NHỮNG ĐỨC TÍNH TỐT CỦA NGƯỜI PHÁP
Nói chung, những người Pháp yêu chuộng đức lành như Tự do, Bình đẳng, Bác ái.
Vì thế trong 150 nǎm, họ hy sinh phấn đấu mấy lần, cách mệnh đổ máu mấy lần.
Phần đông người Pháp có tính hào hiệp. Khi nóng lên thì mắng nhau, đánh nhau, không kỵ gì. Nhưng sau đó rồi lại thôi, không giận hờn lâu, lại bắt tay nhau tử tế như thường.
Thấy việc phải thì họ làm, không quản mất công tốn của. Họ đã cho là trái, thì dù anh em ruột thịt, họ cũng phản đối đến nơi. Họ đã nhận là phải, thì dù là người dưng nước lã, họ cũng hết sức giúp dùm.
Đối với những người phản đối khác, họ cũng coi như thường, không có tính bỉ thử.
Người Pháp lại vui tính, dễ làm quen. Nói nǎm ba câu chuyện mà ý hợp tâm đầu thì liền trở nên bạn tốt.
Nói tóm lại:
Người Pháp ở Pháp rất dễ thương dễ mến.
Trong mấy tháng chúng tôi ở Pháp thì trông thấy những đức tính đó một cách rõ ràng.
Những người mà tôi có thể gặp gỡ, bất kỳ đàn ông đàn bà, người già người trẻ, ai cũng tỏ tình thân mật.
Không phải vì tôi là Chủ tịch một nước mà những người đó thấy người sang bắc quàng làm họ. Nhưng họ tỏ tình thân mật một cách tự nhiên. Thí dụ như thanh niên nam nữ Pháp đến chào tôi, lúc ra về ôm hôn bá cổ như đã quen biết đã lâu…
Khi người Pháp nghe nói đến tình hình bên nước nhà ngày trước, như báo chí không được tự do, dân chúng không được tổ chức, hoặc những việc khủng bố, và thuốc phiện, rượu cồn, thì họ lấy làm ngạc nhiên, họ cho là quái gở, nhiều người lại nhǎn trán đập bàn mà nói:
“A chúng nó tàn nhẫn thế ư? Chúng nó bôi nhọ nước Pháp thế ư?”.
Nói đến Việt Nam độc lập, thì nhiều người hǎng hái tán thành. Họ nói: “Giời sinh ra người, ai cũng có quyền tự do. Nước Pháp muốn độc lập thì lẽ gì không để Việt Nam độc lập?”.
Biết bao nhiêu lần, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, công nhân, trí thức Pháp, ân cần nhắn nhủ gửi lời thân ái cho nhân dân Việt Nam.
Rồi đi đến đâu, người Pháp nghe nói là đại biểu của Việt Nam thì bất kỳ người quen kẻ lạ ai cũng tay bắt mặt mừng.
Có hiểu rõ tình hình người Pháp ở Pháp, mới thấy rõ ràng cái chính sách: “Hai dân tộc Việt – Pháp thân thiện”.
Trích Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch –
bốn tháng sang Pháp do Đ.H. viết. Bản đánh
máy lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
cpv.org.vn
————————————-
1. Tuyên ngôn Độc lập: Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người khởi thảo, tuyên bố trước đồng bào cả nước và nhân dân thế giới việc thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến ở Việt Nam và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong vǎn kiện lịch sử này, sau khi tố cáo những tội ác tầy trời của bọn thực dân và phong kiến tay sai trong gần một thế kỷ qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường bất khuất của dân tộc ta, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là bản anh hùng ca mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc – Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tr.1.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.