“Tình yêu Tổ quốc là đạo đức tối cao”

– Ngày 6/8/1945, qua điện đài liên lạc với cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc), Thiếu tá A.Thomas, người chỉ huy toán “Con Nai” đang tham gia Đại đội Việt-Mỹ hoạt động ở Chiến khu Tân Trào đã thông báo tới người đứng đầu Mặt trận Việt Minh, Hồ Chí Minh biết tin Mỹ đã ném bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản, sự kiện đó sẽ tác động mạnh mẽ vào tình hình Đông Dương, nơi phát xít Nhật đang chiếm đóng.

Trong sách “Why Vietnam?” (Tại sao Việt Nam?), đại tá tình báo Mỹ A.Patti nhận định:

“Vào ngày 6 tháng 8 vụ “Hiroshima” đã báo trước sự kết thúc của cuộc chiến tranh. Trước khi đó, ông Hồ chưa thực sẵn sàng, nhưng khi ông được Thomas cho biết sự sụp đổ của Nhật, ông đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng vì ông phải bảo đảm chiếm được một chỗ đứng chân vững chắc ở những nơi ông muốn ở Hà Nội, Huế và Sài Gòn.

Ông Hồ biết rằng ông phải làm cho mọi người thấy rõ được cả tính hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ được vai trò lãnh đạo và đà phát triển của phong trào. Mặc dù còn rất yếu sau một cơn sốt rét và nhiều bệnh tật khác, ông cũng cho triệu tập một cuộc hội nghị các đại biểu Đảng và các lãnh tụ chính trị Việt Minh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bên lá cờ tổ quốc, Ảnh do một sĩ quan Anh chụp đầu năm 1946.Chủ tịch Hồ Chí Minh bên lá cờ Tổ quốc. Ảnh do một sĩ quan Anh chụp đầu năm 1946.

Còn trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết sau khi nghe được thông tin này, Bác ra chỉ thị và tung lực lượng giao thông nhanh chóng toả đi các địa phương để triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào.

Quan sát diễn biến của tình hình, tác giả sách “Why Vietnam?” cho rằng Hồ Chí Minh đã rất nhanh nhạy chớp thời cơ, chạy đua với thời gian để đạt được một mục tiêu rất thực tế.

Với Đại hội Quốc dân Tân Trào, “Ông Hồ đã lái Đại hội tới chỗ tán thành một chính sách thực tế là giành lấy chính quyền từ trong tay người Nhật và Chính phủ bù nhìn trước khi quân đội Đồng Minh vào Đông Dương và như thế với danh nghĩa là những người chủ của đất nước chúng ta hoan nghênh đón quân đội đó đến giải giáp Nhật…

Khi kết thúc Đại hội đáng ghi nhớ này, ông Hồ đưa ra lời kêu gọi hùng hồn với toàn thể nhân dân Việt Nam và ký vào bản kêu gọi với cái tên mà trước đây ông đã dùng khi bắt đầu cuộc  đời  đấu tranh cách mạng của  ông: “Nguyễn Ái Quốc”. Lời kêu gọi đánh vào tinh thần yêu nước của người Việt Nam và ông muốn cho họ biết ông vốn là “Nguyễn, người coi tình yêu Tổ quốc là đạo đức tối cao”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement