Bài 3: Tượng đài Bác Hồ ở Pháp

Từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, Việt Nam bị Pháp đô hộ. Từ hai chiến tuyến, sau này, mối quan hệ của hai quốc gia được cải thiện và tốt đẹp lên. Các di tích trên nước Pháp gắn với những tháng năm hoạt động của Hồ Chủ tịch được người Pháp gìn giữ, tôn tạo. Tại Bảo tàng Lịch sử Sống thuộc thành phố Montreuil, tượng đài Hồ Chủ tịch cũng đã được dựng năm 2005.

Tượng Hồ Chủ tịch tại bảo tàng sống Montreuil

Ngày 19-5-2005, chính quyền thành phố Montreuil (Pháp) đã dựng tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở “Không gian Hồ Chí Minh” nằm trong Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil. Vị trí đặt tượng Bác Hồ là khu vực mà khách tham quan khi tới công viên đều dễ dàng nhận thấy.

Tượng Hồ Chủ tịch dựa theo mẫu của nhà điêu khắc nổi tiếng Trần Văn Lắm. Đây cũng là pho tượng Hồ Chủ tịch duy nhất đặt trên nước Pháp. Khuôn viên đặt tượng đài bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố trí rất hài hoà với nhiều cây xanh, những khóm tre, trúc, tạo nên một không gian bình dị nhưng mang đậm nét văn hóa Việt Nam.

“Không gian Hồ Chí Minh” nằm bên trái tầng 1 của Bảo tàng Lịch sử Sống, du khách dễ dàng nhận thấy ngay khi bước vào cửa. Đây là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật quý về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng Người ở Pháp: Cánh cửa bằng gỗ và tấm biển căn nhà số 9 – ngõ Compoint (nơi Bác ở từ tháng 7-1921 – 6-1923), chiếc bồn lavabo Bác dùng trước đây… Rồi có cả những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác như: tấm thẻ đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, những tấm thẻ hành nghề, ảnh, bài báo, những bức thư mà Bác viết cho các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp…

Ngoài ra còn có nhiều tài liệu, sách báo, tranh ảnh giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Tất cả các hiện vật, tư liệu quý giá ấy luôn được nâng niu, gìn giữ với sự trân trọng của các bạn Pháp.

Bảo tàng Lịch sử Sống Montreuil là bảo tàng ca ngợi các vĩ nhân đã để lại những dấu ấn lịch sử sâu đậm, tác động và có sức ảnh hưởng to lớn đến thế giới. Việc dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng sống Montreuil vì thế mang một thông điệp rõ ràng về sự nhìn nhận đánh giá, tôn vinh Hồ Chủ tịch một cách đúng đắn, xứng với tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất mà UNESCO đã tôn vinh năm 1990.

Trong những năm tháng hoạt động tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên dùng khi đó của Hồ Chủ tịch), đã để lại những dấu ấn, những sự kiện vang dội. Ngày nay, nước Pháp đã gìn giữ những gì liên quan đến Hồ Chí Minh như một báu vật vô giá. Đó là di tích nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17 (Paris). Bác đã ở đây khoảng 2 năm (từ 1921-1923). Tại đây, Người tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và được bầu làm ủy viên thường trực của Hội. Người đã khởi thảo Tuyên ngôn, Điều lệ và Lời kêu gọi. Đây là một tổ chức yêu nước và cách mạng có tổ chức và quy mô đầu tiên hoạt động hợp pháp ở Paris.

Người thành lập tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội, vừa là người sáng lập kiêm chủ bút, biên tập và phát hành báo. Nhờ công lao của Nguyễn Ái Quốc, tờ báo đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin ở các nước thuộc địa. Trong thời gian này, Người còn viết nhiều bài báo có tác động lớn, đả kích thực dân Pháp xâm lược và bóc lột nhân dân các nước thuộc địa của Pháp.

Tại nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã kết giao với nhiều trí thức, nghệ sĩ nổi tiếng của Pháp và thế giới như: diễn viên Charles Chaplin, nhà văn Hăng-ri Bác-buýt, họa sĩ Picátxô…

Nước Pháp cũng là nơi Nguyễn Ái Quốc viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” nổi tiếng, gây chấn động nước Pháp và cả chính quyền Pháp tại Việt Nam. Cũng tại nước Pháp này, Nguyễn Ái Quốc đã viết vở kịch “Con rồng tre” giễu cợt ông vua Khải Định bù nhìn…

Ngày 14-3-1923, Nguyễn Ái Quốc dời nhà số 9, ngõ ComPoint, dọn đến số nhà 3 phố Mácsơ Đê Patơriacsơ, quận 5, Paris. Đây chính là nơi đặt trụ sở “Hội liên hiệp thuộc địa” và là tòa soạn báo Le Paria… Năm 1983, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã gắn biển di tích. Cho đến năm 1986, chủ sở hữu ngôi nhà phá bỏ nhà cũ để xây nhà mới 9 tầng. Những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền thành phố Montreuil đưa về trưng bày và dựng thành “Không gian Hồ Chí Minh” trong Bảo tàng Montreuil. Năm 2001, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Paris đã gắn lại biển di tích tại ngôi nhà số 9.

Trên nước Pháp cũng chứng kiến sự trở lại của Bác khi Người ở cương vị Chủ tịch nước. Đó là năm 1946, Người là thượng khách của nước Pháp. Cũng trong dịp này, phái đoàn ngoại giao Việt Nam sang đàm phán tại hội nghị Phông ten nơ blô. Tình hình khi đó rất căng thẳng, bằng tài ngoại giao và tranh thủ sự giúp đỡ của Việt kiều, nhân dân Pháp, Hồ Chủ tịch đã bày tỏ ước nguyện yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam và quyết tâm đánh Pháp nếu tiếp tục bị xâm lược. Sau đó, Người và đại diện Pháp ký Tạm ước 14-9. Và cũng tại thủ đô Paris ngày 1-7-1946, hoạ sĩ Vũ Cao Đàm (Việt kiều) đến chào Hồ Chủ tịch, xin phép được vẽ và nặn tượng Người. Cùng ngày hôm đó, một số văn nghệ sĩ Pháp tên tuổi như Richard Bloch, Aragon, Triolet, Moussinac, Borne, Masson cũng đến diện kiến Người. Pho tượng sau đó được đúc đồng và tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1998.

Phiên bản bức tượng Hồ Chủ tịch của nhà điêu khắc Trần Văn Lắm có chiều cao 1,1m, đặt trên bệ cao 3m, sau đó cũng được chọn để dựng tượng Bác tại Mông Cổ.

NGUYỄN LONG
daidoanket.vn

Advertisement