Bài nói chuyện tại Trường chính trị trung cấp quân đội (25-10-1951)

Hôm nay Bác đến thǎm, thấy các chú khoẻ mạnh, học tập có kết quả, Bác mừng. Bác nói chuyện với các chú bảy điểm:

I . CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA TA TRƯỜNG KỲ GIAN KHỔ NHƯNG NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI

1. Ngày xưa tổ tiên ta đã phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm.

Đời Trần phải kháng chiến ba lần mới đuổi được quân Nguyên. Đời Lê kháng chiến một lần nhưng phải mười nǎm mới đuổi được quân Minh.

Gần đây các nước bạn chúng ta cũng phải kháng chiến trường kỳ mới thắng được ngoại xâm. Liên Xô phải kháng chiến từ nǎm 1917 đến nǎm 1922 mới đuổi được bọn đế quốc ra ngoài. Xong rồi còn phải tranh đấu chống bọn Tơrốtxki. Phải có mấy kế hoạch 5 nǎm liền để xây dựng đất nước. Trong Đại chiến thứ hai, phải đánh nhau với phát xít Đức nǎm nǎm mới giành được thắng lợi. Trung Quốc phải kháng chiến ba mươi nǎm mới diệt được bọn phản động trong nước và đuổi được bọn đế quốc xâm lược bên ngoài.

Cuộc kháng chiến của ta là tiếp tục cuộc Cách mạng Tháng Tám. Cũng như cuộc kháng chiến của Liên Xô và Trung Quốc, cuộc kháng chiến của ta phải trường kỳ mới giành được thắng lợi.

2. Cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ.

Địch càng thất bại lại càng hung ác. Địch như con thú dữ sắp chết sẽ lồng lên cắn xé ta hơn trước. Nên càng gần thắng lợi lại càng gian khổ.

Trên thế giới lúc này, phe phản dân chủ đang chống lại cách mạng dân chủ. Đế quốc Mỹ và Anh đang ra sức giúp thực dân Pháp. Vì vậy, chúng ta càng khó khǎn gian khổ hơn. Cũng như cuộc kháng chiến của Liên Xô và Trung Quốc, cuộc kháng chiến của ta hết sức gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.

3. Cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.

Hiện nay phe đế quốc ngày càng xuống dốc, lực lượng dân chủ ngày càng lớn mạnh. Sau Đại chiến thứ hai, Mỹ đưa bom nguyên tử ra doạ thế giới. Vừa rồi Liên Xô tuyên bố cũng có bom nguyên tử, nhưng bao giờ cũng bằng lòng huỷ bỏ bom nguyên tử và cấm dùng bom nguyên tử. Cách mạng Trung Quốc thành công làm lực lượng dân chủ mạnh hơn lực lượng đế quốc.

Từ chiến dịch Biên giới, địch thất bại nhiều trận lớn, ta thắng nhiều trận lớn. Rồi đây ta còn gặp nhiều khó khǎn hơn trước nhưng nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Tổ tiên ta đã thắng lợi, Liên Xô, Trung Quốc đã thắng lợi, dân chủ mới trên thế giới thắng lợi, nhất định ta sẽ thắng lợi.

Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Các chú phải thấm nhuần và làm cho toàn thể bộ đội, đồng bào thấm nhuần như vậy. Có như thế mới tin tưởng mà vượt mọi khó khǎn để giành thắng lợi cuối cùng.

II. CÁN BỘ TA CÒN KHUYẾT ĐIỂM

Từ khi bắt đầu kháng chiến đến nay, nhân dân ta tiến bộ, quân đội ta tiến bộ. Cũng do tiến bộ đó ta mới thấy lộ ra nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm đó là khuyết điểm trong lúc trưởng thành. Nhưng vẫn là những khuyết điểm cần sửa chữa.

Cán bộ ta cũng còn nhiều khuyết điểm. Mấy hôm nay các chú tự phê bình kiểm thảo đã tìm ra nhiều khuyết điểm khá lớn. Khuyết điểm nào cũng có hại. Chỉ lấy một bệnh cá nhân mà nói cũng rõ tai hại của nó.

Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hoá. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở.

Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra vô kỷ luật, thiếu kiên quyết chấp hành mệnh lệnh. Do đó mà đáng lẽ thắng to thì chỉ giành được thắng nhỏ và thắng rồi không phát triển được. Quân đội ta là quân đội dân chủ, nhưng dân chủ không phải là không có mệnh lệnh. Mỗi mệnh lệnh đưa xuống, cấp trên đã thảo luận cân nhắc kỹ càng nên cấp dưới phải tuyệt đối phục tùng và kiên quyết chấp hành, nhất là lúc tác chiến.

Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra thiếu tin tưởng, không quyết tâm khắc phục khó khǎn. Mọi việc đều khó khǎn. Đánh giặc lại càng khó khǎn hơn. Nếu dễ thì ai làm cũng được. Không phải chờ đến các chú. Vì vậy gặp khó khǎn phải cố vượt cho bằng được thì nhất định thắng lợi.

Các chú đã tự phê bình kiểm thảo thấy được khuyết điểm trên. Thấy được khuyết điểm là một bước tiến bộ. Nhưng mới chỉ là bước đầu. Thấy rồi phải lo sửa. Đang sửa thì phải sửa cho hết. Đã sửa rồi thì phải giữ mình đừng để mắc phải nữa.

III. HỌC TẬP CHÍNH TRỊ VÀ QUÂN SỰ

Phải cố gắng học tập về mọi mặt chính trị, quân sự.

Phải học tập chính trị: Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng.

Đại đa số đội viên ở nông dân mà ra. Nông dân cho ta ǎn mặc, nông dân đắp đường cho ta đi, nông dân chuyên chở lương thực, súng đạn ra mặt trận cho ta giết giặc. Thế mà không biết chính sách nông dân của Đảng là quên gốc. Anh em thì ở bộ đội nhưng gia đình thì ở nông thôn. Quyền lợi gia đình của anh em, anh em phải hỏi mình, mình tịt thì cũng rầy. Vì vậy phải học chính sách nông thôn của Đảng và của Chính phủ. Ngay bây giờ phải học chủ trương về thuế nông nghiệp, không học là một khuyết điểm to.

Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng tức là thực hành chủ nghĩa Mác – Lênin.

Chính cương và chính sách của Đảng đối với công việc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh của cách mạng ta.

Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu, v.v.. Tóm lại là học để nâng cao trình độ của người chỉ huy.

IV. HỌC TẬP KINH NGHIỆM CÁCH MẠNG CỦA CÁC NƯỚC ANH EM

Cách mạng của nước ta cũng như ở Liên Xô, Trung Quốc, muốn thành công phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Cho nên phải học chủ nghĩa Mác – Lênin để hiểu mà áp dụng.

Chúng ta may mắn ở gần Trung Quốc, cách mạng Trung Quốc có nhiều điểm giống cách mạng ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Mao Chủ tịch thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, đã áp dụng rất tài tình vào hoàn cảnh Trung Quốc, đã làm cho cách mạng Trung Quốc thành công vĩ đại.

Nhân dân giải phóng quân Trung Quốc được Đảng Cộng sản Trung Quốc và Mao Chủ tịch trực tiếp xây dựng, đã đánh thắng Tưởng Giới Thạch, đuổi được đế quốc ra ngoài, đang cùng Quân đội nhân dân Triều Tiên tiêu diệt được nhiều quân của đế quốc Mỹ và bè lũ bù nhìn Lý Thừa Vãn.

Cách mạng ta phải học kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc, quân đội ta phải học kinh nghiệm Nhân dân giải phóng quân Trung Quốc. Học kinh nghiệm nước bạn, quân đội bạn là đem tinh thần quốc tế hoà vào tinh thần yêu nước chân chính. Có học tập kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, mới làm cho cách mạng ta dễ thành công, mới chóng đánh thắng được giặc.

V. CÁN BỘ PHẢI THƯƠNG YÊU CHIẾN SĨ

Các chú dù là đại đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, hay tiểu đoàn trưởng, cũng chỉ là những người đặt kế hoạch và điều khiển đánh trận. Lúc ra trận, việc đặt mìn, phá lô cốt đều do tay anh em đội viên làm. Nếu anh em tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ mạnh thì nhất định thắng. Trái lại, nếu anh em chính trị khá, nhưng quân sự kém, hoặc chính trị quân sự đều khá nhưng thân thể yếu đuối thì cũng không thắng được.

Vì vậy, cán bộ phải thương yêu sǎn sóc đội viên. Cán bộ phải chǎm lo đội viên đủ ǎn đủ mặc. Cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu như óc.

Ngoài ra, còn phải dạy cho đội viên biết cách dân vận. Cái gì cũng phải nhờ dân. Không có dân thì không có bộ đội. Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân, làm cho đội viên thành một người tuyên truyền bằng công việc thực tế. Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tuỳ hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thực sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết. Muốn vậy cán bộ phải làm gương mẫu.

VI. ĐẠO ĐỨC CŨ VÀ ĐẠO ĐỨC MỚI

Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều.

Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân.

Nói về cần, kiệm, liêm, chính của ta cho đầy đủ thì phải nói dài. Hôm nay không có thì giờ, Bác chỉ nói vắn tắt:

Nếu cả ngày các chú chỉ hùng hục làm việc của mình, không dạy cho bộ đội chǎm chỉ học tập chính trị, quân sự để giết được nhiều giặc, không khuyến khích và giúp đỡ nhân dân tǎng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến thì cũng chưa thực hiện được chữ Cần.

Không tiêu hoang phí tiền riêng của các chú cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm.

Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm.

Phải quý trọng tất cả mọi công việc và của cải của Chính phủ. Thí dụ: đi đường thấy cột dây thép đổ mà dựng lên là Chính, không dựng lên là không Chính, không chấp hành mệnh lệnh cũng là không Chính.

Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó.

VII. PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH PHẢI NHƯ THẾ NÀO?

Mục đích phê bình và tự phê bình là để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tǎng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân.

Tự phê bình phải thật thà. Tự phê bình cũng ví như người ốm yếu nói rõ chứng bệnh của mình với thầy thuốc. Nếu giấu bệnh thì thầy thuốc không biết bệnh mà cho thuốc. Cho nên có gì phải nói cho hết, giấu giếm là khuyết điểm.

Người có bệnh nói thật thà, người nghe không giúp đỡ người ta sửa chữa, lại có thành kiến cũng là sai.

Thấy mình có nhiều bệnh, sợ không sửa chữa được, sinh ra bi quan tiêu cực cũng không đúng. Mình không biết cách sửa chữa thì còn có đồng chí, có bộ đội, có nhân dân bày cách cho mà sửa chữa. Chỉ cần mình quyết tâm sửa chữa là được.

Phê bình và tự phê bình như uống thuốc xổ. Xổ rồi thì phải uống thuốc bổ. Tháo xe đạp ra chùi cho sạch bụi, lúc lắp vào phải cho dầu mỡ, xe mới chạy được. Phê bình xong phải biết cách sửa chữa. Nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to.

Người ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng ai cũng có ưu điểm. Nếu không có ưu điểm, thì làm cách mạng thế nào được. Nói cái xấu phải nói cả cái tốt. Nếu chỉ chuyên nói cái xấu là lệch.

Cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ gian khổ, nhưng nhất định thắng lợi. Trong một nǎm nay ta đã tiến bộ nhiều, đã thu được nhiều thắng lợi về quân sự và chính trị. Đánh bốn chiến dịch lớn thắng lợi, phá được vòng vây ở biên giới, liên lạc được với các nước anh em, đã có đại sứ ở Trung Quốc. Thanh niên ta đi dự Hội nghị liên hoan Bá Linh. Đó là thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị. Những thắng lợi chính trị đó sẽ làm cho ta thắng lợi về quân sự to lớn hơn.

Nhưng ta còn có nhiều khuyết điểm. Ta phải học tập chính trị quân sự, phê bình và tự phê bình để sửa chữa khuyết điểm, trau dồi đạo đức cho chóng tiến bộ thì sẽ thu được nhiều thắng lợi hơn và sẽ làm cho cuộc kháng chiến của ta nhất định thắng lợi.

Nói ngày 25-10-1951.
Sách: Hồ Chủ tịch với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, 1962, tr.119-126.
cpv.org.vn

Advertisement