Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch – Bốn tháng sang Pháp (VII)

Cụ chủ tịch tiếp các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh và các nhà chiếu bóng –
những vị trọng yếu trong 3 chính đảng lớn nhất ở Pháp đến thǎm Hồ Chủ Tịch.

Ngày 25 tháng 6

6 giờ sáng, Cụ Chủ tịch và anh em tuỳ tùng đi thǎm mộ ông Khánh Ký.

Ông Khánh Ký là một người chụp ảnh có tiếng, trước có quen Cụ Phan Chu Trinh và nhiều nhà cách mạng Việt Nam ở Pháp. Tháng trước, ông Khánh Ký có gửi thơ tỏ ý muốn về nước và Cụ Chủ tịch cũng định giúp cho ông về. Chẳng may, trước mấy hôm phái bộ ta đến Pháp thì ông mất.

5 giờ chiều, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà báo. Hơn 100 đại biểu các báo Pháp và báo ngoại quốc, nam có, nữ có, lại có nhiều nhà chụp ảnh và chiếu bóng. Có những người viết báo nổi tiếng như bà Tabouie Genevière, bà Simone Téry, ông Baillet, v.v..

Sau khi mời các nhà báo ǎn bánh và uống trà, Cụ Chủ tịch nói đại ý cảm ơn Chính phủ và nhân dân Pháp đã đón tiếp Cụ long trọng, thân mật; cảm ơn các báo tỏ tình thân thiện. Trước khi chưa chính thức gặp Chính phủ Pháp thì Cụ chưa tiện nói nhiều về chính trị. Chỉ có thể nói chung một câu là dân Việt Nam đòi thống nhất và độc lập.

Các nhà báo chuyện trò vui vẻ trong một tiếng đồng hồ.

Chiều 7 giờ, Cụ Chủ tịch tiếp các nhà lãnh tụ Đảng M.R.P (Đảng Cộng hoà bình dân, tức là Đảng của Thủ tướng Bidault): ông Francis Gay, Bộ trưởng, ông Michelet, Bộ trưởng, ông Schumann, Chủ tịch đảng và những uỷ viên Trung ương như: ông Collie, ông Gortès, ông Debay, ông Amaury, ông Terrenoire, ông Max André v.v..

Các báo đǎng tin rằng giấy bạc nước Hongrie mất giá đến nỗi người ta lấy giấy bạc 1000 làm đóm hút thuốc!

Vua Cao Mên là Sihanouk qua Pháp tháng trước, hôm nay từ giã Paris, trở về nước.

Ngày 26 tháng 6

7 giờ sáng, Cụ Chủ tịch đi thǎm anh em phái bộ ở lữ quán Sainte Anne và Louvre.

10 giờ, các đại biểu Liên đoàn ái hữu người Việt ở Marseille, Bordeaux, Toulouse và các tỉnh khác đến chào Hồ Chủ tịch và báo cáo tình hình của kiều bào ở Pháp.

5 giờ chiều, luật sư Bloncourt đến thǎm Cụ Chủ tịch. Ông Bloncourt là người da đen ở xứ Martinique. Tuy ông là dân Tây, có vợ Pháp, làm ǎn rất phát đạt, nhưng ông vẫn ra sức tranh đấu bênh vực cho các thuộc địa. Ông thường viết báo ủng hộ nước ta.

8 giờ, các vị lãnh tụ Xã hội Pháp đến thǎm Cụ Chủ tịch. Có bà Marty Capgras, Bộ trưởng Philip và Bộ trưởng Moutet, nghị viên Lussy, bác sĩ Boutbien, vǎn sĩ Rosenfeld, và những Trung ương uỷ viên Dechezelles, Roux, Stible, v.v.. Chuyện trò vui vẻ, 11 giờ khuya khách mới ra về.

Ngày 27 tháng 6

6 giờ sáng, đi dạo rừng Boulogne, quay về Trocadéro. Trocadéro xây đắp rất nguy nga. Một bên là Viện khảo cổ về loài người, một bên là Viện khảo cổ hải quân. Giữa là vườn rộng, có hồ nước. Đứng ở giữa sân trông thẳng ra thì thấy tháp sắt Eiffel và cả vùng chung quanh đó. Phong cảnh rất đẹp.

Trở về lữ quán, có mấy nhà báo đến xin chụp ảnh Hồ Chủ tịch.

1 giờ trưa, ông Sainteny mời Cụ Chủ tịch đến ǎn cơm ở nhà riêng ông ấy. Có 4-5 người Pháp chuyên môn về kinh tế ở nước ta, cũng đến ǎn cơm và nói chuyện. Họ đều tán thành hai bên Việt Pháp cộng tác một cách thật thà thì có ích cho cả đôi bên.

8 giờ chiều. Những vị trọng yếu trong Đảng cộng sản Pháp đại biểu cho 50 vạn đảng viên đến thǎm Hồ Chủ tịch.

Có các bà: Braun, Phó Chủ tịch Quốc hội, Jeannette, nghị viên, Vaillant Couturier, nghị viên, vợ chồng cụ Cachin.

Các ông: Thorez, Phó Chủ tịch Chính phủ Pháp, Duclos, Phó Chủ tịch Quốc hội, Marty, Trung ương uỷ viên, Mauvais, Trung ương uỷ viên, Billoux, Bộ trưởng Bộ Kiến thiết, Tillon, Bộ trưởng Bộ Quân khí.

Thế là trong mấy hôm nay, những người trọng yếu trong 3 đảng to nhất ở Pháp: Đảng Cộng hoà (M.R.P), Đảng Xã hội (S.F.I.O) và Đảng Cộng sản (P.C) đều có đến thǎm Hồ Chủ tịch.

Đ.H

cpv.org.vn

Advertisement