Theo dấu chân Người…

Hơn 80 năm trôi qua, nhưng tình yêu và lòng tôn kính của bà con kiều bào ở Thái Lan đối với Bác Hồ vẫn dào dạt qua từng kỷ vật, từng câu chuyện và những ký ức không thể nào quên.

>> Kiều bào là máu thịt của Việt Nam
>> Người Việt ở Thái Lan nỗ lực phổ biến tiếng Việt 

Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 120 năm sinh nhật Bác, nghệ sĩ Bằng Lâm hào hứng chuẩn bị cho chuyến đi Thái Lan để hoàn thành nốt tác phẩm ấp ủ bấy lâu “Theo dấu chân Bác tại Thái Lan”. Chuyện kể bằng ảnh này không chỉ là lời tri ân của ông, mà còn thể hiện tấm lòng của bà con kiều bào tại Thái Lan với Người.

Nguyên vẹn tấm lòng với Bác

Trong hành trình qua 9 tỉnh “Theo dấu chân Bác”, ông Bằng Lâm đã đi được bốn tỉnh với hơn 30 ảnh chọn lọc kỹ càng trong số 60 bức dự kiến sẽ đưa vào triển lãm. Trở về Thái Lan, nghệ sĩ Bằng Lâm cho biết đời sống bà con kiều bào đã thay đổi rất nhiều, nhưng tình cảm đối với Thầu Chín (bí danh của Bác lúc hoạt động tại Thái Lan), người đã mang đến cho bà con kiều bào những bài học đầu tiên về con đường cách mạng Việt Nam, về lòng yêu nước thương nòi vẫn còn nguyên vẹn.

Biết nghệ sĩ Bằng Lâm đang thực hiện tác phẩm bằng ảnh về hành trình của Bác, bà con kiều bào thế hệ thứ ba, thứ tư dù chỉ biết về Bác Hồ qua chuyện kể đã nhiệt tình giúp đỡ. Ông Lâm cho biết “tôi thực sự xúc động khi bà còn đưa mình đi, hỏi han và giúp đỡ mọi vấn đề”.

Ông Suride, một kiều bào hơn 80 tuổi, dù chưa gặp Bác lần nào, nhưng vẫn đích thân lái xe đưa nghệ sĩ Bằng Lâm đi đến những nơi Bác đã từng sống ở tỉnh Nakhon Phanom. “Không chỉ vậy, ông còn chở tôi lên tận Bangkok, tìm đến những ngôi chùa mà Bác từng ở”, ông Lâm kể.

Trở về Nakhon Phanom, trở về bản Mạy (nay là bản Na Chooc), Nakhon Phanom, nơi ông sinh ra và cũng là nơi Bác Hồ từng sống và hoạt động những năm 1928 – 1929 là thời khắc đáng nhớ nhất của nghệ sĩ Bằng Lâm. Đã hơn 80 năm trôi qua kể từ ngày Bác ở Nakhon Phanom, nhưng bà con vẫn trân trọng nâng niu các kỷ vật về Bác, từ hòn gạch lát nhà, chiếc mũ nan đơn sơ hay chiếc chậu, cái bát. Những hình ảnh xúc động này được nghệ sĩ Bằng Lâm lưu trong ống kính của mình với niềm trân trọng.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (giữa) gặp gỡ bà con kiều bào Thái Lan. Ảnh:Trung Kiên

 

Thắp sáng niềm tin

Niềm tự hào sâu sắc của bà con kiều bào về thời kỳ hoạt động của Thầu Chín – Hồ Chí Minh trên đất Thái Lan cũng chính là niềm tự hào của nghệ sĩ Bằng Lâm. Khi được biết Bác Hồ từng sống, làm thuốc cùng với những người thân trong nhà mình, Bằng Lâm xem đây là một vinh dự, một hạnh phúc lớn lao mà không phải ai cũng có được.

Không được biết Bác, nhưng qua lời kể thì hình ảnh chú lang Tín (tên Bác Hồ khi làm trong hiệu thuốc gia đình) với những câu chuyện kể về các anh hùng dân tộc, về nỗi nhục mất nước và lời khuyên nhủ vẫn in sâu trong lòng nghệ sĩ Bằng Lâm. “Theo lời Người, cả bố và hai chú của tôi đều ra chiến trường. Hai người chú đã hy sinh tại chiến trường Lào và Campuchia”.

Ghi lại bằng hình ảnh những nơi Bác từng gắn bó như một khúc sông tại Nakhon Phanom, nơi Người thường ra tắm giặt, có thể nhìn sang cả Lào lẫn dãy Trường Sơn vời vợi chính là tâm nguyện trong chuyến đi sắp tới của ông. Nghệ sĩ Bằng Lâm nhớ lại: “Gia đình vẫn nhớ mãi con người nhã nhặn, chăm lo công việc và được mọi người hết sức yêu quý khi Người từ biệt gia đình”.

Tình yêu đấy vỡ òa khi qua báo chí năm 1945, mọi người biết rằng đó chính là Hồ Chí Minh, người đã nói với ông nội Bằng Lâm rằng “cách mạng nước ta còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng nhất định thành công”, người đã thắp sáng niềm tin cho cả dân tộc lẫn cho bà con kiều bào. Nghệ sĩ Bằng Lâm cũng ấp ủ sẽ vẽ một bức tranh thật lớn, thật xúc động về Bác Hồ với kiều bào.

Năm 1929, Bác Hồ sang Thái Lan, đến bản Mạy và ở gia đình ông bà Hoe Lợi một thời gian. Bác được ông Hoe Lợi (Nguyễn Bằng Cát) bố trí làm việc tại cửa hàngthuốc bắc của gia đình. Bốn người con của ông Hoe Lợi là Sâm, Nhung, Quế, Phụ đã được Bác đặt tên mới là: Cách, Mệnh, Thành, Công và nghệ sĩ Bằng Lâm là con trai của ông Cách.

Hà Anh

baodatviet.vn

Advertisement