Hôm nay tôi đến, thấy các cụ, các anh chị em vui vẻ, tôi cũng vui. Mục nói chuyện của tôi là gặp đâu nói đấy.
Tôi nghe nói buổi chiều vừa khai hội phê bình cho đảng viên. Tóm tắt những sai lầm của đảng viên là xa cán bộ ngoài Đảng; khi nói chuyện, bàn bạc thì ra mặt làm thầy; việc không biết lại giấu dốt; đối đãi với anh em thì khách sáo, không chân thành thật thà.
Theo tôi, một số cán bộ, đảng viên ở cơ quan và địa phương nhận những lời phê bình ấy, là đúng.
Thứ nhất, tôi thay mặt Đảng cám ơn các cụ, các anh chị em đã phê bình. Trong Tuyên ngôn của Đảng có yêu cầu nhân dân và các Đảng bạn phê bình cho Đảng.
Thứ hai, anh em trong Đảng thì phải nhận xét, tự kiểm thảo phê bình; xem lại những điều anh em đã phê bình để sửa đổi, vì khuyết điểm ấy không đúng với sự giáo dục của Đảng. Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết, phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt. Đối với mọi người, phải thật thà chân thành, không khách sáo, ngoại giao. Làm như thế thì cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng tin nhau, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ.
Tôi có xem lại những câu hỏi anh em đặt ra. Đặt nhiều câu hỏi như thế là rất tốt. Anh chị em đến đây thảo luận, cái gì chưa biết, chưa thông đưa ra thảo luận, không để bụng, không giấu giếm, như thế rất tốt.
Tôi có một số ý kiến sau đây, đúng hay không, anh em xem lại.
1. Nói chung, đại đa số câu hỏi đặt ra đều lấy cái “tôi”, cái cá nhân mình làm chủ thể. Thí dụ: dân đối với tôi thế nào? Đảng đối với tôi thế nào? Chính phủ đối với tôi thế nào? Anh em cán bộ tôi tương lai thế nào? Địa vị của tôi thế nào? Tóm lại là lấy cái tôi, lấy cá nhân mình làm chủ thể, đòi quyền lợi của cá nhân mình mà không nói gì đến nghĩa vụ của mình. Phải nói: tôi đối với dân phải thế nào? Đối với Đảng phải thế nào? Đối với Chính phủ phải thế nào? Nói rộng ra là chỉ đòi nhân dân phục vụ mình mà không nói mình phải phục vụ nhân dân thế nào?
2. Từ cái tôi đi đến cái “ta”. Nhưng cái ta bị động. Thí dụ: Mỹ mạnh, can thiệp vào Việt Nam, ta thế nào? Mỹ giúp Pháp mạnh hơn, ta thế nào? Giúp bù nhìn tổ chức quân đội mạnh hơn, ta thế nào? Tôi chắc là sau khi nghiên cứu kỹ, phải đặt ngược lại là: ta chủ động, Mỹ đến ta cũng đánh; Pháp mạnh, ta cũng đánh; bù nhìn tổ chức thêm quân, ta cũng đánh.
Cũng vì “tôi” và “ta” ấy, nên nhiều vấn đề không giải quyết được; nếu chủ động thì rất dễ giải quyết.
Một điểm nữa. Nghe nói các ngành, các cá nhân ôn lại, xét lại những việc mình đã làm trong hồi Pháp thuộc, thấy thằng Pháp xấu xa và làm nhục mình.
Đặc biệt anh em thấy việc nó đối đãi, giáo dục mình là nhục nhã hơn. Nhưng thấy thế vẫn chưa triệt để. Thấy nhục là một bước, phải tiến lên bước nữa: thấy tội của mình. Vì Pháp nhồi sọ, mua chuộc nên mình đã đối đãi với nhân dân như thế nào, điều ấy anh em chị em chưa nghĩ tới. Thấy mình nhục đã đành, còn phải thấy tội nữa.
Xin lỗi cụ Bùi, (có tiếng cụ Bùi: “Không dám, xin cụ cứ nói”) ví dụ: thời trước cụ làm thầy giáo thì không có gì là tham ô, lãng phí của nhân dân, vì dạy bao nhiêu giờ lĩnh bấy nhiêu tiền. Nay xét lại,
lúc đó dạy thì dạy gì, đào tạo người thì đào tạo cho ai? Vì “tôn sư trọng đạo”, cụ ở địa vị ông thầy, nên được lớp trí thức trọng cụ, dân cũng trọng cụ. Nhưng ông thầy lúc ấy nói gì? Nói chống Tây thì nó đá đít. Dù muốn hay không, cũng phải nói đế quốc, phong kiến là tốt. Như thế là có thể có tội với nhân dân rồi. Tôi nghe đây có 4 đời là học trò cụ, như thế là tứ đại nô lệ.
Tóm lại, các ngành thấy Tây đối đãi với mình là nhục, nhưng phải tiến lên bước nữa xét tội của mình đối với nhân dân. Để đi đến đâu? Đi đến càng cǎm thù đế quốc phong kiến. Cǎm thù đây không phải là tiêu cực, mà phải tích cực làm gì cho nhân dân để chống lại đế quốc phong kiến. Có làm được không? Nhất định có thể làm được.
*
* *
Có mấy vấn đề anh em thảo luận nhiều. Vấn đề Mỹ thì hoặc là đã rõ rệt, hoặc là chưa rõ rệt chừng nào. Đại ý nói Mỹ giỏi, Mỹ mạnh, rồi đi đến sợ Mỹ. Vấn đề này, tôi nói dài một chút.
Mỹ có mạnh không? ở Trung Quốc, sau khi đánh đổ bọn Tưởng Giới Thạch được Mỹ hết sức giúp, người ta gọi Mỹ là con cọp giấy. Nói thế có quá không?
Về chiến tranh ở Triều Tiên 10 , Mỹ có khối tư bản muốn hoà, có khối muốn đánh, tức là bọn làm công nghiệp nặng, tàu bay, xe tǎng. Vì có hai khối trái nhau, khối không muốn đánh tìm lý lẽ chống lại khối muốn đánh. Nghe đế quốc Mỹ phê bình đế quốc Mỹ, nhiều người tin hơn là ta phê bình nó. Chúng phê bình nhau thế nào?
Một người có địa vị chính trị ở Mỹ nói: “Mỹ có mạnh không? Nếu Mỹ cứ theo chính sách chiến tranh như ở Triều Tiên thì sẽ đi đến sụp đổ vì 5 cớ:
1. Kinh tế Mỹ là kinh tế xây dựng trên chiến tranh, nghĩa là trong cuộc Chiến tranh thứ nhất và thứ hai, Mỹ phát tài rất to. Nếu hoà bình, kinh tế chiến tranh của Mỹ sẽ sụp đổ. Thí dụ: hồi đầu tháng 6, nghe Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên bằng lòng đình chiến, thị trường chứng khoán (Bourse) sụt xuống hơn 4.000 triệu đôla, mấy ngày sau, vẫn tiếp tục sụt giá. ở Mỹ, người ta gọi là khủng hoảng hoà bình.
2. Chính trị thì Mỹ bị cô độc. Trước đây 3, 4 nǎm, vì kế hoạch Mácsan 11 mà tất cả các nước Tây Âu phục tùng, ca tụng Mỹ. Bây giờ, kết quả là các nước đã tǎng binh bị quá sức nên lâm vào tình trạng kinh tế bế tắc. Hơn nữa, Mỹ cấm các nước phương Tây như Anh, Pháp, ý buôn bán với phương Đông, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Hàng hoá các nước đưa sang Mỹ bán thì thuế quan rất cao, mua hàng của Mỹ giá rất đắt, bán hàng cho Mỹ giá rất rẻ. Vì thế, các nước tìm cách chống lại Mỹ. Nước nhỏ nhất đầu tiên chống lại Mỹ là Xâylan. Mỹ hỏi về việc Xâylan bán cao su cho Trung Quốc, Xâylan giả lời: “Cao su tôi bán được đắt, mua gạo lại giá rất rẻ, nên tôi làm”. Mỹ cũng phải chịu. Từ cuối nǎm ngoái đến giờ, Anh, Pháp đều lần lượt gửi phái đoàn sang Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân để điều đình buôn bán. Gần đây, Anh cử cả viên cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại sang Liên Xô.
Còn nhiều mâu thuẫn khác nữa. Cách đây vài tháng, Thủ tướng Anh Sớcsin (Churchill) nói: “Nếu Mỹ không bằng lòng điều đình buôn bán với Liên Xô thì Sớcsin sẽ tự sang gặp Malencốp”. Một Thủ tướng một nước như Anh mà nói câu ấy thì đủ biết mâu thuẫn thế nào?
Mặt khác, Mỹ mua chuộc chính phủ các nước đế quốc để hòng lôi kéo nhân dân. Bây giờ Mỹ phàn nàn mất tiền toi, vì nó giúp rất nhiều mà nhân dân các nước Pháp, ý vẫn bỏ phiếu cho Đảng Cộng sản. Lại như một nước gần Mỹ và thân Mỹ nhất là Canađa. Gần đây Thủ tướng Canađa cũng nói: “Chúng ta rất thương yêu người bạn quý báu là Mỹ, nhưng chúng ta mong bạn của chúng ta nhận rằng chúng ta là người Canađa”.
ở ấn Độ bây giờ ông Nêru ra mặt chống Mỹ.
3. Chính sách xâm lược của Mỹ trái với chính nghĩa. Chẳng những nhân dân thế giới chống mà nhân dân Mỹ cũng chống. Có một nhà đại tư bản nói: Mỹ chỗ nào cũng muốn có thế lực, ở Âu cũng như á. Một ngày kia, Mỹ sẽ đi đến Nam Bǎng Dương hay Bắc Bǎng Dương để đồng minh với con chim “Panhgoanh” 1 . Đồng minh của Mỹ như Quyrinô (Quirino) ở Phi Luật Tân, Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan, Bảo Đại ở Việt Nam bị nhân dân ghét, nên họ ghét cả Mỹ nữa.
4. Tàu bay Mỹ có nhiều nhưng kinh nghiệm quân sự Mỹ kém hơn các nước: hải quân kém Anh, lục quân kém Pháp, Đức, Nhật.
Báo Mỹ nói: một đoàn đi thanh tra mặt trận thấy có những đội quân, đại đa số lính Mỹ trong đơn vị không chịu bắn, làm gì thì làm. Mỹ lập Uỷ ban nghiên cứu tâm lý lính Mỹ, thì Uỷ ban này kết luận một câu rất mỉa mai: “vì trường học Mỹ dạy cho trẻ con nhiều đạo đức nên nó mất cả thiên tính giết người”.
5. Mỹ gặp một địch nhân càng ngày càng mạnh là phong trào thế giới bảo vệ hoà bình. Mới đây, có mấy nhà khoa học họp nhau lại ở Ôslo (Na Uy), sau lại họp tiếp ở Pari (Pháp). Mãi đến nǎm kia, nǎm ngoái mới thành phong trào lấy chữ ký “chống chiến tranh bảo vệ hoà bình”. Thế mà có lần 600, có lần hơn 600 triệu người ký.
Ngay như ở Mỹ là nơi bọn thống trị còn phát xít hơn Hítle, cứ hễ nói đến hoà bình là cho luôn là cộng sản, thế mà cũng lấy được hơn 2 triệu chữ ký. Ngoài ra còn có những tổ chức của công nhân, trí thức đấu tranh cho hoà bình rất lớn, đó là thập tự quân (croisade) bảo vệ hoà bình.
Nói tóm lại Mỹ có 5 điểm yếu của nó.
Chứng cớ rõ rệt: Mỹ và 18 nước chư hầu đánh một nửa nước Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) trong 3 nǎm mà phải đình chiến. Mưu mô của Mỹ là đánh lấy Triều Tiên để làm bàn đạp tấn công Liên Xô, Trung Quốc. Như thế là bước đầu đã thất bại.
Ngoài thất bại quân sự nói trên, còn mấy sự thật nữa.
Đại chiến thứ nhất, Mỹ mất 33 vạn 4.000 người và được gì? Mỹ được địa vị anh chị, từ hàng thứ ba, bốn, nhảy lên nhất nhì trên thế giới và được rất nhiều tiền.
Đại chiến thứ hai, Mỹ mất hơn 18 vạn người nhưng về kinh tế được phát tài lớn, về chính trị vượt cả Anh, làm đầu sỏ phe đế quốc.
Đến chiến tranh Triều Tiên, Mỹ mất hơn 38 vạn người, tiền xài mất khá nhiều, mà không được gì cả, chính trị lại bị cô lập.
Vì vậy, đình chiến ở Triều Tiên là một thắng lợi của phe dân chủ hoà bình thế giới và là một thất bại cho phe đế quốc gây chiến, nhất là Mỹ.
Có anh em hỏi về vǎn hoá Mỹ. Có mấy bài của người Mỹ và người Anh nói về vǎn hoá Mỹ đǎng báo “Pour une Paix durable et pour une Démocratie populaire” (Vì một nền Hoà bình lâu dài và vì một nền Dân chủ nhân dân), nên đưa cho anh em xem. Một cô giáo Mỹ nói: “trong 2.000 quyển sách của Mỹ có độ 200 quyển tương đối trong sạch, còn toàn là dâm đãng, trộm cướp, khiến người xem khó chịu”. Một người Anh nói: “Hai quyển sách ở Mỹ bán chạy nhất, nếu đọc qua xem nội dung nói gì, thì ta thất kinh”.
Không phải như thế nói Mỹ không có vǎn hoá đâu. Mấy trǎm người vǎn hoá Mỹ chân chính bị thải hết, sách viết không cho in, công việc không cho làm.
Bên Mỹ bây giờ có bệnh thần kinh nhiều, vì tuyên truyền chiến tranh. Một bản điều tra của Quốc hội Mỹ về tội phạm viết có hơn 2 triệu người phạm trọng tội và cứ 76 người dân Mỹ thì có một người phạm tội.
ở Triều Tiên đã đình chiến nhưng chưa đi đến hoà bình vì ở Mỹ có bọn phá. Nên anh em Trung – Triều rất tỉnh táo để đề phòng.
Có anh em liên hệ: Triều Tiên đình chiến ảnh hưởng đến Việt Nam thế nào?
Có ảnh hưởng không? Có, vì:
1. Triều Tiên là một bộ phận của phe dân chủ hoà bình, Triều Tiên thắng lợi là ta thắng lợi.
2. Triều Tiên cho ta thấy kinh nghiệm là phải đánh bao giờ cho đế quốc quỵ, nó biết không thể đánh được nữa, nó mới chịu đàm phán. Đừng có ảo tưởng mình muốn đàm phán là nó đàm phán.
Đầu nǎm, sau khi trúng cử, Tổng thống Mỹ qua thǎm Triều Tiên nghiên cứu đặt kế hoạch, một là đánh qua áp Lục Giang, hai là nếu không đánh được thì đánh một vố thật mạnh để bên Trung – Triều phải xin hoà. Nhưng cả hai kế hoạch đều không được, Aixenhao nói muốn đánh như thế phải hy sinh 30 vạn bộ đội Mỹ. Nếu hy sinh như thế thì thế nào? Không có đường ra. Vì thế, nó mới chịu đàm phán đình chiến.
Ta cũng phải đánh cho Pháp quỵ. Lúc ấy, có đàm phán mới đàm phán, chứ không phải đưa đàm phán ra là nó đàm phán ngay đâu. Đừng có ảo tưởng. Mục đích của nó là xâm lược. Nó mất 99% còn hy vọng 1%, nó vẫn đánh. Phải đánh nó quỵ nó mới chịu.
Có những người nói Mỹ rảnh tay giúp Pháp, thì ta thế nào? Thì cũng thế, Mỹ vẫn giúp Pháp từ trước. Nay nó giúp hơn, ta có khó khǎn hơn, ta có đánh không? Ta vẫn đánh. Nó có thua không? Nó vẫn thua.
Nói về kháng chiến của ta, nói về Mỹ với ta, phải nhớ lại 10 nǎm trước. Lúc ấy có quân đội Nhật, Pháp. Lúc ấy nói đánh Nhật, Pháp thì nhiều người cho là châu chấu đá voi. Nhưng ta vẫn tổ chức đánh Nhật, đánh Pháp để giải phóng dân tộc. Lúc đầu, bộ đội du kích ta có 12 người, trong đó có hai phụ nữ. Làm thế là vì mình xem về tương lai, tin tưởng ở thắng lợi, thấy rõ tình hình thế giới sẽ biến đổi, Nhật Pháp sẽ xung đột nhau. Bây giờ ta có 12 người, sau sẽ có 12 vạn người. Ta quyết tâm, ta có thế, nên ta làm được.
Bây giờ có người hỏi sức ta mạnh hơn hay Pháp mạnh hơn? Nói về súng, đạn, xe tǎng, máy bay thì có cái ta không có. Nhưng tại sao ta nói ta mạnh hơn? Vì thế của ta mạnh hơn. Nói về người lính. Tinh thần anh lính đứng đằng sau khẩu đại bác của địch rất thấp, nên đại bác chỉ là một cục sắt. Còn bộ đội của ta chỉ có tiểu liên nhưng biết vì ai mà đánh, đánh như thế nào, nên tin ở kháng chiến nhất định thắng lợi, tin vào lực lượng tinh thần của dân ta, cái gì làm cũng được.
Đến câu hỏi: ta có chịu đàm phán không?
1. Từ đầu đến nay, ta chủ trương hoà bình; vì Pháp xâm lược ta nên ta phải đánh.
2. Ta biết nếu không đánh cho giặc quỵ thì không bao giờ nó xin đàm phán, nên ta phải đánh nó quỵ; nó quỵ, nó xin đàm phán ta sẽ đàm phán. Điều kiện đàm phán rất đơn giản:
a) Cút đi.
b) Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Chưa có như thế thì chưa đàm phán.
Tóm lại, ta còn phải trải qua nhiều gian khổ, phải đánh mạnh với quyết tâm của ta, với tinh thần của dân ta. Mỹ đến ta cũng đánh, đánh cho đến khi nào độc lập hoàn toàn.
Bây giờ, địch một mặt chuẩn bị đánh ta, một mặt phóng ra tin điều đình. Nó bày ra trò điều đình như thả một cái mồi, nếu ta như bầy cá đổ xô lại đớp, quên cả tỉnh táo đề phòng, nó sẽ dễ đánh ta. Mình phải chủ động, kiên quyết đối phó với mọi tình thế.
Trong những câu hỏi của các anh chị em, tôi thấy một phần vì muốn hiểu, nhưng mặt khác biểu lộ ít nhiều tư tưởng sợ khó, sợ khổ, sợ Mỹ. Điều ấy không nên. Chiến sĩ ra mặt trận, đồng bào đi dân công, họ không sợ gì cả. Họ quyết tâm vượt được mọi khó khǎn. Nếu sợ khó, sợ khổ, sợ Mỹ thì cái gì cũng sợ. Mà đã cái gì cũng sợ thì không làm được việc gì, chỉ làm nô lệ.
*
* *
Có anh em nói chính sách của Đảng rất đúng đắn, nhưng không biết có quyết tâm làm không và có đủ cán bộ để làm không?
1. Nhất định Đảng có quyết tâm thực hiện cho kỳ được chính sách ấy. Anh em thấy một số cán bộ địa phương không gương mẫu trong việc thực hiện chính sách. Chính vì thế, Đảng phải chỉnh huấn, làm cho cán bộ hiểu thấu và hết lòng hết sức thực hiện chính sách ấy.
2. Hơn nữa, Đảng phải làm sao cho cán bộ ngoài Đảng và nhân dân nhận thấy chính sách Đảng là đúng, cùng giúp Đảng thực hiện chính sách ấy.
Cho nên Đảng rất hoan nghênh anh em phê bình Đảng như chiều nay.
*
* *
Có anh em hỏi một người công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hǎng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được.
Anh em lại hỏi: ở nước ta có Đảng Lao động, lại có Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội. Đảng Lao động thì đã rõ. Còn Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội thì làm gì? Có cần nữa không? Cần lắm. Đảng Xã hội tổ chức, giáo dục anh em trí thức. Trong anh em trí thức, có một số đã vào Đảng Lao động hoặc gần Đảng, có một số chưa hiểu Đảng. Đảng Xã hội tổ chức, huấn luyện cho anh em ấy gần công nông . Đảng Dân chủ tổ chức, huấn luyện tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ. Một số những người này đã vào Đảng Lao động. Nhưng còn một số nói: bây giờ các anh chống địa chủ phong kiến, ngày mai sẽ đến lượt chúng tôi, nên họ sợ. Đảng Dân chủ giáo dục đoàn kết họ để kháng chiến và sau này kiến quốc. Hai Đảng ấy có nhiệm vụ rõ ràng, quan trọng và cần thiết.
Câu hỏi ấy có thể có mấy ý nghĩa:
1. Bây giờ đã có Đảng Lao động thời nhập lại làm một, cùng làm cách mạng.
2. Đảng Lao động muốn hất mình đây.
Nghĩ như thế đều không đúng. Bao giờ Đảng Lao động cũng cố sức giúp đỡ các Đảng anh em để cùng nhau tiến bộ, kháng chiến, kiến quốc.
*
* *
Các cô và các chú là cán bộ kháng chiến, cách mạng. Bất kỳ ở địa vị nào, làm nghề gì, đều là người chủ trong những người chủ nước nhà (chủ đây không phải là địa chủ). Phải có khí khái như thế.
Có câu “tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”, nghĩa là lo trước dân, vui sau dân. Trong lúc khó khǎn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ địch, không sợ khó khǎn gian khổ. Cái gì khó khǎn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước. Muốn cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, mong các cô các chú phải có khí tiết ấy.
Nói vào tối 7-8-1953.
Sách Phát huy tinh thần
cầu học, cầu tiến bộ,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1960,
tr.38-49.
cpv.org.vn
——————————-
(1) Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp từ ngày 25 đến 30-1-1953. Hội nghị đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản báo cáo của đồng chí Trường Chinh về tình hình, nhiệm vụ và công tác trong nǎm 1953. Hội nghị đã kiểm điểm việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và quyết định chủ trương phát động, quần chúng triệt để giảm tô, giảm tức, tiến tới thực hiện cải cách ruộng đất ngay trong kháng chiến. Hội nghị cũng đã ra nghị quyết về các mặt quân sự, kinh tế, tài chính, công tác vùng sau lưng địch và một số vấn đề về tổ chức, xây dựng Đảng.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.