Bài nói với cán bộ và đồng bào tỉnh Nam Định (13-8-1958)

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thǎm các cô các chú để khuyến khích đồng bào và cán bộ quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi.

Trước hết, chúng ta phải rút những kinh nghiệm của vụ chiêm vừa qua.

Trong vụ chiêm, tỉnh nhà đã cấy được 95% diện tích, như thế là khá. Nhưng thu hoạch chỉ được 73% kế hoạch đã định, tức là đã rút bớt 44.000 tấn thóc. Vì sao?

Vì nhiều nguyên nhân, như hạn hán, sâu bọ, v.v..

Chúng ta phải nhận rằng việc chống hạn đã thắng lợi một phần. Nếu lúc đó không ra sức chống hạn, thì thu hoạch còn kém hơn nữa.

Nhưng chúng ta cũng phải nhận rằng nguyên nhân chính đã gây ra sự sút kém là vì cán bộ lãnh đạo đã mắc bệnh chủ quan nặng, cho nên việc chống hạn, diệt sâu, trữ nước, bón phân… đều không tích cực, không kịp thời. Kết quả là đã sút kém 44.000 tấn thóc.

Ở đây cũng nên nêu lên một điểm: các huyện phía nam ruộng đất tốt hơn các huyện phía bắc. Nhưng vụ chiêm vừa rồi, vì đồng bào phía bắc đã cố gắng hơn, không chủ quan, cho nên đã thu hoạch khá hơn phía nam. Như xã Lộc Hoà, đã gặt được mỗi mẫu tây 2.170kg, đồng chí Hoà (Bí thư xã Lộc Yên) được 3.500 kg mỗi mẫu tây. Đó là một bài học cần phải nhớ.

Kinh nghiệm vụ chiêm là: Cán bộ lãnh đạo phải hết sức tránh chủ quan.

*

*     *

Vụ mùa này, kế hoạch định 202.800 mẫu ta, cả tỉnh đã cấy được 181.800 mẫu. Bước đầu như thế là khá. Nhưng còn phải cố gắng cấy cho hết 21.000 mẫu còn lại. Bác rất vui lòng khen 3 huyện ý Yên, Vụ Bản và Mỹ Lộc đã cấy hơn vụ mùa nǎm ngoái 5.238 mẫu. Đó là một cố gắng mà đồng bào các huyện khác nên làm theo.

Về sản lượng, cả tỉnh đặt mức trung bình 23 tạ một mẫu tây, như thế là khá. Nhưng có thể cố gắng hơn nữa.

Huyện ý Yên có đồng bào định mức 45 tạ.

Huyện Nam Trực có 287 người định mức 45 tạ.

Huyện Xuân Trường có 174 hộ định mức 65 tạ và mức bình quân toàn huyện là 25 tạ.

Như thế là rất tốt. Mong toàn thể đồng bào trong tỉnh ra sức thi đua với những bà con đó.

Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa thi đua:

Thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước và lợi nhà (những tập thể và cá nhân thi đua tốt nhất lại được danh hiệu vẻ vang là Anh hùng và Chiến sĩ lao động). Vì vậy, chúng ta nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua.

Thi đua không phải là tranh đua, không phải là giấu nghề. Trái lại, trong thi đua, bà con phải giúp đỡ nhau, khuyến khích lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ. Vì vậy, chúng ta nói: Thi đua phải đoàn kết, đoàn kết để thi đua.

*

*     *

Muốn thu hoạch nhiều, tục ngữ ta có câu: Một nước, hai phân, ba cần, bốn cải tiến kỹ thuật.

– Về nước – Hiện nay nước tạm đủ. Nhưng phải hết sức chú ý chống úng. Đồng thời phải giữ lấy nước cho vụ chiêm.

– Về phân – Tỉnh định mức mỗi sào 8 đến 10 gánh. Thanh niên nhận làm 15 gánh.

Một số hợp tác xã, tổ đổi công và cá nhân thi đua bón 20 gánh. Như thế là khá. Song thế vẫn còn ít. Cần phải cố gắng bón nhiều phân hơn nữa.

– Ba cần – Là từ khi chọn giống làm mạ cho đến khi lúa đã về nhà, phải siêng chǎm nom từng việc, từng bước. Nếu cho cấy xong là xong, mà không “cần”, tức là không chịu khó làm cỏ, bỏ phân, diệt sâu, phòng hạn… thì nhất định lúa không tốt và thu hoạch sẽ kém.

– Bốn là cải tiến kỹ thuật – Thế giới ngày nay có máy móc tối tân, có vệ tinh nhân tạo. Nhưng cách cày cấy của ta còn rất cũ kỹ, rất lạc hậu, vì vậy khó nhọc nhiều mà thu hoạch ít. Để tiến bộ, chúng ta phải cải tiến kỹ thuật.

Hiện nay ở nông thôn Nam Định có 7.171 đảng viên, 39.039 đoàn viên thanh niên, 2 hợp tác xã nông nghiệp, 10.209 tổ đổi công, có nông hội, có chiến sĩ nông nghiệp, lại có các đồng chí bộ đội. Đó là đội quân chủ lực để đảm bảo vụ mùa thắng lợi.

Tuy vậy, còn có 2.803 đảng viên và 13.800 đoàn viên chưa tham gia tổ đổi công hoặc hợp tác xã. Thử hỏi các đồng chí ấy làm gì mà không tham gia? Và như thế, phải chǎng là làm đúng nhiệm vụ của người đảng viên và đoàn viên?

Còn trong số tổ đổi công, mới có 2.157 tổ là thường xuyên, 350 tổ thì không hoạt động. Nhiệm vụ cần kíp của các cấp uỷ đảng và Đoàn là phải giúp đỡ, củng cố và làm cho tất cả các tổ đổi công và hợp tác xã hoạt động thật sự, hoạt động tốt.

Nhân dịp này, Bác có lời khen ngợi đồng bào xã Vụ Bản đã toàn thể tham gia tổ đổi công và đồng bào xã Dao Lạc đã vượt khó khǎn tổ chức được 15 tổ đổi công. Mong đồng bào hai xã ấy cố gắng và tiến bộ hơn nữa.

Một việc nữa cần phải hết sức chú ý là giữ đê, phòng lụt. Nǎm nay Nam Định đắp đê đúng kỳ hạn, chất lượng tương đối khá, nhưng có nơi như huyện Nghĩa Hưng thì còn kém. Nói chung việc tập dượt chưa đều đặn, chưa đạt mức. Mọi người phải hiểu rằng: muốn chắc vụ mùa thắng lợi, thì việc giữ đê phòng lụt phải làm đến nơi đến chốn. Trong mùa mưa, cán bộ phải luôn luôn đi kiểm tra chu đáo, nhân dân các xã phải luôn luôn sẵn sàng phòng lụt, hộ đê.

Trong việc tranh thủ vụ mùa thắng lợi, tỉnh nhà có nhiều sáng kiến, có nhiều thuận lợi, nhưng cũng có một số khó khǎn tạm thời.

Có người lầm tưởng rằng sản xuất nhiều thì sẽ phải nộp thuế nhiều. Tưởng như vậy là không đúng. Bác đảm bảo với đồng bào như sau: nơi nào đã làm xong việc định diện tích sản lượng, thì sẽ nộp thuế nông nghiệp theo diện tích sản lượng, nơi nào chưa làm xong thì cố làm cho xong và có thể tạm nộp theo mức thuế nǎm ngoái. Chính phủ quyết không tǎng thuế vào số sản xuất vượt mức.

Nông dân ta quen thói bón phân quá ít, thậm chí có nơi còn cấy chay. Đối với thói quen bảo thủ ấy, cán bộ phải ra sức tuyên truyền, giải thích, giáo dục cho mọi người hiểu rằng: “phân cho lúa là của cho người”.

Có vài nơi, chị em phụ nữ không quen cày cấy. Thậm chí không gánh được phân mà phải đội. Đối với điểm này, chị em phải cố gắng thi đua với nam giới, nam nữ phải bình quyền cơ mà. Cán bộ cũng phải chịu khó tuyên truyền giáo dục. Trước kia phụ nữ ta có học quân sự bao giờ; nhưng trong kháng chiến có những đội nữ du kích đánh giặc rất giỏi. Đánh giặc là việc nguy hiểm, thế mà phụ nữ ta đã tỏ ra rất oanh liệt. Không lẽ việc cày cấy làm ǎn mà chị em lại chịu thua người!

Bác mong chị em những nơi đó cố gắng học tập và thi đua, noi gương những nữ anh hùng lao động đã được tuyên dương trong Đại hội thi đua công nông binh vừa rồi ở Thủ đô.

Để tranh thủ vụ mùa thắng lợi, cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, đến xã cần phải:

Nhớ kỹ bài học vụ chiêm, tuyệt đối chớ chủ quan, tự mãn. Phải đi thật sát với quần chúng. Mọi việc phải lãnh đạo kịp thời, chu đáo. Từ bây giờ cho đến khi thóc vào bồ, ngô vào cót, luôn luôn phải lãnh đạo chặt chẽ. Làm vụ mùa cho tốt đồng thời phải chuẩn bị tốt cho vụ chiêm sau. Phải hết sức chú ý giữ nước phòng hạn, giữ đê phòng lụt.

Với tinh thần đoàn kết và truyền thống anh dũng của đồng bào Nam Định, chắc rằng cán bộ sẽ biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân, quyết ra sức thi đua làm cho vụ mùa nǎm nay thành một vụ mùa thắng lợi lớn. Những đơn vị nào thu hoạch vụ mùa khá nhất trong tỉnh, sẽ được giải thưởng đặc biệt.

—————————

Nói ngày 13-8-1958.
Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn