Xét cho cùng, lịch sử loài người cũng như lịch sử mỗi dân tộc không có gì khác hơn là quá trình con người tự nhận thức để làm chủ bản thân, nhận thức về xã hội để làm chủ xã hội, nhận thức về thiên nhiên để làm chủ thiên nhiên. Nói đến vấn đề nhận thức là nói đến văn hoá, nói đến sự phát triển của trí tuệ và năng lực, tư duy, nói đến quá trình sáng tạo và sự phát triển không ngừng của khoa học, kỹ thuật, của văn minh công nghiệp.
Khái niệm văn hoá và văn minh có mối quan hệ khăng khít với nhau nhưng vẫn là hai vấn đề có nội hàm khác nhau. Khái niệm văn minh rộng hơn, bao quát hơn khái niệm văn hoá; văn minh là kết quả của quá trình phát triển còn văn hoá gắn với phát triển, là động lực của phát triển. Nói về văn hoá, Hồ Chí Minh đã định nghĩa rằng: “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Cụ thể hơn “xã hội thế nào, thì văn hoá thế ấy”. Người chỉ rõ: “Thực dân Pháp đã phá hoại tất cả các phong tục tập quán và nền văn minh của dân tộc bị xâm chiếm…Muốn biến một dân tộc thành nô lệ thì phải làm cho dân tộc đó càng ít văn hoá chừng nào càng tốt chừng ấy, phải ban cho dân tộc đó một nền văn hoá theo chiều nằm chứ không phải theo chiều đứng, như lời của viên toàn quyền Merlin đã từng nói.”
Đấu tranh bằng mọi hình thức và bằng mọi con đường để mang lại nền độc lập, tự do và ánh sáng văn hoá cho nhân dân, trước hết là tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người được xem là lý tưởng cao nhất của mục tiêu văn hoá trong con người vĩ đại Hồ Chí Minh. Cho nên, không phải ngẫu nhiên, từ những năm 1920 đến khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động văn hoá, lúc thì viết báo, khi thì viết sách, lúc viết truyện ký, viết kịch, làm thơ, vẽ ký hoạ vừa công khai, vừa bí mật hoặc bán công khai để tuyên truyền cho lý tưởng cách mạng, đồng thời tổ chức tập hợp quần chúng cách mạng, giáo dục cán bộ, đảng viên tạo nên lực lượng cách mạng hùng hậu cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cũng từ đó hình thành nền văn hoá Mácxít trong con người Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam mà còn là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, người thầy vĩ đại …
Lúc thiếu thời, cậu bé Thành rất thích 2 câu thơ:
Mỗi bữa không quên ghi sử sách
Lập thân hèn nhất ấy văn chương.
Năm 1905, sau khoảng 10 năm học chữ Hán, Nguyễn Tất Thành chuyển sang học tiếng Pháp, nhưng chỉ mới kịp học đến lớp cao đẳng tiểu học. Năm 1907, từ trường Đông Ba, Nguyễn Tất Thành được chuyển sang trường Quốc học Huế và được nhận vào lớp trung đẳng, hay còn gọi là lớp nhì của bậc tiểu học. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dạy trong trường. Nguyễn Tất Thành miệt mài học tập, tập viết, tập dịch, tập phát âm tiếng Pháp, mà vẫn không quên trau dồi chữ Hán, trong đầu luôn có suy nghĩ: “muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”.
Học xong lớp nhất niên khoá 107-108, Nguyễn Tất Thành đã đạt điểm xuất sắc đã vượt qua năm thứ nhất vào thẳng năm thứ hai trường Quốc học. Năm 1911 Thầy Thành dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ cho lớp ba và lớp tư tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết.
Bản Yêu sách của Nguyễn Ái Quốc được ông Phan văn Trường dịch ra tiếng Pháp nhưng ông không viết tất cả những điều mà Nguyễn Ái Quốc muốn nói, đến đây Nguyễn Ái Quốc đã nhận ra nhược điểm của mình là chưa viết được tiếng Pháp. Nguyễn Ái Quốc quyết định đến gặp chủ nhiệm báo Dân chúng là Giăng Lông-ghê – cháu ngoại của Các-Mác đồng thời là Nghị sỹ Quốc hội. Ông ta khuyến khích Nguyễn Ái Quốc học nghề làm báo và bày cách học viết báo cho Nguyễn Ái Quốc.
Ông Nguyễn nói thật mình còn kém tiếng Pháp, Người chủ bút nói: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài của anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được”. Ông Nguyễn bắt đầu viết rất khó khăn. Tin tức về Việt nam, ông Nguyễn không thiếu, cái ông thiếu nhất là văn Pháp. Ông Nguyễn viết làm hai bản, gửi cho toà báo một bản, giữ lại một bản. Ông hết sức vui sướng khi thấy bài viết đầu tiên của mình được đăng lên báo. Ông đọc lại bài báo đã in, so sánh và sửa chữa những chỗ viết sai. Ông kiên nhẫn làm theo cách ấy. Khi thấy đã viết bớt sai, ông chủ bút bảo ông Nguyễn: “ Bây giờ anh viết dài hơn một tí, viết độ bảy tám dòng”. Ông Nguyễn viết bảy, tám dòng.
Dần dần, ông Nguyễn có thể viết cả một cột báo và có khi dài hơn. Lúc bấy giờ, người chủ bút trở thành bạn thân của ông Nguyễn, khẽ bảo: “Bây giờ anh viết ngắn lại, viết từng này hoặc từng này dòng. Không viết dài hơn”.
Ông Nguyễn thấy rằng, phải rút ngắn cũng không như trước kia phải kéo dài, nhưng hết sức cố gắng. Và ông thành công. Ông bắt đầu vào làng báo từ đó.
Ngày mồng 2 tháng 8 năm 1919 là một ngày đáng nghi nhớ. Bởi lẽ hôm đó, báo Nhân đạo đăng bài viết đầu tiên của nhà báo Nguyễn Ái Quốc có nhan đề Vấn đề Bản xứ.Tiếp theo là các bài “Đông Dương và Triều Tiên” hay “Thư gửi Ông U-tơ-rây”.
Với kinh nghiệm như vậy, sau này Bác được học ở trường Lê-nin, trường Đảng cao cấp cho các lãnh tụ nước ngoài và học ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Bác có thể đọc báo Đảng bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, dịch các bài hay để bồi dưỡng tinh thần quốc tế cho nhóm học sinh Việt Nam. Bác còn chú ý dạy cho anh em cách viết: qua việc duyệt các bài báo hoặc những tài liệu do anh em dịch ra tiếng Việt, Bác luôn luôn chú ý làm cho anh em viết một cách giản đơn, dễ hiểu, không dùng nhiều danh từ và nếu dùng thì dùng cho đúng. Nếu Bác thấy lủng củng, khó hiểu tức thì Bác gạch đi, bảo viết lại hay dịch lại.
Năm 1927-1928 Bác ở Xiêm và lấy tên là Thầu Chín. Bác đặt chương trình hàng ngày của mình: Buổi sáng lao động mấy giờ, học tiếng Xiêm mấy chục chữ, dịch mấy trang sách; buổi tối, huấn luyện chính trị hoặc nói chuyện với mọi người. Thầu Chín tham gia gánh gạch xây dựng nhà trường. Vì chưa quen gánh nặng nên buổi đầu, ông đặt chương trình gánh mỗi đầu mười viên, sau tăng dần lên 15 viên và mỗi sáng gánh hai chục gánh. Cứ mỗi lần gánh đến chỗ xếp gạch, ông lại lấy phấn đánh dấu, theo thứ tự nét chữ “chính” là ông nghỉ; ông cũng không bao giờ gánh hơn mà cũng không gánh kém. Thầu Chín cũng cổ động mọi người học chữ Xiêm; số người cùng học được mười người. Khi đặt chương trình, Thầu Chín đề ra cách học: trong thời gian đầu mỗi ngày học mười chữ, về sau tăng dần lên. Mọi người chê ít, đòi học nhiều hơn. Thầu Chín chủ trương học mười chữ thôi. Mọi người cho rằng nhất định mình học được. Chưa đầy ba tháng, Thầu Chín đã xem được báo chữ Xiêm.
Thầu Chín đã xem sách và dịch sách như thế nào? Trước khi định đọc hay dịch một cuốn sách, ông đếm số chương và số trang, rồi đặt chương trình mỗi ngày dịch hay đọc mấy tờ. Ông không bao giờ chịu sai chương trình (hồi ấy Thầu Chín dịch cuốn Nhân loại tiến hoá sử và cuốn cộng sản A,B,C). Nếu gặp việc đột xuất, như có kiều bào đến nói chuyện thì Ông cũng kiếm thời gian khác bù vào cho đúng kế hoặch. Chính vì sự kiên trì mà sau này về Pắc Bó Người đã dịch thành công cuốn lịch sử Đảng bằng tiếng Nga.
Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành rời Cảng Nhà Rồng sang phương Tây trên một chiếc tàu viễn dương Pháp thì ngày 8/2/1941, Nguyễn Ái Quốc bước qua biên giới Việt- Trung, khép 30 năm bôn ba đi tìm con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ vinh quang.
10 năm học chữ Hán với cha và các nhà nho yêu nước đã trang bị cho Nguyễn Tất Thành một vốn chữ Hán không nhỏ để sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thể sáng tác 133 bài thơ chữ Hán trong ngục tù của bọn Tưởng. Nhà thơ Cu-ba Phê lích Pi ta Rôđơrighết đã mượn câu của W.Uýtman để nói về Nhật Ký trong tù: “Ai mở cuốn sách này sẽ gặp một con người” và ông nói thêm: “Một con người, nhưng đây là một con người đã qua một sự chắt lọc trong sáng nhất, đã được nâng lên làm cho nó có tầm vóc lớn”.
Mở đầu tập Ngục trung nhật ký Người viết: “Ngâm thơ ta vốn không ham…” đúng với suy nghĩ của cậu Thành thời trẻ “Lập thân tối hạ thị văn chương”, nhưng trên con đường 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng, Người nhận ra rằng văn chương là một lợi khí sắc bén và đã nắm lấy nó, trau dồi để sử dụng thành thục nhằm phục vụ cách mạng. Từ vở kịch con Rồng Tre, truyện Vi Hành, Bản án Chế độ Thực dân Pháp, các bài báo bằng tiếng Pháp, Chính Cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng cho đến Bản Tuyên ngôn Độc lập, các bài thơ Chúc tết và Di chúc bất hủ đều thống nhất một quan điểm: viết văn, viết thơ là một hành động cách mạng. Trước khi viết, Người cân nhắc xem: “viết cho ai – đối tượng; viết để làm gì – mục đích; viết cái gì – nội dung; viết như thế nào? – thể loại.
Trên con đường hoạt động cách mạng, Bác đã đi rất nhiều nước, viết rất nhiều tác phẩm, học và nói được rất nhiều thứ tiếng tất cả cũng chỉ nhằm một mục đích cuối cùng là phục vụ cách mạng, làm cho nước nhà được độc lập, tự do, nhân dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành…Bác viết cả chính luận, chính trị, kịch, thơ ca hò vè, nhưng ít khi trích dẫn. Ngôn ngữ sử dụng mộc mạc, giản dị, dễ hiểu mà có sức cổ vũ lan toả, lôi cuốn, động viên lớn, mang đậm phong cách Hồ Chí Minh. Chẳng hạn nói về Đảng, Bác nhấn mạnh: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài… Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Còn đối với quần chúng nhân dân để nói về sự đoàn kết Bác viết Bài ca sợi chỉ, bài thơ Hòn đá, động viên nhân dân vào hợp tác xã nông nghiệp, Lê nin dùng hình ảnh: “Người nông dân như củ khoai tây…” còn Bác lại viết: “Bà con hãy vào hợp tác xã đi, nó có rất nhiều lợi ích giống như hai người đi tắm kỳ lưng cho nhau”.
Tại Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội tháng 11 năm 1946, Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc nêu bật nhiệm vụ của nền văn hoá mới và vai trò động lực của văn hoá đối với cách mạng. Người nói: “Văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng.
Đặc biệt khi nói với giới văn nghệ sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ quan điểm của mình một cách rõ ràng về mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá với kinh tế…Người nói: “Văn hoá và nghệ thuật cũng như nhiều hoạt động khác, không thể đứng ngoài mà phải đứng trong kinh tế và chính trị”. Từ đó quan điểm đó, Người đề ra khẩu hiệu: “Kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến. Văn hoá cũng là một mặt trận, người nghệ sỹ cũng đồng thời là người chiến sĩ trên mặt trận đó”.
Ngày nay, văn hoá trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển không phải là chân lý độc quyền ở nước ta, cho riêng xã hội ta. Đó là những vấn đề chung mang tính toàn cầu, cho nên không phải ngẫu nhiên UNESCO lại đứng ra phát động Thập kỷ thế giới văn hoá giữa lúc thế giới đang bùng nổ thông tin, bùng nổ văn hoá và sự phát triển mạnh mẽ khoa học kỹ thuật và công nghệ, hứa hẹn một giai đoạn phát triển mới, một nền văn minh mới của xã hội loài người.
Thiết nghĩ, Đảng ta đã phát động và đang triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì những “nét văn hoá độc đáo trongcách học, cách viết” của Bác đáng để mỗi người chúng ta suy nghĩ, vận dụng thực hiện trong cuộc sống hàng ngày, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc. Phương pháp học và cách viết của Bác sẽ mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị cho các thế hệ mai sau.
Bùi Công Uẩn