Phân tuyến, dự trữ, bảo đảm tốt hậu cần cho chiến dịch

QĐND – Một trong những yếu tố góp phần làm nên chiến thắng trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là nghệ thuật tổ chức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng của quân chủng chiến đấu.

Nắm vững phương án tác chiến của Tư lệnh Quân chủng, sự chỉ đạo của Tổng cục Hậu cần, ngành hậu cần Quân chủng Phòng không- Không quân đã chủ động, tích cực tiến hành công tác chuẩn bị hậu cần. Do không gian tác chiến diễn ra trên địa bàn rộng, có những trung đoàn cách nhau hàng chục cây số, địa bàn bị chia cắt bởi sông Hồng, sông Đuống, nên ngành hậu cần quân chủng xác định tổ chức thành 3 cụm kho hậu cần bố trí ở Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và Nam sông Hồng để bảo đảm trực tiếp cho các lực lượng của quân chủng chiến đấu.

Ngành hậu cần quân chủng đã dự trữ vật chất bảo đảm cho sinh hoạt của các trung đoàn từ 7 đến 10 ngày, sư đoàn dự trữ từ 3 đến 5 ngày; tổ chức dự trữ đạn pháo cao xạ trên nhiều khu vực, theo từng cấp, đủ từ 2 đến 3 cơ số bảo đảm cho từ 2 đến 3 đợt chiến đấu trong khoảng từ 5 đến 7 ngày; trong ngày tiêu thụ đến đâu thì bổ sung thêm đến đó. Về đạn tên lửa, các trung đoàn chuẩn bị sẵn sàng từ 1,8 đến 2,1 cơ số. Các sân bay dự trữ xăng dầu cho máy bay đủ theo sức chứa của từng sân bay, riêng sân bay Nội Bài có lượng dự trữ cao hơn. Ngành hậu cần quân chủng còn tổ chức hệ thống kho dự trữ dầu bay ở các kho khu vực. Cùng với kho dự trữ của quân chủng, kho dự trữ chiến lược của Tổng cục Hậu cần trên địa bàn tác chiến cũng chuẩn bị sẵn sàng chi viện bảo đảm cho Sư đoàn 361 bảo vệ Hà Nội, Sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng, Sư đoàn 365 bảo vệ tuyến Hà Nội – Lạng Sơn, Sư đoàn 375 bảo vệ tuyến Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.

Phương tiện của cơ quan ngoại giao cũng được huy động tham gia phục vụ cứu thương trong Chiến dịch phòng không tháng 12-1972. Ảnh tư liệu.

Phương thức bảo đảm rất linh hoạt: Một số loại vật chất bảo đảm cho sinh hoạt, một phần xăng dầu và đạn pháo cao xạ được Tổng cục Hậu cần chuyển thẳng tới các sư đoàn phòng không trên các hướng theo hiệp đồng của hậu cần quân chủng; lượng còn lại, hậu cần quân chủng chuyển thẳng từ kho quân chủng xuống sư đoàn, trung đoàn, thậm chí xuống tận các tiểu đoàn chiến đấu theo hiệp đồng, kết hợp tiếp nhận vận chuyển thương binh về tuyến sau. Về bảo đảm lương thực, thực phẩm, hậu cần quân chủng phân cấp cho các trung đoàn hiệp đồng khai thác tại địa phương khu vực tác chiến. Đạn pháo cao xạ tổ chức dự trữ trên từng khu vực gần trận địa, dựa vào lực lượng dân quân địa phương tổ chức vận tải tới trận địa sau từng đợt hoặc từng ngày chiến đấu.

Về bảo đảm quân y, hậu cần quân chủng chỉ đạo các đơn vị tổ chức kết hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương trên các địa bàn để kịp thời cứu chữa, vận chuyển cả quân và dân bị thương. Các cơ sở quân y và y tế địa phương được kết hợp với nhau hình thành 4 tuyến, gồm: Tuyến tại chỗ, tuyến kết hợp giữa quân y đơn vị với trạm y tế địa phương, tuyến kết hợp giữa quân y đơn vị với các bệnh viện huyện, cuối cùng là tuyến các bệnh viện quân y kết hợp với bệnh viện tỉnh, thành phố. Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng tổ chức các đội, tổ cấp cứu lưu động kết hợp với lực lượng tại chỗ để cứu người bị thương, vận chuyển tới các cơ sở cứu chữa. Hà Nội tổ chức được 105 tổ, đội cấp cứu dân y và 30 tổ đội cấp cứu quân y; TP Hải Phòng tổ chức 53 tổ, đội cấp cứu dân y và 15 tổ đội cấp cứu quân y.

Trong 12 ngày đêm thực hành bảo đảm cho chiến đấu, nhờ tổ chức hệ thống kho trạm dự trữ trên từng khu vực, vừa phân cấp bảo đảm, đồng thời dựa vào lực lượng địa phương trong tổ chức vận tải tiếp tế đạn tới các trận địa, nên đạn được bổ sung đầy đủ, kịp thời sau từng ngày, từng đợt chiến đấu. Việc tổ chức cấp cứu vận chuyển thương binh được tiến hành nhanh chóng, kịp thời do tổ chức các tuyến hợp lý. Lực lượng quân dân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng chống sập, cứu sập, đã cấp cứu, cứu chữa hàng nghìn người bị thương, trong đó 85% là nhân dân, 15% là bộ đội. Các kho tàng, cơ sở hậu cần được bố trí phân tán, bảo vệ chặt chẽ, nên khi địch đánh phá, tổn thất không đáng kể.

Với phương châm chủ động tích cực chuẩn bị, cùng với việc xác định đúng phương án tổ chức bố trí, phương thức bảo đảm, tổ chức dự trữ và hiệp đồng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, nhân dân địa phương trong khu vực chiến đấu, nên trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, quyết liệt, ngành hậu cần Quân chủng Phòng không- Không quân đã bảo đảm cao nhất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ vật chất, đạn dược cho chiến dịch, góp phần làm nên thắng lợi “Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 lịch sử.

Đại tá Đỗ Khắc Yên
qdnd.vn

Advertisement