Cần và kiệm (29-2-1952)

Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công.

Nếu chỉ Kiệm mà không Cần, thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không.

Cho nên Cần và Kiệm là như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một.

Đồng chí Vương Bích Quát, đốc công xưởng giấy, đã biết Cần (cố gắng tìm tòi và bàn bạc với anh em), đã đạt được kết quả Kiệm, là mỗi ngày giảm được 500 cân than, đáng giá 15 vạn đồng, lại do đó, anh chị em không vì thiếu than mà phải tạm ngừng sản xuất.

Đó là một việc đáng nêu làm gương mẫu.

Nếu các đốc công 100 nhà máy đều có sáng kiến như đồng chí Quát thì mỗi tháng sẽ tiết kiệm cho công quỹ được 450 triệu đồng, mỗi nǎm 5.400 triệu đồng, một số tiền khá to để dùng vào việc ích lợi khác cho dân, cho nước. Vì lẽ đó, mà Hồ Chủ tịch luôn luôn kêu gọi chúng ta thực hành Cần và Kiệm. Toàn thể anh em lao động ta học được kinh nghiệm của đồng chí Quát thì kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công.

Đ.X.

Báo Cứu quốc, số 2024, ngày 29-2-1952.
cpv.org.vn

Advertisement