Hồ Chí Minh và chặng đường trên nước Mỹ trong cuộc hành trình 30 năm ra đi tìm đường cứu nước

Bến cảng Sài Gòn- nơi người thanh niên yêu nước Nguyền Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911. Ảnh: Tư liệu

Yên ả và thanh bình là ước mơ ngàn đời của dân tộc chúng ta. Để giữ vững bờ cõi, bảo vệ non sông gấm vóc và tồn tại giữa một thế giới bạo tàn, từ bao đời nay, người Việt Nam đã phải liên tục gồng mình để chống lại nạn ngoại xâm. Đã có biết bao dân tộc bị diệt vong trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại. Kiếp nô lệ cam chịu chưa bao giờ được dân ta chấp nhận. Đời nào cũng vậy, sự quật cường đã giúp chúng ta ngẩng cao đầu.

Cuối thế kỷ XIX, cả phương Đông chìm trong cơn đại hồng thủy của Chủ nghĩa thực dân đế quốc. Sự bất công, điêu tàn, uất hận bao phủ lên bầu trời của quê hương, từ mọi ngóc ngách của xóm làng đến chốn kinh thành hoa lệ. Cũng như bao đời trước, đất nước mòn mỏi trông chờ những đứa con ưu tú, những vị anh hùng. Đó là những Thánh Gióng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung…. Họ là niềm tự hào, là vẻ đẹp, là khúc tráng ca trong bản hợp xướng bi hùng về sự trường tồn và bất tử của dân tộc. Lần này, người anh hùng không phất cờ từ trong dân giã hay từ chốn cung đình mà là bắt đầu từ một chuyến ra đi, không phải là để cầu cứu ngoại bang mà là để tìm chân lý, mong trả lại sức mạnh, sự tự do vốn có của dân tộc. Cuộc hành trình của Người là thiên anh hùng ca huy hoàng và vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài của cuộc hành trình, nước Mỹ là chặng đường dừng chân tuy ngắn ngủi của Người nhưng nơi đây thực sự đã giúp Người nhận thức một cách sâu sắc hơn về bản chất của chủ nghĩa tư bản, nỗi thống khổ của nhân dân lao động bị áp bức trên toàn thế giới trên hành trình tìm ra con đường giải phóng dân tộc.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra ở làng Nam Đàn năm 1890. Xuất thân từ một gia đình nhà giáo nghèo nhưng cả quê nội Kim Liên và quê ngoại Hoàng Trù đều là những vùng đất hiếu học, khoa cử nên cậu bé Nguyễn Sinh Cung được thừa hưởng một nền giáo dục truyền thống, tốt đẹp từ cả bố và mẹ. Thân sinh của Bác, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có ảnh hưởng trực tiếp đến Người bằng vốn học vấn uyên thâm, một trái tim yêu nước thương dân, một đức tính khiêm tốn, giản dị, sống gần gũi, gắn bó với nhân dân lao động. Mẹ của Bác, bà Hoàng Thị Loan chính là người đã khai tâm cho con trai bằng những bài học chữ Nho về triết lý ở đời trước tuổi cắp sách tới trường. Như vậy, từ thuở thiếu thời cho đến tuổi trưởng thành, Người đã nhận được sự giáo dục và nuôi dưỡng truyền thống nhân ái của dân tộc: Thương người, thương dân, là khát vọng có một cuộc sống tự do, no ấm, hạnh phúc. Chính chủ nghĩa yêu nước dạt dào tình nhân ái đó đã nhem nhóm trong trái tim Người một ý chí quyết ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Chuyến hành trình dài 30 năm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành chuyến ra đi lạ lùng, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Theo dòng thời gian, nó hòa vào ký ức dưới hình ảnh con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin rời Bến cảng Sài Gòn ngày mồng 5/6/1911 mang theo chàng trai 21 tuổi quả cảm, dưới tên gọi Văn Ba, vượt trùng dương bao la, quyết đi tới những chân trời xa lạ “xem xét họ làm như thế nào, để trở về giúp dân tộc”.

Những trang hồ sơ còn lại đã trở thành tư liệu quý báu, ghi dấu ấn một phần những gì diễn ra cách đây gần một thế kỷ trong cái đêm dài nô lệ ấy của đất nước. Một chuyến ra đi khát khao tìm hiểu thế giới, nung nấu ý chí đổi đời cho đất nước bằng một trái tim nồng nàn, một tâm hồn cao cả, một ước nguyện mãnh liệt bắt đầu từ hai bàn tay trắng và những công việc nhọc nhằn gian lao của người phụ bếp. Đó là chuyến ra đi đầy chất phiêu lưu của một nhà cách mạng trẻ tuổi. Trước mặt không chỉ là một biển cả mênh mông sóng nước, mà còn là cả một biển đời sâu thẳm đầy sóng gió. Sau lưng là hình ảnh quê hương đang quằn quại trong đau thương, mong ngóng ngày trở về.

Tượng Nữ thần Tự do - biểu tượng của nước Mỹ. Ảnh: Internet.

Khoảng cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành đã tới miền Đông nước Mỹ trên chiếc tàu Latusơ Tơrevin từ Pháp, vòng qua Châu Phi, vòng sang châu Mỹ rồi tới NewYork. Đi qua hàng loạt quốc gia của cả 3 Châu lục Âu, Phi, Mỹ. Khi tới thăm tượng Nữ thần Tự do ở Mỹ, chàng trai trẻ đã ghi lại những dòng cảm tưởng như sau: “Ánh sáng trên đầu Thần Tự do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Thần thì người da đen bị chà đạp. Bao giờ thì người da đen mới hết bị chà đạp? Bao giờ thì người da đen và người phụ nữ mới có bình đẳng? Bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc?”. Thật ra cho tới lúc này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã nắm được bản chất khái quát của thế giới hiện tại, đó là thiểu số người giàu cai trị và áp bức người nghèo. Các nước giàu mạnh xâm lược, thống trị và đàn áp các nước nhược tiểu. Bạo lực, bất công, bóc lột thay cho từ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” bởi đó chỉ là những ước mơ xa vời. Bằng con mắt tinh đời và trái tim nhạy cảm, chàng trai đã thấu hiểu được lòng dạ sói lang của nước Mỹ tư bản. Dưới gầm trời này, giai cấp cần lao chỉ có thể sống đời nô lệ dưới sự đày đọa của đồng loại giàu có, tham lam, độc ác và bạo tàn, các dân tộc bị áp bức chỉ có thể quằn quại, rên xiết dưới gót giày của kẻ xâm lược. Giá trị nhân văn của Cách mạng Pháp, cách mạng Mỹ đã bị phản bội ngay từ khi mới ra đời. Xã hội Mỹ lúc bấy giờ không thể giải phóng được dân chúng và các dân tộc bị áp bức khỏi những bất công mà chỉ thay đổi xiềng xích này bằng xiềng xích khác.

Khu Harlem thuộc bang Georgia – nơi Nguyễn Tất Thành hay lui tới được coi là “cái đáy” của nước Mỹ – nơi bộc lộ rõ nhất bản chất của xã hội tư bản. Sự bần cùng ở khu vực người da đen vẫn hiện lên rất rõ như một minh chứng về sự tương phản giàu nghèo mạnh mẽ chẳng khác gì ở Việt Nam. Giáo sư Meri Ratner, Chủ tịch Viện nghiên cứu Mác ở NewYork đã có nhiều năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh, đã từng nói: “Hồ Chí Minh đã học hỏi được nhiều từ trong những ngày ở nước Mỹ. Qua những tác phẩm viết về những cuộc hành trình của người da đen, có thể thấy Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Hồ Chí Minh là một người nhạy cảm, đến từ một nước thuộc địa, trải nghiệm thực tiễn trong một xã hội chủ nghĩa thực dân; là một trong những người đầu tiên không phải là người Mỹ viết về nạn phân biệt chủng tộc, về chủ nghĩa thực dân, xã hội tư bản. Ở Boston, Người thấu hiểu những nỗi thống khổ của người nghèo không có việc làm, không thể có được một cuộc sống theo đúng nghĩa của nó. Do đó Người cũng đã nhận ra được những vấn đề liên quan đến giai cấp, Người bộc lộ sự cảm thông đối với những số phận thống khổ trong xã hội, những người bị bóc lột”.

Khu Harlem - nơi được mệnh danh là “Black NewYork” do tập trung nhiều người dân da đen sinh sống nhất nước Mỹ. Ảnh: Internet.

Nguyễn Tất Thành tìm hiểu rất nhiều về hoàn cảnh của người da đen ở Mỹ, nhất là phong trào đòi nhân quyền kéo dài đã gần 300 năm mòn mỏi ngay từ khi họ mới được đưa từ Châu Phi sang dưới thân phận nô lệ. Có thể tạm chia xã hội Mỹ lúc bấy giờ thành các nhóm sau đây: Trên cùng là bọn thống trị và nhà giàu, tiếp đến là lớp trung lưu da trắng, dưới là dân lao động da trắng hoặc gốc Âu, dưới cùng của đáy xã hội là dân lao động gốc Phi (không kể những dân da đỏ bản địa bị cướp hết đất và dồn vào rừng núi). Dưới con mắt của Nguyễn Tất Thành, trật tự xã hội ấy sẽ bất di bất dịch theo đúng bản chất của nó. Đó chính là một trong những kết luận sáng suốt nhất của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Số phận bi thảm sau này của nhà lãnh tụ tinh thần da đen Martin Luther King là một ví dụ minh chứng cho những điều đó. Một cửa xã hội rõ ràng không có lối ra mặc dù phong trào đấu tranh liên tục diễn ra và mạnh mẽ? Một đất nước như thế làm sao có thế giúp được một nước nhược tiểu như nước ta thoát khỏi vòng nô lệ không kể sau này nó còn trút hàng triệu tấn bom và chất độc xuống hủy hoại quê hương, tàn sát đồng bào ta, nhân dân ta một cách dã man, ghê rợn hơn cả giặc Pháp.

Hình ảnh Tòa thị chính của Thành phố Philadelphia.Ảnh: Internet.

Thủ đô Philađenphia – Thủ đô đầu tiên của nước Mỹ, nằm giữa Washington và Bantimo chính là điểm đến tiếp theo của Người trong cuộc hành trình trên nước Mỹ. Là nơi khởi nguồn của cuộc cách mạng đã đưa đến nền độc lập, Philadelphia đóng vai trò then chốt trong lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ. Tại Hội trường Độc Lập vào ngày 04/7/1776, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của Quốc hội để thông qua bản Tuyên ngôn độc lập và dự thảo Hiến pháp Hoa Kỳ. Tác giả chính của những văn kiện này chính là Thomas Jefferson.Giáo sư Sophie Quinn Judge – một nhà nghiên cứu về Châu Á, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Hồ Chí Minh – những năm tháng đã qua” đã viết : “Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều bài báo cho Quốc tế cộng sản, qua đó có thể thấy Người đã nhìn thấy rõ sự bất công trong xã hội Mỹ. Người cũng nhận thấy rõ nhiều vấn đề đã được nêu trong Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của nước Mỹ. Trong hoạt động chính trị, Người cũng đã nghiên cứu kỹ về hình thái của xã hội Mỹ cùng với hình thái xã hội của Liên Xô và nhiều nước khác được chia thành 2 nhóm: Các nước bóc lột và các nước bị bóc lột. Đó có thể là lý do vì sao Hồ Chí Minh đã đưa một số nội dung của Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ và Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam vào ngày 02/9/1945. Nhưng có thể khẳng định một điều, Hồ Chí Minh là một người có sự nhạy cảm và sự nhận biết tinh tế về chính trị để phân biệt những mặt tích cực và tiêu cực của hình thái xã hội Mỹ. Và Người đã nhận thức được một vấn đề quan trọng: Nước Mỹ không thể giúp Việt Nam bảo vệ quyền lợi dân tộc.”

Khi đó, Người hiểu rằng, chế độ xã hội dựa trên lợi nhuận không thể giúp các dân tộc thuộc địa giải quyết vấn đề của mình. Nhân dân lao động ở Mỹ lúc đó đã có chút nhận thức về vấn đề giai cấp; phong trào cộng sản, phong trào dân tộc cũng đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Người đã tham gia thảo luận với nhiều chủ đề như : “Điều gì đang xảy ra ở phương Tây?”; “Sự cần thiết phải có một chế độ xã hội khác”; “Sự cần thiết của độc lập dân tộc”… Qua việc tìm hiểu sự đối xử dã man đối với người da đen, Hồ Chí Minh nhận thấy rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản. Cũng trong thời gian kiếm sống cùng khổ với người dân lao động, Người nhận ra khoảng cách ngày càng giãn ra giữa tầng lớp người giàu và người nghèo và chính điều đó đã thôi thúc Người đến với cuộc đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của người lao động. Họ cần thức ăn, nhà ở, được lao động và hưởng thụ văn hóa. Đối với nhiều người Mỹ, Hồ Chí Minh thực sự đã trở thành biểu tượng cho sự đấu tranh công bằng, bình đẳng và sự tiến bộ xã hội.

Khách sạn Omni The Packer House ở Thành phố cảng Boston (nằm phía Tây bang Massachusetts) cũng là nơi Bác đã từng sống và làm việc. Tại khách sạn này, Bác đã từng là một người thợ làm bánh. Hiện nay, gian chế biến bánh ngọt dưới tầng hầm vẫn giữ nguyên chiếc bàn đá bị sứt mẻ một góc từ khi Bác còn làm việc không thay mới cũng không sửa chữa như để kỷ niệm những tháng ngày của một vĩ nhân cách nay cả thế kỷ.

Khách sạn Omni The Packer House ở Thành phố cảng Boston - nơi Bác đã từng là một người thợ làm bánh làm việc tại đây năm 1913. Ảnh: Internet.

Bản chất cường quyền và bành trướng của chính quyền nước Mỹ đã được Nguyễn Tất Thành phát hiện và khẳng định ngay từ khi Người đặt chân lên đất nước này trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước của mình, không phải đợi cho tới khi nước này viện trợ cho Pháp xâm lược Việt Nam, hay khi điều khiển chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm “lê máy chém” đi khắp miền Nam Việt Nam tàn sát, giết hại đồng bào, hay “rải thảm bom” B52 xuống Hà Nội năm 1972. Chính thiên tài Hồ Chí Minh đã cảnh báo được mầm mống tai họa đối với thế giới từ rất sớm, ngay tại mảnh đất mà nó mới manh nha. Đó là sự nguy hiểm của sức mạnh khi nó đồng hành với khao khát quyền lực, của cải và lãnh thổ. Bài học muôn đời này rất dễ thấm nhưng cực khó để làm theo. Thông điệp đó thực sự là một di sản bởi lý tưởng về tự do cho nhân loại không bao giờ được thực hiện bởi bàn tay của những kẻ chà đạp lên tự do của người khác.

Hành trình trên nước Mỹ đã góp phần quan trọng cho sự trưởng thành về tư tưởng nhận thức và tâm hồn của nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc. Sự thống trị hà khắc, nỗi thống khổ khôn cùng với cảnh nhân phẩm và cuộc sống bị chà đạp thô bạo đã làm quặn đau trái tim nhân hậu của Người; đồng thời bộc lộ bản chất rõ ràng của xã hội tư bản cùng Chủ nghĩa thực dân tàn bạo mà nó sinh ra. Cũng từ chuyến hành trình trên nước Mỹ này, tình thương yêu đồng loại cùng cảnh ngộ không phân biệt quốc gia, dân tộc càng nồng nàn trong trái tim của Người, góp phần tạo nên phẩm chất sáng ngời về tinh thần Quốc tế cộng sản của Nguyễn Ái Quốc được cả thế giới khâm phục và kính trọng. Nó cũng góp phần tạo nên tính kiên định cách mạng, ý chí đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng con người và giải phóng dân tộc mà Bác Hồ đã theo đuổi trong suốt cuộc đời gian lao, vĩ đại của mình./.

Hồng Vượng

bqllang.gov.vn

Advertisement