Tình trạng “phe nhóm” trong Quân đội Sài Gòn

QĐND-Theo một tài liệu lưu trữ của Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị), vào thời điểm các năm 1972-1973, đội ngũ cán bộ địch vận các đơn vị đã thu thập, nghiên cứu khá chi tiết về tình hình đảng phái trong sĩ quan Quân đội Sài Gòn. Tài liệu cũng nêu rõ xu hướng, thế lực của từng đảng phái, nội tình phe nhóm trong các sĩ quan cao cấp và việc xuất hiện những “ông bầu” Mỹ đứng sau từng phe nhóm…

Mục đích tổ chức và hoạt động của các đảng phái trong Quân đội Sài Gòn là để bảo vệ quyền lợi, địa vị của các đảng phái, song nhìn chung đội ngũ sĩ quan đều dựa vào đảng phái của mình để thăng tiến và “làm giàu” chứ không hẳn là từ những lời rêu rao “vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc”. Thực tế trong Quân đội Sài Gòn, sĩ quan cầm đầu đơn vị là đảng viên thuộc đảng phái nào thì phần lớn sĩ quan thuộc quyền sẽ là đảng viên của đảng phái ấy.

Nguyễn Văn Thiệu trong lần tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Hen-ri Ca-bốt Lốt (Henry Cabot Lodge) tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Trong số các đảng phái lớn thời Nguyễn Văn Thiệu, tổ chức đảng của “Cần lao nhân vị” có phần chặt chẽ hơn vì được chính quyền Thiệu ủng hộ và có nhiều tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp cầm đầu trong quân đội và chính quyền. “Cần lao nhân vị” từng là đảng của Ngô Đình Diệm, sau khi Diệm đổ, đảng này tan rã, nhưng trong các năm 1967-1971, lại được Thiệu tích cực ủng hộ và phát triển ở nhiều nơi. Khá đông đảng viên “Cần lao nhân vị” đã nắm các vị trí chủ chốt như: Tổng Tham mưu trưởng; Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh chính trị; đa số các tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, tỉnh trưởng, trung đoàn trưởng, quận trưởng, cảnh sát các cấp… “Đại Việt” cũng là một đảng phái phát triển khá mạnh, nhất là khu vực Vùng 1 Chiến thuật. Tháng 5-1972, sau khi bị Quân giải phóng đánh chiếm Quảng Trị, phái “Đại Việt” miền Trung do Hà Thúc Ký cầm đầu đã đứng ra lập Sư đoàn Thuận Hóa gồm cả lực lượng bảo an, công chức lẫn thương-phế binh nhằm “phòng tránh nguy cơ Cộng sản chiếm Huế”. Ngoài 6 đảng phái chính, chính trường Sài Gòn còn xuất hiện các tổ chức: “Mặt trận cứu nguy dân tộc”, “Phong trào quốc gia cấp tiến”, “Phong trào Tân dân”… cùng các giáo phái khác, tất cả đều chung mục tiêu chính là “chống Cộng”.

Thời kỳ đầu thập niên 1970, từ Tổng thống cho tới các Tư lệnh quân đoàn, sư đoàn, các tỉnh trưởng, trung đoàn trưởng, quận trưởng… đều có dính líu đến các phe nhóm, hoặc là của phe này, hoặc là của phe kia do các mối quan hệ: Cùng quê hương, họ hàng, cùng tín ngưỡng, đảng phái chính trị, hoặc ít ra cũng là quen biết, thân thích nhau. Quân đội Sài Gòn những năm 1972-1973 đã xuất hiện các phe cánh được điểm mặt, gồm: Phe Nguyễn Văn Thiệu, phe Trần Thiện Khiêm, phe Nguyễn Cao Kỳ, phe Nguyễn Văn Vỹ, phe Cao Văn Viên… Ở cấp Quân đoàn, Vùng chiến thuật lại chia thành các phe nhóm do các viên tướng đứng đầu gồm: Phe Hoàng Xuân Lãm, phe Ngô Quang Trưởng, phe Nguyễn Văn Minh, phe Vĩnh Lộc, phe Ngô Du, phe Lữ Lan… Mỗi phe lại có một “ông bầu” là cố vấn Mỹ đứng sau, như phe Nguyễn Văn Thiệu có Bân-cơ (Bunker), Nguyễn Cao Kỳ có Oét-mo-len (Westmoreland), Cao Văn Viên có A-bram (Abrams), Ngô Du có Giôn Pôn Van (John Paul Vann), Ngô Quang Trưởng có tướng Cháp-men (Chapman) – cựu Tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, Trần Thiện Khiêm có một nhóm CIA và một số chính khách ở Đài Loan, … Những cố vấn Mỹ này thường nắm rất chắc các Tư lệnh quân đoàn, Tư lệnh sư đoàn và Tỉnh trưởng thông qua những cuộc vui chơi, nhậu nhẹt. Thậm chí thông qua những cuộc thăm hỏi, chuyện trò, các “ông bầu” Mỹ còn tranh thủ tìm hiểu ý định, quan điểm của sĩ quan bản địa rồi tìm cách can thiệp vào vị trí chỉ huy của đội ngũ này. Năm 1971, chính Rát-xơn (Russon) (Phó tư lệnh Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ-MACV) đã từng đưa ra nhận xét về Dư Quốc Đống với Nguyễn Văn Thiệu: “Ông ta chỉ lo làm giàu, không lo hành quân” và bày tỏ ý định muốn loại Đống ra khỏi sư đoàn dù. Đống biết chuyện, muốn Thiệu thu xếp để ông ta chuyển sang nơi khác, nhưng Thiệu vẫn muốn Dư Quốc Đống nắm Sư dù, bởi viên Tổng thống “lo xa”, muốn Đống là chỗ dựa tin cậy để phòng đảo chính. Nguyễn Văn Thiệu cũng từng có ý định đưa vây cánh của mình là Tư lệnh phó Sư đoàn dù Hồ Trung Hậu sang làm Tư lệnh Sư đoàn 21, nhưng các cố vấn Mỹ không đồng tình, cho rằng năng lực của Hậu kém, không hợp vị trí, mãi tới tháng 4-1972, Thiệu mới có dịp cất nhắc, đưa Hậu lên làm Tư lệnh Sư đoàn 21…

Không chỉ số sĩ quan cấp cao mới có tình trạng phe nhóm, đội ngũ sĩ quan trẻ cũng có sự phân hóa rõ rệt trong xu hướng lựa chọn đường binh nghiệp. Các cán bộ địch vận của ta đã tiến hành khảo sát thái độ chính trị của hàng trăm sĩ quan Quân đội Sài Gòn và nhận thấy phần lớn trong số này đều “thích thú” và tự nguyện vào các đơn vị binh chủng hơn là các đơn vị bộ binh, bởi theo họ cầm quân ở các đơn vị binh chủng vừa đỡ vất vả, ít thương vong, lại có “cơ hội” kiếm tiền và dễ dàng tiến thân. Trong các đơn vị binh chủng, sĩ quan không quân và hải quân thường tự cho mình là những thành phần “trí thức” hơn các đơn vị binh chủng khác, số này thường tỏ ra kiêu căng, nặng đầu óc hưởng thụ. Sĩ quan hải quân do hoạt động đặc thù ở xa đất liền nên các đảng phái cũng ít có điều kiện câu móc, lôi kéo.

Với số sĩ quan mới tốt nghiệp được lựa chọn phục vụ ở hậu cứ, gần nhà và tránh xa “hòn tên mũi đạn” thì buộc phải có những điều kiện: Là con một, có cha mẹ già trên 60 tuổi và gia đình đã có 3-4 anh trai đang ở đơn vị chiến đấu. Tuy có những nguyên tắc trên, song thực tế vẫn có những trường hợp dựa vào quyền thế, tiền bạc nhằm lo lót, chạy chọt để được “toại nguyện”…

QUANG HUY
qdnd.vn

Advertisement