đặt cái cày trước con trâu, mà bây giờ phải làm thế nào để mà có thể có cái chấm dứt chiến sự chớ, cái đó là cái vấn đề đầu tiên, là vấn đề đầu tiên nêu ra trong Hiệp định chấm dứt chiến sự. Do đó mà chúng tôi nghĩ rằng đây là vấn đề các ông muốn nói tiên quyết cũng được là vì cái này là theo lẽ nó phải có… mà chiến sự tiếp diễn đây thì là do về phía các ông chủ trương có những hành động lấn chiếm…
Trước khi ký Hiệp định Paris các ông đã chống lại với các cuộc ngừng bắn, cái ngừng bắn mà gọi là ngừng bắn tại chỗ thì cái điều này báo chí của các ông, những người lãnh đạo của các ông đã từng lên tiếng một cách công khai chống lại cái ngừng bắn tại chỗ. Cho nên người ta không lấy làm lạ là khi Hiệp định đã ký rồi, các ông tìm cách phá hoại cái ngừng bắn đó mà rõ ràng ý đồ của phía các ông mà theo chúng tôi biết được ở tại chiến trường là tìm cách xóa bỏ những cái vùng của chúng tôi mà người ta thường gọi là những cái da báo ở trong vùng các ông, các ông tìm cách lấn chiếm những cái vùng đó rồi ngay cả những cái vùng giải phóng lớn của chúng tôi các ông cũng tìm cách lấn chiếm mà có những cái cuộc hành quân như thế là sư đoàn, hàng sư đoàn. Cái chuyện này là không thể chối cãi được. Thế thì chúng tôi cho rằng về phía các ông thì rõ ràng là chưa muốn tái lập hòa bình, chưa muốn chấm dứt chiến sự. Cho nên do đó mà chúng tôi thấy rằng bây giờ phải làm thế nào để tái lập hòa bình và chúng tôi đã đề những cái biện pháp hết sức là cụ thể mà tiến tới tái lập được cái hòa bình đó” [12].
Với thái độ đó của chính quyền Sài Gòn, Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam luôn rơi vào tình trạng bế tắc.Trước thái độ hiếu chiến của chính quyền Thiệu, ngày 08.10.1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố không thương thuyết với chính quyền Sài Gòn.
Tiếp theo đó, Bộ Tư lệnh miền phát lệnh cho toàn thể các lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên “kiên quyết trừng trị bọn Mỹ – Thiệu ngoan cố và hiếu chiến, kiên quyết đập tan hệ thống đồn bốt của địch, mở rộng vùng giải phóng, giành quyền làm chủ về tay nhân dân”. Phát động toàn quân, toàn dân: “Hãy vượt mọi gian khổ, khó khăn, đạp lên đầu thù xốc tới giành thắng lợi. Hãy đánh mạnh, đánh liên tục, đánh tiêu diệt gọn quân địch, đánh cho chúng tan rã về tinh thần, tư tưởng, suy sụp về tổ chức, đạt yêu cầu cao của mùa khô. Hãy đánh giỏi, công tác giỏi, xây dựng giỏi, giành thắng lợi giòn giã. Giương cao cờ quyết chiến, quyết thắng. Tấn công như năm 1972, nổi dậy như đồng khởi, diệt gọn nhiều đơn vị, nhiều đồn bốt địch, giải phóng nhân dân… Toàn thể các đồng chí hãy anh dũng tiến lên!” [13].
Ngày 12.11.1974, phát biểu tại Hội thảo và học tập về Hiệp định Paris tại Bộ Dân vận chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ rõ thái độ hiếu chiến, lỗ mãng và thách thức. Đối với Ủy hội quốc tế, Thiệu cho rằng: “Quốc tế bây giờ nói ông Thiệu không thi hành Hiệp định Ba Lê… a lê quốc tế dẹp, chuyện này không phải mấy người. Tôi biết tôi phải làm cái gì, Hiệp định Ba Lê này mấy ông có đọc chưa, mấy ông thuộc bằng tôi không, mấy ông xen cái lỗ mũi vô trong chuyện của tôi… Ôi đồ ba cái thứ là hội quốc tế này, quốc tế kia đánh điện tôi xé, tôi vứt giỏ rác, kể cả Liên hợp quốc chẳng làm cái trò trống gì cho nên hình”.
“Tôi nói ông già tôi cộng sản tôi cũng chặt chớ đừng nói ai”.
“Hễ nó (Quân giải phóng) giỏi nó thắng mình chịu. Mình thắng nó phải chịu. Không có cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết. Đi lại cái chánh phủ tiên quyết bây giờ mà như mấy cha mà đi cổ võ đó, nói chánh phủ liên hiệp, chánh phủ liên hiệp… thì là trở lại mấy chuyện mà mình tranh đấu mấy năm trời để tránh nó ở trong cái bản Hiệp định” [14].
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng chưa lúc nào chính quyền Sài Gòn chấp hành Hiệp định Paris mà thường xuyên chống phá quyết liệt và chống phá ngay từ khi Hiệp định Paris chưa được ký kết cho đến khi chúng bị thất bại hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Bạo
qdnd.vn
[1]. Biên bản phiên họp tại Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn ngày 13.02.1973, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1252.
[2]. Biên bản phiên họp tại Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn ngày 09.02.1973, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1252.
[3]. Công điện mang tay số 5458/TTM/P345 ngày 10.02.1973 của Tổng Tham mưu trưởng quân lực chính quyền Sài Gòn, Phông PTTg, hồ sơ số 18112.
[4]. Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1235.
[5]. Tổng kết hoạt động quân lực chính quyền Sài Gòn tháng 3.1973 của Bộ Tổng tham mưu quân lực chính quyền Sài Gòn, Phông PTTg, hồ sơ số 17778.
[6]. Công văn số 43/PThT/BĐPT/KH ngày 19.02.1973 của Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Trần Thiện Khiêm, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1229.
[7,8]. Tài liệu nhận định Hội nghị quốc tế về Việt Nam tại Pari ngày 26.02.1973 của chính quyền Sài Gòn, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1238.
[9]. Diễn văn của Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn Trần Văn Lắm tại Hội nghị Quốc tế ngày 27.02.1973, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1238.
[10]. Phân tích và giải thích Hiệp định thư và Nghị định thư chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam của Ủy ban liên bộ điều hợp ngừng bắn của chính quyền Sài Gòn, Phông PTTg, hồ sơ số 18079.
[11]. Bản ghi tốc ký phiên họp thứ 10 Hội nghị giữa hai bên miền Nam Việt Nam tại Pari ngày 09.5.1973, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1247.
[12, 13]. Động viên lệnh của Bộ Tư lệnh miền, tài liệu do Đại đội 288 địa phương quân chính quyền Sài Gòn thu ngày 20.12.1974.
[14]. Bài nói của Nguyễn Văn Thiệu tại khóa hội thảo và học tập về Hiệp định Pari của chính quyền Sài Gòn, ngày 12.11.1974, Phông ĐIICH, hồ sơ số 1293.