Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, năm 1951, khi nói về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Bác viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Và trong Di chúc- tác phẩm cuối cùng của đời mình, khi nói về Đảng, một lần nữa Bác viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Theo tư tưởng của Bác Hồ và của Đảng ta từ trước đến nay, khái niệm Đảng “nắm chính quyền” hay “cầm quyền” là đồng nghĩa với Đảng lãnh đạo chính quyền.
Năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác Hồ viết: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.
Năm 1960, trong bài nói tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người nhấn mạnh: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”.
Năm 1968, làm việc với một số cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng về việc xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt”, Bác nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, nói chung và về Đảng cầm quyền nói riêng luôn được Đảng ta trung thành, vận dụng sáng tạo và phát triển. Nói Đảng cầm quyền hoàn toàn không có nghĩa là Đảng tự biến mình thành chính quyền, một mình mình nắm giữ chính quyền và làm chức năng của chính quyền. “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là cơ chế vận hành của chế độ ta. Theo cơ chế ấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân đều là những chủ thể của quyền lực, nhưng quyền lực của mỗi chủ thể ấy lại không giống nhau. Quyền lực của Đảng là quyền lãnh đạo, bao gồm cả quyền lãnh đạo chính quyền, nhưng bản thân Đảng lại không phải là chính quyền nhà nước, không làm thay cho Nhà nước. Quyền lực nhà nước bao gồm các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng quyền lực ấy không phải do Nhà nước tự có mà là do nhân dân giao phó cho những cơ quan quyền lực do mình cử ra. Quyền lực của nhân dân là quyền của người làm chủ đất nước, như Bác Hồ từng nêu lên trong bài báo “Dân vận” viết năm 1949: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cương lĩnh năm 1991 của Đảng và những điều bổ sung, phát triển các quan điểm về Đảng và Đảng cầm quyền qua các kỳ Đại hội của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; thống nhất lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Đại hội X của Đảng, khi đề cập nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, đã đặt lên hàng đầu nhiệm vụ “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối”. Đại hội cũng chủ trương, về mặt lý luận, phải tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề về xây dựng Đảng và về đảng cầm quyền. Điều quan trọng hơn nữa là để xứng đáng là đảng cầm quyền, Đảng phải làm những gì và làm như thế nào?
Cương lĩnh năm 1991 của Đảng, trong khi nêu lên những bài học lớn, đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên.
- N.Dân
Bạn phải đăng nhập để bình luận.