Ấn tượng về đôi mắt của một con người phi thường

– Cách đây 64 năm, ngày 9/6/1945, từ chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung uý Charles Fenn thuộc đơn vị Tình báo Chiến lược Mỹ OSS đóng ở Côn Minh (Trung Quốc) báo tin các báo vụ viên của Mỹ được cử làm việc trong bộ đội Việt Minh (Mc Shin và Frank Tan) vẫn “mạnh khoẻ và chúng tôi đã trở nên bạn bè thân thiết như anh em một nhà”.

Người lãnh đạo Mặt trận Việt Minh yêu cầu OSS chuyển thư tới một người Việt Nam để người đó gửi cho mình một “lá cờ của Đồng Minh”. Cũng trong đầu tháng 6/1945, Hồ Chí Minh điện báo cho người đứng đầu OSS ở Côn Minh là A.Patti biết rằng Việt Minh đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng một ngàn chiến sĩ du kích đang được huấn luyện tốt tại Chợ Chu, Định Hoá.

Tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm cùng đơn vị OSS tại Hà NộiTháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh kỷ niệm cùng đơn vị OSS tại Hà Nội

Trước đó 1 tháng, (9/5/1945), Hồ Chí Minh cũng viết thư cho Charles Fenn và Bernard bày tỏ hy vọng các chiến sĩ Việt Minh sẽ học được cách sử dụng điện đài do nhân viên OSS đang huấn luyện và “Tôi hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại căn cứ của chúng tôi. Nếu được thế thì thật tuyệt”. Ngày 21/7/1945, Bác lại viết thư cho Ch.Fenn nhấn mạnh “Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng nồng nhiệt đón ông”.

Vài ngày sau, một đơn vị biệt kích của OSS với bí danh là “Con Nai” (The Deer) đã nhảy dù xuống Tân Trào hợp tác với Việt Minh đánh Nhật. Nhưng trong đơn vị này không có Ch.Fenn. Và sau đó viên sĩ quan tình báo này cũng không bao giờ gặp lại người mà lần đầu ông gặp vào tháng 3/1945 tại Côn Minh. Chính viên trung uý này cũng đã giới thiệu Bác với Tướng Chelnault người đứng đầu quân đội Mỹ và Đồng Minh ở vùng Hoa Nam để thiết lập sự hợp tác chống phát xít Nhật.

Nhưng Ch.Fenn luôn giữ những ấn tượng tốt về Bác. Năm 1973, ông đã viết cuốn tiểu sử Hồ Chí Minh bằng tiếng Ạnh được xuất bản ở Mỹ và cũng vì thế ông bị trục xuất khỏi đất nước mà ông phụng sự (tuy gốc là người Anh). Ông sang Hong Kong tiếp tục những sáng tác kịch giành cảm tình với Hồ Chí Minh. Tháng 9/1995, ông sang Việt Nam cùng với các cựu binh OSS.

Và trước khi qua đời vào độ tuổi ngoài 100 ông còn viết lời tựa cho một cuốn album tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời đánh giá tốt đẹp: “Lần đầu tôi gặp Hồ Chí Minh ở Trung Quốc vào tháng 3/1945… Tôi nói chuyện với Hồ Chí Minh một người dáng nhỏ, gầy, hơi già trong chiếc áo vải bông sờn cũ.

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp, bởi vì tôi chưa biết rằng ông còn thạo tiếng Anh, không kể tiếng Nga, Đức, Xiêm, hai phương ngữ Trung Hoa và tất nhiên, tiếng Việt và tiếng của một vài dân tộc thiểu số ở Việt Nam.  Thoạt đầu ông không gây cho tôi một ấn tượng gì đặc biệt. Nhưng đến khi tôi cảm nhận được ánh sáng đặc biệt của đôi mắt ông, tôi biết tôi đang đứng trước một con người phi thường…

Sau này khi hướng dẫn cho ông nghệ thuật tình báo quân sự phương Tây, tôi mới thấy đôi mắt sáng của ông đã ánh lên thần thái mạnh mẽ thế nào qua việc ông nắm vững rất nhanh môn học đầy phức tạp đó… Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ khác của thế kỷ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian dài Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước khi cả Mao Trạch Đông, Gandhi, Nehru, Roosevelt, Churchill hay De Gaulle được biết trên thế giới.

Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của ông bất chấp những khó khăn chất chồng, đã có thể đưa Hồ Chí Minh, trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại, lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỷ XX”.

X&N
bee.net.vn

Advertisement