Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô (5-9-1954)

Bác được biết các cô, các chú, như thanh niên xung phong, lái xe ô tô, bộ đội bảo vệ, cán bộ các ngành đều cố gắng công tác, Bác khen ngợi các cô, các chú:

1. Bây giờ các cô, các chú đương học 8 chính sách, 10 điều kỷ luật. Các cô, các chú có mấy thắc mắc:

– Vào Hà Nội phải có quần áo đẹp. Như thế là không đúng. Người ta quý trọng người tốt, chứ không quý trọng vì có áo quần đẹp.

– Lương bổng như thế nào. Bác có thể trả lời ngay rằng Chính phủ sẽ đảm bảo cho các cô, các chú giữ đủ mức sống hiện nay. Tuỳ theo giá sinh hoạt cao hay thấp mà mức lương có thể tǎng hoặc giảm, cốt giữ cho được mức sinh hoạt bình thường.

– Tương lai công tác của mình sau này thế nào. Về điểm này Bác, Đảng và Chính phủ sẽ bảo đảm cho ai nấy đều có công việc theo nǎng lực của mình. Nếu làm được việc thì Đảng, Chính phủ luôn luôn sǎn sóc đến, giao công tác cho. Ai mà tự kiêu, tự mãn thì sẽ thoái bộ; khi đó không trách được Đảng và Chính phủ.

2. Bác bổ sung một điều đáng thắc mắc mà các cô, các chú không ai nêu ra. Đó là một khuyết điểm rất to của các cô, các chú. Điểm đó là: khi về xuôi thì đạo đức và nhân cách của mình phải thế nào?

Các cô, các chú là những người kháng chiến, đều đã được học tập, rèn luyện, được thực hiện tự phê bình và phê bình. So với người không tham gia kháng chiến, không được học tập, rèn luyện thì các cô, các chú đã tiến bộ hơn rất nhiều.

Tiến bộ ở những điểm nào?

– Tác phong chịu đựng gian khổ.

– Tinh thần luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho.

Đảng và Chính phủ đã đào tạo cho các cô, các chú thành những người tốt, mặc dù còn nhiều khuyết điểm phải sửa chữa.

3. Bây giờ về xuôi thì thế nào?

Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.

Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.

Mấy nǎm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu.

Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp, v.v.. Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ǎn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu ? Lúc ấy chỉ có hai cách: một là ǎn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc …

Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ǎn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ǎn hối lộ, mà ǎn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ.

Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi.

Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy.

Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

Cuối cùng Bác dặn các cô, các chú: về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, tuỳ hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm, thái độ, sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến. Ngay đối với những người không kháng chiến, những người “dinh tê” 1 cũng không khinh rẻ họ, mà phải giúp đỡ cho họ tiến bộ, để họ cùng ta làm việc. Việc nước là việc chung, mà việc thì rất nhiều, chỉ Bác cháu ta không làm hết việc đâu. Chúng ta phải dùng nǎng lực của mọi người.

Bất kỳ trước đây họ là thế nào, nếu ngày nay họ thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, nếu họ muốn thật thà phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thì chúng ta cần cộng tác với họ.

Bác mong các cô, các chú nhớ kỹ và thực hành điều đó.

Nói ngày 5-9-1954.
Tài liệu lưu tại Cục lưu trữ
Vǎn phòng Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

Advertisement