100 năm ngày Bác Hồ tới Pháp

Nước Pháp là nơi Bác Hồ đặt chân đến đầu tiên trong hành trình tìm đường cứu nước.

>> Cảng Sài Gòn và những sự kiện lịch sử
>> Theo dấu chân Bác Hồ ở Ai Cập

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nước Pháp, trên hành trình tìm đường cứu nước, diễn ra mới đây tại Pháp. Chương trình do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp phối hợp với lãnh đạo thành phố Choisy-le-Roi (Pháp) tổ chức.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, tổ chức tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp, trên chiếc tàu buôn Đô đốc atouche-Tréville, mong muốn học hỏi những tinh hoa và tiến bộ từ các nước phương Tây.

Ngày 6/7/1911, sau hơn 1 tháng, tàu cập cảng Marseilles, Pháp. Sau khi ở Mỹ một năm (từ cuối năm 1912 đến cuối năm1913), Nguyễn Tất Thành quay trở lại nước Anh làm nghề cào tuyết, đốt lò rồi phụ bếp cho khách sạn. Cuối năm 1917, Người trở lại nước Pháp, sống và hoạt động ở đây cho đến năm 1923.

Tại Pháp, từ năm 1921-1923, Bác đã sống và chiến đấu vì quyền độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức.

Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người An Nam yêu nước, Người đã mang tới Hội nghị Hòa bình Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Namgồm 8 điểm kêu gọi lãnh đạo các nước Đồng Minh áp dụng các lý tưởng của Tổng thống Wilson cho các lãnh thổ thuộc địa của Pháp ở Đông Nam Á. Bản yêu sách được trao tận tay tổng thống Pháp và các đoàn đại biểu đến dự hội nghị.

Năm 1920, Người đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lenin, từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đi theo chủ nghĩa cộng sản.

Cũng tại Pháp, Người tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại Tours (từ 25 đến 30/12/1920) với tư cách là đại biểu Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và tách khỏi đảng Xã hội.

Năm 1921, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp lập ra Hội Liên hiệp Thuộc địa (Union intercoloniale – Association des indigènes de toutes les colonies) nhằm tập hợp các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa đế quốc.

Năm 1922, người cùng một số nhà cách mạng thuộc địa lập ra báo Le Paria (Người cùng khổ), làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhằm tố cáo chính sách đàn áp, bóc lột của chủ nghĩa đế quốc nói chung và thực dân Pháp nói riêng. Tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp bằng tiếng Pháp (Procès de la colonisation française) do Nguyễn Ái Quốc viết được xuất bản năm 1925, đã tố cáo chính sách thực dân tàn bạo của Pháp và đề cập đến phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa…

Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, mà còn ảnh hưởng tới nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chính vì lẽ đó, Lễ kỷ niệm không chỉ có ý nghĩa đối với người Việt Nam trên toàn thế giới, mà còn với nhiều bạn bè quốc tế. Cũng tại Lễ kỷ niệm, Trung Tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đã giới thiệu và trưng bày bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh, chân dung một con người và những bức ảnh tư liệu đen trắng quý giá về quãng thời gian hoạt động cách mạng tại Pháp của Người.

Vũ Bình

baodatviet.vn

Advertisement