Công hàm gửi Chính phủ các nước Trung Quốc,Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh

Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

CÔNG HÀM

Gửi Chính phủ các nước: Trung Quốc, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Liên Bang Cộng hoà Xô Viết và Vương Quốc Anh.

I. Nǎm 1940, người Pháp ở Đông Dương phản bội Đồng minh. Họ chủ tâm mở cửa Đông Dương cho các đạo quân Nhật, ký với Nhật một bản hiệp ước kinh tế, chính trị và quân sự. Chính sách hợp tác Nhật – Pháp do Giǎng Đơcu (Jean Decoux) – nguyên Toàn quyền Đông Dương – đề xướng và thực hiện dựa trên lòng tin cùng sự kiên trì nhằm vào việc chống các phong trào dân chủ bên trong Đông Dương và các nước Đồng minh bên ngoài. Trên thực tế, Pháp đã để cho quân Nhật tuỳ ý sử dụng các cǎn cứ chiến lược, các nguồn lực kinh tế và tài chính của Đông Dương, các dịch vụ kỹ thuật. Đặc biệt là Cục tình báo Đông Dương, cung cấp cho người Nhật những thông tin quý giá. Các sân bay của Pháp ở Gia Lâm, Tân Sơn Nhất, và các sân bay khác được trao cho không quân Nhật, những con đường rải đá mới được tạo ra với sự cộng tác của các nhân viên kỹ thuật người Pháp ở Trại Cút Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hoá, Phúc Yên, Vĩnh Yên. Thực dân Pháp đã tung ra các chiến dịch tuyên truyền bạo lực chống lại các nước Đồng minh, và để đạt được kết quả đó, Toàn quyền Đơcu đã trao những chỉ thị cá nhân cho IPP (Cục Thông tin, báo chí tuyên truyền). Chính quyền Pháp đã trưng dụng các kho dự trữ thóc gạo đáng kể, do đó đã làm cho 20 triệu người dân lâm vào nạn đói trong đó 2 triệu người đã chết vì đói và cực khổ chỉ trong vòng nǎm tháng (từ tháng 1 đến tháng 5 nǎm 1945), toàn bộ số gạo đó dùng để nuôi quân đội Nhật trong các chiến dịch ở phía Tây và phía Nam.

Trong khi đó các phái dân tộc chủ nghĩa Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi người Pháp để có hành động chung chống lại người Nhật. Những lời kêu gọi này đã bị Chính phủ Pháp làm ngơ.

Ngày 9-3-1945, Pháp đầu hàng Nhật sau một trận đánh giả tạo không kéo dài tới vài ngày. Các kho vũ khí, đạn dược, toàn bộ các công sự, sân bay và hàng triệu lít xǎng được giao lại cho người Nhật. Sự thiếu thận trọng khác thường này chứng tỏ, nếu không phải là sự đồng lõa thì chí ít cũng là thiện chí rõ rệt về phía Pháp. Vì thế, trong thời gian 5 nǎm, người Pháp đã hai lần sẵn lòng giúp cho những tên phát xít chống lại các nền dân chủ. Hai lần Pháp đã vui lòng trao cho Nhật những lợi thế lớn về chiến lược, kinh tế và kỹ thuật, để tiếp tục cuộc chiến Thái Bình Dương.

II. Tháng 8-1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Các lực lượng quần chúng của Việt Nam, mà từ nǎm 1940 đã liên tục tấn công quân Nhật và nǎm 1944 đã thành công trong việc tạo ra một “Vùng tự do” ở Bắc Đông Dương, đã xuống đường đoạt lấy thành phố thủ đô và cướp chính quyền. Quần chúng, cháy bỏng khát vọng và tinh thần dân chủ, đã nồng nhiệt đón chào họ và bày tỏ ý nguyện duy trì sự đoàn kết nhất trí vì sự hùng mạnh của Tổ quốc đã từng mất đi nay đã tìm lại được. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được long trọng tuyên bố. Đã hai lần, lần đầu là do vua Bảo Đại của triều đình nhà Nguyễn và sau đó là thông qua bản Tuyên ngôn long trọng của Chính phủ mới trong ngày Độc lập, Nhà nước mới huỷ bỏ tất cả các hiệp ước mà trước đây những người Pháp chiến thắng đã buộc chúng tôi phải ký kết. Nước Cộng hoà Việt Nam mới, do đó đã được thành lập một cách hợp pháp, là một yếu tố của hoà bình và tiến bộ trong việc xây dựng lại thế giới. Việt Nam có quyền được bảo vệ theo những nguyên tắc bất khả xâm phạm nhất của Hiến chương Xan Phranxixcô và Hiến chương Đại Tây Dương. Chúng tôi dựa vào và tìm thấy sức mạnh từ nguyên tắc thứ nhất trong ba nguyên tắc của Tôn Dật Tiên, và các điểm thứ hai, thứ tư, thứ sáu trong Tuyên bố mười hai điểm của Tổng thống Tơruman.

III. Nhưng, ngày 23-9-1945, các đội quân Pháp đã tấn công Sài Gòn, mở đầu một cuộc xâm lược mà đến nay đã bước sang tháng thứ nǎm. Cuộc xâm lược này đang đe doạ cả miền Bắc Việt Nam, và các đội quân Pháp đã bắt đầu thâm nhập qua đường biên giới với Trung Quốc của chúng tôi. Cuộc xâm lược đó, được tiến hành bởi một quân đội đông đảo và từng trải, được trang bị đầy đủ bằng những phát minh mới nhất của chiến tranh hiện đại, đã gây ra sự tàn phá các thành phố và làng mạc của chúng tôi, tàn sát dân lành của chúng tôi, làm cho một bộ phận đáng kể của đất nước chúng tôi lâm vào nạn đói. Những hành động tàn bạo không kể xiết đã diễn ra, không phải để trả thù những đội du kích của chúng tôi, mà là trả thù phụ nữ, trẻ em và những người già không có vũ khí. Sự tàn bạo đó là ngoài sức tưởng tượng và không có ngôn từ nào diễn tả nổi, nó làm cho người ta nhớ lại những kỷ nguyên đen tối nhất: tấn công các cơ sở y tế, các nhân viên Chữ thập đỏ, ném bom và nã súng máy vào các làng mạc, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc và phá phách không phân biệt các gia đình Việt Nam và Trung Quốc, v.v.. Tuy nhiên, bất chấp sự ngược đãi đối với dân thường, trong suốt nǎm tháng trời chúng tôi đã kháng cự một cách kiên cường, chiến đấu trong những điều kiện tồi tệ nhất, không có lương thực, thuốc men và cả quần áo nữa. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, giữ vững được bởi niềm tin vào những cam kết quốc tế, và vào thắng lợi cuối cùng của chúng tôi.

IV. Trong vùng tự do của lãnh thổ quốc gia của chúng tôi, nhất là ở khu vực nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc phía bắc vĩ tuyến 16, nhân dân chúng tôi đã bắt tay vào lao động. Kết quả của nǎm tháng lao động kiến thiết này là rất tốt đẹp và đem lại những niềm hy vọng sáng sủa nhất.

Trước hết nền dân chủ đã được thiết lập trên những nền tảng vững chắc. Ngày 6 tháng 1 vừa qua, Tổng tuyển cử được tổ chức với thành công tốt đẹp nhất. Chỉ ít ngày nữa, 400 đại biểu của cả nước sẽ tổ chức kỳ họp đầu tiên của Quốc hội lập hiến. Một tổ chức chính quyền mới đã thay thế cho chế độ quan lại cũ. Các loại thuế khoá không được dân chúng ủng hộ bị bãi bỏ. Chiến dịch xóa nạn mù chữ được tổ chức dưới những phương thức có hiệu quả đã đem lại những kết quả lạc quan không ngờ. Các trường tiểu học, trung học cũng như đại học đã mở cửa lại để đón ngày càng nhiều học sinh. Hoà bình và trật tự được lập lại và duy trì một cách ổn thoả.

Trong lĩnh vực kinh tế thì tình hình đang tốt lên từng ngày một. Tất cả các biện pháp nhũng nhiễu bị áp đặt bởi nền kinh tế kế hoạch thuộc địa, đã bị huỷ bỏ. Thương mại, sản xuất, việc chế biến và tiêu thụ các nguyên vật liệu thô, trước đây bị lệ thuộc vào những quy chế hết sức chặt chẽ, nay được vận hành trên cơ sở hoàn toàn tự do. Tình trạng thiếu gạo mặc dù vẫn cấp bách, đã bớt cǎng thẳng hơn do việc sản xuất thâm canh các loại lương thực, thực phẩm khác, và giá gạo đã giảm khoảng 40% so với con số nǎm 1945. Ngũ cốc, diêm, muối, thuốc lá, trước đây do những người đầu cơ tích trữ giữ độc quyền, nay được chào mời trên các chợ thông thường với giá cả mà người dân trung bình có thể chấp nhận được. Tất cả các dịch vụ công cộng lại trở lại những hoạt động như hồi trước chiến tranh, và đội ngũ cán bộ công nhân Việt Nam, dưới sự điều hành của các giám đốc Việt Nam, đang lao động một cách cần cù và có hiệu quả. Thông tin liên lạc được lập lại, hệ thống đê điều không chỉ được sửa chữa mà còn được gia cố vững chắc hơn.

Toàn bộ chương trình này được thực hiện trong khi ở miền Nam, cuộc xâm lược của Pháp ngày càng ác liệt hơn. Nhân dân Việt Nam, bất chấp những khó khǎn hiện tại và hậu quả nặng nề của 5 nǎm Nhật – Pháp cùng cai trị, đã cho thế giới thấy rõ giá trị của mình. Các phóng viên nước ngoài và thành viên của các phái đoàn Đồng minh đã tới đây có thể làm chứng cho cuộc sống mới trên đất nước Việt Nam đã hồi sinh, cho nǎng lực tự quản, khát vọng được sống tự do và độc lập, cùng niềm tin của chúng tôi vào các Hiến chương Đại Tây Dương và Xan Phranxixcô.

KẾT LUẬN

Vì những lý do đó, chúng tôi cho rằng bổn phận của chúng tôi là gửi bức Công hàm này tới các cường quốc lớn – những cường quốc đã đưa cuộc thập tự chinh chống phát xít tới thắng lợi cuối cùng và đã bắt tay vào việc xây dựng lại thế giới nhằm đặt ra ngoài vòng pháp luật vô thời hạn, một mặt là chiến tranh, áp bức, bóc lột và mặt khác là bần cùng, khiếp sợ và bất công. Chúng tôi đề nghị các cường quốc lớn đó:

a) Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngǎn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam, và đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương. Chúng tôi tin tưởng rằng sự dàn xếp của các cường quốc này có thể sẽ đem lại cho chúng tôi, trong thế giới thái bình này, địa vị xứng đáng với một dân tộc đã chiến đấu và chịu nhiều đau thương cho những lý tưởng dân chủ. Làm như vậy, các cường quốc sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho hoà bình và an ninh ở khu vực này của thế giới và đáp ứng lại niềm hy vọng mà các dân tộc bị áp bức đã đặt nơi họ. Trong khi tin tưởng chờ đón một biện pháp tích cực của các Chính phủ Oasinhtơn, Mátxcơva, Luân Đôn và Trùng Khánh, chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp.

b) Đưa vấn đề Đông Dương ra trước tổ chức Liên hợp quốc, chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế, và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình bền vững. Những nguyện vọng đó là chính đáng và sự nghiệp hoà bình thế giới phải được bảo vệ.

Hà Nội, ngày 18 tháng 2 nǎm 1946

United States – Vietnam Relations 1945-1967,
U.S.Government printing office, Washington, 1971, p.98-100.

cpv.org.vn

Advertisement