Cùng đồng bào yêu quý Trung, Nam, Bắc,
Theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân, tôi cùng đoàn đại biểu sẽ đi Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức. Trước khi ra đi, tôi xin có mấy lời tỏ cùng đồng bào.
Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân.
Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó.
Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, uỷ thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng – cũng vì mục đích đó.
Ngày nay vâng lệnh Chính phủ, theo ý quốc dân, tôi phải xa xôi ngàn dặm, tạm biệt đồng bào, cùng với đoàn đại biểu qua Pháp – cũng vì mục đích đó.
Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân. Vậy nên lần này, tôi xin hứa với đồng bào rằng: Tôi cùng anh em đại biểu sẽ gắng làm cho khỏi phụ lòng tin cậy của quốc dân.
Đồng thời, tôi xin nhắc lại rằng, việc nước là việc chung, mỗi một người con Rồng cháu Tiên, bất kỳ già, trẻ, gái, trai, giàu nghèo, quý tiện, (1) đều phải gánh một phần, đều phải ra sức giúp cho cuộc ngoại giao thắng lợi.
Giúp cách thế nào?
1. Đoàn kết chặt chẽ, tránh mọi sự chia rẽ.
2. Ra sức cần kiệm cho khỏi nạn đói khó.
3. Ra sức gìn giữ trật tự, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ.
4. Đối với các kiều dân hữu bang, phải tử tế ôn hoà.
Làm đúng bốn điều đó, tức là giúp ích cho ngoại giao.
Đồng bào thương tôi, chắc làm theo lời tôi nói.
Nhân dịp này, tôi cũng có vài lời tỏ cùng các bạn người Pháp, người Tàu và các bạn kiều dân khác. Các bạn sống chung chạ với nhân dân Việt Nam, ra vào gặp nhau, no đói có nhau. Vậy nên nhân dân Việt Nam là bằng hữu của các bạn. Đất nước Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của các bạn. Các bạn cùng nhân dân Việt Nam phải tương kính tương thân, thành thật hợp tác, êm ấm thuận hoà, thực hiện chữ “Tứ hải giai huynh đệ” (2) . Nước Việt Nam được thịnh vượng thì các bạn cũng được hạnh phúc.Sau hai lần gặp nhau giữa Thượng sứ Đácgiǎngliơ với tôi, sau cuộc Hội nghị trù bị ở Đà Lạt, sau cuộc đón tiếp thân thiện của Chính phủ và nhân dân Pháp đối với đoàn đại biểu Quốc hội ta, tôi mong rằng cuộc đàm phán chính thức ở Ba Lê sẽ có kết quả tốt đẹp. Hai dân tộc Việt, Pháp sẽ đi đến cuộc cộng tác thật thà.Một lần nữa tôi và anh em đại biểu trân trọng hứa với đồng bào rằng: dù khó nhọc mấy, chúng tôi cũng cố gắng làm trọn nhiệm vụ mà Chính phủ và quốc dân giao phó cho chúng tôi.
Đồng bào chớ lo ngại.
Báo Cứu quốc, số 254, ngày 31-5-1946.
cpv.org.vn
—————————
1. Tuyên ngôn Độc lập: Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong vǎn kiện lịch sử này, sau khi tố cáo những tội ác tầy trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tr.1.
2. Tuyên ngôn Độc lập nǎm 1776 của nước Mỹ: Trong cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Bắc Mỹ (1775-1781), các xứ thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ đã tổ chức các cuộc Đại hội đại biểu để thảo luận những biện pháp chống bọn thực dân Anh. Đại hội lần thứ hai họp ở Philađenphia nǎm 1775 đã cử ra một uỷ ban do Giépphécxơn làm Chủ tịch để thảo một bản nghị quyết tuyên bố các xứ thuộc địa là những nước tự do và độc lập, tách khỏi phạm vi quyền lực của Anh hoàng. Bản dự án nghị quyết này được đại biểu 13 bang thông qua ngày 4-7-1776 và trở thành Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Bản Tuyên ngôn này tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để giành lại độc lập, tự do cho nhân dân Mỹ lúc bấy giờ. Sau khi giành được độc lập, giai cấp tư sản Mỹ lên nắm chính quyền đã phản bội quyền lợi của nhân dân, thi hành chính sách phân biệt chủng tộc, áp bức bóc lột nhân dân trong nước, đồng thời xâm lược các nước khác. Chúng đã thực hiện những thủ đoạn tàn bạo của chủ nghĩa thực dân cũ, áp dụng chính sách thâm độc và nham hiểm của chủ nghĩa thực dân mới, thống trị về mặt kinh tế và lũng đoạn về chính trị, nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, chà đạp trắng trợn lên những nguyên tắc tự do, bình đẳng đã ghi trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ. Tr.1.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.