Đến dự hội nghị đó:
– 1 đại biểu Trung ương.
– 2 cán bộ Xứ uỷ cũ.
– 1 đại biểu tỉnh Nam Định.
– 1 đại biểu tỉnh Phủ Lý.
– 1 đại biểu tỉnh Thái Bình.
– 1 đại biểu tỉnh Ban huấn luyện.
– 1 cộng tác viên của Xứ uỷ.
Báo cáo:
a) Về tình hình kinh tế.
b) Về phong trào quần chúng.
c) Kinh nghiệm.
d) Về chính sách đàn áp cách mạng của đế quốc.
đ) Về công tác và tinh thần đoàn kết của chúng ta.
Thảo luận: Kế hoạch do Trung ương dự thảo.
Nghị quyết:
a) Về phương pháp tiến hành.
b) Về nội dung chuyên môn của mỗi ban.
c) Về việc đào tạo cán bộ.
d) Giải thích cho đảng viên hiểu những vấn đề đã nêu trong kế hoạch của Trung ương.
e) Về phong trào công nhân.
f) Về phong trào nông dân.
Bầu cử cán bộ Xứ uỷ mới.
A- Tình hình kinh tế
Mặc dầu công kỹ nghệ có phát triển chút ít, Bắc Kỳ chủ yếu vẫn là một xứ nông nghiệp. Ngoài nhà máy Rôbe (Robert) ở Hải Phòng (đóng và sửa chữa tàu thuỷ) và lò đúc kẽm Quảng Yên, Bắc Kỳ có rất ít xí nghiệp công nghiệp nặng, lại còn bị cuộc khủng hoảng kinh tế 1930 ảnh hưởng nặng nề.
1. Hầm mỏ: Nǎm 1929 có 600 người chuyên mộ công nhân. Hiện nay không những không tuyển mộ công nhân mới nữa mà có từ 5.000 đến 6.000 công nhân bị thải hồi.
2. Xi mǎng: Cách đây 5 tháng, có 10 chiếc tàu chuyên chở hằng ngày 10.000 thùng xi mǎng ra bán ở thị trường. Nay những chiếc tàu đó chỉ chạy một tuần hoặc 15 ngày một chuyến. Hơn nữa, xi mǎng do các máy mới sản xuất, phẩm chất xấu bán không chạy. Nhà máy đã thải hồi hơn 1.000 công nhân.
3. Dệt: Từ tám tháng nay, ngành dệt bị khủng hoảng hoàn toàn, trước kia hàng ngày bán ra từ 60 đến 70 kiện hàng, nay sụt xuống 4 hoặc 10 kiện. Nhà máy dệt Nam Định thải hồi 2.000 công nhân, Nhà máy Hải Phòng cũng phải thải hồi công nhân viên.
4. Nhà máy Rôbe (Robert): đóng và sửa chữa tàu thuỷ, buộc thợ làm việc theo một chế độ mới, hai ngày làm một. Mặc dầu vậy, hãng này cũng không sử dụng được hết nhân công.
5. Công ty dầu hoả Pháp: Từ ba tháng nay, mỗi công nhân chỉ làm việc có 18 ngày.
Tất cả các nhà máy công kỹ nghệ khác cũng đã hoặc bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng này, ở mỗi xí nghiệp tính ra có từ 50, 60 – 100 và có nơi đến 800 thợ thất nghiệp.
Còn những anh chị em công nhân đang làm việc cũng khổ sở vì chế độ hợp lý hoá, vì bị giảm lương, làm thêm giờ và bị cúp phạt. Trung bình hằng ngày phải làm việc 11 tiếng. Công xá thì trả như sau:
– 0đ20 đến 0đ30 cho thợ phụ
– 0đ40 đến 0đ50 cho thợ chuyên nghiệp
– 0đ15 đến 0đ25 cho đàn bà
– 0đ10 đến 0đ15 cho trẻ em.
Bọn chủ ngày càng dùng nhiều phụ nữ và trẻ em, chúng đuổi thợ người lớn. ở Nhà máy dệt Hải Phòng, số trẻ em từ 10 tuổi đến 16 tuổi chiếm đến một phần tư số công nhân. Đời sống của công nhân rất cực khổ.
B- Nông nghiệp
Nhân dân ở vùng thượng du là người Thổ. Cả vùng này còn rất lạc hậu và do bọn “thổ ty chuyên chế” thống trị; còn nông dân thì phải chịu cảnh nô lệ. ở những vùng dân cư người Kinh, đất ruộng đều là của người Pháp và của phú hữu Việt Nam. Cả hai bọn này tổ chức trồng trọt và chǎn nuôi hoặc cho nông dân lĩnh canh ruộng đất.
ở Thái Bình có rất nhiều địa chủ từ 300 đến 500 mẫu ruộng đất, cho nông dân lĩnh canh và thu tô một nửa. Mỗi vụ, nông dân phải đến làm công không cho địa chủ một số ngày nhất định. Khi gia đình địa chủ có giỗ chạp, người nông dân còn phải đem lễ vật đến kính biếu và giúp công.
Tiền cho vay lãi trung bình 120 phần trǎm. Cách cho ứng trước một đấu lúa vụ 5 đến vụ 10 phải trả hai đấu, là thông thường. Nếu giá gạo hạ, người nông dân phải trả bằng tiền, nếu gạo cao thì họ phải trả số tiền nợ đó bằng lúa. Nông dân phải đối xử với trại chủ cũng như đối với địa chủ, nghĩa là phải kính biếu lễ vật, làm công không, v.v..
Ngày giáp hạt, chủ cho vay 1 hào thì đến vụ gặt người nông dân phải làm bù một ngày công (công nhật là 1 hào rưỡi).
Phần lớn ruộng đất là của công, đáng lẽ phải đem cấp đều cho nhân dân các thôn xã. Nhưng trong thực tế, bọn tư sản chiếm lấy phần hơn, còn người nông dân bần khổ chỉ được nhận ít mảnh nhưng lại là phần ruộng đất xấu nhất. Việc thường xảy ra là những miếng ruộng đất rải rác ở khắp đó đây, khó làm và khó bảo vệ, nên người nông dân lại phải tậu ruộng của tư sản và của đại địa chủ.
Bọn quan lại và tư sản lợi dụng phong trào cách mạng để áp bức bóc lột nông dân. Ai không “đút lót” cho chúng thì bị chúng vu cáo vào hội kín hoặc cộng sản và bị bắt.
Hằng nǎm, nông dân từ 18 đến 60 tuổi phải nạp thuế thân mỗi đầu người từ 3đ50 đến 4đ50 và phải đi phu 6 ngày làm công cho chính phủ. Nhiều khi giữa mùa, nông dân phải đình chỉ công việc, đi “lao dịch”.
Ngoài ra, ngày đêm họ phải đi canh điếm ở làng (để phòng cộng sản).
Mất mùa hai nǎm nay làm cho nông dân càng khổ cực. Nǎm ngoái, phần lớn bà con nông dân chỉ ǎn mỗi ngày một bữa cháo có một ít hạt gạo nấu với thật nhiều nước.
Anh em đi ở cho địa chủ (những người có sức lực), hằng nǎm chỉ nhận 12đ00 công và 2 tấm vải mộc. Sáng sớm mặt trời chưa mọc họ đã phải ra đồng làm việc cho đến tối mịt. Về nhà họ phải làm lụng cho đến nửa đêm. Còn anh chị em đi làm thuê ngày mùa: phụ nữ được nhận 7 đến 12 xu một ngày, nam 10 đến 15 xu. Nhưng hết mùa họ lại thất nghiệp.
áp bức và bóc lột làm cho công nhân và nông dân cǎm giận và kích động họ vùng dậy, công nhân mỏ than Cẩm Phả, công nhân viên Công ty dầu hoả, phu kéo xe Hải Phòng bãi công, ở Nhà máy dệt Nam Định bùng nổ cuộc đình công lớn của công nhân (phản đối bớt lương, làm thêm giờ, phản đối quy hoạch trách nhiệm thợ thuyền, phản đối làm khoán). Nông dân Thái Bình và Phủ Lý biểu tình đấu tranh chống tư sản và phản đối đế quốc Pháp bắt các làng phải lập ngân sách.
Tuy các cuộc đấu tranh có làm cho chúng ta phải chú ý, nhưng kết quả còn ít ỏi, vì:
1. Đảng còn non trẻ thiếu kinh nghiệm.
2. Trình độ nhận thức của quần chúng còn thấp.
3. Đông đảo quần chúng chưa tham gia đấu tranh.
Ví dụ:
a) Đã sử dụng hai viên đốc công để khởi động cuộc bãi công ở nhà máy điện, mọi việc đều trôi chảy!
Nhưng lại không có biện pháp tránh ảnh hưởng của hai đốc công đối với quần chúng; sau thắng lợi lại không tổ chức tuyên truyền để giữ vững tinh thần cách mạng của quần chúng, cuối cùng họ đã nhượng bộ. Kết quả là như thế đấy. Họ không nhận được một kế hoạch hành động nào, khi phong trào bị dập tắt thì không còn có phương nào cứu chữa nữa.
b) Cuộc bãi công ở Nhà máy dệt Nam Định là một thắng lợi của anh chị em công nhân, nhưng là thất bại của Đảng vì:
1. Các đồng chí chúng ta không hiểu mục đích của cuộc bãi công;
2. Các tổ chức của Đảng không hoàn toàn nhất trí;
3. Bãi công không được chuẩn bị và cũng không có tổ chức, không giáo dục thợ thuyền về mục đích cuộc bãi công cũng như về phương pháp tổ chức đấu tranh về sau;
4. Đảng không có kế hoạch sát với hoàn cảnh;
5. Thiếu tuyên truyền. Công hội có hứa giúp đỡ quần chúng về tài chính, họ rất phấn khởi, nhưng đảng viên lại không biết lãnh đạo và nhất là thiếu kiên quyết;
6. Thời cơ chọn không đúng (sát ngày sắp phát lương và ngay giữa vụ đói);
7. Trước khi bãi công, lại gửi thư cho bọn chức trách Pháp và cho chủ nhà máy, nên chúng biết và dễ đàn áp;
8. Tất cả bạn bè của những anh chị em bãi công không được lôi cuốn hết vào phong trào;
9. Cuộc đấu tranh kéo dài nên quần chúng mệt mỏi;
10. Các chỉ huy hành động không lôi cuốn người khác theo;
11. Các đồng chí có trách nhiệm hành động quá lộ liễu;
12. Cho quần chúng biết kế hoạch quá sớm, nên bọn phản động nắm được;
13. Trước cuộc bãi công không bầu uỷ ban đấu tranh;
14. Sau cuộc bãi công, xem nhẹ việc giải thích cho công nhân hiểu rõ và rút được kinh nghiệm bổ ích.
C- Những thiếu sót trong các cuộc đấu tranh của nông dân Thái Bình
1. ở các huyện lân cận, không tổ chức lực lượng dự bị để có thể tǎng cường cho phong trào.
2. Không báo cáo cho quần chúng biết mục đích cuộc đấu tranh.
3. Để cho bọn tư sản và mật thám trà trộn vào cuộc đấu tranh, quần chúng biết rõ hết tất cả những người chỉ huy.
4. Sau khi đi đấu tranh về không tổ chức mít tinh.
5. Không rút kinh nghiệm các cuộc đấu tranh của nông dân Nghệ An.
KẾT LUẬN
Phong trào đấu tranh ở Bắc Kỳ chưa thu được kết quả vì những lý do sau đây:
a) Thiếu liên hệ giữa Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, xứ này không rút được kinh nghiệm của xứ khác.
b) Đảng chưa đủ lực lượng để lãnh đạo tốt phong trào đấu tranh của quần chúng.
c) Các tổ chức của Đảng chưa liên hệ thật mật thiết với nhau.
Tài liệu của Viện Lịch sử Đảng.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.