QĐND – Một vấn đề được đặt ra sau chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là vai trò của thế trận chiến tranh nhân dân được khẳng định như thế nào?
Trong 12 ngày đêm đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Chính phủ Hoa Kỳ đã huy động đến mức cao nhất sức mạnh ưu việt của nền công nghiệp quân sự, với những phương tiện chiến tranh điện tử tối tân nhất. Về phía Việt Nam, Đảng, Nhà nước cũng đầu tư mua sắm và thông qua sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng có ra -đa cảnh giới và dẫn đường ?35; có máy bay tiêm kích MIG -21, tên lửa SAM2, pháo cao xạ 100mm… Một cuộc chiến trên bầu trời như thế, vai trò của chiến tranh nhân dân có thể phát huy được không?
Bảo quản tên lửa, phục vụ SSCĐ ở Sư đoàn Phòng không 365. Ảnh: Hồng Nguyễn
Thực tở, trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, ở Hà Nội và Hải Phòng đã diễn ra hình ảnh rõ nét nhất của một cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không cực kỳ sôi động.
Mỗi lần máy bay địch kéo đến từ xa, lệnh báo động B -52, sẵn sàng chiến đấu được ban ra. Các LLVT về vị trí chiến đấu, mọi người dân chạy về nơi ẩn nấp. Khi những chùm bom hủy diệt của kẻ thù sắp rơi xuống thì cũng là lúc những chiếc MIG rời đường băng, những quả đạn tên lửa rời bệ phóng, những chùm đạn cao xạ các cỡ vút lên chặn đánh máy bay của kẻ xâm lược.
Không chỉ có máy bay, tên lửa có thể vươn tới độ cao trên 10km, quân dân ta còn có rất nhiều những khẩu pháo, khẩu súng tầm thấp của bộ đội, của tự vệ, của dân quân, bố trí khắp nơi, trên các ngọn đồi, mỏm núi, ven sông, trên những nóc nhà cao tầng, trong đồng, ngoài bãi, hình thành một mạng lưới dày đặc, rộng khắp, nhiều tầng đón đánh kẻ thù bay vào từ mọi hướng, từ xa đến gần. Nhiều chiếc máy bay hiện đại F111A, A6A, bay thật thấp để tránh bị ra -đa phát hiện, cuối cùng cũng phải đền tội bởi lưới lửa tầm thấp của quân và dân ta.
Mỗi người dân Hà Nội đều trở thành chiến sĩ. Từng tốp thanh niên lao nhanh về các trận địa, giúp bộ đội tiếp đạn, tải thương, thay lá ngụy trang. Các bà mẹ mang những rổ trái cây, những ấm nước chè xanh đến từng khẩu đội thăm hỏi, động viên các pháo thủ. Tất cả mọi người đều tham gia cứu nạn khi có bom rơi.
Khi phát hiện một máy bay rơi, lập tức hàng trăm người dân từ các hầm trú ẩn vọt ra, có cả những thiếu niên, cụ già kéo nhau đi lùng bắt giặc lái. Bên cạnh khung cảnh khí thế ấy, còn có biết bao cán bộ, công nhân viên thầm lặng bám máy, bám đài, bám bệnh viện, cửa hàng… để giữ vững thông tin liên lạc và bảo đảm cho các nhu cầu thiết yếu về điện, nước, y tế, lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc chiến đấu của quân, dân Thủ đô.
Một mặt trận khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hình ảnh toàn dân làm công tác giao thông vận chuyển chi viện cho chiến trường, ngay cả trong những ngày Hà Nội – Hải Phòng liên tục bị Mỹ ném bom thì công tác chi viện cho miền Nam vẫn không hề dừng lại.
Đánh thắng B -52 Mỹ không chỉ có nhân dân Hà Nội, Hải Phòng và nhân dân miền Bắc, mà còn có cả sức mạnh chung tay tiếp sức của đồng bào ruột thịt miền Nam, của thế trận cả nước cùng đánh giặc. Những nam nữ nghệ sĩ, chia nhau tỏa xuống các trận địa, mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sĩ bên bệ phóng. Những phóng viên, nhà quay phim, nhiếp ảnh can trường, xông xáo, đưa những dòng tin, những trang báo nóng hổi tính thời sự về chiến thắng B -52.
Hà Nội còn có thành tích đáng tự hào về công tác phòng tránh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trước khi xảy ra trận không kích của Mỹ, chính quyền thành phố đã tổ chức tốt việc sơ tán nhân dân. Sau đêm 18-12, lệnh sơ tán khẩn cấp và triệt để được loan đi, những dòng người đông nghịt hối hả rời thành phố. Họ tỏa về các vùng nông thôn, tìm đến vòng tay đùm bọc, che chở, cưu mang của bà con các làng quê giàu lòng nhân nghĩa. Hàng chục vạn người đã ra đi trong trật tự và an toàn. Chính nhờ sơ tán và phòng tránh tốt mà chính quyền thành phố Hà Nội đã làm giảm thiểu sự tổn thất về người do địch gây ra trong 12 ngày đêm đến mức thấp nhất. Đó cũng là một khía cạnh thành công của cuộc chiến tranh nhân dân.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, cuộc chiến tranh nhân dân đất đối không được phát triển lên đến đỉnh cao, với cả một cao trào toàn dân đánh máy bay Mỹ, toàn dân làm công tác phòng tránh, toàn dân làm công tác giao thông vận chuyển, toàn dân hợp tác và giúp đỡ bộ đội chiến đấu, cộng với trí thông minh và lòng dũng cảm vô song, chính là điểm tựa, là chiếc chìa khóa vạn năng và cũng là cái gốc của mọi bí ẩn giúp cho quân dân ta lập nên chiến tích thần kỳ “Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt.
HỒNG HẢI
qdnd.vn
(Lược thuật từ sách “Điện Biên Phủ trên không – Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”)