Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự. Dân chủ thực sự là chống phong kiến địa chủ và chống đế quốc.
Sau 80 nǎm nô lệ, nhân dân ta nổi lên đánh đổ đế quốc giành lại độc lập. Bọn phong kiến địa chủ lại mưu bán nước. Trong chính phủ bù nhìn là những ai? Bảo Đại và những tên đầu sỏ khác đều là bọn đại địa chủ phong kiến. Đế quốc lợi dụng phong kiến địa chủ để cướp nước ta. Phong kiến địa chủ bám vào đế quốc để áp bức bóc lột nhân dân ta. Vì thế, muốn kháng chiến thắng lợi không những phải đánh đổ đế quốc mà còn đánh đổ cả phong kiến địa chủ.
Các nước dân chủ mới như Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ Đông Âu đều chia ruộng đất cho dân cày. Nội dung cách mạng dân chủ cǎn bản là giải phóng cho nông dân, chia ruộng đất cho nông dân. Nội dung cách mạng dân tộc cũng là giải phóng cho nông dân. Bao giờ ở nông thôn nông dân thật sự nắm chính quyền, nông dân được giải phóng thì mới là dân chủ thực sự. Vì nước ta ở trong hoàn cảnh đặc biệt, cách mạng vừa thành công thì phải kháng chiến ngay, cho nên từ đó đến nay Đảng và Chính phủ áp dụng chính sách giảm tô, giảm tức hợp với điều kiện nước ta, như thế là đúng, nhưng có chỗ giảm chưa đúng, có chỗ chưa giảm, chính sách giảm tô chưa được thi hành triệt để.
Chính sách của Đảng và của Chính phủ là đúng, vì sao mà không thi hành được triệt để?
Vì cán bộ không nắm chính sách, lập trường không vững, muốn được lòng nông dân mà cũng muốn được lòng địa chủ, có khi muốn được lòng địa chủ hơn, cán bộ tự tư tự lợi; mình tuy ở trong Đảng nhưng còn cái đuôi phong kiến địa chủ thò ra. Chưa gột rửa sạch tư tưởng phong kiến địa chủ, xui nông dân xung phong mà mình không xung phong; thậm chí tham ô, lãng phí, cán bộ từ khu, tỉnh, huyện, xã hoặc nhiều hoặc ít đều mắc khuyết điểm trên. Nói tóm lại, trong đầu óc cán bộ còn rất nặng những tư tưởng địa chủ.
Các cô các chú cần phải gột rửa cho sạch tư tưởng phong kiến địa chủ.
Địa chủ cũng có đôi người làm cách mạng, nước ta cũng như các nước khác, ta cũng có vài đồng chí, đại địa chủ mà làm cách mạng, hồi bí mật có bao nhiêu tiền của giúp cho Đảng hết, cam tâm chịu tù đày. Họ tuy là người trong giai cấp địa chủ nhưng lập trường và tư tưởng đã đứng về phe vô sản, là người của giai cấp công nhân.
Chắc các cô các chú có nghe nói chuyện đồng chí Bành Bái ở Trung Quốc, gia đình đồng chí ấy là đại địa chủ, đại phong kiến, nhưng đồng chí ấy đã tổ chức và lãnh đạo nông dân đấu tranh rất quyết liệt chống địa chủ phong kiến.
Vấn đề xuất thân có quan hệ thật nhưng nếu xuất thân là địa chủ nhưng đứng hẳn về phía nông dân, thì không phải là địa chủ nữa. Trung Quốc gọi những địa chủ hoan nghênh cải cách ruộng đất là “thân sĩ khai minh”. Cho nên, nếu kiên quyết rửa sạch tư tưởng địa chủ, thì dù xuất thân là địa chủ vẫn tham gia được cách mạng.
Nói tóm lại: lập trường phải cho vững, tư tưởng phải dứt khoát.
Lập trường không vững vàng, tư tưởng không dứt khoát, thì nghiên cứu gì cũng không thực hành được cách mạng ruộng đất.
Vì giảm tô chưa thực hiện được triệt để, cho nên nǎm nay Đảng và Chính phủ phải chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô. Từ nǎm 1949 đã có sắc lệnh giảm tô, đến nay đã 4 nǎm mà vẫn chưa thực hiện triệt để. Xem đó thì biết rằng giảm tô không phải là một vấn đề giản đơn, nó là một bộ phận của giai cấp đấu tranh, giai cấp nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ. Đây cũng là một chiến dịch, nhưng chiến dịch này to và rộng hơn chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, vì nó mở ra khắp cả nước. Nó càng khó hơn đánh giặc, vì đánh giặc thì đưa vũ khí ra mà đánh, trong chiến dịch này nông dân không đưa súng đạn ra đánh với địch, nhưng phải dùng một thứ vũ khí mạnh hơn, tức là lực lượng tổ chức và lực lượng đoàn kết của hàng triệu nông dân. Đảng và Chính phủ là Bộ Tổng tư lệnh,
Bộ Tổng tham mưu của cuộc đấu tranh này. Cũng như mọi chiến dịch khác, nó phải có chính sách rõ ràng, phương châm đúng đắn, kế hoạch đầy đủ, có tổ chức, có lãnh đạo, chứ không phải nói “phóng tay phát động” quần chúng là phóng tay lung tung. Khi thi hành không được “tả”, không được “hữu”. “Tả” và “hữu” đều thất bại. Phải theo đúng chính sách và phương châm. Cũng như đánh giặc, ta phải biết có thể làm được gì, chưa làm được gì, làm thế nào, bước đầu như thế nào, bước thứ hai, thứ ba thế nào? Muốn theo đúng chính sách, phương pháp, kế hoạch, muốn lãnh đạo đúng, thì lập trường phải vững, tư tưởng phải thông.
Tư tưởng và hành động phải nhất trí, lý luận và thực hành phải nhất trí, cán bộ trên dưới phải nhất trí, cán bộ và nông dân phải nhất trí, thì mới chắc thành công.
Một điểm nữa là phải tuyệt đối tránh chủ quan; không nắm trọng điểm mà cái gì cũng muốn nắm hết, làm hết, muốn cho mau, tưởng có phương châm chính sách rồi thì cái gì cũng trôi chảy. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng giai cấp địa chủ rất nhiều mưu mẹo, rất xảo quyệt, rất hung ác. Nguyên tắc đấu tranh là: “Tri bỉ tri kỷ”, nghĩa là biết địch biết ta. Nếu chỉ biết mình mà không biết địch hay là chỉ biết địch mà không biết mình là chỉ biết một nửa và không thể thành công. Giai cấp địa chủ có trǎm phương nghìn kế, từ mua chuộc cán bộ, mời cán bộ ǎn, gả con cho cán bộ đi đến chỗ phá hoại mùa màng, tổ chức rối loạn, ám sát cán bộ và nông dân. Địa chủ không từ âm mưu thâm độc nào, đối phó với chúng không phải là dễ. Chúng có kinh nghiệm từ mấy nghìn nǎm thống trị, nhiều mưu mẹo, nếu ta khinh địch thì sẽ thất bại.
Phát động quần chúng như thế nào? Phát động phải nhằm vào tổ chức. Bất cứ lực lượng nào nếu không tổ chức chặt chẽ thì không có hiệu quả. Khi tổ chức rồi phải giáo dục, làm cho quần chúng tự giác, tự động, biết sức lực của họ, biết quyền lợi của họ, làm cho họ mạnh dạn đấu tranh. Phát động quần chúng phải tránh bao biện, phải tránh quan liêu mệnh lệnh, ép buộc, cán bộ về địa phương là để giúp nông dân tổ chức, giúp nông dân giác ngộ, đoàn kết đấu tranh. Làm thế nào khi cán bộ rút đi rồi, phong trào vẫn cứ tiếp tục phát triển không xẹp xuống. Lúc cán bộ về làng thì phong trào lên, khi cán bộ rút đi thì phong trào xuống, đó là vì cán bộ quan liêu mệnh lệnh, không biết bồi dưỡng cốt cán.
Phát động quần chúng không phải như lửa rơm, đốt cháy bùng lên rồi tắt ngay. Phải làm cho quần chúng giác ngộ, làm cho phong trào ǎn sâu trong địa phương, tự quần chúng nêu vấn đề, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ tranh đấu. Không phải cán bộ học được gì rồi thì mang nói cho nông dân ngồi nghe. Vì thế, trước hết cần chú ý vấn đề tổ chức. Hiện nay có Nông hội chỉ có tên không có thực, không có sinh hoạt, thiếu giáo dục, vì những phần tử xấu nắm quyền lãnh đạo. Vì thế phải chỉnh đốn tổ chức, nơi nào chưa có Nông hội thì phải tổ chức, nơi nào đã có thì phải củng cố rồi phát triển.
Không phải tổ chức Nông hội rồi là xong việc, vì vấn đề nông dân, vấn đề ruộng đất rất phức tạp, cho nên tổ chức nó cũng phức tạp và nhiều hình thức. Chỉ tổ chức Nông hội để tranh đấu giảm tô mà thôi thì cũng chưa đủ. Khi tổ chức tranh đấu giảm tô đồng thời phải tổ chức tǎng gia sản xuất. Nếu chỉ tổ chức tranh đấu giảm tô và tǎng gia sản xuất mà thôi, cũng chưa đủ. Tǎng gia sản xuất để cải thiện đời sống của nhân dân, cung cấp cho bộ đội, nhưng còn phải tổ chức công an, dân quân địa phương để ngǎn ngừa địa chủ phá hoại, để giữ gìn những kết quả đã tranh đấu được và tǎng gia sản xuất được.
Tổ chức rồi phải giáo dục huấn luyện quần chúng. Phải lấy thực tế hành động tranh đấu hằng ngày để giáo dục, làm cho quần chúng thấy lực lượng của họ, phát huy sáng kiến, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ nâng cao địa vị kinh tế, chính trị, vǎn hoá của họ. Muốn thực hiện như thế, không phải mệnh lệnh bắt quần chúng phải theo, mà phải làm cho họ tự giác tự động. Cán bộ phải nắm vững chính sách của Đảng, của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng. Quần chúng rất nhiều sáng kiến, họ hiểu biết rất mau, nhất là những cái thuộc về quyền lợi của họ. Cán bộ phải tìm hiểu quần chúng, phải học hỏi quần chúng để lãnh đạo quần chúng. Cán bộ phải kiên nhẫn, quyết tâm, phải chí công vô tư. Nếu tự tư tự lợi, lập trường không vững, tư tưởng không thông, thì tài giỏi gì cũng vô dụng, vì quần chúng rất thông minh. Ai ra sức phục vụ, ai tự tư tự lợi, họ biết ngay, không giấu được họ.
Phát động quần chúng triệt để giảm tô không phải là việc giản
đơn dễ dàng. Nhưng có phải vì khó mà sợ không? Ta phải thấy rõ những phức tạp, khó khǎn để chuẩn bị khắc phục nó. Muốn khắc phục nó thì phải tổ chức quần chúng, dựa vào quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, việc gì cũng bàn bạc với quần chúng, thì dù vấn đề khó khǎn mấy cũng sẽ giải quyết được hết.
Đó là một chiến dịch to lớn, phức tạp, khó khǎn, phải thấy rõ sự thực như thế để quyết tâm khắc phục. Nhất định ta làm được, vì ta có Đảng, có chính quyền, có Mặt trận, có bộ đội, có kinh nghiệm quốc tế, đồng thời ta có hàng triệu chiến sĩ nông dân, khi đã giác ngộ thì họ là những chiến sĩ quyết chiến quyết thắng.
Với một Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu mạnh mẽ là Đảng, Chính phủ, với một bộ đội có hàng triệu người, với số cán bộ như các cô các chú ở đây và hàng nghìn hàng vạn cán bộ khác thì kẻ địch nào ta cũng đánh tan được.
Bác nhắc mấy điều nữa.
Bác cảm thấy các cô các chú ở địa phương đến đây mang một ba lô vấn đề muốn giải quyết cả ở đây. Như thế là không đúng. Các cô các chú phải biết rằng khi về địa phương thì tình hình có thể biến đổi khác, cho nên chủ yếu là cán bộ nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng và quyết tâm làm tròn nhiệm vụ thì dù gặp thiên biến vạn hoá cũng giải quyết được. Vì vậy các cô, các chú cố gắng nắm vấn đề chính mà nghiên cứu cho sâu, mà đánh thông tư tưởng và tự nhắc nhủ mình dù khó khǎn phức tạp mấy nhưng quyết tâm quyết chí thì nhất định làm tròn được. Điều nữa là phải hiểu: Đảng lãnh đạo nông dân, không phải nông dân lãnh đạo Đảng; các cô các chú phải nhận rõ mình là giai cấp công nhân lãnh đạo nông dân. Cán bộ nào nói “mình thay mặt nông dân”… là nói sai. Mình là đảng viên phải phục vụ nông dân, lãnh đạo nông dân kháng chiến kiến quốc, nhưng không phải là mình đứng vào địa vị nông dân.
Mong các cô các chú cố gắng làm cho Hội nghị thành công.
Nói ngày 5-2-1953.
Tài liệu lưu tại
Viện Lịch sử Đảng.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.