Tôi viết những dòng này, nhân mấy ngày nghỉ ngắn ngủi đầu nǎm mới.
May mắn hơn nhiều dân tộc khác, người Việt Nam chúng tôi cũng như các bạn Trung Quốc và Triều Tiên, mỗi nǎm chúng tôi có hai ngày Tết. Một lần Tết theo dương lịch – ngày 1 tháng Giêng là ngày mà ở nước chúng tôi chỉ có các cơ quan của Chính phủ mới chúc nhau nhân dịp nǎm mới, vì đây là ngày Tết chính thức. Còn một Tết thứ hai tính theo âm lịch, và nǎm nay Tết này đúng vào tuần lễ cuối cùng của tháng Giêng. Đó là ngày Tết theo tục lệ cổ truyền của nhân dân, ở thời bình thì thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
Mùa Xuân ở nước chúng tôi bắt đầu từ ngày đầu tháng Giêng. Giờ đây khắp nơi nơi là cả một bầu không khí tuyệt vời của mùa Xuân. Mặt trời toả sáng, ánh sáng dịu dàng đem lại sức sống tươi vui lành mạnh. Lúa non phủ lên các cánh đồng, khác nào những tấm thảm xanh rộng mênh mông hứa hẹn nǎm nay sẽ no ấm được mùa. Chim chóc hót véo von, ríu rít trong những bụi cây bốn mùa xanh tốt sum suê. Mùa lạnh ở đây chỉ độ mấy ngày và khí hậu ít khi xuống quá 10 độ trên không độ. Còn tuyết là gì, thì ở nước tôi nói chung không ai biết đến.
Trong những ngày này từ các lâu đài cho đến những ngôi nhà tranh bé nhỏ đều có tranh vẽ, những lời chúc mừng viết lên giấy đỏ dán ở cửa cổng ra vào. Ngày nay những lời chúc mừng và những tranh vẽ ấy đã trở thành những khẩu hiệu đấu tranh và lao động, chẳng hạn như:
– Mở rộng phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận đấu tranh chống quân thù, trong sản xuất, trong việc phát triển kinh tế.
– Kháng chiến nhất định thắng lợi!
– Đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí !
– Công cuộc kiến quốc nhất định sẽ thu được thắng lợi!
Trong những ngày Tết này, mọi người đều mặc những quần áo đẹp nhất mà họ có. Gia đình nào cũng nấu nướng sửa soạn những thức ǎn ngon nhất. Người ta làm lễ trước bàn thờ tổ tiên. Bạn hữu đi chúc mừng thǎm hỏi lẫn nhau. Người lớn tặng quà cho trẻ con. Nhân dân gửi tặng phẩm ủng hộ bộ đội… Nói tóm lại đây thật là ngày Tết của mùa Xuân.
Và trước khi kể cho các bạn nghe những tin tức về Việt Nam, tôi xin gửi đến các bạn và tất cả các đồng chí của chúng ta những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Sự CÂU KếT GIữA BọN CƯớP NƯớC
Bây giờ chúng tôi điểm lại tình hình xảy ra ở Việt Nam trong nǎm 1951.
Sau khi thất bại ở biên giới Hoa – Việt tháng 10-1950, lần thất bại lớn nhất trong toàn bộ lịch sử chiến tranh thuộc địa (chúng phải bỏ một lần 5 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai, Thái Nguyên và Hoà Bình), bọn thực dân Pháp đã mở đầu nǎm 1951 bằng việc cử tướng Đờlát đờ Tátxinhi sang Việt Nam. Chúng dùng những phương pháp chiến tranh toàn diện. Chúng âm mưu củng cố Chính phủ bù nhìn Bảo Đại và tổ chức quân đội bù nhìn, đẩy mạnh hoạt động gián điệp. Chúng lập vành đai trắng rộng từ 5 đến 10 cây số chung quanh những khu vực chúng đã chiếm được và củng cố tam giác châu thổ sông Hồng bằng một hệ thống gồm 2.300 boongke. Chúng tǎng cường những trận đánh càn quét ở hậu phương của chúng. Chúng thi hành chính sách tiêu diệt và huỷ hoại hàng loạt sức người và sức của dự trữ (giết hại nhân dân, phá sạch nông thôn và đốt sạch đồng ruộng, v.v.). Nói tóm lại, chúng thi hành chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.
Bọn thực dân Pháp làm những việc đó theo lệnh và với sự giúp đỡ của bọn quan thầy của chúng là bọn can thiệp Mỹ.
Tên phản động Mỹ đầu tiên đến Việt Nam để chuẩn bị cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam là U. Buylít, một tên gián điệp có tên tuổi, bạn và đại biểu của Tơruman. Từ ngày đó người Việt Nam được chứng kiến một lũ nào nghị viên, gián điệp, tướng tá, nhà kinh doanh, các đô đốc, bọn chủ ngân hàng và thậm chí có cả một giám mục, lũ lượt kéo nhau từ Mỹ sang Việt Nam.
Đứng đầu những người Mỹ hiện sống ở Việt Nam (tất nhiên là trong vùng tạm bị chiếm) là một tên gián điệp khá có tên tuổi, đại sứ Mỹ ở bên cạnh chính phủ bù nhìn, Đônahít và tướng Bơrin cầm đầu phái đoàn quân sự Mỹ.
Tháng 9-1951, Đờ Tátxinhi sang Hoa Thịnh Đốn để báo cáo và cầu xin viện trợ.
Tháng 10, Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ là tướng Côlin lại sang Việt Nam để kiểm tra đội quân viễn chinh Pháp và quân đội bù nhìn.
Muốn tỏ cho chủ Mỹ thấy rằng viện trợ của Mỹ được dùng một cách xứng đáng hiện nay cũng như sau này, Đờ Tátxinhi đã mở trong tháng 11 một cuộc tấn công vào thành phố chính của tỉnh Hoà Bình. Kết quả của cuộc “tấn công chớp nhoáng” mà báo chí phản động Pháp và thế giới bàn tán ầm ĩ, là Quân đội nhân dân Việt Nam đã khép chặt phần lớn quân đội địch vào hai gọng kìm và tiêu diệt chúng. Thế mà Đờ Tátxinhi và bọn tay chân của y vẫn gào lên rằng họ đã thắng!
Ngay từ đầu chiến tranh, Mỹ đã cung cấp tiền bạc và súng ống cho Pháp. Ví dụ, 85% vũ khí, quân trang và thậm chí cả đồ hộp do bộ đội chúng tôi bắt được đều mang nhãn hiệu: “chế tạo ở Mỹ”. Sự viện trợ ấy lại càng được đặc biệt đẩy mạnh từ tháng 6-1950, sau khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Triều Tiên. Mỹ viện trợ cho Pháp máy bay, tàu thuỷ, xe vận tải, quân trang, bom napan.
Đồng thời bọn chủ Mỹ bắt buộc bọn thực dân Pháp đẩy mạnh việc tổ chức quân đội bù nhìn gồm 4 sư đoàn, chi phí thì chia đôi, Pháp và Mỹ mỗi bên chịu một nửa. Tất nhiên trong sự câu kết giữa bọn Mỹ, Pháp cướp nước và bù nhìn, có nhiều sự mâu thuẫn và nhiều sự đối kháng.
Bọn thực dân Pháp đang đứng trước một ngã ba đường: hoặc là nhận viện trợ của Mỹ để rồi bị bạn “đồng minh” Mỹ hất cẳng hoặc là không nhận viện trợ để rồi bị nhân dân Việt Nam đánh bại. Tổ chức quân đội bù nhìn gồm những thanh niên Việt Nam vùng tạm chiếm bị bắt và bị cưỡng bức đi lính, việc làm đó đối với bọn cướp nước khác nào nuốt bom cho đỡ đói: một ngày kia bom sẽ nổ ngay trong ruột chúng. Không tổ chức quân đội như vậy thì có nghĩa là chúng sẽ phải tự sát ngay trong chốc lát, vì ngay cả các nhà quân sự Pháp cũng phải thừa nhận rằng quân đội viễn chinh ngày càng thưa thớt dần và đang đi đến chỗ tan rã.
Ngoài ra viện trợ Mỹ phải được trả với một giá rất đắt. Trong những vùng tạm bị chiếm, tư bản Pháp bị tư bản Mỹ hất cẳng. Những công ty Mỹ như “Công ty dầu lửa”, “Công ty dầu xǎng Cantếchxơ”, “Công ty thép Béckhen”, “Công ty phốt phát Phlorít” và các công ty khác đang vơ vét cao su, khoáng sản và các tài sản khác của đất nước. Thị trường thì tràn ngập hàng hoá Mỹ. Các tờ báo phản động Pháp, đặc biệt là tờ Thế giới, cũng đều phải thừa nhận với giọng buồn thảm rằng tư bản Pháp đang rút lui nhường chỗ cho tư bản Mỹ.
Bọn can thiệp Mỹ đã nuôi dưỡng bọn xâm lược Pháp và bọn bù nhìn Việt Nam. Nhưng dân tộc Việt Nam không để cho ai lừa bịp và nô dịch.
Nước Trung Hoa nhân dân ở ngay sát chúng tôi. Gương sáng của Trung Quốc đang cổ vũ chúng tôi. Cách đây không bao lâu nhân dân Trung Quốc đã đánh bại bọn đế quốc Mỹ và thu được thắng lợi lịch sử. Tên Tưởng Giới Thạch mạt kiếp đã bị quét ra khỏi Trung Quốc, mặc dù y còn xảo quyệt hơn tên Bảo Đại bị mua chuộc. Bọn can thiệp Mỹ bị tống cổ một cách nhục nhã ra khỏi Trung Quốc và đang thất bại đảo điên ở Triều Tiên liệu có thể thôn tính được Việt Nam không ? Tất nhiên là không!
NHỮNG TỘI ÁC GHÊ TỞM CỦA BỌN THỰC DÂN
Thất bại trên chiến trường, bọn thực dân Pháp liền trả thù nhân dân không có vũ khí tự vệ và gây ra những tội ác ghê tởm. Sau đây là một vài thí dụ:
– Cũng như khắp nơi ở các vùng tạm bị chiếm, ngày 15-10-1951, lính Pháp ở Hà Đông đã ráp bắt một số thanh niên Việt Nam ngay giữa đường phố để cưỡng bức họ vào quân đội bù nhìn. Và cũng như bất cứ nơi nào khác, nhân dân ở đây đã phản đối hành động đó. Ba thanh nữ Việt Nam đã đứng chặn ngang đường phố, trước những xe hơi chở đầy những thanh niên vừa bị bắt để ngǎn chặn không cho chở các thanh niên đó vào trại tập trung. Cử chỉ gan dạ ấy, xứng đáng với nữ anh hùng Raymông Điêng 1 . Bọn thực dân Pháp đã mở máy hết tốc lực, trong nháy mắt làm ngã nhào và nghiến chết ba thanh nữ yêu nước của chúng tôi.
– Tháng 11-1951, bọn cướp nước đã tổ chức một cuộc ráp bắt khổng lồ ở Thái Bình. Chúng đã bắt hơn 16.000 người ở Thái Bình, phần lớn là các cụ già, em bé, phụ nữ và nhốt họ trong một sân vận động chung quanh có dây thép gai và có lính canh gác, có chó bécgiê.
Bốn ngày liền những người bị bắt phải đứng dưới mưa nắng, bùn đến đầu gối. Họ không được ǎn được uống. Hơn 300 người đã chết vì kiệt sức và vì bệnh tật.
Bọn cướp nước đã đối xử dã man đối với những người thân thích mang thức ǎn đến cho người bị bắt. Chúng đổ thức ǎn xuống bùn và lấy chân giẫm lên. Ông Phác, một y sĩ 70 tuổi tìm cách cứu chữa những đồng bào bị nạn. Bọn cướp nước đã bắn ông chết tại chỗ. Một số phụ nữ có thai cũng bị chúng bắn chết.
Phẫn nộ trước hành động dã man ấy, nhân dân ở thành phố đã đình công và tìm cách giúp đỡ những người bị bắt. Sự quyết tâm của nhân dân bắt buộc bọn Pháp phải cho phép chuyển thức ǎn đến cho những người bị bắt, nhưng theo lệnh của viên quan nǎm quân đội viễn chinh là Sáctông, chúng đã tuyên bố với người bị bắt rằng đó là quà của Mỹ.
Ngày 28-10-1951, Lê Vǎn Lâm, 27 tuổi, quê ở Hà Cối, làm lính trong quân đội bù nhìn, đã được một cụ già làm nghề đánh cá ở vùng Đồ Sơn cứu thoát chết. Khi tỉnh lại Lâm kể chuyện rằng:
“Ngày 27-10, bọn Pháp chuyển tôi và hàng trǎm người bị thương như tôi lên tàu thuỷ nói rằng sẽ đưa đi Sài Gòn để cứu chữa. Đêm đến, khi tàu ra giữa biển khơi, chúng bèn vứt từng người bị thương xuống biển. May mắn cho tôi là bíu được vào một khúc gỗ và tìm cách bơi. Vì lạnh thấu xương tôi đã bất tỉnh nhân sự”.
Sau đây là lời thú nhận của một đại uý Pháp tên là Sôbe bị bộ đội chúng tôi bắt làm tù binh trong trận đánh ở Tứ Kỳ ngày 25-11-1951:
“Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh phá hoại tất cả và biến vùng này thành một vùng sa mạc. Lệnh đó được thực hiện triệt để. Tất cả nhà cửa đều bị đốt cháy ra tro. Tất cả súc vật gà vịt đều bị giết sạch. Vườn tược bị cướp phá và cây cối đều bị chặt trụi. Đồng ruộng và thóc lúa cũng đều bị đốt cháy. Suốt mấy ngày liền khói đen của các đám cháy che kín cả một bầu trời và suốt trong vùng đó không một người nào sống sót, trừ lính Pháp. Những đám cháy ấy kéo dài đến 25-11 là ngày quân đội Việt Nam tấn công bất ngờ và tiêu diệt đơn vị chúng tôi”.
Trên đây là một số thí dụ trong hàng ngàn những thí dụ khác đủ để chứng minh bản chất nền “vǎn minh” của bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
NHỮNG THÀNH TỰU CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Nǎm 1951, nhân dân Việt Nam đã tiến một bước dài. Về mặt chính trị: việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam, việc hợp nhất Việt Minh và Liên Việt, việc thành lập Uỷ ban hành động Việt – Miên – Lào (Việt Nam, Cao Miên, Lào) đã củng cố rất nhiều khối thống nhất và lòng tin tưởng của nhân dân Việt Nam, củng cố khối đồng minh giữa ba nước anh em đang đấu tranh chống kẻ thù chung là bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ, và để thực hiện lý tưởng chung là độc lập dân tộc.
Như thế là chúng tôi đã phá được chính sách của kẻ thù vốn dựa trên nguyên tắc “chia để trị!”.
Về mặt kinh tế: Ngân hàng quốc gia Việt Nam đã được thành lập, nền tài chính được đặt dưới sự kiểm soát tập trung và thống nhất, việc giao thông và liên lạc cũng được tổ chức lại.
Trước kia chúng tôi đã phá hoại đường sá để ngǎn cản bước tiến của quân thù. Ngày nay chúng tôi phải làm lại những đường sá ấy để đẩy quân thù sớm đi đến thất bại. Trước kia chúng tôi đã phá hoại một cách triệt để, cho nên việc khôi phục đường sá gặp nhiều khó khǎn, nhưng đã được thực hiện khá nhanh chóng. Đây là một công trình đòi hỏi lao động vất vả, nhất là chúng tôi lại thiếu máy móc. Nhờ tinh thần hǎng hái quên mình của nhân dân mà công việc đó đã được thực hiện. Để tránh những cuộc bắn phá của máy bay địch, công việc được tiến hành ban đêm, có khi nước ngập đến ngang lưng. Dưới những ngọn đuốc sáng trưng, hàng trǎm đàn ông, đàn bà, thanh niên, thanh nữ đào đất, lấp hố, đập đá, chặt cây, xây cầu. Cũng như ở mọi nơi khác, ở đây việc thi đua yêu nước cổ vũ lòng hǎng hái của mọi người. Tôi chắc rằng các bạn sẽ lấy làm lạ nếu thấy những đoàn người tình nguyện gồm các ông già bà lão tuổi từ 70 đến 80, nhận thi đua với các đội thanh niên.
ở đây cũng cần nói thêm rằng ở vùng tự do công việc phần lớn đều làm vào ban đêm. Ban đêm học sinh tới trường học tập, các bà nội trợ đi chợ, anh em du kích tấn công quân thù…
Chúng tôi đã thu được thành tích to lớn trong việc đặt chế độ thuế nông nghiệp. Trước kia nông dân phải nộp nhiều loại thuế và đóng góp nhiều khoản khác, ngày nay họ chỉ nộp một thứ thuế thống nhất, thuế thu bằng hiện vật. Những gia đình nào thu hoạch hằng nǎm không đầy 60 kilô thóc thì được miễn thuế. Những gia đình nào thu nhiều hơn số ấy thì phải nộp thuế luỹ tiến. Nói chung số thuế Chính phủ thu không quá 20% sản lượng hằng nǎm. Để thu thuế kịp thời, Đảng, Mặt trận thống nhất và Chính phủ đã huy động tất cả cán bộ để nghiên cứu loại thuế mới về mặt chính trị và chuyên môn. Sau khi học tập, cán bộ đi về nông thôn tổ chức những buổi nói chuyện, mít tinh, trao đổi ý kiến với nông dân, giải thích cho họ hiểu chính sách thuế mới.
Sau thời gian chuẩn bị đó, nam nữ nông dân bầu lên một uỷ ban gồm đại biểu của chính quyền và các đoàn thể. Uỷ ban đó có nhiệm vụ tính sản lượng từng gia đình và đặt mức thuế được Hội nghị toàn thể nông dân thông qua.
Cải cách này được nhân dân hoan nghênh, và họ đã tích cực tham gia vào công tác thuế nói trên.
Việc đặt ra thuế nông nghiệp được tiến hành song song với phong trào tǎng gia sản xuất. Hiện nay Chính phủ có đủ số lương thực để nuôi quân đội và cung cấp cho công nhân.
Như thế là chúng tôi đã phá tan kế hoạch quỷ quyệt của kẻ địch hòng bao vây và làm cho chúng tôi chết đói.
Về mặt giáo dục nhân dân, trong nǎm 1951 chúng tôi cũng đã thu được những thắng lợi đáng kể. Mặc dù chúng tôi đã gặp nhiều khó khǎn do chiến tranh gây nên (nhà trường phải luôn luôn thuyên chuyển, ban đêm mới có thể học tập, thiếu học cụ và giấy bút, v.v.), số nhà trường đã tǎng từ 2.712 nǎm 1950 đến 3.591 nǎm 1951, và số học sinh thì đã tǎng từ 293.256 đến 411.038 người.
ở miền Nam Việt Nam tình hình lại còn khó khǎn hơn nữa. ở đây khắp nơi đều có vùng tự do nhưng không phải là vùng an toàn. Trẻ em tới các lớp học (thực tế thì ở đây chỉ có những lớp học, chứ không có nhà trường theo đúng nghĩa của nó) với một tinh thần cảnh giác đề phòng như khi cha của các em đi đánh du kích.
Tuy vậy, hiện nay ở miền Nam Việt Nam cũng có đến 3.332 lớp học và 111.700 học sinh.
Công cuộc xoá nạn mù chữ được tiến hành một cách tích cực. Chỉ trong sáu tháng đầu nǎm 1951 ở ba khu (khu III, khu V và khu Việt Bắc), 324.000 người đã học xong và 350.000 người đã bắt đầu đi học.
Cũng trong thời gian đó đã có 53 xã và 3 huyện (mỗi huyện có từ 5 đến 10 xã) đã hoàn toàn xoá xong nạn mù chữ.
Các đoàn thể đã mở 837 lớp học, thu nạp 9.800 viên chức.
Đảng, Mặt trận thống nhất, Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động, Quân đội, v.v. đã thường kỳ mở những lớp huấn luyện chính trị ngắn hạn vào khoảng trên dưới một tuần lễ.
Nói tóm lại, chúng tôi đang có những sự cố gắng lớn trong việc giáo dục quần chúng.
VIỆC PHÁT TRIỂN VÀ CỦNG CỐ NHỮNG QUAN HỆ QUỐC TẾ
Trong nǎm 1951, những quan hệ của nhân dân Việt Nam với quốc tế đã phát triển và được củng cố.
Lần đầu tiên những đoàn đại biểu của nhân dân Việt Nam đã đi thǎm Trung Quốc nhân dân vĩ đại và nước Triều Tiên anh dũng. Những chuyến đi ấy đã củng cố hơn nữa tình anh em hàng ngàn nǎm nay giữa ba nước chúng tôi.
Đoàn đại biểu của thanh niên Việt Nam đi dự Đại hội liên hoan ở Bá Linh, đoàn đại biểu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đi dự hội nghị Liên hiệp công đoàn thế giới ở Vácxôvi và đoàn đại biểu hoà bình đi dự Hội nghị Hội đồng hoà bình thế giới ở Viên đã trở về Việt Nam, lòng đầy tin tưởng và phấn khởi. Trong các cuộc mít tinh và trên báo chí, các đại biểu đã kể lại cho nhân dân Việt Nam về sự tiến bộ lớn lao mà họ đã được mắt thấy tai nghe ở các nước dân chủ nhân dân và về tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân các nước anh em đối với Việt Nam đang đấu tranh cho độc lập và tự do.
Những đại biểu nào đã được qua thǎm Liên Xô, đều rất lấy làm sung sướng vì họ có thể kể lại cho chúng tôi về thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội và về đời sống ngày càng sung sướng của các dân tộc Liên Xô.
Sau khi đi dự Đại hội liên hoan về, nữ công nhân trẻ tuổi Trương Thị Xin đã nói rằng:
“Anh chị em nam nữ thanh niên Liên Xô rất trìu mến chiều chuộng chúng tôi trong thời gian chúng tôi ở thǎm nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại”.
Những cuộc nói chuyện của các đại biểu là những bài học sinh động rất bổ ích cho việc giáo dục tinh thần chủ nghĩa quốc tế cho quần chúng.
“Hoà bình ở Việt Nam! Rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam!”. Những đòi hỏi đó được ghi trong nghị quyết của phiên họp thường kỳ Hội đồng hoà bình thế giới ở Viên, những lời đó làm cho quần chúng nhân dân Việt Nam rất hǎng hái phấn khởi.
BỌN XÂM LƯỢC ĐI TỪ THẤT BẠI NÀY ĐẾN THẤT BẠI KHÁC
Nǎm vừa qua là nǎm đầy thắng lợi rực rỡ của Quân đội nhân dân chúng tôi. Còn bọn cướp nước thì bị thất bại nặng nề, chịu những thiệt hại to lớn về sức người và sức của. Theo số liệu chưa đầy đủ và không kể trận biên giới Hoa – Việt hồi tháng 10 nǎm 1950, đã tiêu diệt và bắt làm tù binh hơn 7.000 người của quân đội Pháp, trong nǎm 1951, bọn xâm lược Pháp đã mất 37.700 binh lính và sĩ quan bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Bọn xâm lược sẽ còn nhớ lâu trận Vĩnh Yên và Phúc Yên (miền Bắc Việt Nam) là nơi mà Quân đội nhân dân đã giáng một đòn chí mạng trong tháng Giêng nǎm ngoái. Chúng cũng sẽ không quên những cứ điểm ở miền Bắc Việt Nam, như Quảng Yên (đường số 18), Ninh Bình, Phủ Lý và Nghĩa Lộ là nơi mà các chiến sĩ vinh quang của chúng tôi đã đánh cho chúng tan tành hồi tháng 3 và tháng 5, tháng 6 và tháng 9. Nhưng đặc biệt đáng ghi nhớ là trận tiêu diệt chiến ở vùng Hoà Bình trong tháng 12 làm cho chúng bị thiệt hại chỉ còn vẻn vẹn không đầy 8.000 binh sĩ. Dân quân du kích anh dũng của chúng tôi hoạt động ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã gây cho địch những thiệt hại to lớn. Kể từ ngày quân đội viễn chinh Pháp mở cuộc xâm lược, địch đã mất hơn 170.000 người bị giết, bị thương hoặc bị bắt, trong khi đó thì quân đội chính quy Việt Nam và bộ đội du kích ngày càng trở nên lớn mạnh.
Chiến tranh du kích đang được đẩy mạnh và mở rộng ở các vùng tạm bị chiếm, nhất là ở tam giác châu thổ sông Hồng. Bộ đội du kích hoạt động một cách đặc biệt tích cực ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Đông, Hưng Yên, Thái Bình. Sau đây là những sự việc cụ thể.
Đầu tháng 10-1951, bọn cướp nước mở một cuộc tấn công càn quét đại quy mô, có 14 tiểu đoàn tham gia, gọi là “Chiến dịch Mêđuydơ” tấn công ba huyện (Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng). Từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 10, bộ đội du kích đã đánh những trận đánh ác liệt. ở ba điểm (Công Hổ, An Mỹ và An Bình), du kích đã tiêu diệt 500 lính Pháp. Chúng tôi thu được những thắng lợi đó là nhờ tinh thần anh dũng của bộ đội và du kích và cũng nhờ tinh thần hy sinh quên mình của toàn thể dân tộc Việt Nam. Trong mỗi chiến dịch có hàng vạn nam nữ thanh niên xung phong ủng hộ bộ đội, thường thường họ phải làm lụng trong những điều kiện gian khổ: dưới trời mưa to, trên những con đường núi bùn lầy và hiểm dốc…
Hàng ngàn người yêu nước đã trốn khỏi vùng tạm bị chiếm để tham gia vào công tác nói trên. ở đây chúng tôi cần phải nói đến thanh niên luôn luôn lập thành những đội xung phong.
Sau đây là một ví dụ nói lên sáng kiến và tinh thần yêu nước tuyệt vời của nhân dân.
Trong trận Hoà Bình, bộ đội chúng tôi phải vượt qua sông Lô. Quân đội Pháp đóng ở hữu ngạn. Còn dọc theo sông Lô thì thuỷ quân Pháp luôn luôn tuần tiễu. Như thế thì bộ đội làm thế nào có thể vượt qua sông mà địch vẫn không thể biết?
Nhân dân địa phương đã tìm ra lối thoát khỏi tình hình khó khǎn đó. ở một vùng cách xa sông Lô hàng chục cây số, nhân dân đã tìm được rất nhiều thuyền, và lần theo những con đường hẻm nhân dân đã vác những thuyền ấy đến địa điểm và theo đúng giờ đã định. Sau khi bộ đội đã qua sông, để giữ bí mật và tránh những cuộc bắn phá của máy bay địch, nhân dân vùng này lại vác những thuyền ấy chuyển về chỗ cũ.
ở đây tôi muốn nói qua về các bà mẹ chiến sĩ. Các bà mẹ phần lớn là những cụ già nông dân, nhiều bà mẹ đã có cháu. Các bà mẹ đã giúp đỡ cán bộ và bộ đội, sǎn sóc thương binh, coi họ như con đẻ. ở các vùng tạm bị chiếm, các mẹ chẳng khác gì các “nữ thần hộ mệnh” đã bảo vệ cho các chiến sĩ hoạt động bí mật. Việc làm của các bà mẹ thật đáng kính phục.
Như tôi đã nói trên kia, vì muốn bổ sung vào lực lượng đã bị hao hụt trong đội quân viễn chinh, bọn thực dân Pháp phải thành lập quân đội bù nhìn. Nhưng đây là một biện pháp nguy hiểm đối với chúng.
Một là, khắp nơi ở các vùng tạm bị chiếm, nhân dân đấu tranh chống những cuộc vây ráp và chống lại việc cưỡng bức động viên vào quân đội.
Hai là, những người bị động viên đã đi đến những hành động phá hoại. Ví dụ: một lần thủ hiến bù nhìn Bắc Kỳ, tự xưng mình là “anh cả của thanh niên” định đến thǎm một trường sĩ quan trung cấp ở Nam Định. Được tin đó, các học viên sĩ quan đã chuẩn bị đón khách một cách “long trọng”; họ viết lên tường nhà trường khẩu hiệu “đả đảo Bảo Đại! đả đảo bọn bù nhìn!” và đồng thời họ đã lấy tên Bảo Đại để gọi phòng vệ sinh.
Khi tên thủ hiến bù nhìn đến trường thì các học viên sĩ quan đã la ó làm cho y không thể nói chuyện được. Họ đặt những câu hỏi sau: “Ông anh cả ơi, tại sao ông anh lại muốn bắt đàn em đi chết thay cho bọn thực dân Pháp?”. Một số đã thử tìm cách “dã” tên thủ hiến bù nhìn một trận đòn. Cuối cùng tên bù nhìn đã “chuồn” như một con chó cúp đuôi chạy.
Nhiều tiểu đội trong quân đội bù nhìn đã bí mật viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói rằng họ chỉ chờ thời cơ thuận lợi để “trở về trong lòng của Tổ quốc” và họ sẵn sàng “thực hiện những mệnh lệnh… truyền cho họ, dù có nguy hiểm đến tính mệnh”.
SỰ THẤT BẠI HOÀN TOÀN CỦA BỌN THỰC DÂN PHÁP
Đầu nǎm 1951, tướng Đờ Tátxinhi vừa đặt chân đến Việt Nam đã khoe khoang về những thắng lợi sau này của quân đội Pháp.
Đầu nǎm 1952, Đờlát đờ Tátxinhi sau khi nếm mùi thất bại và thất vọng, đã thấy rõ rằng y sẽ thất bại hoàn toàn.
Vận mệnh của chính sách thực dân của Pháp đang làm cho các giới phản động nhất ở Pháp lo lắng.
Trong báo Thông tin (Information) số ra ngày 22 tháng 11 nǎm 1951, Đalađiê, một trong những “thủ phạm” vụ Muyních, đã viết: “Nếu chúng ta xét những nguyên nhân thật sự của tình hình tài chính nguy ngập của chúng ta, thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng là chính sách thiếu suy nghĩ chín chắn mà chúng ta đang thực hiện ở Đông Dương… Nǎm 1951, con số chi tiêu chính thức trong ngân sách Đông Dương đã lên tới 330 tỷ phrǎng. Do giá cả ngày càng đắt đỏ và số lượng đội quân viễn chinh tǎng lên không ngừng, hiện nay đã đến 180.000 người, cần phải thấy trước rằng trong nǎm 1952 các khoản chi tiêu sẽ tǎng lên 100 tỷ nữa. Chúng tôi cảm thấy rằng chiến tranh ở Đông Dương gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng đối với tình hình tài chính của chúng ta, và cả đối với tình hình quân sự của chúng ta nữa… Chúng ta không thể nào dự kiến rằng cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc một cách mau chóng và thắng lợi, một cuộc chiến tranh đã kéo dài 5 nǎm và có nhiều điểm giống với cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha thời Napôlêông 1 và cuộc viễn chinh ở Mêhicô thời đế chế thứ hai… 2 “.
Báo Không khoan nhượng (Intransigeant) trong số ra ngày 13 tháng 12 nǎm 1951 đã viết: ” nước Pháp đã bị tê liệt vì chiến tranh ở Đông Dương. Chúng ta đang lần lượt mất hết khả nǎng hành động, vì các lực lượng chủ yếu của chúng ta đang bị cột chặt ở các cánh đồng lúa Bắc Bộ… Trong ngân sách quân sự nǎm 1951, chúng ta đã dự trù 330 tỷ cho Đông Dương. Theo con số chính thức thì ở Đông Dương chúng ta đã tiêu hơn 350 tỷ. Trong ngân sách 1952, chúng ta đã dự trù 380 tỷ. Nhưng chắc chắn rằng chúng ta sẽ tiêu đến 500 tỷ… Sự thật là như thế đấy… Cứ mỗi lần, hễ nước Pháp muốn thử ra tay hành động một phen, thì nước Pháp liền thấy rõ rằng mình đãbị Đông Dương làm cho tê liệt”.
Và đây, báo Người du kích (Franc-tireur) số ra ngày 16 tháng 12 nǎm 1951 đã viết: “Những trung đoàn của ông Võ Nguyên Giáp mà người ta vẫn nói là đã bị tiêu diệt và đã tan rã về mặt tinh thần… đang phản công đánh vào vùng Hà Nội… Càng ngày chúng ta càng thấy rõ rằng chính sách mà chúng ta thực hiện cho đến nay, đã thất bại. Ngày nay rõ ràng là chính sách đó đã thất bại hoàn toàn”.
Sau đây tôi xin nhường lời cho một sĩ quan Pháp vốn ở trong quân đội viễn chinh. Đại uý Gadinhốp, bị chúng tôi bắt làm tù binh trong trận đánh ở Hoà Bình ngày 7 tháng 1 nǎm 1952, đã viết thư kêu gọi các bạn đồng ngũ như sau:
“Bị bắt làm tù binh cách đây mấy hôm, tôi rất lấy làm lạ rằng binh lính trong quân đội nhân dân Việt Nam đối xử với tôi tử tế và đúng đắn…
Quân đội Việt Nam nhất định sẽ thu được thắng lợi cuối cùng, vì họ đấu tranh cho một lý tưởng cao quý, có một mục đích chung và được xây dựng trên nguyên tắc kỷ luật tự giác. Hoàn toàn đã rõ ràng quân đội Việt Nam sẽ tiêu diệt đội quân viễn chinh Pháp. Nhưng quân đội Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận những kẻ nào trong các bạn muốn chạy sang phía họ.
Những sĩ quan, hạ sĩ quan, binh lính Pháp muốn chạy sang phía quân đội Việt Nam, thì sẽ được đối xử như bạn hữu và sẽ được tự do”.
NHÂN DÂN VIỆT NAM NẤT ĐỊNH CHIẾN THẮNG!
Trong nǎm 1952, Việt Nam chuẩn bị thực hiện chương trình gồm những điểm chính sau đây:
Tǎng gia sản xuất, củng cố nền kinh tế.
Chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch. Đẩy mạnh chiến tranh du kích.
Tìm mọi cách vạch mặt chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế.
Kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, tham ô và lãng phí.
Lòng yêu nước và tinh thần anh dũng của nhân dân Việt Nam làm cho chúng tôi vững tin ở thắng lợi cuối cùng.
*
* *
Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa xuân. Vui mừng trước vẻ đẹp của mặt trời mùa xuân, chúng tôi sẽ đấu tranh cho một tương lai rực rỡ của Việt Nam, cho tương lai của nền dân chủ, của hoà bình trên toàn thế giới và của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi là những kẻ chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai, vì con đường đi của chúng tôi được học thuyết vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lênin soi sáng.
DIN
Viết tháng 1-1952.
Sách Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr. 395-406.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.