Do Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài họp tại Liễu Châu (Quảng Tây – Trung Quốc) tháng 3-1944.
————————
I- NGUYÊN NHÂN TỔ CHỨC
Trong lịch sử 80 nǎm mất nước đau khổ và đen tối, chúng ta đã không ngừng làm rạng rỡ ngọn cờ nghĩa cứu nước vẻ vang.
Từ sau nǎm 1862, khi vua Tự Đức ký hiệp ước bán nước, cắt nhượng ba tỉnh Sài Gòn, Biên Hoà, Mỹ Tho cho giặc Pháp, các bậc nghĩa sĩ giàu lòng yêu nước thương dân đã từ bỏ cả cơ nghiệp của cải, dắt díu vợ con chạy ra Trung Kỳ, thà cam chịu sống cuộc đời gian truân, vất vả của kẻ hái củi, chài lưới, chứ thề không đội trời chung với giặc Pháp.
Trong bốn mươi nǎm, từ 1870 đến 1910, dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám và các bậc anh hùng hào kiệt khác, đồng bào chúng ta đã anh dũng trường kỳ chống lại quân giặc, làm cho kẻ thù ǎn không ngon ngủ không yên. Suốt bốn mươi nǎm đó, các cuộc nổi dậy đã liên tiếp nổ ra:
1905: Nông dân Trung Kỳ khởi nghĩa.
1910: Binh lính Việt Nam khởi nghĩa tại Hà Nội.
1915: Nhân dân Phú Thọ mưu khởi nghĩa.
1916: Tháng 6 vua Duy Tân mưu khởi nghĩa!
Tháng 8 cùng nǎm, đồng bào thiểu số Ba Xa bạo động.
1918: Bình Liêu mưu khởi nghĩa.
1919: Quảng Nam mưu khởi nghĩa.
1923: Liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát toàn
quyền Méclanh.
1930: Khởi nghĩa Yên Bái.
1930-1931: Nghệ An khởi nghĩa.
Cuối nǎm 1940: Bắc Kỳ và Nam Kỳ khởi nghĩa.
1941: Đô Lương (Trung Kỳ) khởi nghĩa.
Những sự tích vừa oanh liệt lại vừa bi tráng nêu trên, một mặt cho chúng ta thấy rằng: đất nước Việt Nam tuy bị giày xéo dưới gót sắt đẫm máu của dị tộc, nhưng tinh thần dân tộc của người Việt Nam vĩnh viễn không vì thế mà bị tiêu diệt, mặt khác cũng dạy chúng ta rằng: Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được, nhất là hiện nay, chúng ta đang đứng trước hai tên cướp xâm lược hung ác nhất của phương Đông và phương Tây, chúng ta lại càng cần toàn dân nhất trí, càng cần sự giúp đỡ của bên ngoài.
Muốn đoàn kết toàn dân, cần phải có một đoàn thể rộng lớn, rất độ lượng thì mới có thể thu hút được mọi đoàn thể và cá nhân có lòng thiết tha yêu nước, không phân biệt tuổi tác, gái trai, tôn giáo, nghề nghiệp, giai cấp, đảng phái. Mục đích của đoàn thể ấy phải thiết thực tiêu biểu cho những yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân cả nước: Đoàn kết toàn dân, tranh thủ ngoại viện, đánh đuổi kẻ thù, khôi phục Tổ quốc. Thái độ của đoàn thể ấy phải cao cả, ngay thẳng, mới có thể không thiên lệch, không dựa trên định kiến của một đảng phái, mới có thể được sự tin tưởng và ủng hộ của các tổ chức, các đảng phái và của toàn dân.
Phân hội Việt Nam chính là một đoàn thể ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu đó của thời đại. Phương pháp tranh thủ ngoại viện của đoàn thể này là:
– Bước thứ nhất: liên lạc với các đoàn thể anh em các nước như Phân hội Trung Quốc, Phân hội Mỹ, v.v..
– Bước thứ hai: nhờ các đoàn thể anh em giới thiệu với Chính phủ các nước.
– Bước thứ ba: với thái độ chân thành và cởi mở, yêu cầu các Chính phủ, trước hết là Chính phủ Trung Quốc giúp đỡ.
Cho đến nay, về mặt đoàn kết trong nước đã có được những thành tích đáng kể, nhưng về mặt tranh thủ sự giúp đỡ của bên ngoài thì chưa có gì.
Về phần mình – Phân hội Việt Nam trong Hội quốc tế chống xâm lược – cũng không sao tránh khỏi những điều nọ tiếng kia của một số người, chúng tôi thấy chưa cần phải thanh minh. Giờ đây, hãy cứ mặc cho gió Xuân thổi đi, trong tương lai sẽ để sự thật chứng minh là đủ.
II- HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Tổ chức của Phân hội Việt Nam có hai loại hội viên:
– Một là hội viên cá nhân: có rất nhiều người từ trước đến nay chưa tham gia một đoàn thể nào, nay muốn tham gia công việc cứu nước. Phân hội Việt Nam sẽ tuỳ theo hoàn cảnh của họ, tập hợp những người cùng một nghề nghiệp thành một tiểu tổ và sẽ cử người phụ trách đặc biệt liên hệ với họ.
– Hai là hội viên đoàn thể: đó là những đoàn thể mà các hội viên tán thành gia nhập Phân hội.
Việc hợp nhất nhiều đảng phái khác nhau và các tổ chức không đảng phái (như hợp tác xã, v.v.) xem chừng như rất phức tạp, rất mâu thuẫn, khó tránh khỏi va chạm và xung đột, nhưng trên thực tế thì rất đơn giản, vì rằng:
1- Mọi người đều cùng chung một mục đích là cứu nước.
2- Mọi người đều có những công tác thiết thực và phải làm tròn.
3- Mọi người đều hiểu rằng còn thì cùng còn, mất thì cùng mất.
4- Người phụ trách giải quyết công việc đúng đắn.
Phân hội Việt Nam chỉ yêu cầu các hội viên của mình tuân thủ mấy điều dưới đây:
1- Trong Hội không được bàn chuyện đảng phái; ngoài hội thì hoàn toàn tự do.
2- Có vấn đề gì, mọi người cần thẳng thắn, công khai thảo luận; có công việc gì, mọi người đều đồng tâm hiệp lực cùng làm.
3- Thường ngày, mọi người không được công kích lẫn nhau; gặp khi nguy hiểm, mọi người phải ra tay giúp đỡ.
Kết quả là: giữa các đảng phái không còn tình trạng tranh chấp hơn thua, sự chân thành đoàn kết không phải chỉ ở đầu lưỡi mà trở thành sự thật.
Hệ thống tổ chức: Toàn quốc chia thành kỳ, mỗi kỳ chia thành tỉnh, huyện, tổng, xã, thôn. Nơi nào đông hội viên thì lấy thôn làm đơn vị. Nơi nào ít hội viên thì lấy tổng hoặc xã làm đơn vị.
III- CÁCH LÃNH ĐẠO
Cho đến khi tôi rời nước, tình hình vẫn thế này: Cả nước chỉ có mấy người, đủ cả Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, họ là những sáng lập viên, đồng thời cũng là uỷ viên trong Ban Chấp hành toàn quốc. Về tư cách mà nói, mỗi người một tư cách khác nhau: Một số là những người tài giỏi; một số là những bậc lão thành, có danh vọng được nhân dân tín nhiệm. Tuy vậy, họ giống nhau ở chỗ đều là những nhân sĩ thiết tha yêu nước, liêm khiết, trung thực, công tâm. (Cho nên tôi rất tin tưởng rằng, nếu có tổng tuyển cử, dân chúng nhất định sẽ bầu họ). Họ phân công, hợp tác, mỗi người gánh vác một phần trách nhiệm, không có chủ tịch. Dĩ nhiên là họ không có lương, mà ngược lại khi có tiền, họ còn phải bỏ tiền túi của mình ra cho đoàn thể dùng. Vì hoàn cảnh khó khǎn, họ rất ít khi họp hội nghị toàn thể, trừ những trường hợp vạn bất đắc dĩ. Khi có việc, những người phụ trách kỳ bộ nào đó bàn bạc cách thức tiến hành, rồi đưa trưng cầu ý kiến những người phụ trách hai kỳ bộ kia, sau khi mọi người tán thành thì phân công nhau mà làm. Ví dụ, muốn ra một bản tuyên ngôn, các người phụ trách Bắc Kỳ dự thảo, rồi gửi dự thảo cho những người phụ trách ở Nam Kỳ, Trung Kỳ. Sau khi mọi người đồng ý, mỗi Kỳ chịu trách nhiệm in lấy Tuyên ngôn mà phân phát trong phạm vi Kỳ của mình. Lúc gặp việc khẩn cấp, chẳng hạn như địch tiến hành khủng bố ở Nam Kỳ thì Kỳ bộ Nam Kỳ một mặt phát động cuộc “vận động chống khủng bố”, mặt khác báo cho hai Kỳ để hưởng ứng ngay.
Mọi hành động, các địa phương phải tuân thủ những nguyên tắc và thời hạn do Trung ương quy định, còn cách thức thực hiện, họ có thể tuỳ cơ ứng biến. Mọi công tác phải có kế hoạch trước khi đưa ra làm, làm xong phải tổ chức kiểm điểm. Tất cả những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại đều đǎng trên báo bí mật để mọi người nghiên cứu.
IV- CÁCH TUYÊN TRUYỀN
Có tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền bằng vǎn tự và tuyên truyền bằng hành động.
1- Tuyên truyền bằng miệng có hai loại: Nói chuyện với từng người và nói chuyện tập thể. Loại trước thì mỗi hội viên đều phải làm, như giải thích cho bạn bè thân thích hiểu tại sao phải đánh đuổi quân thù, phải cứu nước; có khôi phục được Tổ quốc thì mới không phải nộp thuế, khỏi bị bắt đi làm phu và mọi người mới có cơm ǎn, áo mặc, v.v.. Loại sau thì khi hội viên khai hội, cán bộ giải thích các vấn đề để nâng cao sự hiểu biết cho họ, nói cho họ biết cách tuyên truyền. Khi bà con cấy cày, gặt hái hoặc làm những công việc có đông người, cán bộ địa phương hoặc những hội viên có khả nǎng ǎn nói đến làm giúp họ, nhân dịp đó mà tuyên truyền thì sẽ có tác dụng nhanh chóng và to lớn.
2- Tuyên truyền bằng vǎn tự có ba loại: Truyền đơn, báo chí bí mật và biểu ngữ. Làm báo bí mật là công việc rất khó khǎn vì không dễ gì kiếm được nguyên liệu. Chẳng hạn, nếu ta mua giấy nhiều quá dễ bị nghi ngờ và có thể gặp nguy hiểm. Song, nếu biết dựa vào sự sốt sắng của các hội viên, dẫu có khó khǎn gì cuối cùng vẫn tìm được cách giải quyết. ở một số nơi thường hay bị địch lùng sục, chúng tôi cứ cách mấy chục dặm lại đặt một “nhà in”: một phiến đá, một ít giấy mực, giấu ở những nơi thật kín đáo không ai biết. Địch đến thôn Đông, chúng tôi in báo ở thôn Đoài, chúng tới thôn Nam, chúng tôi in báo ở thôn Bắc. Chúng không thể tìm ra chúng tôi, còn chúng tôi cứ tiếp tục ra báo đúng kỳ hạn. Báo là thứ vũ khí của ta mà địch cǎm ghét nhất.
Viết biểu ngữ cũng là một cách tuyên truyền rất lý thú. Bờ tường, mặt đường, gốc cây, lá cây, đều là những chỗ giúp ta tuyên truyền cách mạng. Cột điện, dây điện cũng là những nơi rất tốt để cǎng biểu ngữ. Những nơi có sông ngòi, chúng tôi lấy tre, gỗ, nứa, chuối đóng thành bè, cǎng biểu ngữ lên trên rồi thả xuôi theo dòng nước.
3- Tuyên truyền bằng hành động, tức là mỗi hội viên đều phải gương mẫu trong mọi việc để tỏ cho mọi người thấy rằng có tổ chức, có đoàn thể có tốt hơn.
Cương lĩnh tuyên truyền phải hết sức giản đơn, ai ai cũng hiểu được, nhớ được. Đoàn kết, đánh địch, cứu nước, chỉ sáu chữ ấy thôi là đủ rồi.
Cách tuyên truyền như diễn kịch, ca hát, v.v., chúng tôi không dùng được.
V- CÁCH HUẤN LUYỆN
Trước tiên, cơ quan lãnh đạo định ra một chương trình học tập, cử một vài người hoặc vài nhóm, vừa đi thí nghiệm, vừa tranh thủ ý kiến của người học. Sau đó, việc biên soạn các bài giảng phải hoàn toàn cǎn cứ vào yêu cầu của học viên những đợt huấn luyện trước kết hợp với kinh nghiệm của các giảng viên.
Tư cách học viên: Tất cả cán bộ địa phương nhất thiết phải được huấn luyện. Kế đó là những hội viên ưu tú, cuối cùng là tất cả các hội viên không phân biệt già trẻ, gái trai, miễn là muốn học đều có thể tham gia.
Thời gian huấn luyện: Một hoặc hai tuần lễ.
Địa điểm huấn luyện: Hang động, núi rừng, ruộng mía, nương ngô, v.v., nơi nào bảo đảm được bí mật đều có thể là những giảng đường thiên nhiên của họ. Nhưng cũng có khi một lớp học cách một hai ngày lại phải dời đi chỗ khác.
Các bài giảng đại khái gồm:
– Vì sao phải làm cách mạng?
– Vì sao phải đoàn kết?
– Khai hội tiểu tổ như thế nào?
– Phát biểu ý kiến như thế nào?
– Tự phê bình và phê bình đồng chí như thế nào?
– Bước đầu tuyên truyền cho bè bạn như thế nào?
– Giữ bí mật như thế nào?
– Những hành động hung ác của kẻ thù.
– Tình hình thế giới (kinh nghiệm kháng chiến của Trung Quốc).
– Tình hình trong nước.
Cần khuyến khích học viên dạy cho nhau học chữ quốc ngữ.
Những vấn đề trên đều do chính các hội viên tự đưa ra yêu cầu được học tập. Cơ quan lãnh đạo chỉ cần chọn một số người có thể làm giảng viên, đưa giáo trình cho họ nghiên cứu, khi họ đã nghiên cứu thông suốt, nắm được các vấn đề rồi thì cán bộ địa phương đón họ về tổ chức các lớp.
Vấn đề ǎn, ở của giảng viên đều do học viên cùng nhau giải quyết, vì thế nên không tốn kém đồng nào mà lớp huấn luyện mọc lên như nấm, cơ quan lãnh đạo có cảm giác là số giảng viên “cung không kịp với cầu”.
Kết quả rõ rệt nhất của các lớp huấn luyện là tất cả hội viên không kể già trẻ đều biết giữ bí mật.
VI- TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Phân hội Việt Nam không quy định hội viên phải đóng hội phí mà áp dụng nguyên tắc “có tiền góp tiền”, “có sức góp sức”. Hội viên tuỳ theo hằng tâm hằng sản của mình mà giúp đỡ kinh phí cho Hội. Lúc đầu, Hội chi phí mất khá nhiều tiền (số tiền này do các hội viên có nhiệt tâm tự nguyện đóng góp). Vì muốn đặt cơ quan ở các khu “quý tộc” của các thành phố lớn để che mắt địch, Hội đã thuê nhà tây, mua sắm đồ đạc sang trọng, trang trí rất hào nhoáng, đường hoàng. Được ít lâu, có báo động, tất cả đồ đạc phải bỏ hết! Qua vài lần kinh nghiệm quá đắt như vậy, đành phải bỏ ý định lập cơ quan cố định.
Hiện nay, trừ chi phí cho báo chí và việc đi lại ra, không còn khoản gì khác phải tiêu nhiều tiền nữa, lúc cần thiết, các hội viên đều hǎng hái quyên góp, vì mọi người đều tin tưởng rằng mỗi một đồng xu họ bỏ ra đều được dùng vào công việc chung cho nước nhà, cho dân tộc, chứ không phải rơi vào túi riêng của một ai. Đủ thấy câu tục ngữ xưa “Có người ắt có của” là đúng lắm vậy.
VII – CÔNG TÁC CỦA HỘI
Đằng trước thì quân thù đàn áp, đằng sau thì dân chúng thôi thúc, theo dõi, công tác của Hội hiện nay chỉ có gian khổ, chỉ có hiểm nguy, hoàn toàn không thể cầu danh lợi, địa vị cho cá nhân, cho nên người nào muốn làm việc cho Hội thì chỉ có vùi đầu vào công việc, ra sức mà làm. Ai không thật lòng muốn làm việc cho Hội thì không thể chỉ đeo nhãn hiệu suông được. Với lại, công việc thì nhiều, phạm vi hoạt động lại rộng, người nào có công việc của người ấy, nên không có sự tranh chấp. Hơn nữa, do cùng đồng cam cộng khổ, hoạn nạn có nhau, nên rất có tinh thần đoàn kết. Và vì đoàn kết chặt chẽ nên công việc dễ phát triển. Kết quả công tác, thành công tuy nhiều, song thất bại cũng không phải ít.
Thành công ở chỗ, mặc dù hai tên đế quốc hung ác nhất thi hành chính sách khủng bố dã man và giữa vòng vây của bọn mật thám Pháp, Nhật, bọn Việt gian, Hán gian, mà trong một nǎm rưỡi ngắn ngủi, Hội đã đoàn kết được hơn hai mươi vạn người, bao gồm các đoàn thể, các đảng phái, các cá nhân, các dân tộc mà trước đây vẫn có nhiều thành kiến với nhau. Một nước với hai mươi lǎm triệu dân mà mới có hai mươi vạn người có tổ chức, nghĩa là cứ 125 người mới có một người có tổ chức, con số đó thật quá ít ỏi. Nhưng chúng tôi có thể nói là phạm vi đoàn kết này đang mở rộng, đang phát triển.
Chúng ta biết rằng, thành công đó một nửa là nhờ sự đoàn kết thành thật và sự cố gắng hoạt động của cán bộ, một nửa là nhờ ảnh hưởng của cuộc kháng chiến anh dũng của Trung Quốc. Xin cử một ví dụ thực tế: ở một địa phương nọ, khi đưa cuốn sách “Những hành động tàn bạo của Nhật Bản” (do Hội đồng quân sự Trung Quốc xuất bản) cho mọi người bí mật chuyền nhau xem, rất nhiều người, nhất là chị em phụ nữ, khi xem xong cảm động đến rơi nước mắt. Mọi người đều nói: “Bọn quỷ Nhật thật hung ác, không đập chết chúng nó thì chúng ta không sống được”. Sau đó, nhiều người cả nam lẫn nữ đều gia nhập tổ chức.
Thất bại ở chỗ:
1- Rất nhiều cán bộ tốt, vì làm việc quá nhiều, bồi dưỡng không đủ nên sinh đau ốm, có khi ốm đến chết (đó là sự đau lòng khó tránh khỏi trong hoàn cảnh hoạt động bí mật).
2- Có nơi vì thiếu kinh nghiệm, lộ bí mật để cơ quan bị vỡ và nhiều đồng chí bị bắt, bị giết.
3- Vì giao thông liên lạc không thuận tiện, cơ quan cấp trên không kịp thời giải quyết những vấn đề khó khǎn, do đó đưa đến thất bại.
4- Thiếu sự tuyên truyền đối ngoại: Một là vì mới thành lập, phải hoàn toàn giữ bí mật; hai là thiếu nhân tài ngoại giao; ba là lần đầu tiên đi làm ngoại giao, cử ba người thì hai người giữa đường hy sinh, còn lại một người nhờ được Trung Quốc chǎm nom hết sức chu đáo, nhưng đã một nǎm rưỡi vẫn chưa thấy trở về.
Về điểm này, Trung Quốc cũng cho chúng ta một bài học quý báu, rằng nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao, giả dụ như Trung Quốc nếu không có mấy nǎm kháng chiến kiên quyết và gian khổ, thì chớ mong gì có thể xoá bỏ được các điều ước bất bình đẳng, và các nước đồng minh cũng chẳng giúp đỡ gì Trung Quốc.
Tuy vậy, về phần chúng tôi, lúc nào cũng tin tưởng vững chắc ở đạo đức truyền thống của Trung Quốc là “bênh vực kẻ yếu, giúp đỡ người nguy, cứu kẻ sắp chết” và tin tưởng vào quốc sách của Trung Quốc là “Liên hiệp các dân tộc nhược tiểu trên thế giới để cùng nhau phấn đấu”. Vì thế, chúng tôi cho rằng: lần này “thất bại là mẹ thành công”, chúng tôi quyết không ngã lòng.
VIII. MẤY VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN
Dân chúng thường cho rằng: Đoàn thể là thần thông quảng đại, là tài giỏi việc gì cũng làm được, do đó từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, họ đều nhờ đến đoàn thể. Anh A và anh B cãi lộn nhau, họ cũng tìm đến đoàn thể nhờ phân xử phải trái. Anh X và anh Y tranh giành nhau gia tài cũng đến nhờ đoàn thể giải quyết, v.v.. Nhưng câu hỏi khó trả lời nhất là:
“Đoàn thể tổ chức chúng tôi lại cốt để đánh giặc Nhật, giặc Pháp. Hiện nay tổ chức xong rồi, thế bao giờ thì đánh?”.
“Đoàn thể nói với chúng tôi rằng: Trung Quốc nhất định sẽ giúp chúng ta đánh đuổi quân thù, vậy đến bao giờ họ mới giúp?”.
IX. HY VỌNG CỦA CHÚNG TÔI
Đồng bào chúng ta đã đau khổ đến tột bực rồi. Dân chúng trong nước chỉ có một yêu cầu là đánh đuổi quân thù, khôi phục Tổ quốc.
Hoàn cảnh của chúng ta bây giờ, đúng như Tưởng Trung Chính (1) tiên sinh đã nói: “Không phát động được quốc dân đứng lên phấn đấu thì không thể rửa nhục, tự cường được”.
Tình hình thế giới đang rất có lợi cho chúng ta, cho nên tôi hy vọng rằng: Đồng minh hội, sau Hội nghị này có thể thực sự chấn chỉnh lại nội bộ, thực sự đoàn kết được các lực lượng cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, thực sự kết hợp thành một khối với các lực lượng cách mạng ở trong nước, nhằm thực hiện cho được như lời của Tưởng tiên sinh: “Hoạt động thực tế trong nước lấy hội, đảng làm đầu, viện trợ của bên ngoài lấy kiều bào làm chính”.
Tôi hy vọng rằng phạm vi giúp đỡ của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam ngày càng thiết thực, ngày càng mở rộng hơn. Được như thế, sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ sớm thành công.
Tài liệu chữ Hán,bản chụp lưu tại
Bảo tàng cách mạng Việt Nam.
cpv.org.vn
————————————–
1. Sự kiện thành lập Đảng: Vào những nǎm 1928-1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục dâng lên khắp đất nước. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã được truyền bá mạnh mẽ trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Một trào lưu cách mạng mới xuất hiện, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một chính đảng thực sự của giai cấp công nhân.
Những phần tử tiên tiến trong phong trào cách mạng đã nhận thức được tình hình đó và đã đứng ra thành lập những tổ chức cộng sản đầu tiên.
Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Nội. Đông Dương Cộng sản Đảng ra Chánh cương, Tuyên ngôn, nêu rõ đường lối của Đảng là làm cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp vô sản lãnh đạo, tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hành công nông liên hiệp. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã thúc đẩy phong trào cộng sản ở trong nước tiến mạnh. Tháng 7-1929, An Nam Cộng sản Đảng cũng được thành lập. Tháng 9-1929, những đảng viên ưu tú của Đảng Tân Việt ra tuyên bố thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
Trong vòng 4 tháng, ba tổ chức cộng sản liên tiếp ra đời. Sự kiện đó chứng tỏ việc thành lập Đảng Cộng sản là yêu cầu phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam nǎm 1929. Nhưng lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cũng như nguyên tắc tổ chức của chính đảng Mác – Lênin không cho phép tồn tại tình hình là trong một nước mà có ba tổ chức cộng sản. Vì vậy tổ chức một Đảng duy nhất của giai cấp công nhân là yêu cầu bức thiết của phong trào cách mạng ở Việt Nam lúc đó.
Nhận được tin có các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư kêu gọi các tổ chức cộng sản này thống nhất lại.
Sau khi nắm được tình hình trên, Nguyễn ái Quốc, với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng đã cử đại biểu đến dự Hội nghị. Riêng Đông Dương Cộng sản liên đoàn, không kịp cử đại biểu đến dự được, sau Hội nghị này đã xin gia nhập vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội nghị hợp nhất mang tầm vóc lịch sử của một Đại hội thành lập Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tr.10.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.