(TCTG) – Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước dân chủ mới. Theo Người, Nhà nước phải phát huy dân chủ đến cao độ nhưng không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ.
Đích đến của bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng là lật đổ chính quyền của giai cấp thống trị, thiết lập chính quyền mới tiến bộ hơn của giai cấp bị trị. Với cách mạng Việt Nam, Chính cương vắn tắt của Đảng Cộng sản năm 1930 đưa ra mô hình “Dựng ra Chính phủ công nông binh”(1). Tháng 5/1941, Hội nghị lần thứ Tám BCHTW chủ trương: “không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xô viết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập Chính phủ Dân chủ cộng hòa”(2). Tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đi đến quyết định lịch sử: Phát động tổng khởi nghĩa, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Ủy ban này làm chức năng của Chính phủ lâm thời ngay sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Đây là quyết định rất sáng suốt và kịp thời trong tình hình đất nước và thế giới có nhiều sự kiện đang diễn ra hết sức mau lẹ.
Và như lịch sử từng trân trọng ghi lại, chiều ngày 2/9/1945, tại Vườn hoa Ba Đình – Hà Nội (Quảng trường Ba Đình – Hà Nội), các thành viên của Chính phủ lâm thời có mặt trên lễ đài. Thành phần Chính phủ bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, gần một nửa số bộ trưởng là nhân sĩ, trí thức không đảng phái; một số cán bộ Đảng và Việt minh đã tự nguyện rút khỏi danh sách Chính phủ. Chủ tịch Hồ chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ cộng hòa”. Người trịnh trọng tuyên bố với thế giới “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đất nước đứng trước vô vàn khó khăn, có những khó khăn hết sức nghiêm trọng, ta phải cùng lúc đối phó với cả thù trong lẫn giặc ngoài. Ngày 3/9/1945, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày sáu vấn đề cấp bách nhất cần tập trung giải quyết để đưa nước nhà ra khỏi hiểm nguy: Một là, giải quyết nạn đói; hai là, thanh toán nạn dốt; ba là, tổ chức tổng tuyển cử; bốn là, giáo dục lại nhân dân theo tinh thần cần, kiệm, liêm chính; năm là bỏ ngay các thứ thuế bóc lột vô nhân đạo; sáu là, thực hiện tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết.
Dưới sự điều hành của Chính phủ lâm thời, cả nước hăng hái hưởng ứng phong trào diệt “giặc đói” và “giặc dốt”, thu được kết quả tốt đẹp. Nhân dân cả nước, nhất là ở các thành phố, còn hăng hái đóng góp vào Quỹ độc lập, Quỹ đảm phụ quốc phòng để xây dựng nền tài chính quốc gia và ngân sách quốc phòng.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức trên cả nước ngày 6/1/1946, bất chấp bom đạn của thực dân Pháp ở miền Nam và những hành động phá hoại của bọn phản động ở miền Bắc, có 333 đại biểu được bầu. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội ngày 2/3/1946 chấp nhận thêm 70 đại biểu không qua bầu cử, nhất trí đề nghị Người thành lập Chính phủ mới và Người đã đệ trình Quốc hội chuẩn y danh sách thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngay từ khi còn non trẻ đã thể hiện là một Nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc, có thành phần tham gia rộng rãi nhất của các giai tầng xã hội và khác hẳn với nền cộng hòa dân chủ của các nước tư bản.
Nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả các quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”, có nghĩa Nhà nước là của dân. Nhà nước do dân lựa chọn, bầu ra những đại biểu của mình, do dân ủng hộ, giúp đỡ, đóng thuế để Nhà nước hoạt động, lại do dân phê bình, xây dựng, giúp đỡ, đó là Nhà nước do dân. Nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, không có đặc quyền đặc lợi, thực sự trong sạch, cần kiệm, liêm chính, đó là Nhà nước vì dân(3).
Với tính chất ưu việt như vậy, xuyên suốt ba mươi năm chiến tranh ác liệt, gian khổ, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã huy động được sức mạnh tổng hợp to lớn của toàn dân để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), vừa kháng chiến vừa kiến quốc, từ năm 1954 đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có uy tín với nhân dân trong nước và nhân dân thế giới, giành nhiều thắng lợi trên mặt trận ngoại giao.
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội nhằm thực hiện mục tiêu chung của toàn thể nhân dân và dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng đường lối, chính sách và các nghị quyết của Đảng. Nhưng do tính chất của một thời kỳ lịch sử, đặc biệt trước năm 1975 và một số năm sau đó, Đảng phải áp dụng những phương thức lãnh đạo đặc biệt, với các biện pháp chính trị cứng rắn, quyết đoán. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng các nguyên tắc lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối và toàn diện, nhằm thống nhất cao độ sự lãnh đạo chính trị và thực hành chính trị. Đặc biệt lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện ở sự hòa quyện, không phân biệt rõ chức năng Đảng lãnh đạo Nhà nước và chức năng quản lý của Nhà nước đối với xã hội, Đảng với Nhà nước dường như là một. Đảng đóng vai trò tổng chỉ huy và tổ chức toàn bộ công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Do đó, đường lối, chủ trương của Đảng không dừng lại ở các nguyên tắc chung mà thường rất cụ thể, bao quát cả các chức năng của Nhà nước (4).
Đến Hiến pháp năm 1992, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước có những thay đổi quan trọng. Hiến pháp quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Quy định này hoàn toàn phù hợp với nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng và thực tế Việt Nam. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được đặt ra trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không quyết định trực tiếp mọi công việc của Nhà nước và Đảng không phải là cấp trên của Nhà nước. Quyền lực Nhà nước được tập trung. Tình trạng Đảng bao biện làm thay cơ quan Nhà nước, can thiệp vào chức năng của cơ quan Nhà nước, dùng phương pháp mệnh lệnh, áp đặt đối với cơ quan Nhà nước được khắc phục. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được Đại hội lần thứ VIII của Đảng năm 1996 nhắc lại là: “Tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của Đảng đã khẳng định đó là một tất yếu lịch sử và là tinh hoa, sản phẩm trí tuệ của loài người, của nền văn minh nhân loại.
Chỉ nói từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không ngừng được củng cố, phát huy hiệu lực quản lý, điều hành, tuy còn một số mặt cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2001 – 2010, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, nhân dân ta “đạt được những thành tựu to lớn, rất quan trọng, nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược đã được thực hiện. Mười năm qua là giai đoạn đất nước ta đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của hai cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực và toàn cầu, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh”(5).
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, yêu cầu dân chủ hóa xã hội và sự tham gia tích cực của đất nước vào quá trình toàn cầu hóa đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong văn kiện Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã xác định đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với 4 nội dung: Nâng cao nhận thức về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; Tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước; Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tích cực thực hành tiết kiệm, phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước dân chủ mới. Theo Người, Nhà nước phải phát huy dân chủ đến cao độ. Nhưng không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng hiến pháp và pháp luật, ngược lại hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng. Để xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả, Người nhấn mạnh cần tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức và kiên quyết chống ba thứ giặc nội xâm “là tham ô, lãng phí, quan liêu”(6). Đó là những lời dạy vô cùng quý giá để cán bộ quản lý Nhà nước và cán bộ nói chung học tập, làm theo, xứng đáng vừa là người lãnh đạo vừa là công bộc của nhân dân và đó cũng chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
__________________________
(1) – Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.CTQG, H, 2002, tr.1.
(2) – ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.CTQG, H, 2000, t.7, tr.27.
(3), (6) – Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb.CTQG, H, 2009, tr.263, 281.
(4) – Đảng và các tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay (Nguyễn Hữu Đổng chủ biên), Nxb.CTQG, H, 2009, tr.118, 119.
(5) – Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, 1-2011.
Theo Tuyengiao.vn
Thu Hiền (st)