Đối với PGS, TS Vũ Thu Giang, ký ức về lần đầu tiên được tặng hoa và chụp ảnh cùng Bác Hồ lúc nào cũng tươi mới và vẹn nguyên trong tâm khảm. Ký ức đó như “kim chỉ nam” soi sáng cả cuộc đời bà.
>> 100 năm ngày Bác Hồ tới Pháp
Một buổi sáng tháng 5, nắng lung linh trên những ngọn xà cừ rợp lá, chúng tôi gặp lại “em bé” trong bức ảnh chụp cùng Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Giờ tóc đã điểm sương, cầm trên tay tấm ảnh mà bà gìn giữ như bảo vật, người phụ nữ từng làm Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Vĩ mô (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) xúc động nhớ lại…
Ấn tượng đẹp trong tâm hồn trẻ thơ
Những năm 1950, để tổng kết phong trào thi đua yêu nước mà Bác Hồ phát động từ năm 1948, Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Đại Từ, Thái Nguyên. Ngày ấy, bé Vũ Thu Giang, mới 7 tuổi, thường chơi đùa ở cơ quan của mẹ – một cán bộ trí thức làm việc trong Trung ương Hội phụ nữ VN, gần nơi tổ chức đại hội. Trong giờ nghỉ, bé Thu Giang và Đặng Minh Châu (con của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu) được gọi vào ăn cơm cùng với Bác.
Bác Hồ chụp ảnh với 2 cháu thiếu nhi Vũ Thu Giang (bên trái) và Đặng Minh Châu (bên phải). Ảnh: Đinh Đăng Định
Ngày bế mạc đại hội, bé Thu Giang và bé Minh Châu được vinh dự đại diện cho thiếu niên, nhi đồng cả nước dâng hoa lên Bác Hồ. “Đề nghị khá bất ngờ, mọi người vội vào rừng hái hoa để chúng tôi dâng tặng Bác và các anh hùng, chiến sĩ thi đua. Sau đó, chúng tôi được chụp ảnh chung với Người. Trong ảnh, Bác Hồ và chị Minh Châu cười rất tươi. Tôi chỉ cười mỉm, vì lúc đó răng mới mọc nên rất ngại”, bà Thu Giang vui vẻ kể .
Tối đó, bé Thu Giang còn tham gia biểu diễn văn nghệ mừng đại hội với một vai nhí trong vở kịch nông dân vùng lên chống thực dân. Lúc diễn, có đoạn giằng co, ruột tượng trên vai rơi ra, gạo vãi hết xuống sàn. Kết thúc vở kịch, đích thân Bác Hồ lên sân khấu, lấy một mẩu giấy vun các hạt gạo rơi, đổ lại vào cái hũ. Cử chỉ giản dị mà ân cần của Bác đã để lại ấn tượng lung linh trong tâm trí của bà Giang khi ấy và suốt quãng đời sau này khi sang Liên Xô học, hay lúc về ĐH Xây dựng, ĐH Kinh tế Quốc dân giảng dạy.
Kiên quyết bảo vệ cái mới
Việc đất nước chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhu cầu bức thiết của cuộc sống, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhưng cũng là bài toán khó, bởi không nhiều người am hiểu kinh thị trường. Còn trên giảng đường, chương trình đại học, cơ cấu ngành học, lý thuyết giảng dạy thì thiếu thực tế. Với những kiến thức tích lũy ở nước ngoài, bà Thu Giang đã đề xuất và vận động đưa các kiến thức quản lý kinh tế thị trường vào trong nước.
Vũ Thu Giang và Đặng Minh Châu chụp ảnh với Bác Hồ và các anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ảnh tư liệu.
Việc tìm hiểu kinh tế thị trường xuất phát từ niềm đam mê của bà, chứ không phải một nhiệm vụ được giao. Năm 1983-1985, khi sang Nhật Bản để thực hiện đề tài nghiên cứu sinh liên quan tới kinh tế xây dựng, một vị giáo sư nói với bà rằng: “Chị sang đây học sẽ gặp nhiều cái khó. Vì ở đất nước các chị dạy kinh tế học của Marx, còn chúng tôi lại dạy theo kinh tế học của Mỹ với học thuyết của Keynes hay David Begg”. Vì vậy, bà đã quyết tâm tìm mua sách đọc để bồi đắp thêm hiểu biết và mang kiến thức mới về xây dựng đất nước.
Trong quá trình đưa môn kinh tế vĩ mô vào giảng dạy ở VN, bà gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất chính là tư duy, thái độ tiếp nhận kiến thức mới. Có người đưa ra lý do “không đủ quỹ thời lượng” để làm khó cho việc triển khai môn học này. Kiên quyết bảo vệ cái mới, tại một hội thảo bàn về môn học, bà từng nói: “Nếu các anh muốn nền giáo dục VN tụt hậu 100 năm nữa, thì các anh cứ loại bỏ môn học này đi”.
Bảo vệ cái mới, cái có ích là việc làm phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác từng nói: “Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu”. Vì vậy, chỉ với lòng nhiệt tình thì chưa đủ, cùng lắm chỉ phá được cái xấu, cái cũ mà không xây được cái tốt, cái mới. Bà đã cùng các đồng nghiệp giúp các cán bộ quản lý và nhiều thế hệ sinh viên thời kỳ đầu Đổi mới nắm được những khái niệm cơ bản và công cụ hữu hiệu để điều tiết nền kinh tế. PGS Vũ Thu Giang chia sẻ: “Cái đó nằm trong máu của mình rồi. Được gặp Bác, luôn nhớ công ơn Người, nghĩ về trách nhiệm của mình với đất nước”.
BOX: Bà Đặng Minh Châu – em bé thứ 2 trong tấm ảnh chụp với Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua, cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất ở chiến khu Việt Bắc, sau này cũng sang Liên Xô học chuyên ngành toán. Những năm 1960, bà đã gia nhập Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó chuyển sang nghiên cứu khoa học tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cho tới khi về hưu.
Những hoạt động hướng đến ngày sinh Bác trong ngày 17/5
Ngày 17/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP HCM phối hợp với Đài TH thành phố tổ chức Lễ trồng cây nhớ ơn Bác. Cây bàng vuông, quà tặng của quân, dân huyện đảo Trường Sa đã được trồng tại vị trí trang trọng tại cửa bảo tàng. Đặc biệt, cây bàng được trồng với 5 loại đất lấy từ các địa phương, như : Nghệ An, Cao Bằng, Hà Nội, TP.HCM và Đồng Tháp, là những địa phương in đậm dấu ấn về Người. Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM khai mạc triển lãm tranh cát mang chủ đềHành trình vì đất nước giới thiệu 90 tác phẩm được sáng tác bằng 72 màu cát tự nhiên không chất kết dính của họa sĩ Nguyễn Chí Nhật Quang. Các bức tranh là những câu chuyện sống động, ghi dấu ấn rõ nét về chặng đường đi tìm chân lý cách mạng của Bác, những nơi Bác đã đi qua trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước cho đến những ngày tháng hòa bình độc lập. Hội Nghệ sĩ Múa TP HCM tổ chức đêm diễn kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều tiết mục múa, hát ca ngợi Bác Hồ Dấu chân phía trước, Những người Cộng Sản, Ký ức lời ru, Quê hương vàĐêm Đại Ngàn… Sở VH-TT-DL Hà Nội khai mạc triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh – Người là niềm tin tất thắng” giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đã được khai mạc tại Trung tâm Thông tin Triển lãm thành phố. Triển lãm đã trưng bày gần 100 bức ảnh quý, ghi lại những khoảnh khắc từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, thời gian Bác hoạt động tại nước ngoài, quá trình lãnh đạo dân tộc kháng chiến giành thắng lợi cũng như trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại miền Bắc. Triển lãm cũng trưng bày khoảng 50 đầu sách viết về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, các câu chuyện kể về Bác Hồ… |
Văn Tuấn