Diễn vǎn nhân lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2-9-1957)

Thưa đồng bào yêu quý,

Nhân dịp ngày Quốc khánh lần thứ 12, tôi xin thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái chào mừng:

– Đồng bào cả nước và kiều bào nước ngoài,

– Cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết ở miền Bắc,

– Bộ đội và công an nhân dân,

– Các chiến sĩ thi đua, toàn thể cán bộ và viên chức,

– Các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Ngày kỷ niệm hôm nay là một ngày lịch sử vẻ vang của cả dân tộc ta. Cách đây 12 năm, toàn dân ta từ Nam chí Bắc, đã đoàn kết đứng dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.

Từ đó, trải qua tám, chín năm, toàn dân ta đã đoàn kết kháng chiến anh dũng và gian khổ. Kết quả là kháng chiến thắng lợi, thành quả của Cách mạng Tháng Tám được bảo vệ, hoà bình được lập lại trong cả nước, miền Bắc của ta được hoàn toàn giải phóng, Hiệp định Giơnevơ công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta. Ngày kỷ niệm hôm nay là một ngày đầy tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của toàn dân, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

Từ khi hoà bình được lập lại, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta đã bước vào một giai đoạn mới. Đảng và Chính phủ phải đoàn kết và lãnh đạo toàn dân, ra sức củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời tiếp tục đấu tranh để thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hoà bình, góp phần bảo vệ công cuộc hoà bình ở Á Đông và trên thế giới.

Trải qua thời gian ba năm, nhân dân ta ở miền Bắc đã ra sức khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, thu được những thành tích to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá, giảm bớt khó khăn và dần dần cải thiện đời sống cho nhân dân, ở cả miền đồng bằng và miền núi. Cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn thành, công việc sửa chữa sai lầm phát huy thắng lợi trong nhiều địa phương đã làm xong và thu được kết quả tốt. Nông nghiệp đã vượt hẳn mức trước chiến tranh. Công nghiệp đã khôi phục các xí nghiệp cũ, xây dựng một số nhà máy mới. An ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ khen ngợi tinh thần lao động cần cù, đoàn kết cố gắng của nhân dân ta; khen ngợi tinh thần tích cực phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước của bộ đội, cán bộ tất cả các ngành, các cấp.

Nhiệm vụ chúng ta trong năm nay là phải tích cực tăng gia sản xuất và tiết kiệm hơn nữa, phấn đấu để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, căn bản khôi phục kinh tế của miền Bắc, làm cho đời sống của dân ta được dần dần cải thiện thêm, chuẩn bị điều kiện để sang năm 1958, chúng ta tiến tới xây dựng miền Bắc theo một kế hoạch dài hạn.

Trong khi miền Bắc ngày càng được vững mạnh thêm thì ở miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ càng tăng cường can thiệp, tăng thêm binh bị, nắm hết kinh tế, cùng chính quyền miền Nam phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hoà bình và thống nhất của nước ta. Họ đã dùng mọi thủ đoạn khủng bố, đàn áp, mưu dập tắt tinh thần yêu nước và ý chí thống nhất của đồng bào miền Nam. Nhưng đồng bào miền Nam anh dũng ngày càng đoàn kết rộng rãi hơn, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi tự do dân chủ, đòi thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình. Gần đây, Chính phủ ta lại đề nghị một lần nữa với chính quyền miền Nam cần có sự tiếp xúc giữa hai miền, lập lại quan hệ bình thường, tiến tới bàn hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước nhà. Nhưng chính quyền miền Nam vẫn ngoan cố cự tuyệt, họ đi ngược với nguyện vọng tha thiết của toàn dân ta.

Đồng bào ta ở miền Nam và trong cả nước phải tiếp tục kiên trì đấu tranh, đòi chính quyền miền Nam phải tôn trọng ý chí của nhân dân. Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất, Nam Bắc một nhà không một lực lượng phản động nào có thể chia cắt được. Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất.

Để làm tròn những nhiệm vụ cách mạng to lớn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, toàn dân ta phải tăng cường đoàn kết hơn nữa, lao động cần cù, đấu tranh bền bỉ hơn nữa. Luôn luôn nêu cao tinh thần phấn khởi, tin tưởng, kiên quyết tiến lên.

Chúng ta nhất định thắng lợi.

Trong công cuộc xây dựng đất nước, thống nhất Tổ quốc, chúng ta đã được sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc. Chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, nhất là nhân dân các nước Á – Phi, Ấn Độ, Nam Dương, Miến Điện, Ai Cập, v.v.. Gần đây, quan hệ hữu nghị giữa nước ta và hai nước bạn láng giềng là Khơme và Lào đã có nhiều tiến bộ. Những cố gắng của Uỷ ban Quốc tế ở nước ta cũng đã góp phần vào công cuộc củng cố hoà bình, trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ.

Nhân dịp này, tôi xin thay mặt Chính phủ và nhân dân ta chân thành cảm ơn các nước anh em, các nước bạn. Chúng ta cần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết quốc tế, tình hữu nghị giữa các dân tộc. Và tôi rất lấy làm vui sướng báo cáo với đồng bào rằng cuộc đi thăm vừa rồi của chúng tôi ở các nước anh em đã chứng tỏ rằng tình đoàn kết anh em giữa các nước xã hội chủ nghĩa càng ngày càng bền vững.

*

*     *

Bây giờ, tôi xin báo cáo tóm tắt về cuộc đi thăm các nước anh em. Năm kia, tôi đã cùng phái đoàn Chính phủ ta đi thăm ba nước anh em: từ Trung Quốc, sang Mông Cổ, đến Liên Xô. Lần này, nhận lời mời của Chính phủ chín nước anh em khác, tôi đã cùng các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Hoàng Minh Giám, Phạm Ngọc Thạch đi thăm các nước Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hoà Dân chủ Đức, Hunggari, Nam Tư, Anbani, Bungari và Rumani. Trên đường đi và về, chúng tôi có lưu lại ít hôm ở Liên Xô và Trung Quốc.

Kết quả cuộc đi thăm hữu nghị của chúng tôi rất tốt đẹp. Khi đi, chúng tôi đã chuyển lời cảm ơn và tình hữu nghị của đồng bào ta cho nhân dân các nước anh em. Nay về, chúng tôi lại có nhiệm vụ chuyển lời chào thân ái và tình đoàn kết của nhân dân các nước anh em cho đồng bào. Chúng tôi đã thay mặt đồng bào cảm ơn các nước anh em đã ủng hộ ta trong cuộc kháng chiến và đang giúp đỡ ta trong công cuộc hoà bình xây dựng lại nước nhà.

Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước anh em đã đón tiếp chúng tôi một cách cực kỳ long trọng, đồng thời cực kỳ thân mật như anh em ruột thịt. Từ những thành phố lớn cho đến những địa phương cách xa các thủ đô hàng trăm cây số, đâu đâu nhân dân các nước anh em cũng hoan nghênh chúng tôi một cách vô cùng nhiệt liệt. Qua nhiệt tình của công nhân, nông dân, trí thức, từ các thanh niên cho đến các cụ già, các cháu bé, chúng tôi cảm thấy rất thấm thía tình đoàn kết và hữu nghị sâu sắc của nhân dân các nước anh em đối với nhân dân Việt Nam chúng ta. Đó không phải là vinh dự riêng của chúng tôi, đó là vinh dự chung của nhân dân ta, của Tổ quốc Việt Nam ta. Đó là biểu hiện của tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả, cơ sở vững chắc cho mối quan hệ bền vững giữa các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa.

Khi đến thăm các nhà máy và các nông trường, anh em công nông đều hỏi thăm kết quả về cuộc thi đua sản xuất và tiết kiệm của ta và đều gửi lời thân ái chào mừng và khuyến khích công nhân và nông dân ta.

Công nhân nhiều nhà máy, như Nhà máy dệt Bình Nhưỡng, Nhà máy dệt Tirana, v.v. tỏ ý muốn thi đua với công nhân ta để cùng nhau tiến bộ. Tôi rất vui lòng thấy anh chị em công nhân Nhà máy sợi Nam Định đã hăng hái nhận lời và đang hăng hái tiến hành cuộc thi đua hữu nghị ấy. Tôi mong rằng công nhân các xí nghiệp khác của ta cũng sẽ nhận thi đua với công nhân các nước anh em.

Nông dân các nước anh em cũng rất quan tâm đến nông dân ta. Thí dụ: Hợp tác xã nông nghiệp Salibi ở Tiệp Khắc hứa sẽ tặng một chiếc máy cày và sẽ giúp đỡ mọi mặt hợp tác xã nông nghiệp mới tổ chức đầu tiên của ta.

Trí thức các nước anh em ân cần gửi lời chào thăm trí thức nước ta.

Thanh niên và học sinh các nước anh em có những kinh nghiệm rất tốt về quan điểm lao động, về việc góp công sức vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Thí dụ sinh viên và học sinh Triều Tiên mỗi năm có một tháng tham gia công tác lao động. Thanh niên và học sinh Bungari thì tổ chức thành những đội lao động để tham gia mọi công tác. Chúng ta đã biết rằng thanh niên Liên Xô đã xung phong vỡ hoang hàng chục triệu mẫu ruộng, thanh niên và học sinh Trung Quốc hiện đang có phong trào sôi nổi tham gia công tác lao động.

Các cháu nhi đồng thì nhiệt liệt nhất. Chúng tôi đi đến đâu, các cháu cứ xoắn xuýt giữ lại, không muốn để chúng tôi về. Các cháu ấy muốn liên lạc với nhi đồng ta. Tôi mong rằng các cháu nhi đồng ta sẽ vui vẻ liên lạc với nhi đồng các nước anh em và liên lạc một cách có tổ chức.

Chúng tôi có gặp học sinh và nhi đồng ta đang học ở các nước anh em. Các cháu được săn sóc rất là chu đáo, đều đoàn kết, mạnh khoẻ, vui vẻ, chăm học. Các cháu gửi lời về thăm gia đình, Đảng, Chính phủ và đồng bào.

Chúng tôi rất vui mừng nhận thấycông cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội của các nước anh em phát triển rất nhanh chóng. Chúng ta đều đã biết tốc độ phát triển của kinh tế các nước anh em như thế nào. Đi đến nơi mới thấy cả một sự nghiệp lao động sáng tạo hết sức vĩ đại. Điều rõ rệt nhất là nhiều thủ đô và thành thị lớn như Bình Nhưỡng, Vácsava, Béclin, v.v. bị quân địch phá hoại tan tành trong thời kỳ chiến tranh, nay đều xây dựng lại rất nguy nga đồ sộ. ở Liên Xô, những thành phố lớn như Xtalingrát, Ôđétxa, Xêbáttôpôn, Minxcơ, v.v. trong chiến tranh đã bị quân phát xít Đức phá trụi, nay đã xây dựng lại to lớn và đẹp hơn trước.

Công cuộc kiến thiết kinh tế ở các nước anh em thu được nhiều thành tích như vậy, đó là nhờ tinh thần gian khổ phấn đấu, lao động quên mình của nhân dân các nước anh em, nhờ ở kỷ luật lao động rất nghiêm, tổ chức lao động ngày càng cải tiến. Và cũng phải trải qua một thời gian cố gắng khá dài. Tôi nhớ đến đồng chí Vôrôsilốp khi sang thăm nước ta, có nói rằng: Lịch sử Liên Xô mới bốn mươi năm, trong đó mười tám năm nhân dân Liên Xô đã phải thắt lưng buộc bụng, chịu đói chịu khổ, để ra sức xây dựng nước nhà. Các nước anh em khác được Liên Xô giúp đỡ, thời gian khó khăn cực khổ ngắn hơn, nhưng phải trải qua mấy năm mới đi đến kết quả tốt đẹp ngày nay.

Tôi muốn nói thêm để đồng bào biết rằng: trong cuộc đi thăm vừa qua, chúng tôi đã chú trọng đến tình hình đấu tranh thống nhất của nhân dân Triều Tiên và nhân dân Đức. Điều đáng cho ta học tập là nhân dân hai nước anh em đang hết sức tích cực xây dựng miền Bắc Triều Tiên và miền Đông Đức, thu được rất nhiều kết quả và mỗi một kết quả thu được trong công cuộc hoà bình xây dựng nước nhà đều có ảnh hưởng rõ rệt đến cả nước, đến cuộc đấu tranh thống nhất.

Tôi lại rất vui mừng báo cáo với đồng bào rõ rằng: khi chúng tôi đến thăm nước Hunggari anh em thì nhận thấy tinh thần phấn khởi rõ rệt của nhân dân, tình hình sinh hoạt đã trở lại bình thường, các nhà máy, các hầm mỏ, các nông trường lại hăng hái thi đua tăng gia sản xuất như trước. Đó là một thắng lợi lớn của nhân dân Hunggari anh em, đó cũng là một thắng lợi lớn của tất cả chúng ta.

Đến các nước anh em, chúng tôi đã có dịp nói chuyện nhiều với các đồng chí lãnh tụ Đảng và Chính phủ. Những cuộc gặp gỡ và nói chuyện đó đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và thành thật; ý kiến đều nhất trí trên các vấn đề quốc tế quan trọng và những vấn đề thuộc quan hệ giữa nước ta và các nước anh em.

Về tình hình thế giới, chúng tôi đều hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải đấu tranh để giữ gìn hoà bình lâu dài, mọi vấn đề quốc tế cần dùng cách thương lượng hoà bình mà giải quyết. Cần phải đấu tranh để thực hiện những nguyên tắc chung sống hoà bình để giảm bớt quân bị, thực hiện chính sách tập thể an toàn ở châu Âu và châu Á, cấm dùng bom nguyên tử và bom khinh khí. Khi về qua Mốtcu (1) , chúng tôi được tin Liên Xô thành công rực rỡ trong việc thí nghiệm đạn bay qua các lục địa. Sự kiện quan trọng đó sẽ có tác dụng đối với công cuộc bảo vệ hoà bình, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống việc chạy đua vũ trang, đòi giảm bớt quân bị.

Về quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, chúng tôi đều nhất trí cần tăng cường đoàn kết trên tinh thần quốc tế chủ nghĩa, trên nguyên tắc tương trợ hợp tác, tôn trọng chủ quyền của nhau giữa các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa.

Đối với nước Việt Nam ta, thì các nước anh em đều triệt để ủng hộ nhân dân ta trong cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình. Các đồng chí lãnh tụ đều hứa phát triển hơn nữa sự hợp tác về kinh tế và văn hoá giữa các nước anh em với nước ta.

Nói tóm lại, giữa các nước anh em với chúng ta, mọi việc đều ý hợp tâm đầu, vì chúng ta ở trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, cùng phấn đấu dưới ngọn cờ vẻ vang của chủ nghĩa Mác – Lênin, cùng phấn đấu cho một lý tưởng cao quý là chủ nghĩa xã hội. Vì sức đoàn kết nhất trí của chúng ta ngày càng bền vững, quyết không gì lay chuyển được, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi. Có thể nói rằng cuộc đi thăm của chúng tôi đã thành công, đã góp phần thắt chặt thêm nữa tình đoàn kết giữa các nước anh em, nâng cao thêm nữa địa vị quốc tế của nước Việt Nam ta.

Nhân dịp này chúng tôi trân trọng cảm ơn các nước anh em một lần nữa.

Thưa đồng bào yêu quý,

Trong thời gian qua, chúng ta đã sung sướng đón tiếp các vị lãnh tụ của các nước anh em và các nước bạn. Đó là các đồng chí Vôrôsilốp, Micaian, Chu Ân Lai, Xirôki, Xirăngkiêvích, các vị Thủ tướng Nêru, U Nu, Phuma, vị Chủ tịch Quốc hội Xáctônô. Hiện nay, đang vui mừng ngày Quốc khánh với chúng ta, có đồng chí Vúcmanôvích, Phó Chủ tịch Chính phủ Nam Tư anh em.

Tôi vui mừng báo tin để đồng bào rõ rằng: còn các đồng chí lãnh tụ tối cao khác của các nước anh em thì đã hứa với tôi sẽ đến thăm nước ta, để chuyển tình hữu nghị thắm thiết của nhân dân các nước anh em cho nhân dân ta. Tôi chắc rằng toàn thể đồng bào ta đều nhiệt liệt hoan nghênh những tin mừng ấy.

Cuộc đi thăm các nước anh em vừa rồi, tính thời giờ là 55 ngày, tính đường đất thì cả đi lẫn về là gần bốn vạn cây số, nghĩa là gần đường dài vòng quanh quả đất. Thế mà đến đâu, chúng tôi cũng không thấy xa lạ, đến đâu cũng là đồng chí đồng tâm, vì 900 triệu người trong gia đình các nước xã hội chủ nghĩa đều đoàn kết như anh em một nhà. Thế mới biết đại gia đình xã hội chủ nghĩa chúng ta thật là to lớn, hùng mạnh, vĩ đại. Việt Nam ta có quyền tự hào là một bộ phận trong đại gia đình vẻ vang ấy.

Với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ, với sự đoàn kết nhất trí, lòng tin tưởng vững chắc và tinh thần tự lực cánh sinh của mình, với sự giúp đỡ vô tư của các nước anh em, với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, nhất là nhân dân các nước Á – Phi, nhân dân ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, làm tròn được nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

– Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh muôn năm!

– Tình đoàn kết của đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc muôn năm!

– Tình hữu nghị giữa nhân dân các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới muôn năm!

– Hoà bình thế giới muôn năm!

———————————-

Đọc ngày 2-9-1957.
Báo Nhân dân, số 1274, ngày 4-9-1957.

(1) Hội nghị Giơnevơ: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của một số nước họp từ ngày 26-4 đến ngày 21-7-1954 tại Giơnevơ (Thuỵ Sĩ). Hội nghị này được triệu tập theo chủ trương của Hội nghị Béclin nǎm 1954. Chương trình thảo luận của Hội nghị gồm 2 vấn đề: giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên và lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Do thái độ ngoan cố của Mỹ và các nước chư hầu đã tham gia chiến tranh Triều Tiên, cuộc thảo luận về vấn đề Triều Tiên không thu được kết quả.

Ngày 8-5-1954, đúng một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, vấn đề chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương chính thức được Hội nghị Giơnevơ thảo luận. Phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Vǎn Đồng làm Trưởng đoàn tham gia Hội nghị với tư thế đoàn đại biểu của một dân tộc chiến thắng.

Tuyên bố chung của Hội nghị và Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết vào ngày 21-7-1954. Các nước tham gia Hội nghị đã cam kết thừa nhận tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia; quy định quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương và mỗi nước Đông Dương sẽ tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.

Bản Tuyên bố chung còn ghi rõ, ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự và chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi đó là biên giới chính trị hoặc lãnh thổ và quy định ở Việt Nam cuộc Tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước sẽ được tiến hành vào tháng 7-1956. Tr.7.

cpv.org.vn