Bài 5: Tượng Bác Hồ ở Madagascar

Với quan hệ ngoại giao thân thiết, năm 2003, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng lên trang nghiêm giữa quảng trường mang tên Người tại Thủ đô Antananarivô của Madagascar.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Madagasca

Madagascar – quốc gia ở châu Phi này trước đây cũng từng là thuộc địa của Pháp như Việt Nam. Thế nên tình bạn giữa lãnh tụ cách mạng Madagascar Jean Ralaimongo và Bác Hồ thêm phần đặc biệt của những người chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng hoạt động tại Pháp

Bức tượng Bác Hồ ở Madagascar bằng đồng đặt trên bệ đá hoa cương, với tổng chiều cao 3,4m. Bên dưới có tấm biển đồng khắc câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tượng được nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thiết kế năm 2001. Cùng với tượng đài Lênin, tượng đài Bác Hồ và tượng đài lãnh tụ Jean Ralaimongo trở thành biểu tượng cách mạng của Madagascar.

Làm phụ bếp trên con tàu Đô đốc Latouche Tréville năm 1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi qua các cảng châu Phi. Hình ảnh người dân nô lệ quốc đảo Madagascar làm việc dưới đòn roi của những tên thực dân Pháp đã khiến người thanh niên Việt Nam rơi nước mắt khi anh nghĩ đến số phận những người dân mất nước nơi quê hương mình. Từ hình ảnh người nô lệ Madagascar, Nguyễn Ái Quốc đã phát hiện ra chân lý: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai loại người: loại người bóc lột và người bị bóc lột”.

Khi hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã cùng các bạn châu Phi, trong đó có hai bạn người Madagascar là Jean Ralaimongo và Samuel Stephanie tích cực tổ chức và tham gia lãnh đạo Hội liên hiệp thuộc địa, tập hợp những người dân thuộc địa của Pháp (cuối tháng 11-1921). Nhóm ra báo Le Paria (Người cùng khổ) để mở rộng tuyên truyền đến các thuộc địa (tháng 4-1922). Ngay số đầu phát hành, báo Le Paria đã khẳng định: Báo “ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Đông Dương, ở quần đảo Ăngti và Guyan”. Rồi trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản tại Paris năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo hành động man rợ của đội quân viễn chinh Pháp ở Madagascar năm 1895. Người nhắc lại cuộc tàn sát đẫm máu mà thực dân Pháp đã gây ra cho nhân dân Madagascar: “Chúng đã thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân, tàn sát một lúc 5.000 người của bộ lạc Sacavala trên bờ biển phía Tây của Madagascar”. Trong buổi trò chuyện với nhà thơ Xôviết Osip Emilyevich Mandelstam, Nguyễn Ái Quốc cũng nhắc lại “những người anh em Madagascar”.

Sau khi công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại Thủ đô Antananarivô, nơi đây đã trở thành điểm tổ chức các sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Madagasca.

Mạnh Thắng
daidoanket.vn

Advertisement