Nhân văn được hiểu là: Chăm lo cho con người, cho sự tiến bộ của con người, hướng tới con người, giải phóng con người.
Trong nhiều hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đông đảo nhà khoa học khẳng định, cái bao trùm, cái cốt lõi, cái xuyên suốt tư Tưởng Hồ Chí Minh là nhân văn, là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Cốt lõi của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nhân văn. Cốt lõi của đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư Hồ Chí Minh là nhân văn… Con người luôn hướng tới nhân văn. Hành trình của nhân loại là hành trình hướng tới nhân văn, tìm kiếm và hiện thực hoá nhân văn. Nhân văn Hồ Chí Minh là một điểm nổi bật trong hành trình nhân văn của nhân loại trong thời đại ngày nay bởi giá trị hiện thực cụ thể, mạnh mẽ.
Nhân văn Hồ Chí Minh là sự kế thừa có chọn lọc những tinh hoa nhân văn của dân tộc và nhân loại, hay có thể nói tinh hoa nhân văn của dân tộc và nhân loại kết tinh trong Người. Chủ nghĩa nhân văn Việt Nam kết tinh trong Người, đó là chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất đấu tranh cho độc lập, tự do; đó là truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Nhân văn Hồ Chí Minh có tinh hoa nhân văn của Nho giáo, của học tập, của rèn luyện, hướng tới con người: “Kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân; kỉ dục lập nhi, lập nhân; kỉ dục đạt nhi đạt nhân” (điều gì mình không muốn, đừng đem điều đó làm cho người khác; mình muốn lập thân, hãy giúp cho người khác lập thân; mình muốn thành đạt, hãy giúp cho người khác thành đạt). Nhân văn Hồ Chí Minh có tinh hoa của Phật giáo, của tư tưởng vị tha, từ bi, cứu khổ, cứu nạn, của tình yêu bao la, của lòng nhân từ, bác ái mênh mông, yêu thương từ cây cỏ, chim muông… Nhân văn Hồ Chí Minh có tinh hoa nhân văn của Đức chúa Giê-su; có tinh hoa nhân văn của tinh thần tự do dân chủ tư sản tiến bộ; có tinh hoa nhân văn của chủ nghĩa nhân văn trong chủ nghĩa nhân văn của nền văn hoá “ánh sáng”, “Phục hưng”; của chủ nghĩa xã hội không tưởng và đặc biệt là nhân văn Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học.
Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, giải phóng con người. Tấm gương nhân văn Hồ Chí Minh thể hiện bởi chính những hành động nhân văn. Hai mươi mốt tuổi ra đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, cho nhân loại. Năm 1913, dưới chân tượng Thần Tự do ở Niu Oóc (Mỹ), Người đặt câu hỏi: “Đến bao giờ người da đen mới được bình đẳng? Đến bao giờ người phụ nữ mới được giải phóng? Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”(1). Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người tìm thấy “con đường giải phóng” cho chúng ta. Người tin theo và coi đó là “cái bàn chỉ nam”, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam. Là lãnh tụ cao nhất của dân tộc, lúc còn cơ hàn “cháo bẹ, rau măng”, rồi trên cương vị đứng đầu nhà nước, đứng đầu một Đảng cầm quyền vẫn dép lốp, áo ka ki bạc màu. Lúc đồng bào còn đói, Bác kêu gọi cứu đói, đồng thời “tôi xin thực hiện trước”(2). Cả cuộc đời của Người, mỗi hành vi của Người đều lấp lánh hào quang nhân văn, là “sữa để em thơ, lụa tặng già”, là “yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa”, là “tự do cho mỗi đời nê lệ”(thơ Tố Hữu). Người nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào… Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(3). “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”(4). Trước khi qua đời, điều nuối tiếc của Người cũng là sự nuối tiếc “Không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” và còn dặn lại: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi làm lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(5).
ở Hồ Chí Minh, tư tưởng nhân văn và hành động nhân văn là thống nhất. Người căm ghét những hành vi phi nhân văn của chủ nghĩa đế quốc, của bọn xâm lược và bè lũ tay sai. Người vạch trần cái gọi là “khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân bằng các bản án đanh thép ngay tại sào huyệt của chúng và kêu gọi dân tộc ta, thanh niên ta và các dân tộc bị áp bức “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “công việc giải phóng cho ta phải do ta tự làm lấy, không ỉ lại, không trông chờ”.
Đối với những người lầm đường lạc lối đã lỡ theo giặc chống lại cách mạng, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc, Người dạy: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn, dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác, đều dòng dõi của Tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ… Ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”(6). Bác còn dặn, đối với những người lầm đường, lạc lối, “không được báo thù, báo oán” mà phải lấy lời khôn, lẽ phải mà bày cho họ.
Trong kháng chiến, Người đứt từng đoạn ruột khi nghe tin các chiến sĩ ta hy sinh, nhưng Người cũng ngậm ngùi, thương xót cho những người Pháp đã tử vong. “Trước bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(7). Người không muốn chiến tranh. Nhưng để bảo vệ quyền sống, quyền độc lập tự do thì phải hành động chống lại sự xâm lược, sự tàn bạo phi nhân văn.
Con đường Bác chọn cho Đảng, cho dân tộc là con đường nhân văn, con đường tự giải phóng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(8). Người đòi hỏi Đảng phải thật sự là một Đảng nhân văn: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác”(9). Nhiệm vụ của Đảng là giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Và muốn làm được điều đó, người cán bộ đảng viên phải là người có đức, có nhân, có trí, có dũng, có liêm, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Và muốn xứng đáng là người lãnh đạo thì đảng viên và Đảng phải luôn tự rèn luyện, tự củng cố, tự chỉ trích, tự nâng cao không ngừng về trí tuệ, bản lĩnh, phong cách. Chỉ có một Đảng biết cống hiến cho dân, cho nước thì mới được nhân dân yêu mến, ca ngợi và tin theo.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, bản thân Đảng và đảng viên phải chống lại những hành động và tư tưởng phi nhân văn ngay trong tổ chức và con người mình, đó là chủ nghĩa cá nhân, đó là “vác mặt làm quan cách mạng”, quan liêu, hủ hoá, thoái hoá, tham ô, vụ lợi, lười biếng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện… Những căn bệnh đó Bác coi là kẻ thù của cách mạng, của nhân dân, là “thứ giặc” ở trong lòng, phải không ngừng đấu tranh loại bỏ nó.
Trong điều kiện xây dựng đất nước, Đảng và dân tộc phải không ngừng nâng cao tri thức, trí tuệ. Bởi vì: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, Bác coi dốt nát cũng là một thứ giặc. Diệt giặc dốt là một bộ phận của sự nghiệp giải phóng, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Năm 1923, Nhà thơ Xô-viết O-xíp Man đen-stam khi gặp Bác đã viết: “Từ Nguyễn ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”(10). Nền văn hoá của tương lai đó có lẽ là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Thật tự hào là chúng ta có Bác. Thật vinh quang khi đi theo con đường Người chọn – Con đường của nhân loại tiến bộ, của quy luật tất yếu của lịch sử, con đường sáng ngời nhân văn Hồ Chí Minh.
Ths. NGƯT Nguyễn Thế Cường
Bạn phải đăng nhập để bình luận.