Bài nói chuyện tại lớp chỉnh huấn các cơ quan Khu I (25-8-1953)

Các cô, các chú học tập có tiến bộ không ? Nhiều hay ít, chắc ai cũng có tiến bộ cả. Đáng lẽ trong lúc các cô, các chú học tập, ngoài các đồng chí phụ trách lớp học, các đồng chí Trung ương cũng đến thǎm hỏi nhưng vì công việc bận lắm. Nay Bác thay mặt Trung ương đến thǎm các cô, các chú.

Cǎn cứ vào báo cáo của các cơ quan và kinh nghiệm của các nơi khác, Bác nói chuyện với các cô, các chú mấy điểm sau đây:

1- Các cô, các chú, đảng viên cũng như không đảng viên, đều đã tham gia kháng chiến mấy nǎm nay, chịu cực chịu khổ. Các cô, các chú như vậy đã làm tròn một phần nhiệm vụ đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với Đảng, nhưng chỉ làm tròn nhiệm vụ một phần thôi.

Vì sao phải chỉnh huấn ? Mục đích chỉnh huấn là gì ?

Vì sao phải chỉnh huấn ? Vì mỗi người hoặc nhiều hoặc ít, có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm. Vì có khuyết điểm nên phải chỉnh huấn để sửa chữa, cũng như người ốm phải chữa bệnh. Vì vậy trong chỉnh huấn các cô, các chú phải cố gắng học tập, đào sâu suy nghĩ. Khi kiểm thảo, có khuyết điểm gì phải nói hết, không sợ Đảng, Chính phủ hay anh em coi thường, nhưng để anh em và Đảng giúp cho sửa chữa.

Người có ít khuyết điểm cũng cần sửa chữa, nếu không thì hoá nhiều. Người có nhiều khuyết điểm chớ có bi quan. Đảng và anh em giúp cho sửa chữa, thì khuyết điểm đến mấy cũng sửa chữa được.

Mục đích của chỉnh huấn là gì? Ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có ưu điểm. Mục đích của chỉnh huấn chỉ là để sửa các khuyết điểm, để các cô, các chú thành những cán bộ xứng đáng đối với Đảng, đối với nhân dân. Do đó, trong lúc học, phải cố gắng kiểm thảo, cố gắng thực thà, cố gắng sửa chữa. Các anh em giúp cho sửa chữa, Đảng giúp cho sửa chữa để xứng đáng đối với Đảng, đối với dân tộc.

2- Nước ta bị nô lệ dưới ách thực dân và phong kiến rất lâu nǎm, đế quốc gần một trǎm nǎm, phong kiến hàng mấy nghìn nǎm. Kháng chiến để đập tan ách đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất thực sự, thực hiện chế độ dân chủ mới, tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Vì ách nô lệ lâu nǎm nên phá cũng phải lâu nǎm. Thí dụ như một cây to, muốn hạ nó cũng phải lâu, không phải vài phút đồng hồ mà đẵn được gốc rễ của nó. Do đó kháng chiến phải trường kỳ, gian khổ. Nếu muốn đoản kỳ, không muốn gian khổ, không được, vì đây là cuộc chiến tranh lớn, chống một đế quốc mạnh là Pháp, có Mỹ – Anh giúp sức. Trong gian khổ, sự chịu đựng cũng không đều nhau. Các cô, các chú ở cơ quan, chịu đựng gian khổ cũng không đều. Người làm việc bàn giấy không gian khổ bằng người giao thông phải dầm mưa dãi nắng. Dù người giao thông khổ nhưng so với chiến sĩ ngoài mặt trận lại khổ hơn. Các chiến sĩ có khi phải nhịn đói ba ngày mà vẫn phải bám sát quân địch; đường đèo giời mưa, đi một đêm 40 cây số để đuổi theo giặc. Chiến sĩ không than phiền, cho đó là nhiệm vụ. Các cô, các chú nên lấy đó làm gương. Đánh giặc chẳng những gian khổ còn phải xông pha tên đạn. Giặc chết và bị thương thì mình cũng chết và bị thương. Chiến sĩ chẳng những gian khổ còn hy sinh xương máu cho dân tộc, cho Đảng. Như vậy gian khổ của mình chưa thấm vào đâu. Phải biết vậy để chịu đựng được.

Có người nói: gian khổ, trường kỳ chịu được nhưng gia đình thì thế nào? Cố nhiên, tình gia đình ai cũng có, không có không được. Nhưng mình là người cách mạng, người kháng chiến được Đảng giáo dục phải trông xa thấy rộng hơn. Mình có mấy gia đình, gia đình to nhất là giai cấp. Giai cấp không phải chỉ ở trong nước, mà còn ở Liên Xô, Trung Quốc, các nước bạn. ấy là gia đình của mình. Nếu giai cấp chưa được giải phóng hoàn toàn, mình chưa được giải phóng hoàn toàn. ở Việt Nam ta, cả dân tộc là đại gia đình. Dân tộc có được giải phóng thì gia đình nhỏ của mình mới được giải phóng. Nếu gia đình to chưa được giải phóng, gia đình mình cũng chưa được giải phóng.

Phải cân nhắc: hy sinh lợi ích gia đình nhỏ cho gia đình to, hay hy sinh lợi ích gia đình to cho gia đình nhỏ của mình. Các cô, các chú tự cân nhắc lấy. Nếu cân nhắc đúng thì sẽ ít thắc mắc về tiểu gia đình của mình. Phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Lợi ích chung có thắng lợi thì lợi ích riêng mới thắng lợi.

Người ta ai chẳng muốn có gia đình và thương gia đình. Nhưng cũng có người hy sinh gia đình nhỏ cho đại gia đình. Thí dụ các liệt sĩ nước ta. Cũng có người biết như thế không muốn có tiểu gia đình để toàn tâm toàn ý cho đại gia đình.

3- Một điểm nữa mà các lớp chỉnh Đảng cũng có quan hệ với địa chủ, với bà con, vợ con ở trong thành. Có cái khó: khi kháng chiến, mình muốn kháng chiến, muốn trung thành. Về lý luận muốn cắt đứt, nhưng nếu gia đình gửi cho bút máy, gửi tiền thì khó cắt đứt. Trên lý luận phải cấm tuyệt. Thực tế, Chính phủ, Đảng không hạ mệnh lệnh phải cắt đứt đi. Đó là cái khổ tâm, vì thấy cán bộ của mình lập trường chưa vững, chưa thấy cái hại của quan hệ với địa chủ, với bà con trong vùng địch. Gia đình ở trong thành có quan hệ với vùng tự do. Tây nó biết hết và nó lợi dụng làm trinh thám cho nó, bất kỳ ai, có khi gia đình không biết, cán bộ không biết nhưng nó lợi dụng vì ai ra vào nó phải biết. Nó để gia đình đi lại tự do như thế để nó lợi dụng. Nó hỏi dò tin tức, anh ấy làm ở đâu, chị đi đến đâu mà gặp anh ấy, rồi dần dà nó hỏi cơ quan ở đâu. Gia đình không được giáo dục bị nó lợi dụng. Một người như vậy hại một ít, hai người hại gấp đôi, có khi nó lại đi theo cán bộ để tìm biết cơ quan. Còn quan hệ, còn hại, gia đình làm trinh thám cho Tây mà không biết, để mang lại cái gì? Cái đồng hồ, bút máy? Đây là hại chung, còn có hại riêng nữa: có hàng mấy chục vạn cán bộ theo kháng chiến. Có phải ai cũng có gia đình ở trong thành đâu. Sao họ sống được. Vì sao mình không cắt đứt được. Vì không quyết tâm chịu khổ, còn có tư tưởng ǎn bám. Như vậy hại chung cho kháng chiến, hại riêng cho tinh thần trong sạch của cán bộ ấy.

4. Một điểm nữa “Tất cả đấu tranh cho cách mạng”. Có một số bây giờ theo đuổi kháng chiến, cho kháng chiến thành công thì xin về nghỉ. Như vậy không đúng vì kháng chiến thành công mới chỉ có một bước thôi, vì kháng chiến xong phải kiến quốc, kiến quốc cũng khó nhọc cần phải đấu tranh, vậy nếu kháng chiến thành công về nghỉ thì ai làm? Các cô các chú đấu tranh lâu nhất ở đây là ai? (Lớp học giới thiệu đồng chí Lưu đấu tranh cho cách mạng từ nǎm 1926).

Chú Lưu đấu tranh như vậy đến 30 nǎm mà còn phải đấu tranh. Bác cũng vậy, cũng còn phải đấu tranh mãi. Đến chủ nghĩa cộng sản vẫn phải đấu tranh và đấu tranh một cách khác, không phải đấu tranh với người mà đấu tranh với thiên nhiên. Thí dụ Liên Xô có bãi cát mấy triệu mẫu, khai kênh, giồng cây để biến thành đất tốt, giồng lúa, bông để người cộng sản sử dụng.

Như vậy đến chủ nghĩa cộng sản cũng vẫn phải đấu tranh.

Như vậy có mấy bước: kháng chiến, xây dựng xã hội dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Hết kháng chiến mới hết bước đầu mà đã xin về nghỉ, như vậy có lý không ? Như thế là không có chí khí.

5. Nhiều cô, chú không an tâm công tác. Thí dụ: Chú coi ngựa sợ coi ngựa thì bao giờ tiến bộ, chú nấu bếp sợ nấu cơm thì bao giờ tiến bộ hay chú đánh máy cũng nghĩ như vậy, sợ đánh máy thì bao giờ tiến bộ, v.v.. Không đúng. Các cô các chú phải biết: chung là cả xã hội, gần lại là cả một nước, hẹp lại là cả một Chính phủ, trong ấy mỗi cơ quan là một bộ máy. Thí dụ một cái đồng hồ, các cô, các chú thấy giây da đeo tay, cái trục máy, cái kính, cái kim, cái chữ và ở trong có bộ máy. Trong cái đồng hồ, có cái đứng, cái chạy, cái to, cái nhỏ, tất cả làm thành một bộ máy. Thiếu một cái đinh nhỏ, không thành bộ máy, bộ máy hỏng. Trong đồng hồ, có cái chạy, cái kim ngắn chạy lâu, cái kim dài chạy chóng, các chữ đứng mãi một chỗ. Các cô, các chú có thấy nhiệm vụ của mỗi bộ phận máy, hành động của mỗi bộ phận máy khác nhau không? Thí dụ đứng núi này, trông núi nọ, các chữ muốn chạy như kim, các kim muốn đứng một chỗ như chữ. Như vậy không thành bộ máy. Mỗi cơ quan cũng thế, ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà to nhất là Bác, thấp nhất là các chú nấu bếp, có phải không? Nếu Bác không có chú nấu ǎn, Bác có làm được việc không? Nếu chú nấu bếp không làm tròn được nhiệm vụ, để cơm sống, cơm khê, canh thiu, Bác cũng không làm tròn được nhiệm vụ. Chú giao thông chạy thư, đáng lẽ một giờ, làm tròn nhiệm vụ; nhưng nghênh ngang mất mấy giờ đồng hồ mới đến nơi rồi lại mất mấy giờ đồng hồ mới trở về. Đáng lẽ mất hai giờ đồng hồ thành mất mấy giờ đồng hồ, công việc giải quyết chậm thành thất bại. Như vậy công việc của chú giao thông rất quan hệ, công việc của chú đánh máy cũng vậy.

Như vậy, chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người làm không tròn nhiệm vụ là hỏng cả. Trong công tác có người làm công tác này, người làm công tác kia nên địa vị khác nhau, nhiệm vụ quan trọng khác nhau.

(Bác nói với một chị làm ở điện đài).

Thí dụ bây giờ cô làm chủ tịch, Bác làm điện đài có được không? Không được. Nếu Bác không làm tròn nhiệm vụ, Bác có tội với Đảng, với nhân dân. Cô không làm tròn nhiệm vụ, cô cũng có tội. Nếu Bác không làm tròn nhiệm vụ mà cô làm tròn nhiệm vụ, thế là cô hơn Bác.

Nǎm ngoái, một trí thức, chú Trần Đại Nghĩa giúp việc đắc lực cho kháng chiến được bầu làm Chiến sĩ thi đua. Một nông dân khác cũng được bầu làm anh hùng vì làm tròn nhiệm vụ, một công nhân khác cũng được bầu như vậy, vì làm tròn nhiệm vụ. Bất kỳ người nào, làm bất kỳ một việc gì, chính trị hay chuyên môn, nếu làm tròn nhiệm vụ, thì đều có kết quả, đều có thể thành một anh hùng của dân tộc. Trong số hơn trǎm Chiến sĩ được bầu lên, có người chỉ

nấu ǎn, có người chỉ may áo cho bộ đội.

Tóm lại, bất kỳ làm việc gì cũng có ích cho Đảng, cho Chính phủ, cho dân tộc. Vậy bất kỳ làm việc gì, cố mà thi đua, giúp anh em thi đua đều là anh hùng của dân tộc, không nên nghĩ chỗ này thì tiến bộ, chỗ khác không tiến bộ. Bất kỳ làm việc gì cũng phải cố gắng, kiên quyết an tâm công tác, sẽ vẻ vang và có thể trở nên anh hùng được.

Nói ngày 25-8-1953.
Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ
Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

Advertisement