QĐND – Trong khi Hà Nội đang trải qua cái lạnh đầu đông thì Hội trường Bảo tàng Phòng không-Không quân chiều 3-12 lại được sưởi ấm bởi không khí ấm áp của buổi giao lưu giữa những cựu chiến binh Xô-viết từng giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh với các cựu chiến binh của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Ký ức một thời “chung chiến hào” như những thước phim đưa các cựu chiến binh Xô-viết – Việt Nam trở lại những năm 60-70 của thế kỷ trước…
Các cựu chiến binh Xô-viết và Việt Nam trao đổi thông tin cho nhau. Ảnh: Tuấn Sơn
Trở lại “chiến trường xưa” sau nhiều năm xa cách, các cựu chiến binh Xô-viết (gồm Nga, U-crai-na và Bê-la-rút) không thể tin rằng, sau gần 40 năm chấm dứt chiến tranh, Việt Nam đã phát triển nhanh đến như vậy. Mặc dù vậy, phần lớn các cựu chiến binh đều nhận ra từng con phố ở Hà Nội, nơi máy bay Mỹ từng rải bom mà đỉnh điểm là vào những ngày tháng Chạp năm 1972.
Trong chiến tranh, có rất nhiều chuyên gia quân sự Xô-viết đến Việt Nam ở các thời điểm khác nhau, nhưng họ đều có chung một nhiệm vụ: Giúp đỡ nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Họ đã giúp bộ đội PK-KQ Việt Nam sửa chữa khí tài, huấn luyện tên lửa… Sự giúp đỡ của các bạn Xô-viết đã góp phần mang lại nhiều chiến công, mà trước hết là chiến thắng trận đầu của Binh chủng Tên lửa phòng không thuộc Quân chủng PK-KQ (ngày 24-7-1965).
Trong niềm xúc động khi gặp lại người thầy cũng là đồng đội cũ là ông Bôn-đa-ren-cô A-na-tô-li (Bondarenko Anatoly), nguyên Trắc thủ buồng chỉ huy S-75 Cụm Phòng không Hà Nội, ông Nguyễn Quang Hùng, Trắc thủ cự ly, Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236 cho biết, năm 1965 đồng chí Bôn-đa-ren-cô là người hướng dẫn kíp trắc thủ gồm 4 học viên, trong đó có ông. “Bình thường, một khóa học về tên lửa phải mất một năm. Nhưng do yêu cầu chiến đấu, khóa học của chúng tôi rút xuống còn 6 tháng. Nhưng trên thực tế, chúng tôi kết thúc khóa học trong vòng 59 ngày”, ông Hùng cho biết.
Bức ảnh của nữ sinh, phiên dịch viên Nguyễn Thị Hiền tặng ông Vin-xép-xki. Ảnh: Phương Linh
Ông Hùng cho hay, chính đồng chí Bôn-đa-ren-cô là người góp phần trực tiếp bắn rơi chiếc máy bay thứ 45 của Mỹ và là chiếc máy bay đầu tiên do bộ đội tên lửa phòng không bắn rơi. “Tiểu đoàn 63, nơi đồng chí Bôn-đa-ren-cô công tác, đã bắn rơi hai máy bay của Mỹ. Tiểu đoàn 64 bắn rơi một chiếc. Như vậy, trận đầu ra quân, bộ đội tên lửa phòng không bắn rơi ba chiếc máy bay địch. Sau đó, Tiểu đoàn 61, 62 cũng ra quân với sự trợ giúp của bạn”.
Câu chuyện của ông Hùng khiến người thầy Bôn-đa-ren-cô nghẹn ngào. Ông cứ lặng yên, lắng nghe câu chuyện của người học trò. Có lẽ, trong thâm tâm ông chưa bao giờ nghĩ rằng, học trò của ông lại nhớ những kỷ niệm của hơn 40 năm về trước đến từng chi tiết như vậy. Ông bày tỏ: “Tôi chưa từng gặp một dân tộc nào có lòng yêu đất nước, có lòng dũng cảm như dân tộc Việt Nam. Dù khí tài có hiện đại đến đâu cũng không chiến thắng được lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam”. Ông Bôn-đa-ren-cô rất tự hào khi có những người học trò xuất sắc như ông Hùng. Lời ông vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên giòn giã, như một lời tri ân tới những người thầy như ông Bôn-đa-ren-cô.
Đại tá Chi-xlốp Gen-na-đi (Chislov Gennady), chuyên gia quân sự thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 275 Tên lửa phòng không, cũng may mắn gặp lại học trò của mình. “Không biết số phận thế nào mà một nửa cuộc đời của tôi liên quan đến việc đào tạo sĩ quan Việt Nam”, ông Gen-na-đi cất lời. “Tất cả bắt đầu vào đầu năm 1966. Lúc đó, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho sĩ quan Việt Nam thuộc Trung đoàn tên lửa 275 tại Liên Xô trong vòng 6 tháng. Năm 1966, tôi sang Việt Nam công tác. Đầu tiên tôi là chuyên gia về bệ phóng đạn tên lửa, sau đó là sĩ quan cố vấn cho đồng chí Tiểu đoàn trưởng. Kết thúc chiến tranh, tôi đã sang thăm Việt Nam ba lần. Lần nào sang tôi đều cố gắng tìm cựu chiến binh của trung đoàn này. Lần này, tôi gặp được hai học trò và cũng là đồng đội của tôi. Tôi rất vui vì điều đó”, ông Gen-na-đi kể. Ông Gen-na-đi bày tỏ cảm ơn trước sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam đối với các cựu chiến binh Xô-viết.
Trong đoàn đại biểu cựu chiến binh Xô-viết thăm Việt Nam lần này, có một cựu chiến binh người U-crai-na khá đặc biệt. Trên tay ông lúc nào cũng có một tập ảnh đen trắng đã ngả màu, cùng một tập ảnh (bản phô-tô) khác. Gặp ai, dù là cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ hay phóng viên, ông cũng chìa tập ảnh ra, chỉ vào tấm ảnh một cô gái còn rất trẻ. Hóa ra, ông đang đi tìm nữ phiên dịch của mình trước đây. Ông là Vin-xép-xki Vơ-la-đi-mia (Vinsesky Volodimir), Chuyên gia S-75, thuộc Tiểu đoàn 278, Cụm Phòng không Hà Nội. Ông kể, trước đây ông là chuyên gia đào tạo sĩ quan Việt Nam sửa chữa các khí tài bị hỏng. Ngày đó, giúp việc cho ông là một nhóm sinh viên năm thứ ba của Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Ngoài làm phiên dịch, các sinh viên này còn cùng với bộ đội học luôn cả cách sửa chữa khí tài. Trước khi ông rời Việt Nam về nước, một trong số sinh viên này gửi tặng ông một tấm hình, phía sau có ghi Nguyễn Thị Hiền, 68 Phố Huế.
Thầy Bôn-đa-ren-cô và học trò Nguyễn Quang Hùng trong buổi giao lưu. Ảnh: Phương Linh
Trân trọng tình cảm của cô nữ sinh mang cái tên rất đẹp ấy, ông đã giữ gìn cẩn thận bức ảnh này trong suốt 40 năm qua. Giờ đây, chiến tranh qua đi đã lâu, nhưng ông không biết cô gái ấy còn sống hay đã chết. “Nếu còn sống, chắc cô ấy cũng đã 60 tuổi rồi”, ông Vin-xép-xki rưng rưng nói. Trao tấm hình của nữ sinh Hiền (phô-tô) cùng nhiều bức ảnh khác cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Vin-xép-xki bày tỏ niềm hy vọng thông qua Báo Quân đội nhân dân, biết đâu ông lại có cơ hội gặp người nữ phiên dịch của mình.
Đã không thiếu những cặp mắt rưng rưng, những nỗi xúc động nghẹn ngào của ngày gặp lại sau hơn 40 năm xa cách, nay là giờ phút trùng phùng. Những người bạn Xô-viết đã tới giúp nhân dân Việt Nam theo mệnh lệnh của trái tim, cùng đồng cam cộng khổ, chia sẻ nỗi hiểm nguy trong lửa đạn từ hơn 40 năm trước. Giờ đây, họ lại được đón tiếp bằng tình cảm ấm áp của những trái tim Việt Nam. Buổi giao lưu giữa cựu chiến binh Xô-viết với cựu chiến binh của Quân chủng PK-KQ còn nối dài những câu chuyện cảm động về tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân Xô-viết với nhân dân Việt Nam trước đây và giữa nhân dân LB Nga, U-crai-na, Bê-la-rút với nhân dân Việt Nam ngày nay.
Đúng như Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã nói trong không khí thân tình của buổi tiếp trước đó, sự hy sinh, cống hiến, giúp đỡ chí tình của các chuyên gia quân sự Xô-viết trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam thật đáng trân trọng. Trung tướng Phương Minh Hòa bày tỏ mong muốn có thêm nhiều đoàn cựu chiến binh Xô-viết tới thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Thay mặt đoàn cựu chiến binh Xô-viết, Trưởng đoàn, Trung tướng Ni-cô-lai Txim-ban (Nikolay Tsymbal) mong các thế hệ sau này của Việt Nam sẽ không bao giờ phải chứng kiến cảnh bom rơi, máu đổ như trước đây. “Tôi đã có một buổi tối thật tuyệt vời khi đi dạo bên Hồ Gươm. Ở đó, tôi phát hiện ra sự trẻ trung của Hà Nội và một cái nhìn hướng về tương lai tươi đẹp của giới trẻ Việt Nam. Tôi tin Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh”, Trung tướng Ni-cô-lai tin tưởng.
LINH OANH
qdnd.vn