Mùa hè năm 1959, cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức tại Lư Sơn. Lúc bấy giờ, đối với quốc tế là một tin tức tuyệt mật. Nhưng lại có một vị nguyên thủ quốc gia của nước ngoài một mình đến Lư Sơn. Người ấy là ai? Người ấy đến Lư Sơn có công việc gì? Câu chuyện bí mật xảy ra cách đây hơn 50 năm đến nay cần được biết rõ.
Một mình lên Lư Sơn
Tháng 8/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Liên Xô, lúc về qua Bắc Kinh, nghe ông Trần Nghị nói Mao Trạch Đông và các đồng trí khác đều đang họp tại Lư Sơn, Hồ Chí Minh quyết định một mình đến Lư Sơn. Theo nhật lý của ông Dương Thượng Côn và hồi ký của các nhân vật có liên quan thời kỳ bấy giờ, Hồ Chí Minh ngồi máy bay hàng không dân dụng Trung Quốc cất cánh tại sân bay Bắc Kinh, sáng sớm ngày 9/8, khoảng độ 10 giờ sáng hôm đó đã đến sây bay Thập Lý Phố của thành phố Cửu Giang. Khi Hồ Chí Minh vừa ra khỏi máy bay, các ông Dượng Thượng Côn, Uông Đông Hưng đã đón chờ từ lâu liền mang hoa đến, ông Dương Thượng Côn nói to lên: “Chúc Chủ tịch mạnh khoẻ, Mao Chủ tịch cử chúng tôi đến đón Bác”.
Hồ Chủ Tịch và Thủ tướng Chu Ân Lai
Vì ở Lư Sơn đang có “cuộc họp bí mật”, nên ở Bắc Kinh Hồ Chí Minh đã nói trước là không tổ chức nghi thức đón tiếp, không đưa tin, không xuất hiện công khai. Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh thấy ông Dương Thượng Côn đặc trách xuống núi đón, người liền nói: “Là người cùng một nhà, đã nói trước rằng đừng có xuống núi đón tiếp cơ mà” và tươi cười hai tay nhận lấy bó hoa tươi.
Tiệc đón tiếp
Hai xe cùng lúc chạy theo hướng Lư Sơn, Dương Thượng Côn và Hồ Chí Minh ngồi xe thứ nhất, Uông Đông Hưng, Trình Tiên Hỷ và phiên dịch Việt Nam ngồi xe thứ hai. 12 giờ trưa, hai xe cùng đỗ tại toà biệt thự số 394, Dương Thượng Côn mời Hồ Chí Minh xuống xe, nghỉ ngơi tại đây. Nào ngờ Hồ Chí Minh lắc đầu và kiên quyết nói rằng: “Hiện giờ tôi đi gặp Mao Chủ tịch, tôi muốn sớm được gặp ông ta”.
Hôm ấy tại phòng khách gác 2 biệt thự số 180, đều bày đủ các món ăn, đồng thời bày thêm hai chai rượu Mao Đài. Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác mời Hồ Chí Minh ngồi ở chỗ thượng toạ, Hồ Chí Minh nhìn vào Mao Trạch Đông vừa cười vừa nói: “Ở đây đều là đồng chí anh em cả, ai lớn tuổi thì ngồi thượng toạ”. Mao Trạch Đông với giọng vùng Thiệu Sơn nói to rằng: “Được được, đồng chí Chu Đức lớn tuổi nhất ngồi thượng toạ, liền sau đó là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Dương Thượng Côn… ngồi theo thứ tự.
Hồ Chí Minh nâng cốc, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam cám ơn những người cộng sản Trung Quốc, và nói rằng: “Chúng ta vừa là đồng chí, vừa là anh em thật sự”. Câu nói ngắn gọn của Hồ Chí Minh làm xúc động nhiều người”.
Sáng sớm đã đột nhiên “mất tích”
Buổi chiều hôm đó, Hồ Chí Minh từ biệt thự số 180 trở về biệt thự số 394. Thể theo quy định thống nhất của cuộc họp, những người quản lý nói chung không ngủ tại toà biệt thự. Trình Tiên Hỷ không ngủ tại toà biệt thự này. Sáng hôm sau, khi anh Hỷ bước vào toà biệt thự 394 cảm thấy rất kỳ lạ, không thấy Bác Hồ, kể cả anh phiên dịch và vệ sĩ cũng tìm không thấy. Đang lúc anh Hỷ nóng ruột cầm điện thoại định hỏi rõ nguyên nhân, thì anh phiên dịch được người lái xe đưa về nhà, nói rằng Bác Hồ một lúc nữa sẽ về, đừng nóng ruột. Vậy Bác Hồ sáng sớm đi đâu, anh phiên dịch nói luôn một câu tiếng Trung Quốc rất mẫu mực là: “Hãy tạm thời giữ bí mật”.
Lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đang ở trước cửa số nhà biệt thự 124 ngay cạnh con đường có cây thông, Bác đang nói chuyện với Lưu Thiếu Kỳ chăng? Không, Bác đang một mình ngồi trên ghế đá ngay trước cửa. Vì Hồ Chí Minh không cho phiên dịch trình bày, cũng không cho phép anh vệ sĩ đi báo cáo, còn Lưu Thiếu Kỳ và thư ký của ông ta vì tối thức khuya, nên chưa ai thức dậy, còn các nhân viên khác đều không nhận ra Hồ Chí Minh, anh quản lý Bành Dục Viêm mấy lần đều hỏi, có cần gọi thủ trưởng thức dậy không, Bác đều tỏ ý không cần thiết, vì chẳng có việc gì cả, ngồi tại đây chờ đồng chí Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy cũng chẳng sao.
Hồ Chí Minh nói tiếng Trung Quốc lưu loát, ăn mặc giản dị, trên đầu lại đội chiếc mũ vải màu ghi, người ta khó mà nhận ra ông già gầy còm này là một nguyên thủ nước ngoài. Khoảng độ 30 phút, Lưu Thiếu Kỳ ngủ dậy, cậu Viêm mới thông báo tình hình này, thư ký riêng mới mở cửa ra ngó nhìn, vào báo cho Lưu Thiếu Kỳ ra ngoài cửa mời Hồ Chủ tịch vào trong nhà.
Lưu Thiếu Kỳ cùng Hồ Chí Minh xem kịch Giang Tây
Tối ngày 11/8, Trình Tiên Hỷ đưa Hồ Chí Minh đến kịch viện nhân dân Lư Sơn xem vở kịch Truy ngưthuộc loại kịch của tỉnh Giang Tây. Vì quãng đường rất gần, Hồ Chí Minh không lên xe, mấy người cuốc bộ đến kịch viện. Khi đến kịch viện, đã trông thấy Lưu Thiếu Kỳ đứng đợi trước cửa. Khi thấy Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ liền bước đến gần nói: “Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch dặn dò tôi đến cùng với Chủ tịch xem vở kịch này”. Tiếp đó, Hồ Chí Minh đi trước, bước vào kịch viện. Vở kịch Truy ngư là vở kịch xuất sắc của Đoàn kịch tỉnh Giang Tây, về lối hát, động tác và ánh đèn đều thuộc loại hạng nhất. Hồ Chí Minh chăm chú xem, cho tới lúc nghỉ nửa buổi, mới hỏi Lưu Thiếu Kỳ: “Về kịch Giang Tây với Kinh kịch, cách hát rõ ràng có khác nhau, song động tác múa trong vở kịch thì khác nhau không nhiều?” Ngày thường, Lưu Thiếu Kỳ ít khi bỏ thì giờ đi xem phim, còn xem kịch lại càng ít, nên đành thú thật nói rằng: “Tôi rất ít đi xem kịch, nghe nói các động tác trong Kinh kịch là hay nhất trong các loại kịch, nên các loại kịch khác cũng phỏng theo Kinh kịch”. Hồ Chí Minh liền gật đầu nói: “Loại kịch Giang Tây chưa được trình diễn ở Việt Nam, song Việt kịch của Quảng Đông thì ở Việt Nam được người ta hoan nghênh, Việt kịch tương đối chú trọng cách hát”.
Bị các đồng chí nữ đòi ăn kẹo cưới
Chiều ngày 12/8, đội quân nữ giới xông vào, trong đó có bà Thái Xướng vợ Lý Phú Xuân, bà Đặng Dĩnh Siêu vợ Chu Ân Lai, bà Khang Khắc Thanh vợ Chu Đức, bà Vương Quang Mỹ vợ Lưu Thiếu Kỳ cùng một số người nữ khác, nét mặt của các bà tươi cười, ai nấy đều mời Hồ Chí Minh ở lại thêm vài ngày nữa tại Lư Sơn.
Hồ Chí Minh nói: “Được được, khi nào Việt Nam thống nhất, tôi sẽ ở Lư Sơn trên nửa năm hay một năm gì đó”.
Bà Thái Xướng nói một cách lắt léo rằng: “Xin đừng đến một mình nhé”.
“Lẽ tất nhiên, tôi sẽ mời một số đồng bào cùng tôi sang đây ở”.
“Không, chỉ mời Bác và phu nhân”.
Bác cười, rồi nói thư thả: “À, té ra Đặng Dĩnh Siêu góp ý kiến trên hội đồng phụ nữ không muốn làm chiếc áo bông sợi tơ cho tôi là như thế này đấy”.
Một bà nhanh nhảu nói rằng: “Đúng vậy, bây giờ Bác nên lấy một bà vợ cách mạng, đừng có cứ bóc lột bà Đặng Dĩnh Siêu mãi”, trong phòng vang lên tiếng cười khà khà.
Hồ Chí Minh lâu nay vẫn sống một mình. Bao năm nay nhiều đồng chí Việt Nam và Trung Quốc đều quan tâm đến việc hôn nhân của Bác. Song khi còn trẻ, Bác đã có chí hướng: Tổ quốc không độc lập không thống nhất sẽ không kết hôn. Như vậy, những người bạn cũ quen biết lâu năm như Chu Ân Lai và Đặng Dĩnh Siêu đành phải thường xuyên quan tâm đến sự mặc ấm cúng của anh cả này. Năm 1957, bà Đặng Dĩnh Siêu đã tự mình làm chiếc áo bông sợi tơ cho Bác.
Các đồng chí nữ luôn miệng nói đùa rằng: “Khi Hồ Chủ tịch sang đây lần nữa, chúng tôi phải đòi bác cho ăn kẹo cưới”.
6 giờ 30 phút sáng ngày 13/8, chiếc xe con đỗ ngay trước cửa toà biệt thự số 394. Trước lúc chia tay, Hồ Chí Minh tặng cho mỗi người làm việc trong biệt thự một cuốn sổ tay có mang chữ ký của Bác và huy hiệu kỷ niệm “Việt Trung hữu hảo”, đồng thời chụp ảnh kỷ niệm chung với mọi người làm việc ở đây.
(Trần Thiện – Xưa & Nay, số 331, 5 – 2009)
bee.net.vn