“Thoả lòng Bác mong….”

1. Cho đến nay, hầu như tất cả người Việt Nam mình, từ già đến trẻ, cũng như rất đông đồng bào ở nước ngoài, đều thuộc và có thể hát say sưa bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nhìn các em thơ trong lớp mẫu giáo vừa vỗ tay vừa hát –mà nếu cô giáo không ra hiệu dừng lại, thì các cháu có thể hát mãi, hát đi hát lại nhiều lần. Bài ca xúc tích, đã trải qua gần 40 năm, và chắc sẽ còn được hát trong nhiều năm nữa, bởi nó đã thể hiện đúng tình cảm, niềm vui và những suy nghĩ của người Việt Nam mình trong ngày đại thắng lịch sử đó. Theo lời tác giả kể lại, những thôi thúc, những cảm xúc hồ hởi của ngày 30 tháng 4 năm xưa đã khiến ông ngồi viết một mạch trong 2 tiếng đồng hồ, không sửa một chữ nào. Hai tiếng đồng hồ để toàn dân cùng ca hát trong 40 năm. Đối với một nhạc sĩ sáng tác, có hạnh phúc nào lớn hơn, và có giải thưởng nào lớn hơn ?

Không người dân nào không thuộc lời bài hát
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”
Ảnh: Hoàng Long

Lớp tuổi trên dưới 50 chắc chưa ai quên ngày tháng hào hùng đó. Bài hát được truyền trên loa phát thanh suốt ngày và cứ thế, già trẻ, lớn bé đều say sưa hát theo. (Ngày đó, đã làm gì có máy thu vô tuyến truyền hình, thậm chí mãi mấy năm sau mới có cái cột phát VTTH ở phố Quán Sứ và cái máy phát sóng thử nghiệm đầu tiên được anh chị em trong nghề gọi vui là khẩu “súng ngựa trời” !) Lương thời bao cấp nhỏ nhoi, gạo nước đều phải tem phiếu, nhưng các gia đình đều rủ nhau đi mua một bánh pháo Bình Đà để đốt ăn mừng (hồi đó còn được phép đốt pháo), nổ râm ran trong ngày 30 tháng 4 và cả ngày hôm sau.

Vậy mà đã là 37 năm rồi đấy ! Có những bé ra đời đúng ngày 30 tháng 4 lịch sử, được bố mẹ đặt tên là Huy Hoàng (theo lời ca “Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”) hôm nay cũng đã ngót 40, chắc đã có vợ con, chồng con đề huề và cả nhà vẫn thuộc lòng bài hát thân quen.

Ít lâu sau còn có một bài hát nữa – bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” thấm sâu vào lòng người với câu hát mở đầu “Từ thành phố này Người đã ra đi…” của nhạc sĩ Cao Việt Bách. Đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú…trình bày bài ca này, với tình cảm da diết, xúc động khi nhắc đến Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng, mà ngày chiến thắng Bác chưa kịp về với miền Nam. Các nghệ sĩ đã hát bằng cả trái tim mình, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn bồi hồi khi được nghe và xem trên đài VTTH tường thuật lại một buổi biểu diễn (hay hội diễn gì đó) : một linh mục cùng với dàn kèn đồng của một xứ đạo tỉnh Hà Nam Ninh (khi chưa tách tỉnh như bây giờ) bước lên sân khấu hát bài này. Mãi đến hôm nay, kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, lời ca từ bài hát vẫn nói với chúng ta những điều thiêng liêng: “Thoả lòng Bác mong : Nước non này nghìn năm vững bền!”

2. Vững và bền, đó là điều tâm niệm, là mục tiêu của toàn thể dân tộc ta, đất nước ta từ thuở ngàn xưa. Chẳng phải mỗi ngày, chúng ta đều nhắc lại, ghi nhớ lại chân lý này khi bài Quốc ca của chúng ta vang lên “Tiến lên ! Cùng tiến lên ! Nước non Việt Nam ta vững bền !” đó sao ?

Trong những ngày tháng này, khi những lực lượng thù địch -cả trong và ngoài nước- đang xúm nhau rắp tâm phá hoại sự nghiệp của dân tộc ta, lại càng thấm thía điều này : Phải quyết tâm giữ gìn nước non ta thật vững và thật bền. Một nhúm những kẻ thuộc những cái gọi là “Phục Quốc”, “Việt Tân”…đang lăm le lật đổ chính quyền mà toà án của ta vừa đưa ra xét xử gần đây, là những dẫn chứng rõ rệt. “Phục” gì lũ chúng, “Tân” gì lũ chúng, hay chỉ là những kẻ nhận những đồng tiền nhơ nhớp của nước ngoài như một bè lũ tay sai toan tính làm suy yếu sự vững bền của đất nước ta, của dân tộc ta ? Rồi những lực lượng thù địch ở nước ngoài phụ hoạ theo, rêu rao chiêu bài cũ rích như “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”…để dẫn đường cho những tên phản bội ở trong nước, mà báo chí của ta đã vạch trần bộ mặt thật của bè lũ chúng không chỉ một lần.

Chúng ta nói công khai với niềm kiêu hãnh và tự hào rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chính là lực lượng lãnh đạo duy nhất, lãnh đạo toàn diện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta. Chúng ta cũng đường hoàng và công khai nêu mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước thân yêu này, mà không có con đường nào khác. Ai đó còn mơ hồ về con đường của chủ nghĩa tư bản thì hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng ghê gớm đang quét qua một loạt nước tư bản -từ nước phát triển nhất cho đến nước phát triển trung bình- để hiểu tại sao chúng ta quyết tâm chọn con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã vạch ra. Mặc cho các thế lực thù địch xuyên tạc, chống đối và phá hoại, nhân dân ta không hề nao núng. Câu trả lời đích đáng nhất cho bè lũ này, có lẽ thích hợp nhất là một câu ngạn ngữ ở phương tây “Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến!”.

Đảng ta, người lãnh đạo tuyệt đối của nhân dân ta, đất nước ta, cũng không hề che giấu những tồn tại, những khiếm khuyết của mình. Chỉ có một đảng vững mạnh mới công khai nói rõ những điểm còn yếu kém của mình, nói để tìm cách khắc phục và tiến lên. Nghị quyết trung ương 4 vừa qua là một minh chứng rõ ràng. Những thường dân chúng tôi cứ hay liên hệ một cách nôm na dân dã thế này : giống như trên cơ thể mọc lên một cái nhọt bọc, mưng mủ và đau đớn. Phải là một người dũng cảm, có bản lĩnh thì mới dám nghiến răng để nặn ra, và bôi thuốc cho khỏi, chứ nếu cứ che dấu, xoa dịu để cho nhẹ cơn đau thì sẽ không bao giờ khỏi được.

Lâu nay, trên báo chí của chúng ta cũng không hề che dấu những vụ việc tham nhũng, quan liêu, thoái hoá. Nhờ sự phát hiện của báo chí, của dư luận mà đã có những quan chức bị lôi ra trước vành móng ngựa, chịu kỷ luật thích đáng. Phải cám ơn và biểu dương những nhà báo, những tờ báo dũng cảm, không quản hiểm nguy –thậm chí bị trả thù, bị đánh đập- mới loại trừ được những con sâu đó.

Tuy nhiên, lại cũng phải thẳng thắn nhận xét rằng có một số tờ báo hơi thiên về việc phanh phui những vụ việc tiêu cực (không kể một vài trang báo mạng cố tình đưa những tin giật gân, moi móc đời tư của nghệ sĩ, hoặc những tấm hình hở hang phản cảm…mà có thể xếp chung vào loại báo…lá cải), quên đi hoặc coi nhẹ mặt “xây” những điển hình tốt, những gương “người tốt việc tốt”, bởi đó chính là một chức năng quan trọng của báo chí cách mạng. Báo Đại Đoàn Kết -tờ báo của Mặt trận đã rất đúng và rất trúng khi mở những chuyên trang như “Cán bộ là công bộc của dân” hoặc cuộc thi viết “Gương sáng khu dân cư”, đề cao việc “xây” bên cạnh việc “chống”. Không biết dân “ngoại đạo” mà nói như vậy có gì sai sót không, nhưng vì mong muốn góp phần xây dựng nước non ta vững và bền, nên tôi cứ mạnh dạn phản ánh như vậy.

3. Vững và bền, đó là mục tiêu của việc xây dựng đất nước ta. “Nước non Việt Nam ta vững bền” là lời của bài Quốc ca mà ta hằng tâm niệm. “Nước non này nghìn năm vững bền” là nguyện vọng của hơn 80 triệu người dân Việt Nam -cả trong và ngoài nước , là điều Bác Hồ kính yêu của toàn dân hằng mong từ khi rời bến Nhà Rồng cách đây hơn 7 thập kỷ. Kỷ niệm ngày 30 tháng 4 và cũng chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm ngày sinh của Người, hôm nay chúng ta đã có thể thưa với Bác: Chúng con đã “thoả lòng Bác mong” là xây dựng “nước non này nghìn năm vững bền”, sẽ quyết tâm để nước Việt Nam ta mãi mãi “vững” và “bền”.

Nguyễn Lê Bách
qdnd.vn

Advertisement